TẢN VĂNVăn học Tuổi trẻ
Giữa mênh mông lạnh giá
Giữa mênh mông lạnh giá
Những cơn gió đầu tiên của mùa đông chầm chậm lướt qua, đất trời chợt trầm lắng, u buồn sau bao tháng ngày ồn ã, phấn khởi trước đó. Thiên nhiên trở mình, buông tiếng thở dài khi chiếc lá cuối cùng rơi xuống. Mặt trời lẩn trốn sau mây, lười biếng chìm sâu vào giấc ngủ dài. Và khi sương đêm chưa kịp tan trên tàu lá chuối, bọn gà vẫn còn lim dim mắt trong chuồng, mẹ tôi đã thức dậy chuẩn bị cho mẻ bánh canh đầu tiên.
Tuổi thơ tôi gắn liền với món bánh canh Nam Phổ, đặc sản làng Lộc Sơn, thức quà yêu thích của bao người dân sinh ra và lớn lên ở mảnh đất nghèo khó này. Không cao sang, bóng bẩy, bát bánh canh tuyệt vời nhất là khi mới nấu xong. Miếng bột mềm dẻo quyện với hồ (một loại nước bánh canh) sánh đặc cay nồng, tôm chấy được vo tròn trộn với hành lá dậy mùi thơm phức. Múc bánh canh ra bát, chan thêm ít nước mắm ruốc. Chẳng còn gì tuyệt hơn giữa ngày đông tháng giá, ấm lòng cậu nhóc mười ba chuẩn bị cắp sách đến trường.
Mẹ kể rằng khi mang thai tôi, mẹ vẫn tất tả quang gánh ngược xuôi trên khắp các nẻo đường, thôn xóm bán bánh canh, bánh nậm lọc. Tiền kiếm không được bao nhiêu nhưng đủ trang trải gạo cơm mắm muối trong nhà. Ấu thơ vuông tròn nghe mùi bánh canh khi còn chưa định hình hài trong bào thai của mẹ. Tháng năm vùn vụt trôi, tàn nhẫn như cái cách thời gian chưa bao giờ thỏa hiệp với tuổi trẻ. Thế nhưng, kí ức – bằng một quyền năng bí ẩn nào đó – vẫn luôn sống mãi trong tâm thức con người. Đôi lúc nó ngủ quên nếu vết thương mang lại cho bản thân quá lớn. Để rồi trong một khoảnh khắc, bên ly cà phê khi bóng chiều đổ bên thềm, giờ tan tầm trên phố xá đông người, thất vọng vì sự phản bội của người mình từng đặt trọn niềm tin, kí ức ấy lại sống dậy như nhắc nhở chúng ta về sự vô thường của thời gian, của cuộc sống.
Giờ đây, khi đã trưởng thành, lao ra cuộc đời để va vấp và kiếm sống, tôi từng nếm không ít sơn hào hải vị. Những nơi tôi đi qua, những vùng tôi ghé lại, những món ăn đậm sắc hương ba miền đều sở hữu nét riêng không trộn lẫn vào nhau. Vậy nhưng, xúc cảm mà nó mang lại chưa bao giờ khiến kí ức của tôi sống lại thêm một lần nào nữa. Hình ảnh bát bánh canh cay nồng, hai chiếc nồi nhôm vắt vẻo trên quang gánh của mẹ đã lùi sâu vào dĩ vãng rồi cố tình ngủ quên ở đó. Dưới mái hiên úa tàn nơi góc quán ven đường, tôi tạt vào trong cơn mưa bay bay chiều chủ nhật. Gọi cho mình một bát cháo lòng nhiều hành nhiều ớt, tôi húp xì xụp rồi lắng nghe tiếng thở dài của bà cụ bán cháo. Những nếp nhăn hằn sâu trên gương mặt già nua của bà như tiếng lòng của một thế hệ đã trôi qua. Giờ lặng nhìn cuộc sống tất bật, nhanh chóng đến mức không sao thích nghi được. Họ như dấu chấm lặng lẽ, níu giữ khoảnh khắc cuộc đời trong con mắt của những người trẻ tuổi. Nhiều lúc, tôi trộm nghĩ, giá như thời gian cứ trôi nhưng mọi vật, mọi sự không bao giờ thay đổi. Bao âu lo vui buồn rồi như dòng nước lững lờ, tiếp nối nhau hiện ra rồi biến mất nhưng con người thì vẫn ở mãi thời điểm mà cuộc sống, với họ luôn là những chân thành, ấm áp và hi vọng.
Những mùa đông xa nhà, sự lạnh lẽo của thời tiết cũng như lòng người bủa vây khiến các giác quan trở nên vô nghĩa. Cố gắng cảm nhận cũng chỉ thêm đau đáu, khắc khoải nỗi nhớ quê hương trong lòng tôi. Nhiều lúc, trong thời khắc mệt mỏi, chán nản và buồn bã nhất, cứ tưởng rằng giông tố cuộc đời đã cuốn đi tất cả. Nhưng không, kí ức khi đó lại thức giấc, níu lại hồn tôi bằng những dấu yêu, êm ả thời xa vắng. Giọt mồ hôi của cha, câu đùa của anh chị và nhất là bát bánh canh của mẹ, chập chờn trong sâu thẳm nỗi chờ mong mơ hồ. Dù chưa bao giờ khẳng định, nhưng hiếm ai chối từ sự tuyệt vời mà tuổi thơ đã từng trao cho ta, dẫu có nụ cười hay nước mắt.
Có lẽ, mùa xuân năm nay tôi sẽ trở về nhà. Về lại mảnh vườn có những đám cỏ mọc hoang lén lút. Về bên bếp lửa ấm khi cả nhà cùng thức canh nồi bánh chưng. Dẫu tay mẹ hao gầy nhưng đã có tay tôi. Bát bánh canh tuổi thơ dù không ngon như lúc ấy nhưng hương vị sẽ còn mãi với thời gian. Hương vị tình thân, hương vị ấu thơ.
Cay nồng, ấm áp.
Xem thêm tác phẩm cùng tác giả
Lời bàn:
Giữa mênh mông lạnh giá – Bài viết đã chứa hết những ẩn ý truyền đạt của tác giả ngay từ tiêu đề, viết về mùa đông với cái lạnh u sầu nhưng nhiều hơn vẫn là cái lạnh của lòng người giữa cuộc đời khôn lớn. “Ấu thơ vuông tròn nghe mùi bánh canh khi còn chưa định hình hài trong bào thai của mẹ.” – đọc bài viết ta thổn thức khôn nguôi về tình thương gia đình. Đúng như Kì Phong viết: tháng năm vùn vụt trôi nhưng kí ức với quyền năng thần bí của nó vẫn luôn đọng lại trong trí nhớ mỗi chúng ta những điều êm đềm nhất. Phải chăng do vậy mà giờ đây dù có tiền bạc hơn, ăn ngon hơn nhưng kí ức về mẹ vẫn chẳng phai, bát canh mẹ nấu ngon bởi hương vị tình yêu.
Ta nhận ra cái khắc khoải thương nhớ qua những câu chữ chứa đầy những chiêm nghiệm của tác giả. Đi đâu rồi cũng phải trở về, chẳng cần bước chân thì cũng nhờ tâm trí, còn gì tuyệt vời hơn khi vào một chiều đông được ngồi đọc những trải lòng thú vị của tác giả.
Tác giả Kì Phong là một tác giả trẻ luôn chỉn chu trong từng con chữ, sẽ không bao giờ để bạn đjọc phải thất vọng bởi bất kì lỗi nhỏ nào. Viết về mùa đông – một đề tài đã đi vào văn thơ của bao người, ta vẫn nhận ra được những nét riêng của người đàn ông trưởng thành đã hết ngây thơ, pha thêm chút sương gió cuộc đời có phần cứng cỏi nhưng cũng không mất đi thi vị. Văn cũng như người, hãy cùng đọc bài viết Giữa mênh mông lạnh giá và cảm nhận về tâm hồn tinh tế của người đàn ông trẻ qua những câu chữ pha chút cô đơn, pha chút thương nhớ, pha chút trải nghiệm về tuổi thơ, về cuộc sống … Nhớ để lại bình luận để nói lên suy nghĩ của bạn sau khi đọc để ủng hộ Văn học trẻ nhé.