Nghị luận xã hộiNgữ Văn 9Những bài văn hay
Bàn về một xu hướng trong thời đại công nghệ thông tin
Đề văn vào lớp 10 chuyên
Bàn về một xu hướng trong thời đại công nghệ thông tin có người cho rằng:
Chiếc smartphone đã trở thành một ô cửa nhỏ dẫn người ta thoát khỏi sự buồn chán của bản thân, và cái rung nhẹ báo tin có thông báo mới của nó bao giờ cũng đầy hứa hẹn. Nhưng càng kết nối, càng online, thì cái đám đông rộn ràng kia lại càng làm chúng ta cô đơn hơn.
[…]
Mê man với nhau trên mạng, chúng ta đang có nguy cơ đánh mất khả năng kết nối với những cái lớn hơn trong cuộc sống, khả năng cảm nhận thế giới.
(Trích Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can – Đặng Hoàng Giang – Chương 9, NXB Hội Nhà văn, 2016)
Từ nhật xét trên hãy bày tỏ suy nghĩ của em về khả năng kết nối và cảm nhận thế giới con người trong cuộc sống hiện nay.
Dàn ý chi tiết cho đoạn văn:
– Mở đoạn: Xác định vấn đề cần nghị luận: Con người phải biết kết nối với vạn vật và thế giới xung quanh.
– Thân đoạn: Triển khai vấn đề nghị luận
+ Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ con người cần kết nối với thế giới xung quanh để thấy được sự phong phú và giàu có cho cuộc sống.
+ Xuất phát từ thực tế thế giới ảo đang lấn át cuộc sống của mỗi con người.
+ Nhiều người đã và đang lệ thuộc vào các thiết bị điện tử mà quên đi cuộc sống thực.
=> Dẫn đến, con người thiếu kiến thức và kỹ năng thực tế; tâm hồn trở nên chai cứng, vô cảm, thiếu sự chia sẻ, đồng cảm…
+ Chỉ khi biết kết nối với vạn vật và thế giới xung quanh thì con người mới tìm được ý nghĩa của cuộc sống đích thực; tâm hồn trở nên phong phú và giàu có; biết trân quý cuộc sống…
– Kết đoạn: Vì vậy, mỗi cá nhân cần ý thức được sự cần thiết của việc kết nối với thế giới xung quanh; cần có những việc làm cụ thể để kết nối với mọi người và vạn vật xung quanh.
Bài mẫu: Bàn về một xu hướng trong thời đại công nghệ thông tin
Sự ra đời của chiếc điện thoại (Chiếc smartphone) là một bước tiến quan trọng mở ra sự kết nối toàn cầu. Nhưng, khi trở thành vật phẩm phổ biến mà bất cứ ai cũng có ít nhất một chiếc, những mặt tác hại của nó cũng dần hé lộ giống như Đặng Hoàng Giang trong “Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can” đã viết:
“Chiếc smartphone đã trở thành một ô cửa nhỏ dẫn người ta thoát khỏi sự buồn chán của bản thân, và cái rung nhẹ báo tin có thông báo mới của nó bao giờ cũng đầy hứa hẹn. Nhưng càng kết nối, càng online, thì cái đám đông rộn ràng kia lại càng làm chúng ta cô đơn hơn[…]
Mê man với nhau trên mạng, chúng ta đang có nguy cơ đánh mất khả năng kết nối với những cái lớn hơn trong cuộc sống, khả năng cảm nhận thế giới.”
Khi không có chiếc điện thoại, không có mạng internet, những chuyện bên kia đại dương dường như thật xa lạ, việc được gặp một vị họ hàng rời khỏi quê hương đã lâu chỉ còn qua lời kể của ông bà, cha mẹ. Cô bạn học đi học tận một trường nơi xa, dường như số phận định trước là không còn gặp gỡ chung đường… chúng ta, mất đi nhiều cơ hội được nhìn ngắm thế giới rộng lớn, mất cơ hội giữ mối quan hệ với những người bạn cũ, người thân ở xa. Nhờ chiếc điện thoại thông minh, những cơ hội đánh mất ấy đã được khắc phục. Nó khiến cho những người thân đi làm xa có thể nói chuyện, gặp gỡ với người thân mà không cần chịu sự xa cách, nhớ nhung cồn cào như trước. Nó giúp chúng ta có môi trường học tập tiên tiến hơn. Giống như đợt dịch bệnh Covid vừa qua, nhờ Chiếc smartphone mà lớp học vẫn được tổ chức đều đặn như thế. Chẳng ai phủ nhận được tầm quan trọng của nó trong đời sống hôm nay.
Những cá nhân như chú cá nhỏ trong vũng nước nhỏ, được hòa mình vào đại dương , gặp gỡ giao lưu văn hóa, tâm sự nỗi niềm và tìm được những người bạn có chung sở thích, chí hướng. Chiếc smartphone giúp ta không còn vây khốn trong mảnh đất chật hẹp, có nhiều cơ hội hơn để tìm được đúng người, đúng việc…Chỉ cần một cái rung nhẹ, một cái bấm tay, hàng loạt thông tin ngày mới từ bạn bè, xã hội đã được cập nhật.
Tuy vậy, điện thoại càng hiện đại nhiều tính năng hơn, theo bước tiến hiện đại của nó ta phát hiện ra nào là trò chơi thú vị như Liên quân, bắn súng Freefire, Miniword… với mỗi trận đấu kéo dài hàng chục phát, chỉ cần chơi vài trận đấu đã lấy mất vào tiếng thời gian trong ngày. Các ứng dụng video phát triển như youtube, tiktok, blibli…có rất nhiều bộ phim ngắn hay, trào lưu hiện hữu khiến chúng ta mải mê xem không biết chán, rồi ứng dụng vẽ tranh, đọc báo truyện, facebook để đăng ảnh, xem hoạt động mới trong vòng bạn bè hàng ngàn người. Quá nhiều thú vui trong một chiếc máy bé tẹo khiến người ta có thể vùi mặt cả ngày trong đó để giải trí, nhắn tin mà không cần ra ngoài. Cũng dần dà, người ta quên mất đến việc gặp nhau ngoài đời bởi đi ra ngoài làm gì vừa tốn thời gian, đằng nào chả gặp được nhau, đến bó rau ngoài chợ cũng có thể được vận chuyển tới tận nhà cơ mà. Bởi cái điện thoại mà nhiều người bắt đầu trì trệ bản thân, lười vận động, đôi mắt thì kém dần mà cơ thể ngày càng nặng nề hơn, mất dần kĩ năng sống.
Rồi cũng từ chiếc điện thoại ấy, chúng ta học được cách sống ảo, chẳng ai nhìn ai trong đời thực, mà chỉ so ảnh ai đẹp, có đôi khi hẹn nhau đi đâu đó cũng chỉ để chụp cho bức ảnh mới đăng lên facebook chứ hoàn toàn không để ý tới cuộc gặp hôm ấy chúng ta muốn nói với nhau điều gì. Ngày xưa, khi mà bạn bè so nhau bằng học vấn: “thua thầy một vạn không bằng thua bạn một ly”, thì giờ đây ngu dốt không đáng sợ bằng đăng ảnh ít like. Những căn bệnh mới xuất hiện như: nghiện facebook, nghiện game mobile,… nhiều bạn nếu như thiếu vắng chiếc điện thoại sẽ trở nên buồn bực, không biết phải làm gì? Chắc các bạn không hề nhận ra bản thân mình đã bị lệ thuộc vào chiếc điện thoại ấy quá nhiều mà quên đi cách sống thực.
Nếu lỡ sử dụng điện thoại để xem những thông tin xấu, sai lệch, ngày càng bị dẫn dắt trở thành những kẻ vô tri, không có sức phán đoán cá nhân. Hiện nay, mỗi lần đọc thông tin dưới những bài báo bẩn xuyên tạc bịa chuyện về ai đó, thay vì người ta ngừng vài phút để tra cứu xem liệu thông tin đó đúng chưa? Liệu có uẩn khúc gì không, thì việc đầu tiên người ta làm là chửi, là thóa mạ người khác cho sướng tay, viết ra những dòng sai chính tả tưởng mình là một anh hùng chính nghĩa nhưng lại ngu ngốc không tự biết.
Tôi đã rất vui mừng khi nhờ chiếc điện thoại thông minh nói riêng và mạng internet nói chung để có cơ hội biết đến những trang văn chương mình yêu thích, biết đến những cuộc thi để thể hiện tài năng và những người bạn có cùng sở thích để trao đổi học vấn. Suy cho cùng, smartphone là có lợi, nhưng cần sử dụng đúng cách để nó trở thành một công cụ hữu hiệu giúp ta cầm nắm được khoa học trong tay chứ không phải là trở thành những kẻ ngốc nghếch đua đòi bị dẫn dắt. Thực tế bao giờ cũng là quan trọng hơn, nếu có thể gặp nhau nói chuyện thì đừng nhắn tin, một đôi bạn có thể yêu xa nhưng cũng không thể cả đời không gặp nhau. Được ôm cái ôm nồng ấm, hôn lên đôi môi mềm vẫn tốt hơn là nhắn tin. Có thể một thời gian ngắn thì được nhưng lâu dài bạn sẽ nhận ra rằng thứ gì ảo không chân thật sẽ chẳng bền lâu, mối quan hệ gặp mặt sẽ bền chặt hơn qua màn hình.
“Mê man với nhau trên mạng, chúng ta đang có nguy cơ đánh mất khả năng kết nối với những cái lớn hơn trong cuộc sống, khả năng cảm nhận thế giới.” Câu nói của Đặng Hoàng Giang là thông điệp đúng đắn gửi gắm tới tất cả chúng ta. Xu hướng kết nối nhau qua lớp màn hình điện thoại càng nhấn mạnh đến sự quan trọng của xúc cảm và sự thật, hành động, nếu lơ là bỏ quên thế giới tồn tại xung quanh, chúng ta chỉ còn là cỗ máy.
– Phong Cầm –
Bài viết của Văn học trẻ Bàn về một xu hướng trong thời đại công nghệ thông tin
Xem thêm:
diemmyluli@gmail.com