TRUYỆN NGẮN

Bóng miều phía chân mây

Bóng miều phía chân mây

Chậm thôi.

Khe khẽ.

Thằng Tuấn cúi xuống ngồi sát bên tôi. Sau bụi cây um tùm, muỗi nhiều như trấu, tha hồ chích hai đứa nổi mẩn đỏ cả cánh tay. Vừa gãi, Tuấn vừa thì thầm.

– Sao rồi?

Tôi không nhìn, đáp luôn.

– Chưa thấy gì. Chim mồi vẫn đang hót.

– Lâu nhỉ. Nhưng mày có chắc là thấy không đó?

Vỗ chết hai con muỗi nhép vo ve nơi bắp đùi, tôi quay sang Tuấn. Nó đang giương to mắt chờ đợi câu trả lời.

– Tao láo mày làm gì. Nãy đi mua đồ về, ngang qua vườn xà cừ tao thấy con miều đực to tướng đậu trên ngọn cây. Hót khá gắt, đến nỗi đứng từ xa cũng nghe thấy.

Thằng Tuấn nghe bùi tai nhưng vẫn chưa hết thắc mắc.

– Vậy giờ nó đâu? Ngồi cũng gần nửa tiếng rồi.

“Xì” một tiếng dài, tôi bĩu môi trả lời.

– Ông tướng ạ, muốn bẫy chim mà nóng vội kiểu đấy thì có mà ăn cám. Kiên nhẫn chút đi.

Nói đoạn, hai thằng lại quay mặt hướng về phía ngọn xà cừ. Trong vòm lá xanh mướt, chiếc lồng nhỏ đung đưa theo ngọn gió rì rào. Con chim mồi bị nhốt là giống miều cái. Theo dự tính, tiếng hót của nó sẽ phát ra tín hiệu thu hút con miều đực kia lại gần. Nơi tấm lưới bọc ngoài lồng bẫy, tôi móc sẵn một quả cà chua chín ngay bên dưới mối nối cửa sập. Vừa làm thức ăn cho chim mồi, đồng thời dụ con miều đực, hi vọng nó háu ăn lao đến không đề phòng.

Chỗ hai đứa đang nấp ngay sát tường bao của đình làng, cỏ mọc cao quá nửa thân mình. Giờ này mọi nhà đang nghỉ trưa, chẳng thấy một bóng người trên con đường chạy dài phía trước. Không gian im lặng, chỉ còn nghe tiếng xào xạc của tán cây trên đầu. Thế này quả có hơi liều lĩnh, vì khu vực quanh đây bị cấm lai vãng. Trừ những ngày có lễ hội, cúng cấp hệ trọng thì dân làng mới tập trung ở đình. Ông trưởng làng và mấy chú bên hợp tác xã vẫn thường hay đi tuần ở đây nhưng không theo một thời gian cố định. Đã đôi lần, tôi thấy ông tản bộ vào sáng sớm trong khoảng sân phía trước hai tượng lân bằng đá. Cũng lắm khi ông thình lình xuất hiện vào buổi trưa, dắt theo con Mực to như con bê với chiếc lưỡi lúc nào cũng thè ra ngoài. Cũng phải, đình có rất nhiều cổ vật quý cũng như đồ đạc mang tính biểu tượng cho làng. Sơ sẩy trộm vào khuân đi lại bị dân chửi lên đầu, trót lãnh trách nhiệm đành làm cho đến nơi đến chốn.

Thằng Tuấn ngáp dài, hơi thở toàn mùi tỏi.

– Trưa nay mày ăn gì đấy? – Tôi định xỏ xiên.

– Cơm. Hỏi thế mà cũng hỏi. – Nó gắt.

Định bật cười to nhưng sợ tiếng động lớn nên tôi kìm lại được.

– Mày ngu quá. Ý tao là mày ăn món gì ấy? Mồm toàn mùi tỏi, gớm chết đi cha nội.

– Rau lang xào với cá kho tộ. Ngon bá cháy. Món ấy phải có tỏi mới đúng bài chứ mày.

Tuấn làm bộ hiểu biết, làm như tôi chưa ăn món đó bao giờ. Tôi giơ tay ra hiệu im lặng, vừa ngăn dòng thác ba hoa từ miệng nó, vừa tập trung vào động tĩnh đằng phía chiếc lồng bẫy. Con chim mồi vẫn đang nhảy nhót bên trong, thi thoảng cất tiếng hót cao vút.

Hơn một tiếng trôi qua, khi mà cả tôi và Tuấn đang dần nản chí thì nó xuất hiện. Con miều đực to phải cỡ bàn tay, chiếc mào đỏ chót uy vũ ngự trên đỉnh đầu. Nhìn từ xa, tôi vẫn cảm nhận được bộ lông đen dày của nó. Trông khỏe khoắn và mạnh mẽ. Nó đậu trên một nhánh cây phía bên phải chiếc lồng bẫy. Nghe tiếng hót của chim mồi, con miều đực từ từ tiến tới, nhảy lóc chóc bằng đôi chân mảnh khảnh. Mấy phút đầu nó vẫn còn cảnh giác khi giữ khoảng cách với con chim cái, mặc kệ giọng hót của “cô ả” thu hút cỡ nào. Dường như nó chú ý đến trái cà chua bị móc theo kiểu hơi dị thường.

– Con này khôn. Tinh phết chứ chả đùa mày ạ!

– Ừm. Bắt được con này thì vớ bẫm, chiến phải biết.

Tôi thì thào đáp lời Tuấn, mắt vẫn dán chặt vào ngọn xà cừ – nơi hai con chim đang thăm dò nhau. Cuối cùng, sau gần mười lăm phút, dù rất thận trọng nhưng con miều đực vẫn dần tiến sát đến bên lồng bẫy. Cái đầu của nó lắc lư trước hình ảnh “cô nàng” đang bị giam cầm bên trong. Nhích thêm một chút nữa. Và rồi…

“Phụp”

Tấm lưới trên cửa lồng sập xuống, kẹp chặt lấy con miều đực. Nó hốt hoảng vẫy cánh, quẫy đạp tìm đường thoát. Nhưng quá muộn rồi, cái bẫy được thiết kế vô cùng khéo léo khi ôm vừa trọn thân hình con chim, không cho nó khoảng trống nào để giẫy giụa thoải mái. Reo lên đắc thắng, tôi chợt im bặt khi nghĩ đến hai đứa đang ở nơi nào. Tôi ra hiệu cho Tuấn ở lại làm nhiệm vụ cảnh giới, tôi sẽ vào sân đình đưa chiếc lồng xuống. Tôi nhảy qua tường bao, đón lấy thanh sào tre từ Tuấn rồi lặng lẽ tiến đến dưới gốc cây xà cừ.

Ngay lúc đó, tôi bỗng thấy hiện tượng lạ lùng. Một điều mà trước nay, đây là lần đầu tiên tôi quan sát được. Con chim cái đang kêu inh ỏi rồi nhảy tới sát thành lồng, dúi đầu vào những thanh thép mỏng manh – nơi con miều đực đang vô cùng hoảng sợ. Chuyện gì thế nhỉ? Đừng đùa chứ. Tôi thầm nghĩ, khựng lại trước hình ảnh đó. Con chim cái đang mổ liên hồi vào tấm lưới bên ngoài như muốn giật đứt các sợi cước, giải thoát cho miều đực. Không ổn rồi. Phải đưa lồng xuống ngay để tránh làm bị thương đôi cánh của nó. Nghĩ đoạn, tôi đưa chiếc sào gắn đầu móc vào lồng rồi nhẹ nhàng hạ xuống.

Con chim mồi bên trong chợt tỏ vẻ giận dữ, bay nhảy loạn xạ tìm cách mổ vào đôi tay của tôi khi đưa tới gần con miều đực. Đặt lồng xuống đất, tôi vẫy tay làm dấu cho Tuấn đi đến.

– Mày xem kìa! Con mồi sao lại thế nhỉ?

Tuấn chăm chú nhìn rồi cũng thốt lên.

– Quái nhỉ. Tao chưa bao giờ thấy con mồi nào hành động như con này.

– Thôi cứ đem cả hai về rồi tính sau.

Tôi nhấc lồng lên, mặc cho phản ứng dữ dội của chim cái. Con miều đực nằm im, khẽ cục cựa rồi giương đôi mắt nhìn con cái. Tuấn gãi đầu khó hiểu. Tôi và nó rảo bước đi nhanh về nhà.

Trưa hôm đó, nắng hè gay gắt. Sân đình trở lại sự yên tĩnh thường lệ như chưa từng có tiếng chim nào.

*        *        *

Một tuần lễ trôi qua.

Tôi đã tách hai con chim ra, nhốt vào hai lồng riêng biệt treo đối diện nhau trước hiên nhà. Tưởng rằng con miều đực sẽ hót say mê lắm. Nào ngờ, nó rơi vào trạng thái ủ dột triền miên, không ăn chút nào dù tôi bỏ nhiều hạt kê vào cốc. Thi thoảng nó nhấp chút nước rồi lại úp cánh sát vào thân đứng bất động. Con chim cái cũng không buồn hót khi thấy bạn mình như thế. Trước khi miều đực về đây, miều cái rất hiếu động, ưa bay nhảy và cất giọng cao vút. Vậy mà giờ đây, trông “ả” như cái xác không hồn, ốm o thiếu sức sống. Tôi buồn thiu, nghĩ đến công sức giăng bẫy và chờ đợi. Mọi thứ giờ thành ra công cốc, mất cả chì lẫn chài, chim mồi lẫn chim bẫy được đều xuống sắc trầm trọng.

Thấy tôi rầu rĩ đăm đăm nhìn hai chiếc lồng, bố lên tiếng hỏi.

– Sao thế con trai? Từ ngày bẫy được con chim kia, bố thấy con có vẻ không vui.

Tôi âu sầu nhìn bố.

– Dạ vâng ạ. Chúng nó không chịu hót, con miều đực bắt được giờ im như thóc. Con chim cái thì không bay nhảy nữa, tàn tạ đi nhiều quá.

Rồi tôi kể bố nghe đầu đuôi câu chuyện, từ khi trông thấy, đặt bẫy rồi chờ đợi. Đến lúc bắt được thì bọn chúng phản ứng kì lạ thế nào. Vừa nghe, bố đăm chiêu suy nghĩ rồi cuối cùng gật gù.

– Con biết vì sao chúng như thế không?

Tôi lắc đầu.

– Bố nghĩ con bắt trúng chim miều chúa rồi. Giống này tinh khôn, sống cô độc và hiếm khi thấy nó mắc bẫy. Con chim cái có vẻ “kết” miều đực nên bày tỏ thái độ ra mặt.

Thấy đôi mắt mở to ngạc nhiên của tôi, bố mỉm cười rồi tiếp tục.

– Đừng xem thường. Chim miều chúa rất kiêu hãnh, không như lũ miều bình thường con hay gặp. Nó sống tự do giữa đất trời, thoải mái tung cánh tới nơi mình thích chứ không chịu bị gò bó. Bố nghĩ con nên thả nó ra thì hơn.

Càng nghe bố nói, tôi càng ngạc nhiên về độ am hiểu sâu sắc của ông với chim chóc. Không ngờ hồi còn bé, bố tôi cũng là một tay bẫy và nuôi chim có hạng trong làng. Ai mà tin được người thợ mộc với dáng người chắc nịch kia lại có tuổi thơ dữ dội như vậy.

– À. Nếu thả miều đực, con nên trả tự do cho con chim cái luôn. Để chúng thành đôi thành cặp, giam hãm tội nghiệp.

– Nhưng mà mất công lắm mới bắt được chúng mà bố.

Tôi nhăn mặt. Bố vẫn ôn tồn bảo.

– Giờ thế này nhé, nếu con bị nhốt như bọn nó thì con chịu được không? Cuộc đời của mình lại bị chôn vùi đằng sau chấn song, chịu sự kiểm soát của kẻ khác thì chịu sao thấu. Nghe bố, đừng để đến lúc chúng chết thì hối hận đã muộn.

Tôi dần ngẫm ra. Bấy lâu nay vô tư với thú vui của mình nhưng hiếm khi tôi nghĩ đến những điều sâu xa như vậy. Giờ tôi đã hiểu tại sao chỉ ít năm sau quãng thời gian chơi chim lúc nhỏ, bố tôi đã không bao giờ đụng đến chiếc lồng một lần nào nữa.

– Thế bố dạy con làm mộc nhé. Chứ đi học về không có gì chơi thì chán lắm ạ.

Bố bật cười to.

– Chuyện nhỏ. Sợ con không chịu khó được thôi. Nếu con chịu thả hai con miều, bố hứa sẽ dạy cho cách bẫy chuột đồng nữa cơ. Mùa này lũ chuột hay ăn thóc ngoài ruộng lắm.

Tôi thích thú ra mặt, gật đầu đồng ý. Đoạn hạ hai chiếc lồng xuống đất, tôi cùng bố thong thả mang ra sau vườn. Dùng ngón tay kéo nhẹ cửa sập lên, khoảng trống hiện ra trước mắt con miều đực. Tầm vài giây, nó mở mắt nghiêng đầu nhìn như không tin vào vận may của mình. Thình lình, nó đập cánh bay vút ra ngoài, hướng thẳng lên bầu trời. Con chim cái được trả tự do ngay sau đó. Hai bóng miều quấn quýt lấy nhau, cùng sát cánh bay về phía chân trời.

Mất hút…

 

Tác giả Kì Phong

Xem thêm truyện ngắn hay cùng tác giả:

Truyện ngắn Bóng miều phía chân mây - Kì Phong - Văn học trẻ Bóng miều phía chân mây
Truyện ngắn Bóng miều phía chân mây – Kì Phong – Văn học trẻ. Ảnh minh họa từ Internet

Lời bàn Truyện ngắn Bóng miều phía chân mây – Kì Phong – Văn học trẻ

Truyện ngắn Bóng miều phía chân mây không chỉ viết về tuổi thơ với thú vui bẫy chim gợi nhiều thích thú từ cách viết của Kì Phong mà còn nói tới vấn đề bảo tồn tự nhiên hoang dã qua những con chim miều.

Tôi mới biết về loài chim miều qua truyện ngắn này, cách gọi của người Huế về loài chim chào mào – loài chim được biết tới với giọng hót vang, quyến rũ, được người nuôi chim ưa chuộng. Đọc xong câu chuyện tôi chợt nhớ tới câu nói: Cái gì của Caesar trả lại cho Caesar, cái gì của tự nhiên phải trả về với chính nó. Loài chim hoang dã ấy chỉ có thể vui vẻ hót vang trong chính bầu trời của chúng. Con người tham lam muốn chiếm lấy những gì thuộc về tự nhiên để thành của riêng mình, đó là một bản tính chinh phục nhưng cũng là một sự tham lam cần buông bỏ.

Thường thì chúng ta sẽ không thích đọc một câu chuyện quá đặt nặng vấn đề truyền tải ý nghĩa giáo dục nhưng Kì Phong đã giải quyết rất tốt điều này. Một vụ “bẫy chim” đầy vui thú của lũ trẻ là nội dung chính, tác giả viết về tuổi thơ, về vùng nông thông Việt Nam đầy đặc trưng, lời văn nhẹ nhàng không hề đặt nặng ám chỉ. Ta dường như cũng sẽ cảm thấy tác giả vô cùng am hiểu về loài chim miều và cách mà những “dân chơi” bẫy chim, thuần phục chim. Còn nhiều điều mà mỗi bạn đọc có thể nhận ra sau khi đọc truyện ngắn đơn giản mà thú vị này.

Bóng miều phía chân mây còn gợi ra suy nghĩ gì từ bạn? Hãy để lại bình luận cho Văn học trẻ ở bên dưới nhé.

 

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close