Bài văn hay THCSNgữ Văn 6

Ôn tập: Cổng trường mở ra, Mẹ tôi, Cuộc chia tay của những con búp bê

Ôn tập lại các tác phẩm Cổng trường mở ra, Mẹ tôi, Cuộc chia tay của những con búp bê thông qua những câu hỏi sẽ giúp các bạn học sinh vừa làm bài vừa ôn lại kiến thức tổng quát nhất của bài học.

I. Văn bản : “Cổng trường mở ra”

Bài 1: Hãy nhận xét chỗ khác nhau của tâm trạng người mẹ & đứa con trong đêm trước ngày khai trường, chỉ ra những biểu hiện cụ thể ở trong bài.

Gợi ý:   

Mẹ Con
– Trằn trọc, không ngủ, bâng khuâng, xao xuyến.

– Mẹ thao thức. Mẹ không lo nhưng vẫn không ngủ được.

– Mẹ lên giường và trằn trọc, suy nghĩ miên man hết điều này đến điều khác vì mai là ngày khai trường lần đầu tiên của con.

  – Háo hức.

– Người con cảm nhận được sự quan trọng của ngày khai trường, như thấy mình đã lớn, hành động như một đứa trẻ “lớn rồi”giúp mẹ dọn dẹp phòng & thu xếp đồ chơi.

– Giấc ngủ đến với con dễ dàng như uống 1 ly sữa, ăn 1 cái kẹo.

 

Bài 2: Theo em,tại sao người mẹ trong bài văn lại không ngủ được? Hãy đánh dấu vào các lí do đúng.

  1. Vì người mẹ quá lo sợ cho con.
  2. Vì người mẹ bâng khuâng xao xuyến khi nhớ về ngày khai trường đầu tiên của mình trước đây.
  3. Vì người mẹ bận dọn dẹp nhà cửa cho ngăn nắp, gọn gàng.
  4. Vì người mẹ vừa trăn trở suy nghĩ về người con, vừa bâng khuâng nhớ vè ngày khai trường năm xưa của mình.

Bài 3:  “Cổng trường mở ra” cho em hiểu điều gì? Tại sao tác giả lại lấy tiêu đề này. Có thể thay thế tiêu đề khác được không?

*Gợi ý: Nhan đề “Cổng trường mở ra” cho ta hiểu cổng trường mở ra để đón các em học sinh vào lớp học, đón các em vào một thế giới kì diệu, tràn đầy ước mơ và hạnh phúc. Từ đó thấy rõ tầm quan trọng của nhà trường đối với con người.

Bài 4: Tại sao người mẹ cứ nhắm mắt lại là “dường như vang lên bên tai tiếng đọc bài trầm bổng…đường làng dài và hẹp”.

*Gợi ý: Ngày đầu tiên đến trường, cũng vào cuối mùa thu lá vàng rụng, người mẹ được bà dắt tay đến trường, đự ngày khai giảng năm học mới. Ngày đầu tiên ấy, đã in đậm trong tâm hồn người mẹ, những khoảnh khắc, những niềm vui lại có cả nỗi  choi vơi, hoảng hốt. Nên cứ nhắm mắt lại là người mẹ nghĩ đến tiếng đọc bài trầm bổng đó. Người mẹ còn muốn truyền cái rạo rực, xao xuyến của mình cho con, để rồi ngày khai trường vào lớp một của con sẽ là ấn tượng sâu sắc theo con suốt cuộc đời.

Bài 5: Người mẹ nói: “ …Bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”. Đã 7 năm bước qua cánh cổng trường bây giờ, em hiểu thế giới kì diệu đó là gì?

– Đó là thế giới của những đièu hay lẽ phải, của tình thương và đạo lí làm người.

– Đó là thế giới của ánh sáng tri thức, của những hiểu biết lí thú và kì diệu mà nhân loại hàng ngàn năm đã tích  lũy được.

– Đó là thế giới của tình bạn, của tình nghĩa thầy trò, cao đẹp thủy chung.

Bài 6: Câu văn nào nói lên tầm quan trọng của nhà trường đối với thế hệ trẻ?

– Ai cũng biết rằng mỗi sai lầm trong giáo dục sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ mai sau.

– Không có ưu tiên nào lớn hơn ưu tiên giáo dục thế hệ trẻ cho tương lai.

– Bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra.

Ôn tập Cổng trường mở ra, Mẹ tôi, Cuộc chia tay của những con búp bê Ôn tập: Cổng trường mở ra, Mẹ tôi, Cuộc chia tay của những con búp bê
Ôn tập Cổng trường mở ra, Mẹ tôi, Cuộc chia tay của những con búp bê

II- Mẹ tôi

Bài 1: Văn bản là một bức thư của bố gửi cho con, tại sao lại lấy nhan đề là “Mẹ tôi”.

* Gợi ý: Nhan đề “Mẹ tôi” là tác giả đặt. Bà mẹ không xuất hiện trực tiếp trong văn bản nhưng là tiêu điểm, là trung tâm để các nhân vật hướng tới làm sáng tỏ.

Bài 2:  Em hãy hình dung và tưởng tượng về ngày buồn nhất của En ri cô là ngày em mất mẹ. Hãy trình bày bằng một đoạn văn.

*Gợi ý: En -ri -cô đang ngồi lặng lẽ, nước mắt tuôn rơi. Vóc người vạm vỡ của cậu như thu nhỏ lại trong bộ quần áo tang màu đen. Đất trời âm u như càng làm cho cõi lòng En ri cô thêm sầu đau tan nát. Me không còn nữa. Người ra đi thanh thản trong hơi thở cuối cùng rất nhẹ nhàng. En ri cô nhớ lại lời nói thiếu lễ độ của mình với mẹ, nhớ lại nét buồn của mẹ khi ấy. Cậu hối hận, dằn vặt, tự trách móc mình và càng thêm đau đớn. Cậu sẽ không còn được nghe tiếng nói dịu dàng, âu yếm và nhẹ nhàng của mẹ nữa. Sẽ chẳng bao giờ còn  được mẹ an ủi khi có nỗi buồn, mẹ chúc mừng khi có niềm vui và thành công. En ri cô buồn biết bao.

Bài 3: Chi tiết “Chiếc hôn của mẹ sẽ xóa đi dấu vết vong ân bội nghĩa trên trán con” có ý nghĩa như thế nào.

*Gợi ý: Chi tiết này mang ý nghĩa tượng trưng. Đó là cái hôn tha thứ, cái hôn của lòng mẹ bao dung. Cái hôn xóa đi sự ân hận của đứa con và nỗi đau của người mẹ.

Bài 4: Theo em người mẹ của En ri cô là người như thế nào? Hãy viết 1 đoạn văn làm nổi bật hình ảnh người mẹ của En ri cô (học sinh viết đoạn – đọc trước lớp).

III.  Cuộc chia tay của những con búp bê.

– Văn bản nhật dụng đề cập đến vấn đề  quan trọng trong cuộc sống hiện đại: bố mẹ li dị, con cái phải chịu cảnh chia lìa. qua đó cảnh báo cho tất cả mọi người về trách nhiệm của mình đối với con cái.

  1. Nội dung : Mượn chuyện cuộc chia tay của những con búp bê, tác giả thể hiện tình thương xót về nỗi đau buồn của những trẻ thơ trước bi kịch gia đình. Đồng thời ca ngợi tình cảm tốt đẹp, trong sáng của tuổi thơ.
  2. Ý nghĩa: Đọc truyện ngắn này ta càng thêm thấm thía: hạnh phúc gia đình, tình cảm gia đình là vô cùng quí giá, thiêng liêng; mỗi người phải biết vun đắp, giữ gìn những tình cảm trong sáng, thân thiết ấy.
  3. Nghệ thuật: lập luận chặt chẽ, lời lẽ chân thành, giản dị, giàu cảm xúc, có sức thuyết phục cao.

– PTBĐ : tự sự + Biểu cảm

– Ngôi kể thứ nhất: Người kể chứng kiến câu chuyện xảy ra, trực tiếp tham gia cốt truyện. Cách lựa chọn ngôi kể này giúp tác giả trực tiếp thể hiện suy nghĩ, tình cảm và diễn biến tâm trạng của nhân vật, tăng thêm tính chân thực của truyện, làm cho truyện hấp dẫn và sinh động hơn.

Luyện tập :
  1. Tại sao tác giả đặt tên truyện là Cuộc chia tay của những con búp bê ?

*Gợi ý: Những con búp bê vốn là đồ chơi thủa nhỏ, gợi lên sự ngộ nghĩnh, trong sáng, ngây thơ, vô tội. Cũng như Thành và Thủy buộc phải chia tay nhau nhưng tình cảm của anh và em không bao giờ  xa.

Những kỉ niệm, tình yêu thương, lòng khát vọng hạnh phúc còn mãi mãi với 2 anh em, mãi mãi với thời gian.

  1. Tìm các chi tiết trong truyện cho thấy hai anh em Thành, Thuỷ rất mực gần gũi, thương yêu, chia sẻ và luôn quan tâm đến nhau:

– Thủy khóc, Thành cũng đau khổ. Thủy ngồi cạnh anh,lặng lẽ đặt tay lên vai anh.

– Thủy là cô bé nhân hậu, giàu tình thương, quan tâm, săn sóc anh trai: Khi Thành đi đá bóng bị rách áo, Thuỷ đã mang kim ra tận sân vận động để vá áo cho anh. Trước khi chia tay dặn anh “Khi nào áo anh rách, anh tìm về chỗ em,em vá cho”; dặn con vệ sĩ “Vệ sĩ ở lại gác cho anh tao ngủ nhé”.

– Ngược lại, Thành thường giúp em mình học. Chiều chiều lại đón em ở trường về.

– Cảnh chia đồ chơi nói lên tình anh em thắm thiết :nhường nhau đồ chơi.

  1. Trong truyện có chi tiết nào khiến em cảm động nhất. Hãy trình bày bằng 1 đoạn văn

(học sinh viết, đọc – GV nhận xét – cho điểm).

* Gợi ý: Cuối câu chuyện Thủy để lại 2 con búp bê ở bên nhau, quàng tay vào nhau thân thiết, để chúng ở lại với anh mình. Cảm động biết bao khi chúng ta chứng kiến tấm lòng nhân hậu, tốt bụng, chan chứa tình yêu thương của Thủy. Thà mình chịu thiệt thòi còn hơn để anh mình phải thiệt. Thà mình phải chia tay chứ không để búp bê phải xa nhau. Qua đó ta cũng thấy được ước mơ của Thủy là luôn được ở bên anh như người vệ sĩ luôn canh gác giấc ngủ bảo vệ và vá áo cho anh.

  1. Trong truyện có mấy cuộc chia tay? Tại sao tên truyện là “Cuộc chia tay của những con búp bê”nhưng trong thực tế búp bê không xa nhau? nếu đặt tên truyện là “ búp bê không hề chia tay”, “ Cuộc chia tay giữa Thành và Thuỷ” thì ý nghĩa của truyện có khác đi không?

*Gợi ý: Truyện ngắn có 4 cuộc chia tay…..

– Tên truyện là “Cuộc chia tay của những con búp bê.” trong khi thực tế búp bê không hề chia tay. đây là dụng ý của tác giả. búp bê là vật vô tri vô giác nhưng chúng cũng cần sum họp, cần gần gũi bên nhau, lẽ nào những em nhỏ ngây thơ trong trắng như búp bê lại phải đau khổ chia tay. Điều đó đặt ra cho những người làm cha, làm mẹ phải có trách nhiệm giữ gìn tổ ấm của gia đình mình .

– Nếu đặt tên truyện như thế ý nghĩa truyện về cơ bản không khác nhưng sẽ đánh mất sắc thái biểu cảm. Tác giả lấy cuộc chia tay của hai con búp bê để nói cuộc chia tay của con người thế nhưng cuối cùng búp bê vẫn đoàn tụ. Vấn đề này để người lớn phải suy nghĩ.

  1. Ở phần cuối truyện, nhân vật Thuỷ khi đã trèo lên xe theo mẹ, bỗng tụt xuống, đi nhanh về phía giường và: “ đặt con Em Nhỏ quàng tay vào con Vệ Sĩ ”.

Bằng một đoạn văn ngắn (từ 7-10 câu), hãy trình bày suy nghĩ của em về chi tiết này.

– Chi tiết tưởng như gây bất ngờ nhưng lại phù hợp trong  sự phát triển tâm lí nhân vật vì có liên quan đến việc bé Thủy tru tréo lên giận dữ khi Thành chia rẽ con Em Nhỏ và con Vệ Sĩ

– Chi tiết  này  cho ta thấy Thủy là một em bé rất thương anh, thương những con búp bê,  chấp nhận chia lìa chứ không để búp bê phải chia tay, muốn  anh luôn có con Vệ Sĩ gác cho giấc ngủ được ngon lành.

– Người đọc vừa mến yêu trân trọng vừa  xót xa thương cho cô bé có lòng vị tha nhân hậu mà chịu nỗi đau quá lớn khi tuổi còn nhỏ đã phải chịu cảnh chia lìa…

– Chi tiết truyện còn mang thông điệp mà nhà văn muốn gửi đến người đọc: cuộc chia tay của các em nhỏ là rất vô lí, là không nên có, không nên để nó xảy ra, chi tiết đó cũng gợi nỗi  khát khao cháy bỏng của tuổi thơ chúng ta, đó là tuổi thơ cần được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, sống trong tình cảm đầm ấm của gia đình.

Bài tập về nhà: Tóm tắt truyện ngắn: “Cuộc chia tay của những con búp bê” bằng một đoạn văn ngắn ( 7-10 câu)

Ôn tập Cổng trường mở ra, Mẹ tôi, Cuộc chia tay của những con búp bê

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close