Văn học thiếu nhi
Ông nội và ông ngoại
Từ bé đến giờ Minh chỉ biết có ông nội, chưa bao giờ Minh gặp ông ngoại cả. Ông ngoại ở xa lắm, đâu như tận Sài Gòn kia. “Nội là trong, ngoại là ngoài” – Có lần bà Viện hàng xóm giảng giải cho Minh như thế. – Ông nội đẻ ra bố, còn ông ngoại đẻ ra mẹ. Bố bao giờ cũng gần hơn mẹ, bởi thế ông nội gần hơn ông ngoại.
Từ bé đến giờ Minh chỉ biết có ông nội, chưa bao giờ Minh gặp ông ngoại cả. Ông ngoại ở xa lắm, đâu như tận Sài Gòn kia.
“Nội là trong, ngoại là ngoài” – Có lần bà Viện hàng xóm giảng giải cho Minh như thế. – Ông nội đẻ ra bố, còn ông ngoại đẻ ra mẹ. Bố bao giờ cũng gần hơn mẹ, bởi thế ông nội gần hơn ông ngoại.
Bà Viện nói thế có vẻ đúng. Ông ngoại thì ở xa tít tắp, mà nếu có ở gần thì chắc ông ngoại cũng không yêu Minh bằng ông nội.
Ông nội lúc nào cũng gần gũi Minh. Những buổi tối ngồi uống trà, ông ôm Minh trên lòng và kể cho Minh nghe bao nhiêu là chuyện. Ông hay kể về thành phố Hà Nội trước kia, Hà Nội khi ông còn là “anh vệ quốc” trong trung đoàn Thủ đô khác Hà Nội bây giờ nhiều.
Ông yêu thành phố Hà Nội lắm, ông bảo “ở trong nhà lâu lại nhớ phố”, bởi vậy ông rất thích đi chơi chỗ này chỗ kia trong thành phố, thường là ông dẫn Minh đi theo. Ông kể cho Minh nghe những chuyện xảy ra trong các phố và nhắc lại những tên phố cũ ngày xưa. Không chỉ đi chơi suông đâu, mỗi lần đi chơi ông đều cho Minh ăn kem. Cái món kem dừa ở Bờ Hồ là Minh rất thích, vừa thơm vừa mát lạnh. Ông nội bảo khi Minh còn bé hơn nữa, lúc ba tuổi ấy, Minh ăn kem thấy khói, tưởng kem nóng nên cứ ra công mà thổi. Nghĩ lại buồn cười.
Cứ mỗi lần đi công tác về, ông lại mua cho Minh bao nhiêu thứ: kẹo, bánh, đồ chơi, có khi ông còn nhặt cho Minh cả những vỏ ốc biển nữa. Vừa nhận những món quà ông cho, Minh vừa hỏi chuyện ông dồn dập:
– Biển có xa không ông?
– Xa lắm.
– Có rộng không ông?
– Rộng lắm.
– Thế có bơi qua được không?
– Không, biển chỉ thấy có một bờ thôi, bờ bên kia không trông thấy đâu cả.
– Thôi Minh, – bố Minh đưa mắt nhìn Minh và mắng. – Con để cho ông nghỉ ngơi đã nào! – Rồi bố quay ra nói với ông: – Ông mặc nó, ông cứ nghỉ đi cho khoẻ, ông chiều nó quá rồi nó hư ra đấy.
– Thôi đi, tôi không mệt, anh mặc ông cháu tôi. – Ông kéo Minh vào lòng, xoa xoa lên cái đầu húi cua của Minh và cười vui vẻ: – Cháu đích tôn của tôi đấy! Khi nào cháu lớn, cháu nuôi ông nhỉ?
Những lúc như thế Minh thấy gần gũi ông nội hơn cả bố. Minh yêu ông lắm, mà không biết làm thế nào cho ông biết điều đó. Thấy ông âu yếm quá, Minh vừa cảm động vừa ngượng, Minh bèn lùa những ngón tay nhỏ xíu lên mái tóc ông và nói:
– Cháu nhổ tóc sâu cho ông nhé…
Ông ngoại hẳn không thể yêu Minh bằng ông nội được. Cả nhà không ai biết ông ngoại là người như thế nào. Ngay cả mẹ Minh cũng không rõ về ông ngoại lắm. Vì ông ngoại đi từ khi mẹ Minh còn rất bé. Lúc bấy giờ mẹ Minh ở với cụ ngoại. Ông bảo đi vào Nam một thời gian làm ăn, có tiền rồi lại ra với mẹ Minh. Thế rồi đất nước chia cắt, ông ngoại không về nữa. Bây giờ mỗi lần kể về ông ngoại, mẹ Minh chỉ còn nhớ là ông có hai cái răng khểnh trước cửa. Người ông cao lớn lắm. Bao nhiêu năm trời mẹ không hề nhận được tin tức gì về ông. Mãi tới khi Sài Gòn giải phóng, có người vào Nam ra, cầm thư của ông ngoại đến cho mẹ, mẹ mới biết là ông còn ở Sài Gòn. Mẹ đọc thư ông mà cứ khóc rưng rức. Không hiểu có chuyện gì đã xảy ra với ông ngoại. Minh cứ quanh quẩn bên mẹ và lo lắng:
– Mẹ ơi, thư ông ngoại buồn lắm à?
– Không, vui lắm con ạ!
“À, ra vui mà mẹ cũng khóc! Mẹ giống như cái kem, lạnh mà lại bốc khói” – Minh nghĩ như vậy lại thấy buồn cười.
Hè năm nay Minh được mẹ đưa vào thăm ông ngoại. Trước khi lên đường, ông nội cho Minh bao nhiêu là bánh kẹo để dự trữ ăn dọc đường. Ông sắp vào túi Minh cả mấy quyển truyện mà Minh vẫn thích đọc. Khi xe bắt đầu chuyển bánh, ông vẫn còn chạy theo đưa cho Minh một cái kem và dặn:
– Cháu về thăm ông ngoại rồi mau về với ông, ông nhớ cháu lắm đấy. Cháu về bất cứ lúc nào cũng có ông ở nhà sẵn sàng đợi cháu.
Ông giơ cao tay vẫy Minh mãi. Minh cũng vẫy ông, vừa vẫy vừa quay lại nhìn về phía bến xe, bóng ông nội nhỏ dần và khuất sau một dãy nhà cao. Cổ Minh nghẹn lại, cứ như là nước mắt ở trong cổ trào ra ấy! Muốn khóc quá!
Đường đi thăm ông ngoại xa thăm thẳm, qua bao nhiêu cầu phà, rừng núi, qua bao nhiêu bờ biển, làng phố. Nơi nào Minh cũng thấy như đã quen biết từ trước rồi, vì ông nội ở nhà vẫn thường kể cho Minh nghe về những miền đất như thế.
Xe dừng lại ở Huế một ngày. Dòng sông Hương xanh trong vắt, đúng như ông nội kể, và gió cầu Tràng Tiền thì mát ơi là mát. Có điều những nơi vua chúa ở ngày xưa thì không đẹp và lớn như Minh vẫn thường nghĩ. Cung điện gì mà còn thấp và xấu hơn cái Cung thiếu nhi ở Hà Nội. Minh muốn chạy về ngay để nói cho ông nội nghe nhận xét đó của Minh. Nhưng ông nội đã xa quá rồi!
– Mẹ ơi, bao giờ mẹ với con lại về Hà Nội?
– Thăm ông ngoại xong thì về.
– Con chả muốn thăm ông ngoại nữa đâu, con muốn về ngay kia.
– Ấy chết, đừng nói thế con, con không thương ông à? Con không biết là ông đang mong gặp con à?
– Ông đã yêu con bao giờ đâu, ông đã biết con bao giờ đâu mà mong gặp con?
– Có chứ, ông biết con và rất yêu con, vì con là con của mẹ.
Nghe mẹ nói thế, Minh không cãi lại nữa, nhưng Minh vẫn thấy như có điều gì vô lý ở bên trong. Tại sao Minh và ông ngoại không hề quen biết nhau lại có thể nhớ và thương yêu nhau được. Rốt cuộc, Minh vẫn chỉ thấy yêu và nhớ có ông nội.
Xe lại chạy, qua đèo Hải Vân. Mây ùa cả vào cửa xe. Xe qua vùng Tháp Chàm cũ. Hẳn những Tháp Chàm ấy đã có từ lâu lắm rồi (theo như lời ông nội kể), lâu lắm mà vẫn đứng đấy, nhìn về bốn phía. Minh vẫn có cảm giác những Tháp Chàm kia đang ngó theo…
Giá như có ông nội đi cùng, ông nội đã kể cho Minh nghe bao nhiêu chuyện dọc đường.
Xe tới Sài Gòn vào một buổi chiều nắng gay gắt. Cái đầu tiên Minh gặp ở Sài Gòn là những người ăn mày và những nhà cao vút.
Vừa bước xuống xe, mẹ con Minh đã bị những người ăn mày bao vây và van vỉ xin bằng được. Ngồi vào quán ăn uống lại càng gặp nhiều ăn mày. Ăn mày trẻ con bằng Minh cũng nhiều, có đứa tóc vàng, mắt xanh nữa. Mẹ bảo đó là đứa trẻ lai Mỹ. “Sao các bạn này không đi học? – Minh nghĩ vậy. Vào tuổi như thế, các bạn mình ở Hà Nội toàn đi học cả…”
Nhà ông ngoại hẹp và kẹt giữa hai ngôi nhà to cao. Đứng xa trông như một cái răng kẹ bị ép giữa hai cái răng bàn cuốc. Mẹ Minh rụt rè bấm chuông còn Minh thì ghé mắt nhìn qua khe cửa, thấy một ông cụ tóc bạc phơ, người gầy đét, lòng khòng ra mở cửa. Mẹ ôm choàng lấy ông và nghẹn ngào:
– Bố ơi, con đây!
– Mẹ con thằng Minh vào với ông đấy à? – Ông nắm lấy vai mẹ lẩy bẩy, mái tóc rung lên và lưng ông như còng xuống.
Ông cười và nước mắt cứ giàn giụa. Tao nhận được thư, lúc nào tao cũng mong mẹ con mày vào.
Ông nắm lấy tay Minh và kéo Minh lại gần ông. Minh thấy hơi sờ sợ. Trông ông mỏng manh như một cái bóng chứ không phải là người thật. Ông chẳng to lớn như mẹ kể chút nào. Nếu như ông không có hai cái răng khểnh trước cửa thì chắc chắn là Minh không đoán ra ông. Ông nói lơ lớ giọng miền Nam phải nhờ mẹ cắt nghĩa mới hiểu hết được. Ví dụ: bệnh viện thì ông gọi là nhà thương; bác sĩ ông gọi là đốc-tờ; bồi dưỡng ông gọi là tẩm bổ; người tốt ông gọi là người có đức hạnh v.v… Mẹ bảo những từ ấy là những từ cổ, ở Hà Nội không ai còn dùng nữa, nhưng vì ông đi vào trong này lâu rồi nên không biết những từ mới ngoài Bắc đã thay đổi…
Dẫu sao thì Minh vẫn thấy xa cách với ông ngoại, mặc dù ông vẫn chăm sóc và chiều chuộng Minh từng tí một. Minh thoáng cần cái gì là ông làm ngay cho Minh; thấy Minh nhìn cái cốc là ông đi lấy nước cho Minh uống; thấy Minh cứ lì xì không nói và nhìn ra đường phố là ông vội vàng chống ba-toong dẫn Minh đi chơi… đi chơi nhưng mà không có ăn kem đâu, chỉ loanh quanh ngoài phố rồi lại về, gặp ai quen ông chỉ vào Minh và giới thiệu: “Thằng cháu tôi đấy”. Ông cứ làm như gặp được người quen thì Minh vui ấy, ông không nhớ ra là những người quen đó chỉ có quen ông thôi, còn đối với Minh thì ai cũng lạ. Minh thấy chán quá, lại càng nhớ Hà Nội. Lại còn nói đến cái món đồ chơi của ông ngoại cho nữa chứ! Đó là cái xe gíp bằng sắt, có hai súng máy lắp đá lửa ở trên xe, khi vặn khoá rồi thả cho xe chạy thì khẩu súng bắn ra những tia lửa nhỏ xíu. Minh cũng thích chiếc xe này đấy, nhưng giả thử nó mới thì thích hơn nhiều. Đằng này xe lại quá cũ rồi, lắm chỗ đã bong lớp mạ trắng và bắt đầu gỉ.
– Sao ông bảo yêu con mà lại cho con một cái xe cũ như thế nhỉ? – Có lần Minh hỏi mẹ như vậy với một giọng trách móc ông ngoại.
– Này, con đừng có nói thế, ông không yêu con sao ông toàn nhường thịt, cá cho con thôi.
– Ông chả bảo với mẹ là ông thích ăn cà. Với lại ông bảo thích ăn đầu cá vì bao nhiêu mắm muối nó ngấm cả vào đó là gì.
– Con chả hiểu gì về ông cả.
Thấy mẹ nói như trách móc, vả lại Minh trông mắt mẹ hoe hoe đỏ, Minh không gây thêm chuyện nữa. Bữa cơm ăn chỉ có ông và mẹ nói chuyện với nhau, còn Minh thì ngồi nghe và im lặng, không như những bữa cơm ở Hà Nội, cứ mỗi lần ông nội nói ra câu nào là cả nhà lại cười vui vẻ. Ông ngoại hỏi mẹ về những phố, những làng mà bây giờ không còn tên như thế nữa, chẳng hạn như: “Cái phố mụ đầm Đờ-măng bây giờ có vui không? Làng La Khê ta vẫn còn dệt vân, dệt the chứ? Chợ Đơ bây giờ thế nào? v.v…”
Ông còn hỏi về nhiều người ông quen biết, có những người ngay cả mẹ Minh cũng không biết nữa. Mẹ Minh kể cho ông nghe những đổi thay của Hà Nội, của làng quê ông đã ở, về những người sống kẻ chết ông đã quen.
Ban đêm ông bảo Minh nằm với ông cho vui. Giường ông rộng, nhưng miếng đệm mút lại hẹp và mỏng chỉ trải vừa một người nằm. Ông gối bọc quần áo rách. Chăn màn ông vàng khè và hôi hám. Ông để Minh nằm lên miếng đệm, còn ông nằm ra ngoài chiếu, sát trong tường.
– Sao ông không nằm nệm? – Minh rụt rè hỏi.
– À, vì ông thích nằm chiếu cho mát. Khí hậu trong này nóng bức lắm. Cháu ngủ đi.
Ông nói vậy rồi hai ông cháu im lặng. Hình như ông cũng không ngủ được…
Đã sắp hết một tháng kể từ ngày mẹ con Minh vào thăm ông ngoại. Mẹ bảo sắp hết phép, phải về. Minh cũng thấy nhơ nhớ ông ngoại.
Ông ngoại tiễn mẹ con Minh ra bến xe. Trước khi mẹ con Minh lên xe, ông rút cái bút máy trong túi áo ra đưa cho Minh và nói:
– Ông chỉ còn cái bút này quý nhất ông cho cháu, cháu giữ lấy để viết thư cho ông. Ông già rồi, chả biết chết lúc nào, dùng cái bút này nó phí đi!
Đó là cái bút Pi-lốt nắp mạ vàng, bút đã cũ lắm rồi, màu nắp đã bạc và sây sát cả.
– Cái xe gíp ông cho cháu ấy, ông cũng đã để dành từ lâu rồi, từ khi nghe tin mẹ cháu đẻ con trai, ông đã mua cái xe ấy, nhưng chả biết nhờ ai gửi cho cháu được, ông vẫn để chờ cháu đấy.
Bây giờ Minh mới hiểu ra là tại sao cái xe gíp ấy nó lại cũ. Minh còn hiểu thêm là ông rất nghèo. Trước kia ông làm người giữ sách ở thư viện Sài Gòn, nhưng rồi sau, ông bị ho lao, ba năm trời nằm trong bệnh viện làm phúc, chả có ai chăm sóc. Bây giờ ông già yếu quá rồi, chỉ quanh quẩn bán dần đồ đạc trong nhà để sống tạm. Ông sống có một mình, bà trẻ của ông đã bỏ đi khi ông ốm đau…
Khi xe sắp chạy, cả mẹ và ông đều rân rấn nước mắt. Mẹ bảo:
– Thôi, ông về, trời sắp mưa rồi kìa. Sang năm con lại cho cháu vào thăm ông.
Nhưng ông ngoại vẫn đứng đó. Xe bắt đầu chuyển bánh, trời đổ cơn mưa.
Mình thấy ông giương cái ô đen lên. Ông đứng lẫn giữa bao nhiêu người và xe cộ. Xe chạy xa dần, rồi quặt vào một góc phố. Minh chỉ còn thấy chiếc ô đen giơ lên cao rồi khuất hẳn. Minh quay sang nhìn mẹ. Mẹ im lặng, nước mắt giàn giụa. Minh cũng nghẹn ngào muốn khóc. Thương ông ngoại quá đi mất! Bây giờ ông lại về một mình với căn phòng hẹp, với chăn màn cũ, vá. Minh thấy thương cả cái ô đen vừa khuất sau góc phố…
– Mẹ ơi, thế bây giờ ai nuôi ông?
– Bác con, bác con sắp chuyển công tác vào trong này để nuôi ông ngoại.
– Bao giờ con lớn con cũng nuôi ông ngoại. – Minh nói đến đây rồi rúc đầu vào lòng mẹ khóc thút thít.
Nguồn: Xuân Quỳnh, Bầu trời trong quả trứng, NXB Kim Đồng, 2005
Văn học trẻ sưu tầm tổng hợp