THƠ CA

Tuyển Tập những áng Thơ Của Hàn Mặc Tử

Hàn Mặc Tử (1912–1940) tên thật Nguyễn Trọng Trí, tên thánh là Pierre, sinh ở làng Lệ Mỹ, huyện Đồng Lộc, Tỉnh Đồng Hới (nay là Quảng Bình) trong một gia đình công giáo nghèo, cha mất sớm. Thuở nhỏ sống và học tiểu học ở Quy Nhơn, học trung học ở Huế, sau làm ở Sở Đạc Điền, bị thôi việc vì đau ốm. 1934-1935 theo Thúc Tề vào Sài Gòn làm báo (viết báo Công luận, phụ trách trang văn báo Sài Gòn), về sau lại trở ra Quy Nhơn. 1936 bị mắc bệnh phong, phải vào nhà thương Quy Nhơn và qua đời ở đó.

Nguyễn Trọng Trí làm thơ từ năm 16 tuổi lấy hiệu là Phong Trần rồi Lệ Thanh. Đến năm 1936, khi chủ trương ra phụ trương báo Saigon mới đổi hiệu là Hàn Mạc Tử, sau ông lại đổi thành Hàn Mặc Tử“Hàn Mạc Tử” nghĩa là chàng trai đứng sau bức rèm lạnh lẽo, trống trải. Sau đó bạn bè gợi ý ông nên vẽ thêm Mặt Trăng khuyết vào bức rèm lạnh lẽo để lột tả cái cô đơn của con người trước thiên nhiên, vạn vật. “Mặt Trăng khuyết” đã được “đặt vào” chữ “Mạc” thành ra chữ “Mặc”. Hàn Mặc Tử có nghĩa là “chàng trai bút nghiên”.

Đánh giá và bình luận về tài thơ của Hàn Mặc Tử có rất nhiều, sau đây là một số đánh giá của các nhà thơ văn nổi tiếng:

Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình“”Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mạc Tử.

(Nhà thơ Chế Lan Viên)

Sẽ không thể giải thích được đầy đủ hiện tượng Hàn Mặc Tử nếu chỉ vận dụng thi pháp của chủ nghĩa lãng mạn và ảnh hưởng của Kinh thánh. Chúng ta cần nghiên cứu thêm lý luận của chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa siêu thực. Trong những bài thơ siêu thực của Hàn Mặc Tử, người ta không phân biệt được hư và thực, sắc và không, thế gian và xuất thế gian, cái hữu hình và cái vô hình, nội tâm và ngoại giới, chủ thể và khách thể, thế giới cảm xúc và phi cảm xúc. Mọi giác quan bị trộn lẫn, mọi lôgic bình thường trong tư duy và ngôn ngữ, trong ngữ pháp và thi pháp bị đảo lộn bất ngờ. Nhà thơ đã có những so sánh ví von, những đối chiếu kết hợp lạ kỳ, tạo nên sự độc đáo đầy kinh ngạc và kinh dị đối với người đọc.

(Nhà phê bình văn học Phan Cự Đệ)

Hàn Mặc Tử có khoảng bảy bài hay, trong đó có bốn bài đạt đến độ toàn bích. Còn lại là những câu thơ thiên tài. Những câu thơ này, phi Hàn Mặc Tử, không ai có thể viết nổi. Tiếc là những câu thơ ấy lại nằm trong những bài thơ còn rất nhiều xộc xệch…

(Nhà thơ Trần Đăng Khoa)

…Theo tôi thơ đời Hàn Mặc Tử sẽ còn lại nhiều. Ông là người rất có tài, đóng góp xứng đáng vào Thơ mới.

(Nhà thơ Huy Cận)

 

Những đóng góp của Hàn Mặc Tử cho nền Thơ Ca Của Việt Nam là rất lớn rất đáng trân trọng. Văn học Mùa tết xin chia sẻ một số bài thơ hay và tiêu biểu của Hàn Mặc Tử

1, Mùa Xuân Chín

Trong làn nắng ửng khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý – Bóng xuân sang.

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi;
– Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây,
Thầm thì với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây.

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,
Cảnh trí bâng khuâng sực nhớ làng:
– “Chị ấy, năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”

2, Đây Thôn Vĩ Dạ

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…
Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra…
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?

3, Đà Lạt Trăng Mờ

Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu,
Trời mơ trong cảnh thật huyền mơ.
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt,
Như đón từ xa một ý thơ.

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hồ reo.
Để nghe tơ liễu run trong gió,
Và để xem trời giải nghĩa yêu.

Hàng thông lấp loáng đứng trong im,
Cành lá in như đã lặng chìm.
Hư thực làm sao phân biệt được?
Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm.

Cả trời say nhuộm một màu trăng,
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng.
Không một tiếng gì nghe động chạm,
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng!

4, Những Giọt Lệ

Trời hỡi, bao giờ tôi chết đi?
Bao giờ tôi hết được yêu vì,
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tựa si?

Họ đã xa rồi khôn níu lại,
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa…
Người đi, một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.

Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
Sao bông phượng nở trong màu huyết,
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?

5, Bẽn Lẽn

Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi

Trong khóm vi vu rào rạt mãi
Tiếng lòng ai nói? Sao im đi?
Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe

Vô tình để gió hôn lên má
Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm
Em sợ lang quân em biết được
Nghi ngờ tới cái tiết trinh em

6, Cô Gái Đồng Trinh

Ôi cho ghê quá, ôi ghê quá 
Cảm thấy hồn tôi ớn lạnh rồi

Đêm qua trăng vướng trong cành trúc
Cô láng giềng bên chết thiệt rồi
Trinh tiết vẫn còn nguyên vẹn mới
Chưa hề âu yếm ở đầu môi.

Xác cô thơm quá thơm hơn ngọc
Cả một mùa xuân đã hiện hình
Thinh sắc cơ hồ lưu luyến mãi
Chết rồi – xiêm áo trắng như tinh.

Có tôi đây hồn phách tôi đây
Tôi nhập vào trong xác thịt này
Cốt để dò xem tình ý lạ
Trong lòng bí mật ả thơ ngây

Biết rồi, biết rồi! Thôi biết cả
Té ra Nàng sắp sửa yêu ta
Bao nhiêu mơ ước trong tim ấy
Như chực xuân về thổ lộ ra.

7, Trăng Vàng Trăng Ngọc

Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng Trăng!
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò…
Bao giờ đậu trạng vinh quy đã
Anh lại đây tôi thối chữ thơ.

Không, Không, Không! Tôi chẳng bán hồn Trăng.
Tôi giả đò chơi, anh tưởng rằng
Tôi nói thiệt, là anh dại quá:
Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang.

Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!
Trăng sáng trăng sáng khắp mọi nơi
Tôi đang cầu nguyện cho trăng tôi
Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi
Trăng mới là Trăng của Rạng Ngời
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!

8, Em Sắp Lấy Chồng

Được tin em sắp lấy chồng
Anh cười đã lắm, anh buồn cũng ghê.
Em ơi, em nuốt lời thề
Anh lầm anh tưởng gái quê thật thà.

9, Hồn Là Ai

Hồn là ai là ai? Tôi không biết
Hồn theo tôi như muốn cợt chơi tôi
Môi đầy hương tôi không dám ngậm cười
Hồn vội mớm cho tôi bao ánh sáng
Tôi chết giả và no nê vô vạn
Cười như điên, sặc sụa cả mùi trăng
Áo tôi là một thứ ngợp hơn vàng
Hồn đã cấu, đã cào, nhai ngấu nghiến
Thịt da tôi sương sần và tê điếng
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên
Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng em
Cho trăng ngập trăng dồn lên tới ngực
Hai chúng tôi lặng yên trong thổn thức
Rồi bay lên cho tới một hành tinh
Cùng ngả nghiên lăn lộn giữa muôn hình
Để gào thét một hơi cho rởn ốc
Cả thiên đường trần gian và địa ngục

Hồn là ai? Là ai? Tôi không hay
Dẫn hồn đi ròng rã một đêm nay
Hồn mê mệt lả mà tôi thì chết giấc.

10, Buồn Ở Đây

Rao rao gió thổi phương xa lại
Buồn đâu say ngấm áo xuân ai
Lay bay lời hát, ơ buồn lạ
E buồn trong mộng có đêm nay

Nắng sao như nắng đời xưa ấy
Nắng vàng con mắt thấy duyên đâu
Muốn gởi thương về người cổ độ
Mà sao tình chẳng nói cho đau

Chiều xưa khúc nhạc nóng ran lên
Không có ai đi để lỗi nguyền
Nguồn thơ ứa mãi hai hàng lệ
Tờ giấy hoa tiên cũng ướt mềm.

11, Mơ Hoa

Khói trầm lan nhẹ ngấm không gian
Giây phút buồn lây đến mộng vàng
Xiêm áo hôm nay tề chỉnh quá
Dám ôm hồn cúc ở trong sương

Hãy tưới lên hoa giọt lệ nồng,
Đếm từng cánh một mấy lần thương
Hãy chôn những mảnh xuân tàn tạ,
Và hãy chôn sâu tận đáy lòng.

Bóng người thục nữ ẩn trong mơ
Trong lá, trong hoa khói bụi mờ
Xin chớ làm thinh mà biểu lộ
Những tình ý lạ, những lời thơ.

Hãy quỳ nán lại: tiếng sao rơi
Khua ánh trăng xanh động khí trời
Gió thở hay là hoa thở nhỉ ?
Ô hay người ngọc biến ra hơi.

12, Ghen

Ta ném mình đi theo gió trăng
Lòng ta tản khắp bốn phương trời
Cửu trùng là chốn xa xôi lạ
Chim én làm sao bay đến nơi?

Chiếc tàu chở cả một đêm trăng
Muôn ánh sao ngời chói thẳng băng
Muôn sợi hương trầm bay bối rối
Muôn vàn thần thánh sống cao sang.

Giây phút ôi chao! Nguồn cực lạc.
Tình tôi ghen hết thú vô biên
Ai cho châu báu cho thinh sắc
Miệng lưỡi khô khan, hết cả thèm.

13, Sầu Vạn Cổ

Lòng ta sầu thảm hơn mùa lạnh,
Hơn hết u buồn của nước mây,
Của những tình duyên thương lở dở,
Của lời rên siết gió heo may.

Cho ta nhận lấy không đềm đáp,
Ơn trọng thiêng liêng xuống bởi trời,
Bằng tiếng kêu gài say chếnh choáng,
Bằng tim, bằng phổi nóng như sôi.

Và sóng buồn dâng ngập cả hồn,
Lan tràn đến bến mộng tân hôn.
Khóe cười nức nở nơi đầu miệng,
Là nghĩa, trời ơi, nghĩa héo hon.

Tuyển Tập những áng Thơ  Của Hàn Mặc Tử

14, Âm Thầm

Từ gió xuân đi gió hạ về
Anh thường gởi gắm mối tình quê
Bên em, mỗi lúc trên đường cái
Hóng mát cho lòng được thoả thuê!

Em có ngờ đâu trong những đêm
Trăng ngà giãi bóng, mặt hồ êm
Anh đi thơ thẩn như ngây dại
Hứng lấy hương nồng trong áo em

Bên khóm thuỳ dương em thướt tha
Bên này bờ liễu anh trông qua
Say mơ vướng phải mùi hương ướp
Yêu cái môi hường chẳng nói ra

Độ ấy xuân về em lớn lên
Thấy anh em đã biết làm duyên
Nhưng thời gian vẫn trôi đi mãi
Yêu dấu lòng anh ôm hận riêng

15, Đời Phiêu Lãng

Mây trắng ngang trời bay vẩn vơ
Đời anh lưu lạc tự bao giờ
Đi đi… đi mãi nơi vô định
Tìm cái phi thường cái ước mơ
Ở chốn xa xôi em có hay
Nắng mưa đã trải biết bao ngày
Nụ cười ý vị như mai mỉa
Mỉa cái nhân tình lúc đổi thay
Trên đời gió bụi, anh lang thang
Bụng đói như cào lạnh khớp răng
Không có nhà ai cho nghỉ bước
Vì anh là kẻ chẳng giàu sang
Ban đêm anh ngủ túp lều tranh
Chỗ tạm dừng chân khách bộ hành
Đến sáng hôm sau anh cất bước
Ra đi với cái mộng chưa thành

 

Tags

Related Articles

1 thought on “Tuyển Tập những áng Thơ Của Hàn Mặc Tử”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close