TẢN VĂN

Thanh âm kí ức

Tiếng rao đêm của người bán hàng rong đã đánh thức kỉ niệm của Trọng về người cha. Trước đây, khi còn bé, Trọng cùng cha thường đi rao thu mua thóc gạo mà người ta gọi là hàng xáo. Bài viết là những kí ức sâu đậm và cảm động về tình cảm cha con

Từ trong kí ức: Âm thanh vọng về

“Xôi lạc, bánh khúc đây!”

của cô hàng rong phá vỡ bầu không khí tĩnh mịch giữa đêm hè. Tôi trở mình nhìn qua cửa sổ, ánh đèn đường soi sáng con ngõ, xung quanh yên ắng lắm, chỉ nghe thấy tiếng đung đưa của những tán cây xà cừ bên đường, thi thoảng có chiếc xe máy vụt qua, chắc của những người làm ca đêm về muộn. “Xôi lạc, bánh khúc đây”, thanh âm đó lại vang lên cùng bóng dáng của một cô gái cùng chiếc xe đạp cũ, nhẹ nhàng đi qua con ngõ nhỏ. Tiếng rao của cô bán hàng rong nhỏ dần rồi đứt quãng, kéo theo một miền kí ức ùa về trong tâm trí tôi.

Tôi được sinh ra trong một gia đình thuần nông ở một miền quê nghèo Nam Định. Thầy, u tôi lấy nhau về khi trong tay không có một đồng vốn làm ăn, chỉ trông đợi vào mấy sào ruộng được ông, bà tôi cho để cày, cấy. Lúc bấy giờ là những năm đầu thập niên chín mươi, đất nước mới chuyển sang nền kinh tế thị trường nên vẫn còn nhiều khó khăn, chưa có các khu công nghiệp như bây giờ. U tôi thường kể lại, khi ấy chỉ ước có một công việc để bán sức lao động kiếm tiền mà không kiếm nổi. Rồi một ngày, thầy vui mừng khoe với u: “Tôi nghĩ ra việc rồi u nó ạ! Phi thương bất phú, tôi sẽ đi hàng xáo”. Những đứa trẻ lớn lên ở thành phố sẽ lạ lẫm với hai từ “hàng xáo”, không biết đó là nghề gì nếu không tra mạng hay hỏi người lớn, còn đối với những đứa trẻ có xuất thân từ những vùng quê nghèo thì không có lạ lẫm gì đối với cái nghề nặng nhọc này.

Nghề  “hàng xáo” là đến từng nhà mua thóc rồi mang về xay, sàng lại rồi đem bán nhưng công việc của cha tôi đơn giản hơn khi chỉ đi đến tận nhà người dân mua thóc rồi bán lại cho những đại lí lớn. Vào thời buổi đó, có một việc để làm là đã tốt, nếu may mắn buôn bán thuận lợi, có được đồng vào, đồng ra vừa nuôi con ăn học, vừa có thể dành dụm để xây nhà, dựng cửa, được mở mặt mày với hàng xóm láng giềng. Và từ ấy, cùng mấy cái bì, cuộn dây chằng, chiếc xe đạp thồ lăn bánh đến mọi thôn, xóm trong huyện, mang theo hy vọng về một tương lai sung túc.

Kỷ niệm lưu giữ

Dẫu biết rằng phi thương bất phú nhưng đâu phải ai buôn bán cũng thành công và thuận lợi. Những ngày lên năm là những ngày đầu tiên tôi theo chân thầy đi hàng xáo, được tận mắt chứng kiến bao nỗi cơ cực thầy đã đánh đổi để có tiền nuôi gia đình. Khi đó chưa có nhà giữ trẻ, u bận làm xa, chị thì đi học, cho nên thầy phải kiêm luôn công việc của người giữ trẻ. Ngày bấy giờ, những đứa trẻ nông thôn như tôi ít được đi ra ngoài, thường xuyên phải ở nhà, chơi những trò chơi như trốn tìm, bắn bi, ô ăn quan… với mấy đứa bạn cùng lứa. Cho nên, lúc đi cùng thầy tôi rất hào hứng, ngồi sau yên xe, hai tay tôi ôm chặt tấm lưng gầy phía trước, đôi mắt tò mò nhìn ngắm xung quanh, toàn những nơi mới mẻ tôi chưa từng đặt chân đến. Tôi thích thú khi nghe thấy tiếng ve kêu trên những cây gạo cổ thụ, cố gắng hếch cánh mũi ngửi lấy hương thơm của cánh đồng lúa mới, say mê ngắm nhìn những ngôi nhà cao tầng lộng lẫy, nguy nga. Đôi chân thầy đạp nhịp nhàng, từng vòng xe đều đều lăn bánh, chở tôi qua cây cầu Bất Di xưa cũ, đã ọp ẹp, nhuốm màu thời gian, đến những ngôi làng tôi chưa một lần đặt chân tới, cũng chưa từng biết tên.

“Ai bán thóc không? Có ai bán thóc không?”

Tiếng rao kéo dài làm thay đổi ánh nhìn của tôi. Trong buổi chiều hè, những chú ve kêu râm ran như muốn đua giọng , thầy tôi cũng không thua kém, tiếng rao liên tục, kéo dài, đoạn trầm, đoạn bổng, nhịp nhàng theo một tiết tấu không thể lẫn với những thanh âm khác. Tiếng rao của thầy rất đặc biệt, tôi ngồi sau lắng nghe, thi thoảng đệm thêm tiếng của mình vào đó!

“Ai bán thóc không?”

Thầy thấy tôi rao thì quay lại nhìn, đôi mắt như ánh lên nụ cười, tay trái vòng ra sau áp tôi vào lưng thầy rồi nói: “Ngồi lui vào con, kẻo nắng”. Má tôi áp vào lưng thầy, cảm nhận thấy rõ hơi nóng từ những giọt mồ hôi đã thấm đẫm tấm lưng gầy.

“Thầy ơi! Sao thầy lại làm nghề này?” Tôi vừa nép vào lưng thầy vừa ấp úng hỏi. Thầy ngập ngừng, vòng quay bánh xe đạp như chậm lại, thầy nói: “Đi thế này nắng nóng một chút nhưng thoải mái không phải làm thuê, làm mướn cho ai con ạ!”. Ngồi đằng sau lắng nghe nhưng tôi không thể hiểu hết lời thầy nói chỉ tiếp túc nép vào tránh nắng. Cái nắng chang chang của mùa hè liên tục rọi xuống nhiều giờ liền khiến không khí xung quanh ngày càng oi bức. Ở dưới, con đường trải nhựa hấp thụ ánh nắng, phả lên hơi nóng hầm hập. Đôi chân thầy gồng lên, đạp từng nhịp gấp gáp, cố gắng đi nhanh vào ngôi làng phía trước.

Ngày mưa cũng như ngày nắng, mặc kệ thời tiết có thế nào, đôi bánh xe của thầy vẫn lăn bánh đến từng con ngõ nhỏ. Thầy bảo, mình đã hẹn với người ta thì phải cố đến mà lấy, buôn bán hay làm bất cứ công việc gì thì giữ chữ tín cũng là quan trọng nhất. Nghề hàng xáo cũng là một nghề lao động tay chân nhưng không vì thế mà có thể lừa gạt để kiếm miếng cơm, manh áo sống qua ngày.

Những ngày tôi theo thầy đi hàng xáo mới thấy kiếm ra được đồng tiền rất vất vả. Có ngày may mắn thì mua được bốn, năm tạ, có ngày chỉ được vài chục yến, nhiều khi đi cả ngày mà không được gì. Tôi nhớ có lần ngồi sau xe mãi không ai gọi vào xem thóc, tôi đã ngáp dài rồi ôm lấy thầy mà ngủ thiếp đi. Đến tận sau này khi đã lớn, thầy vẫn thường hay vừa cười vừa kể về chuyện đó càng khiến tôi không thể nào quên.

Những lúc mua được nhiều thóc, thầy cho thành từng bao rồi chằng ở phía sau, tôi đành phải ngồi trên những bao thóc lớn đó. Đôi bánh xe nặng nề lăn bánh, chở theo hai người cùng hàng tạ thóc trên lưng. Đến đoạn đường có cầu, thầy phải xuống dắt bộ, hai tay thầy gồng lên giữ vững tay lái, tôi ở sau cũng góp sức đẩy chiếc xe đạp cà tàng với đôi lốp đã bị mài mòn, những khung sắt lốm đốm vết hoen gỉ vượt qua con dốc. tản văn hay

Cuối buổi chiều sau khi bán xong, thầy vào quán hàng ven đường, mua cho tôi một cây kem nhỏ. Thầy bảo: “Công của Trọng đẩy thóc đây nhé!”. Tôi vui sướng đưa hai tay nhận lấy, bao nóng nực, vất vả cũng giảm đi phần nào.

Một buổi tối, trong ngôi nhà ba gian chật hẹp, khi tôi ở bên ngoài học bài, thầy và u ở trong nói chuyện với nhau. Chiếc buồng nhỏ được ngăn bởi một tấm rèm mỏng, tiếng u mặc dù đã cố gắng nói nhỏ nhưng ở ngoài vẫn có thể nghe được một vài câu. “Mình đi hàng xáo như vậy hôm được, hôm chăng. Lại sắp đến kì nộp tiền học của con nó rồi đấy”. Sau đó, tôi không nghe thấy tiếng thầy trả lời, một lúc sau thầy đi ra xem hai chị em học, ánh mắt thầy lúc đó như ánh lên một nỗi buồn xa xăm. Khi ấy, tôi chỉ lặng đi, cúi mặt xuống trang sách viết tiếp.

Ngày hôm sau, tiếng chim líu lo trên cây bưởi sau nhà làm tôi thức giấc. Những ánh nắng đầu tiên trong ngày đã chiếu qua từng khe cửa gỗ, tôi hít một hơi cảm nhận hương thơm thoang thoảng, đặc trưng của hoa bưởi cuối sân nhẹ nhàng quyện vào không khí mát mẻ của sớm hè. Bỗng chợt tôi giật mình khi nghe thấy âm thanh quen thuộc từ chiếc xe đạp duy nhất trong nhà. Tôi vội vàng chạy ra hiên thì thấy bóng dáng thầy ở đầu ngõ. “Thầy ơi, thầy cho con đi với”, tôi vừa nói, vừa ôm lấy chân thầy thở hổn hển. “Thầy ơi! Nay con sẽ rao to hơn hôm qua”. Thầy ngập ngừng trong giây lát rồi xoa đầu tôi: “Nay Trọng ở nhà, thầy vào bác Liễn có chút việc”. Tâm trạng hào hứng trên gương mặt tôi ngay lập tức biến mất, tôi chỉ biết gật đầu vâng lời. Không biết thầy và bác Liễn đã nói chuyện gì, tôi chỉ còn nhớ sau ngày hôm đó tôi không còn được nghe tiếng rao của thầy nữa. tản văn hay về tình cảm gia đình

Mãi sau này tôi mới hiểu rõ, công việc hàng xáo tốn nhiều thời gian, mặc dù thoải mái, không phải làm thuê cho ai nhưng lại vất vả không kém những công việc khác, tiền kiếm được cũng không đáng là bao. Trong khi đó trách nhiệm gia đình đè nặng trên đôi vai gầy khi phải nuôi hai đứa con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học. Vì vậy, thầy đã phải đổi việc để có đủ tiền lương lo cơm, áo, gạo, tiền cho cả nhà.

Những điều trân quý

Ký ức là những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, không người nào có miền ký ức giống nhau nhưng chắc chắn sẽ có điểm chung là đều dâng lên niềm xúc động khi nhắc đến. Ký ức tuổi thơ của tôi chính là những ngày trong trẻo, êm đềm, dù cho có lúc bị thầy, u đánh đòn vì điểm kém, hay những khi bị úp mặt vào tường vì trốn ngủ trưa. Đối với tôi, tiếng rao của thầy đâu chỉ đơn giản là phương tiện nuôi sống gia đình, đó còn là những điều thân quen mà tôi trân quý. Đó là tấm lưng ướt đẫm mồ hôi, là những nụ cười hồn nhiên khi tôi thơ bé, là âm thanh trong trẻo dạy tôi biết sống có trách nhiệm, nuôi dưỡng tôi trở thành người có ích. Đó là thanh âm mang cho tôi cảm giác bình yên khi nhớ về tuổi thơ của mình.

Thời gian thấm thoát như thoi đưa, hai mươi năm đã trôi qua, thầy đã không còn làm nghề hàng xáo nữa. Tôi cũng trở thành một thanh niên hai mươi lăm tuổi, những kí ức tuổi thơ lâu dần cũng không còn được rõ ràng. Tôi bây giờ đã sống trên thành phố, cách xa gia đình, chỉ còn được gặp thây một, hai lần trong tháng. Nhiều đêm, từ cửa sổ phòng vọng đến tiếng rao của cô bán hàng rong: “Ai xôi lạc, bánh khúc không”, kí ức về thầy lại ùa về. Tiếng rao của những ngày hè oi ả như phá vỡ sự cô đơn trong đêm tối ở thành thị. Lúc đó, tôi mới thấy càng trân quý hơn kí ức tuổi thơ, cảm thấy may mắn khi được hưởng trọn sự yêu thương, hy sinh thầm lặng của thầy, u.

 

Tác giả: Trần Xuân Trọng

 

 

 

 

Tags

Related Articles

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close