NGỮ VĂN 12

Tác phẩm học kì 1 Ngữ Văn 12

Tác phẩm học kì 1 Ngữ Văn 12

TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP – Hồ Chí Minh

Lời dẫn: “Tuyên ngôn Độc lập” là một văn kiện có giá trị lịch sử to lớn: Là lời tuyên bố xóa bỏ thực dân, phong kiến khai sinh ra nước Việt Nam mới; khẳng định quyền tự chủ và vị thế bình đẳng của dân tộc ta trên toàn thế giới; Là mốc son lịch sử mở ra kỉ nguyên độc lập, tự do trên đất nước ta. Đồng thời còn là lời tuyên thệ cho quyết tâm chiến đấu, quyết tâm giữ vững nền độc lập – tự do của nhân dân Việt Nam.

TÁC GIẢ
HỒ CHÍ MINH

 

– Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ “tài ba, kiệt xuất” của dân tộc Việt Nam cũng như trên thế giới.

– Người còn được biết đến với tư cách là một nhà văn, nhà thơ, nhà chính chị mẫu mực.

– Trong sự nghiệp sáng tác, Người để lại vô số những tác phẩm có giá trị ở nhiều thể loại truyện, kí, thơ, văn chính luận…
– “Tuyên ngôn Độc lập” là một áng văn chính luận mẫu mực đầy tâm huyết, một nghệ thuật lập luận bậc thầy trong lịch sử văn học dân tộc.

 

MỤC ĐÍCH SÁNG TÁC CỦA BẢN “TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP”

 

Đọc trước quốc dân đồng bào và tuyên bố với thế giới đặc biệt là với những thế lực thù địch đang đe dọa nền độc lập của dân tộc Việt Nam.

Đập tan luận điểm “hàm hồ, sằng bậy” của kẻ thù: Đông Dương là của Pháp nay Nhật đầu hàng đồng minh thì Đông Dương phải trả lại cho Pháp.

HOÀN CẢNH RA ĐỜI CỦA
BẢN “TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP”

 

– Tình hình thế giới:

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh. Bọn thực dân, đế quốc nấp sau danh nghĩa quân đồng minh tiếp tục âm mưu xâm chiếm nước ta.

Tình hình trong nước:

Nhân dân ta vùng lên dành chính quyền. Đảng ta nhận định mâu thuẫn giữa Anh – Pháp – Mĩ và Liên Xô có thể khiến Anh – Mĩ để Pháp trở lại Đông Dương.
– Thực tế:

Thực dân Pháp ráo riết chuẩn bị cho cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai, chúng tạo dư luận quốc tế: Pháp có công khai hóa Đông Dương đây vốn là đất bảo hộ của Pháp bị Nhật chiếm, nay Nhật đã đầu hàng đồng minh, Pháp đương nhiên có quyền trở lại Đông Dương để thay thế quân đội Nhật.

– Nhìn nhận tình hình:

Ngày 26/8/1945, chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Bác viết Bản “Tuyên ngôn Độc lập”

Ngày 2/9, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hàng chục vạn đồng bào, Bác đọc bản Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Ý NGHĨA (GIÁ TRỊ) BẢN “TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP”

– Ý nghĩa (giá trị) đối với lịch sử:
+ Bản “Tuyên ngôn Độc lập” là một văn kiện lịch sử đúc kết nguyện vọng sâu sa của nhân dân Việt Nam về quyền độc lập, tự do cũng là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh gần 100 năm của dân tộc ta để có quyền thiêng liêng đó.
+ Bản “Tuyên ngôn độc lập” đã tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở Việt Nam mở ra một kỉ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam: Kỉ nguyên “độc lập – tự do”, kỉ nguyên nhân dân làm chủ đất nước.
– Ý nghĩa (giá trị) đối với văn học:
+ Bản “Tuyên ngôn độc lập” là một áng văn yêu nước
lớn của thời đại. Tác phẩm khẳng định mạnh mẽ quyền độc lập của dân tộc, gắn độc lập dân tộc với quyền sống của con người, nêu cao truyền thống yêu nước, truyền thống nhân đạo của con người Việt Nam.
+ Bản “Tuyên ngôn độc lập” là một áng văn chính luận mẫu mực. Dung lượng tác phẩm gắn gọn, cô đọng, gây ấn tượng sâu sắc. Kết cấu tác phẩm mạch lạc, chặt chẽ; chứng cứ cụ thể, xác thực; lập luận sắc bén, giàu sức thuyết phục. Ngôn ngữ tác phẩm chính xác, gợi cảm, tác động mạnh mẽ vào tình cảm, nhận thức của người nghe, người đọc.

Bản “Tuyên ngôn Độc lập” của Việt Nam được hình thành dưới ngòi bút anh minh của chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ là tấm giấy khai sinh cho một nhà nước Việt Nam mà còn đóng góp cho sự nghiệp giải phóng nhân loại mang tầm vóc thời đại.

“TÂY TIẾN” – Quang Dũng

 

Lời dẫn: Chiến tranh đã đi qua, những hạt bụi thời gian dần phủ dày lên kí ức của năm tháng, tưởng chừng có thể vùi chôn đi hình ảnh của những anh hùng vô danh. Nhưng văn học với sự mệnh thiêng liêng của nó đã khắc tạc vĩnh viễn vào tâm hồn độc giả hình ảnh những người con anh hùng của đất nước, họ đã dùng máu và nước mắt của mình tô lên hai chữ “độc lập” của dân tộc. Kho tàng văn thơ kháng chiến Việt Nam không thiếu những bản anh hùng ca về người lính cụ Hồ, “Tây Tiến” là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất đối với giai đoạn lịch sử 1945 – 1954. Với sự kết hợp tài tình với chất họa và chất nhạc, Quang Dũng đã dùng bút lực của mình để họa lên thi đàn văn chương một bức tượng đài người lính Tây Tiến vừa lãng mạn tài hoa vừa hào hùng bi tráng.

 

 

TÁC GIẢ QUANG DŨNG

– Quang Dũng (1921 – 1988) tên khai sinh là Bùi Đình Diệm, quê ở làng

Phượng Trì – Đan Phượng – Hà Nội.

– Quang Dũng là người nghệ sĩ đa tài nhưng trước hết là một thi sĩ mang hồn thơ phóng khoáng, đôn hậu, tài hoa, đặc biệt là khi ông viết về người lính.

“Tây Tiến” là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng cũng như thơ ca kháng chiến chống Pháp; tác phẩm khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến.

 

 

HOÀN CẢNH SÁNG TÁC

– Tây Tiến là một phân hiệu bộ đội được thành lập năm 1947, thành phần chủ yếu là những thanh niên tri thức Hà thành. Nhiệm vụ của họ là phối hợp với bộ đội Lào đánh tiêu hao sinh lực địch ở vùng Thượng Lào và một phần của tỉnh Sầm Nứa. Năm 1948, Tây Tiến giải thể thành lập trung đoàn 52, Quang Dũng cũng chuyển sang đơn vị khác. Sau khi rời đơn vị cũ chưa được bao lâu, Quang Dũng đã sáng tác bài thơ này tại Phù Lưu Chanh bên dòng sông Đáy. Lúc đầu, bài thơ có tên là “Nhớ Tây Tiến” nhưng về sau nhà thơ đổi lại thành “Tây Tiến” và được in trong tập “Mây đầu ô”

NỘI DUNG

Cả bài thơ là nỗi nhớ da diết của nhà thơ đối với đơn vị Tây Tiến. Nhớ những chặng đường hành quân với bao gian khổ, thiếu thốn, hi sinh, mất mát mà vẫn có nhiều kỉ niệm đẹp, thú vị, ấm áp; nhớ những đồng đội Tây Tiến anh hùng… Qua đó, tác giả đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến hào hùng, hào hoa và vẻ đẹp hùng vĩ thơ mộng của thiên nhiên miền Tây tổ quốc.

NGHỆ THUẬT

Bút pháp hiện thực kết hợp lãng mạn, đậm chất bi tráng.

– Nhiều sáng tạo về hình ảnh, ngôn ngữ, giọng điệu:

+ Hình ảnh thơ sáng tạo mang sắc thái thẩm mĩ

+ Ngôn ngữ thơ đa sắc thái, phong cách, tên địa danh vừa cụ thể xác thực vừa gợi

cảm giác lạ lẫm…

+ Giọng điệu khi tha thiết bồi hổi, khi hồn nhiên vui tươi, khi bâng khuâng mang mác, khi trang trọng, khi trầm lắng…

Kết luận: “Tây Tiến” là một khúc ca lãng mạn về một thời kì lửa cháy của dân tộc. Trên bức phông nền thiên nhiên vừa hùng vĩ, dữ dội vừa trữ tình nên họa nên thơ được tái hiện qua nỗi nhớ người lính, hình ảnh đoàn quân Tây Tiến hiện lên một cách thật đẹp, thật hào hoa được xây dựng bằng bút pháp lãng mạn và cảm hứng bị tráng.

“VIỆT BẮC” – Tố Hữu

Lời dẫn: Tố Hữu từng tâm niệm: “Thơ chỉ bật ra trong tim ta khi cuộc sống đã đầy”. Chính những niềm thương nỗi nhớ đã tạo ra những rung động mãnh liệt trong cảm xúc để rồi dòng thời gian lại trào ra trong nhung nhớ vô vàn. Và đối với Tố Hữu, “Việt Bắc” chính là sự rung động ấy. “Việt Bắc” một thi phẩm đặc sắc đậm đà bản sắc dân tộc, ca ngợi con người kháng chiến và cuộc sống chiến khu thời kháng chiến chống Pháp gian khổ, hào hùng và là bản tình ca thủy chung, nghĩa tình giữa con người cách mạng với đồng bào Việt Bắc.

TÁC GIẢ TỐ HỮU

 

– Tố Hữu (1920 – 2002)

– Tố Hữu đã từng quan niệm: “Làm thơ là làm cách mạng bằng thơ”. Vì thế, đường thơ của Tố Hữu song hành với đường thơ của cách mạng.

– Thành công của thơ Tố Hữu là bằng chứng sinh động của sự kết hợp hai yếu tố trữ tình và chính trị được thể hiện trong một hình thức thơ đậm đà tính dân tộc.

HOÀN CẢNH RA ĐỜI

– Bài thơ được in trong tập thơ “Việt Bắc”. Đây là chặng đường thơ của Tố Hữu trong những năm kháng chiến chống Pháp.

– Nhan đề của bài thơ “Việt Bắc” được chọn làm tên cho cả tập thơ. Bởi bài thơ xứng đáng là tác phẩm xuất sắc nhất của Tố Hữu nói riêng và thơ ca cách mạng nói chung. Bài thơ lấy cảm hứng từ sự kiện lịch sử: Khi những cán bộ chiến sĩ rời chiến khu Việt Bắc về thủ đô Hà Nội sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954)

– Bài thơ được coi là khúc giao mùa của lịch sử, cuộc bàn giao giữa chiến tranh và hòa bình, đặt ra những vấn đề về tư tưởng và tình cảm rất bức thiết: Liệu cuộc sống hòa bình có làm cho ta quên đi nhân dân đã đổ xương máu để làm nên thắng lợi. Đúng lúc ấy, bài thơ “Việt Bắc” ra đời không chỉ để ôn lại thời gian gian khổ mà còn như một lời nhắc nhở về đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

NỘI DUNG

– Bài thơ thể hiện tình cảm lưu luyến, bịn rịn của những người cán bộ cách mạng về xuôi với đồng bào Việt Bắc và đó cũng là tình cảm của người dân Việt Bắc với cán bộ cách mạng.

– Bài thơ khẳng định tình nghĩa thủy chung gắn bó, tình cảm uống nước nhớ nguồn của những cán bộ cách mạng đối với thủ đô kháng chiến, quê hương cách mạng và người dân Việt Nam.

NGHỆ THUẬT

– Bài thơ được viết theo thể thơ lục bát

– Bải thơ được viết theo kết cấu đối đáp thường gặp trong ca dao, dân ca

– Sử dụng cách ví von so sánh thường gặp trong văn học dân gian.

– Ngôn ngữ thơ mộc mạc, giản dị, gần gũi với lời ăn tiếng nói của nhân dân.

– Hình ảnh chân thật, cụ thể.

Kết luận: Bài thơ “Việt Bắc” để lại ấn tượng trong lòng người đọc bởi bức tranh thiên nhiên con người Việt Bắc. Đó là những dấu ấn không thể phai nhòa trong khoảng lặng tâm hồn của nhà thơ và cũng như độc giả. Bằng cách sử dụng thể thơ lục bát mang âm hưởng sâu lắng, giọng điệu thủ thỉ tâm tình, cách sử dụng cặp đại từ “mình – ta” độc đáo sáng tạo, ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, cùng các biện pháp tu từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc, nghệ thuật liệt kê… Tố Hữu đã mang đến cho người đọc những cảm xúc khó tả, sự khâm phục tinh thần bất khuất của một thời lịch sử hào hùng đã qua.

“ĐẤT NƯỚC” – Nguyễn Khoa Điềm

Lời dẫn: Đất Nước – hai tiếng thiêng liêng ấy vang lên tự sâu thẳm tâm hồn ta vừa trang trọng vừa xiết bao bình dị. Hình tượng Đất nước đã khơi nguồn cho biết bao hồn thơ cất cánh. Văn học 1954 – 1975, trong mạch chảy ngầm dạt dào, mãnh liệt của cuộc sống không chỉ bắt được những âm vang náo nức của thời đại mà còn khắc tạc nên tượng đài nghệ thuật Đất nước thật nên thơ, cao đẹp. Đối với những con người đất Việt họ luôn mang trong mình một tình yêu Tổ quốc thiết tha nhất. Mang hết cả một dáng hình Việt Nam vào bài thơ “Đất Nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện những nhận thức, khám phá mới mẻ về Đất Nước của tuổi trẻ thành thị miền Nam trong thời chống Mỹ. Trên nền văn hóa dân gian vững chắc, tác giả đã hướng sự tìm tòi, suy ngẫm tới nhiều bình diện như lịch sử, địa lý, phong tục… để làm nổi bật tư tưởng Đất Nước của Nhân Dân và gợi ý thức trách nhiệm của mỗi người trước vận mệnh của Đất Nước.

 

TÁC GIẢ NGUYỄN KHOA ĐIỀM

– Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943, sống tại Thừa Thiên Huế trong một gia đình cách mạng.
– Nguyễn Khoa Điềm là một trong số các nhà thơ tiêu biểu thuộc thế hệ các nhà thơ trẻ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ.
– Thơ ca của ông mang đậm chất suy tư về con người và hoàn cảnh Việt Nam

HOÀN CẢNH RA ĐỜI

– Bắt nguồn từ cảm hứng bất tận là tình cảm quê hương đất nước, tự hào về những giá trị tốt đẹp truyền thống dân tộc.
– Đoạn trích nằm ở phần đầu chương V của trường ca “Mặt đường khát vọng”. Sáng tác vào mùa đông năm 1971, tại chiến trường Trị – Thiên. Đây là thời điềm cuộc chiến tranh chống Mỹ đang hồi quyết liệt.
– “Mặt đường khát vọng” với ý nghĩa thức tỉnh tuổi trẻ, bồi đắp thêm tình yêu quê hương đất nước, nhân dân, ý thức về trách nhiệm của bản thân cần hòa cùng cuộc chiến đấu của dân tộc, tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng nhân dân.

NỘI DUNG

Thể hiện những nhận thức, khám phá mới mẻ về Đất Nước của tuổi trẻ thành thị miền Nam trong thời kì chống Mỹ. Trên nền văn hóa dân gian vững chắc, tác giả đã định hướng sự tìm tòi, suy ngẫm tới nhiều bình diện như: Lịch sử, địa lý, phong tục… Để làm nổi bật tư tưởng Đất Nước của Nhân Dân và gợi ý trách nhiệm của mỗi người trước vận mệnh của Đất Nước.

NGHỆ THUẬT

– Thể thơ tự do, phóng khoáng không bị bó buộc về số chữ trong một câu, số câu trong một bài vừa tạo ra nét độc đáo về hình thức vừa là cơ hội để dòng chảy của cảm xúc được phát triển một cách tự nhiên.
– Sử dụng các chất liệu văn hóa dân gian
– Giọng thơ trữ tình – chính luận là sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người tri thức về đất nước và con người.

Kết luận: Đoạn trích “Đất Nước” của trường ca “Mặt đường khát vọng” là sự khẳng định về một tư tưởng mới mẻ “Đất nước là của Nhân dân”, là lý giải hoàn hảo cho những thắc mắc của đọc giả về câu hỏi: “Đất nước có từ bao giờ và đất nước là của ai?” Một cách cắt nghĩa, giải thích đầy mới mẻ. Chẳng phải nơi chúng ta đang sống, mọi thứ quanh mình, đều là những gì thuộc về đất nước hay sao? Và những câu hỏi thắc mắc về quê hương, đất nước mình vẫn còn là những điều sẽ còn được nhắc hoài, nhắc mãi, để bạn đọc không ngừng tìm kiếm những điều mới lạ ấy, sự thú vị ấy trong thơ văn.

“SÓNG” – Xuân Quỳnh


Lời dẫn:
Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ thời kháng chiến chống Mỹ. Những dòng thơ của tác giả thể hiện trái tim phụ nữ đôn hậu, chân thành, giàu đức hy sinh và lòng vị tha cùng khát vọng sống, khát vọng yêu chân thành, mãnh liệt luôn gắn liền với những dự cảm, lo âu. Tiến sĩ Chu Văn Sơn từng nhận định: “Thơ Xuân Quỳnh là thơ của một cánh chuồn chuồn bay tìm chỗ nương thân trong nắng nôi dông bão của cuộc đời …” Và quả thực, những vần thơ của Xuân Quỳnh là vậy. Với chị, mỗi dòng thơ hệt như những dòng nhật kí bỏ ngỏ xuất phát từ trái tim về những khát khao, những cảm xúc, những suy nghĩ lo âu của người phụ nữ khi đứng trước bao lo toan, hạnh phúc đời thường. Để rồi cứ thế, “Sóng” của Xuân Quỳnh lặng lẽ đi vào lòng người như một “ nốt nhạc xanh giữa thời kì lửa cháy” với bao khát vọng về tình yêu và tuổi trẻ.

TÁC GIẢ XUÂN QUỲNH

– Xuân Quỳnh (1942 – 1988) quê ở làng lụa Hà Đông.

– Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ những nhà thơ trẻ thời kì chống Mỹ.
– Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn người phụ nữ nhiều trắc ẩn vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường.
– Những câu thơ của Xuân Quỳnh giàu tình cảm và sự tinh tế nhưng lẩn khuất phía sau những tình cảm ấy là tư tưởng có tính khái quát, triết lý. Đây là một trong những triết lý được nảy sinh từ đời sống.

HOÀN CẢNH RA ĐỜI

– Bài thơ “Sóng” được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi công tác vùng biển Diêm Điền. Đứng trước biển rộng lớn với những con sóng dạt dào xô vào bờ, trong lòng bà gợi lên nhiều suy tư, trăn trở và cảm xúc. Từ đó là nguồn cảm hứng để bà sáng tác bài thơ này.

NỘI DUNG

Bài thơ là sự cảm nhận về tình yêu từ hình tượng sóng với tất cả những cung bậc sắc thái (nỗi nhớ, sự thủy chung, trắc trở) và cả khát vọng vĩnh cửu hóa tình yêu của một tâm hồn phụ nữ luôn chân thành, khát khao, hạnh phúc.

NGHỆ THUẬT

– Thể thơ năm chữ, nhịp điệu thơ đa dạng, linh hoạt tạo nên âm hưởng của những con sóng: Lúc dạt dào, sôi nổi, lúc sâu lắng dịu êm rất phù hợp với việc gửi gắm tâm tư sâu kín và những trạng thái tình cảm phức tạp của tâm hồn.
– Cấu trúc bài thơ được xác lập theo kiểu đan xen giữa hình tượng sóng – bờ, anh – em cùng góp phần làm nên nét đặc sắc cho bài thơ.

Kết luận: Nhận định về bài thơ “Sóng“, GS Trần Đình Sử có viết: “Sóng” là một bài thơ về tình yêu. Có hàng trăm dáng vẻ của thơ tình yêu. Thơ tỏ tình, thơ mong nhớ, thơ hoài niệm, thơ đau khổ vì thất tình… “Sóng” là bài thơ giãi bày và chiêm nghiệm…” Quả thực là như vậy. Từ cấu tứ bài thơ, cách gieo vần, nhịp, sử dụng hình ảnh và đôi khi còn bất tuân theo cả những quy luật của nghề thơ, chỉ với năm khổ thơ đầu nhưng Xuân Quỳnh đã đưa người đọc từ cung bậc này tới cung bậc khác trong tình yêu, để người đọc thêm một lần chìm đắm và suy ngẫm về tình yêu của chính mình. “Sóng” đã tự nhiên, trở thành tiếng hát, tiếng lòng của biết bao nhiêu người trẻ khát sống, khát yêu, hệt như Xuân Quỳnh.

Tác phẩm học kì 1 Ngữ Văn 12 Tác phẩm học kì 1 Ngữ Văn 12
Tác phẩm học kì 1 Ngữ Văn 12

Đề cương ôn tập học kì 1 Ngữ Văn 12 – tóm tắt những ý chính nhất cần nắm về mặt nội dung, nghệ thuật của một số tác phẩm văn học trong chương trình học kì 1 Ngữ Văn 12, mong rằng các bạn nắm chắc những kiến thức hữu dụng này và trải qua kì thi xuất sắc. Mọi câu hỏi để ở mục bình luận và chắc chắn VHT sẽ giải đáp. Tác phẩm học kì 1 Ngữ Văn 12

Tags
Show More

Related Articles

1 thought on “Tác phẩm học kì 1 Ngữ Văn 12”

  1. Có những áng thiên cổ hùng văn như tuyên ngôn độc lập của tác giả Hồ Chí Minh sẽ còn sống mãi trong tâm hồn bạn đọc. Ngoài ra nhiều tác phẩm của các nhà thơ thời kháng chiến chống mỹ cũng có nhiều tác phẩm được các bạn học sinh tìm hiểu trong số các tác phẩm học kỳ 1 Ngữ văn 12. Cảm ơn văn học trẻ đã tổng hợp ạ.

Trả lời Người mê trà sữa Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close