TRUYỆN NGẮNVăn học Tuổi trẻ

Lão Hạc hậu truyện

Nếu thời nay có một lão Hạc, lão cũng là một người trồng vải, kế bên lão cũng có một anh giáo. Liệu rằng bi kịch năm xưa của lão có lặp lại? Hay cuộc sống của lão có điều gì mới? Chúng ta cùng đọc "Lão Hạc hậu truyện" để xem giấc mơ của lão nhé.

Cứ vào đầu hè, lão Hạc lại âu lo lắm chuyện, lão nhìn những chùm hoa vải trắng mọc dày, vừa vui lại vừa lo. Sáng sớm, lão đã vác cuốc ra vườn, vạc bớt mấy bụi cỏ mọc tốt, đi dạo quanh vườn vải là chính, ngắm cây này, ngắm cây kia, cắt tỉa, ngắm nghía cho chán rồi vác cuốc đi về. Đó là thói quen của lão nhiều năm nay.

Lão Hạc có người hàng xóm là anh giáo, rất thân thiết với lão. Đương nhiên lão Hạc đây không phải lão Hạc bạn từng biết, mà anh giáo cũng không phải ông giáo nọ. Tất cả chuyện này chỉ là trùng hợp.

Chiều hôm ấy, lão Hạc vác điếu cày qua hiên nhà anh giáo ngồi uống nước chè, thấy nếp gấp trên mặt ông cứ xô vào, lông mày chau lại, anh giáo hỏi:

“Lão có chuyện gì mà có vẻ đăm chiêu vậy?”

“Hoa vải đã kết quả non rồi anh giáo ạ. Nhưng mà năm nay bệnh dịch nặng quá, tôi nghe nói cấm xe, giãn cách xã hội, rồi không biết đám thương lái có qua mua vải được không? Đám vải chả biết bán được không?”

Lão ngồi nhìn xa xăm qua vườn vải rộng, cả đồi vải, xa xa cũng toàn là vải,  màu xanh hòa cùng màu trắng hoa vải, tô điểm màu nâu đỏ của đất, bức tranh phong cảnh đẹp đến kì lạ.

Lão rít một bi thuốc dài kêu rin rít, phả khói vào không trung, làn khói dày trắng bay lên, nhạt dần rồi tan trong không khí, lão từ từ đặt điếu cày xuống sân, tay bê chén nước, húp nước chè đắng chát nóng hổi, cái thú lớn nhất của lão chỉ có thế. Rồi lão lại nói:

Mọi năm, đám thương lái đổ dồn về, ép giá cho chán nhưng rồi cũng chở vải đi hết, năm rồi có tí dịch, bán đã chán, năm nay dịch lại đúng chỗ mình, tôi đâm ra lại lo”

Anh giáo tiếp nước chè cho lão rồi cười nói:

Bác lo gì. Nhà nước thể nào chả mở cửa cho nông dân bán vải đi, với lại, còn có em đây. Bác không nhớ à?”

“Mà bác có uống trà đá không?”

“Thôi, tôi quen uống chè đậm rồi, nóng chát qua cuống họng, lúc sau càng ngọt, ngọt vào lòng tôi luôn rồi này”, lão cười hà hà, khóe mắt nhăn dúm nhưng tươi tỉnh hẳn.

“Khiếp, nay bác lại văn chương thế”, anh giáo cũng cười theo.

Chơi với người văn chương thì mình phải hấp thu được tí tẹo chứ, ai lại dốt mãi”

“Mấy hôm trước em chả live stream bán ổi, bán mít cho nhà chị Canh, vải của bác cùng lắm em lại live bán. Mà mình có khi đi liên kết VietGap thôi bác ạ. Em thấy đồi vải của bác ngon, cùi trắng, hạt nhỏ, chăm sóc đúng quy trình, thông qua VietGap bán được giá hơn mà đỡ lo đầu ra”.

Tôi biết gì về Việt Gáp, mà li như thế nào? Giống mấy mụ bán quần áo bữa mụ Canh mụ mua đấy hả?

“Thời này hay nhỉ, vải quần áo cũng li sờ trim được mà vải ăn cũng sờ trim luôn”, lão cười hơ hớ, nhe cả bộ răng ngả màu năm tháng.

“Bác có cả chục tổ ong mật hương vải đấy còn gì, cần thì em giúp bác bán”.

“Thế thì làm phiền anh giáo quá, mà đợi tí tôi về lấy lít mật biếu anh”

“Thôi, em giúp bác, giúp mọi người làm niềm vui, chứ có phải để bác trả ơn huệ gì đâu”

“Lít mật này chú phải nhận, không nhận là tôi không dám nhờ đâu đấy”. Nói lời, lão lại xách điếu chạy vội về nhà, còn không quên ngoái đầu lại :

“Rồi chú nhớ giúp tôi đăng kí cái gì Gáp gáp với sờ trim bán vải đấy nhớ”.

Anh giáo cười, vẻ mặt vừa bất lực lại vừa thoáng vui.

***

Đầu tháng Sáu, nóng hun vào gió, gió thổi từng cơn đung đưa cành vải đỏ. Con Minh chạy ở đâu tới, mồ hôi nhễ nhại, dính vào áo quần, nhưng dường như nó không cảm thấy nóng. Vừa chạy nó vừa la:

“Bác Hạc ơi bác Hạc, cho con hái quả vải ở chùm nhỏ nhé”

Lão Hạc vợ mất sớm, lão ở vậy nuôi con, con lớn, nó lên phố học, năm về vài lần, nhanh chóng thăm bố rồi lại đi ngay. Lão cô đơn, lão cũng muốn giữ con ở bên lắm, nhưng sao có thể làm thế. Nên lão quý con bé Minh như con út của lão. Con Minh là con gái mụ Canh, mụ ở vậy nuôi mẹ già, cũng một phần do thời trẻ nhan sắc chẳng lấy làm đẹp mà tính tình mụ còn dữ dằn, cộng thêm một mẹ già phải nuôi, chẳng ai lấy mụ. Đến khi mụ xác định chắc chắn mình chẳng đi lấy chồng làm gì, không biết mụ “xin” ở đâu đẻ ra được con Minh. Chùm vải nhỏ mà nó nói, là quả vải lẻ, mọc một mình hoặc hai mình lác đác, bẻ tốn công, quả ít, cọng nhiều, người ta hay chừa lại. Thế là lũ trẻ con dẫn nhau đi ăn mót. Lão Hạc cũng vui lòng cho bọn nó.

“Hái đi, hái cẩn thận đừng để gãy cành đấy nhớ”

“Vâng ạ”

Nó hô lên rồi kéo theo mấy đứa khác chạy vào vườn, đứa trèo đứa hứng, cãi nhau chí chóe:

Mày hái ngu thế, kia kìa, đấy đấy, sang trái tí, trên đầu mày kìa, dồi ôi, nó thù lù đấy sao mày không thấy vậy, rồi rồi, bên phải bên phải có quả….mày vịn cành xuống mới thấy chứ”

“Mày ngon mày hái đi”

“Cút xuống bố mày lên”

“Hái không được bố đập chết mày”

Lão Hạc đang nằm trên võng nghỉ trưa bên hiên nhà, tay quạt quạt, mắt ngó qua chỗ tụi trẻ làm ồn, bỗng lòng thảnh thơi, hạnh phúc lạ.

Nhờ anh giáo, lão đăng kí hộ nông dân chuẩn VietGap, nhưng gần vụ vải quá nên vụ năm nay lão vẫn chưa được chứng nhận nông dân VietGap, mùa sau chắc chắn là được. Nghe lợi ích khi có chứng nhận VietGap, lão mới thấy, đúng là thời đại số, nông dân cũng cần số hóa mới bớt lo đầu ra đầu vào. Lẽ ra lão phải biết sớm hơn. Rồi trong cơn mộng mị, ông mơ tới một trang trại sạch đẹp, hiện đại, lão đang lái xe bán tải, kế bên có con Minh, chở vải tới siêu thị giao hàng, hai người nhìn nhau cười tươi rói, không chút phiền lo.

Chiếc võng đu đưa nhè nhẹ như trái vải mọng đỏ trong gió, đưa người ta mơ màng tới tận chốn yên bình xa xăm.

***

Buổi tối tháng Sáu, con Minh đang ngồi trong lòng lão yêu sách với lão đòi mua kẹo bông cô tiên. Lão còn bận lấy cái lược chải mớ tóc nham nhở của nó, rồi bất lực hỏi:

Sao mái tóc của mày lại nham nhở như chó gặm mo cau vậy Minh? Mày lại tự cắt tóc đúng không? Da phơi nắng đen thui, tóc thì… Rồi mẹ mày đánh cho mày cong đít chưa?”

Con chạy nhanh lắm

Nó cười đắc ý nói thêm: “Mà lần này bác đoán trật rồi, tóc này là do thằng Cú cắt đấy. Con cá cược thua phải để nó cắt tóc cho con. Nó mơ ước làm một anh thợ cắt tóc chuyên nghiệp giống chú ruột nó, gọi là hà thiết kế tóc. Oai lắm”.

Lão cũng hết cách: “Bọn bây cá cược cái gì? Con nít mà bày đặt cá cược”.

Nó hồn nhiên đáp: “Cá xem tết Đoan Ngọ, anh Hạo có về chơi không?” Hạo là con trai lão Hạc. “Con cá ảnh về mà ảnh lại không về, thế là con thua cược”. Lời nói con trẻ lại vô tình chọc trúng nỗi đau của lão. Trong phút chốc lão chẳng biết nói gì.

Hay bác làm bố con nhé”. Con Minh nói. “Bác mà làm bố con, con sẽ yêu bác, bên bác suốt đời này luôn”.

Lão khựng lại, khẽ xiết tay, nắm chặt bó tóc của con Minh, một lúc sau, chẳng biết qua bao lâu, lão lại nhẹ nhàng cột tóc cho nó. Giọng lão có hơi lạc đi:

Mai bác chở con đi mua kẹo bông cô tiên. Nha”.

  • Phong Cầm
Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close