THƠ CA
Dấu chôn tình buồn
Dấu chôn tình buồn
Đã bao lần tôi đứng trước biển xanh
Thấy ấm lòng theo từng con sóng vỗ
Nắng ẩn mình trong từng làn nước nhỏ
Trong trắng màu gì đôi bờ cát mênh mông.
Mặt trời lên lơ lửng đứng trên không
Soi sáng rõ cả màu xanh của biển
Biển thẹn thùng chạy ùa vào với cát
Cát đợi chờ không che nổi yêu thương.
Đã từ lâu trong mắt cát vấn vương
Một nỗi lòng của người bạn biển
Nỗi khổ nào mà cát chưa từng hiểu
Để bây giờ thương mãi một người dưng.
Ai từng qua nơi có cát trắng trong
Sẽ biết rằng không gì là không thể
Đã từng có một tình bạn cát biển
Cát êm đềm là nơi biển dừng chân.
Tác giả Kì Phong
Đọc thêm truyện ngắn hay do cùng tác giả viết:
Lời bàn của BTV về bài thơ “Dấu chôn tình buồn”:
Kỳ Phong là một tác giả trẻ tài năng của Văn học trẻ, với những truyện ngắn và bút ký đầy điêu luyện hút hồn người đọc nhưng hôm nay ta gặp được một Kỳ Phong rất khác- một Kỳ Phong thi sĩ đầy tâm tư trong bài “Dấu chôn tình buồn”
Nếu bạn đã từng đọc văn Kỳ Phong hẳn sẽ rất bất ngờ khi đọc thơ của anh ấy. Một giọng thơ rất “tình” và rất “mượt”. Ngay ở khổ đầu bài thơ tác giả đã rất biết cách cuốn hút bạn đọc, anh viết:
Đã bao lần tôi đứng trước biển xanh/ Thấy ấm lòng theo từng con sóng vỗ/ Nắng ẩn mình trong từng làn nước nhỏ/ Trong trắng màu gì đôi bờ cát mênh mông.
Ta thấy một Kỳ Phong nghệ sĩ. Bởi chỉ khi có tâm hồn nghệ sĩ anh ấy mới biết rung động trước vẻ đẹp tuyệt vời của biển cả. Một cách dẫn dắt tài tình, người đọc làm sao có thể dứt mắt khỏi một cảnh biển nên thơ và tươi đẹp đến thế. Những tia nắng ẩn mình trong màu xanh nước biển như càng tô điểm thêm cho cảnh thiên nhiên huyền ảo. Tác giả cũng liên tưởng tới vẻ đẹp của nắng xuyên qua làn nước tinh khôi với vẻ đẹp tâm hồn của người con gái. Có lẽ, cũng gợi nên những nhớ nhung từ đây. Có bao giờ thi nhân tả cảnh chỉ để tả cảnh? Cảnh đẹp thường khơi gợi ra một nỗi niềm cất giấu trong lòng:
Biển thẹn thùng chạy ùa vào với cát/ Cát đợi chờ không che nổi yêu thương.
Bằng nghệ thuật nhân hóa Kỳ Phong đã thổi hồn vào “biển” và “cát” . Ta như đang thấy một cặp đôi đang yêu nhau say đắm đùa nghịch vui cười với mặt trời. Dưới con mắt của nhà thơ mặt trời như một nhân chứng chứng nhận cho tình yêu của biển và cát.
Đọc tới khổ ba, tâm hồn tôi bỗng trở lên se sắt đến lạ lùng khi đứng trước một tình cảm đơn phương mà “cát” dành cho “biển”. Có phải chăng thi nhân nhờ cát và biển nói hộ lòng mình cho người con gái mà anh mãi thương? Còn nỗi buồn nào hơn nỗi buồn phải “thương mãi một người dưng”?
Ai từng qua nơi có cát trắng trong / Sẽ biết rằng không gì là không thể / Đã từng có một tình bạn cát biển/ Cát êm đềm là nơi biển dừng chân.
Tình bạn ư? Có tình bạn nào cho cát và biển hay không? Hay là nhân vật trữ tình cũng giống như cát “sợ” mất đi một tình bạn mà không dám ngỏ lời? Tựa bài “Dấu chôn tình buồn” như đã tố cáo tình cảm lặng thầm mãnh liệt của cát. Và chính cái tựa bài đã làm cho độc giả thấy đắng đót một niềm thương dành cho bài thơ và tác giả của nó.
Cảm ơn Kỳ Phong với bài thơ hay “Dấu chôn tình buồn“. Cảm ơn sự đồng hành ủng hộ của anh dành cho Văn học trẻ.