Nghị luận xã hội

Cách làm bài Nghị luận xã hội​

Nghị luận về một tư tưởng đạo lí có thể đề cập đến các vấn đề của đời sống xã hội như : đạo đức, tư tưởng, văn hoá, nhân sinh quan, thế giới quan .Còn kiểu bài nghị luận về hiện tượng đời sống thường đề cập đến những vấn đề của đời sống xã hội, những hiện tượng nổi bật, tạo được sự chú ý và có tác động đến đời sống con người, những vấn đề chính trị, tư tưởng, văn hoá, đạo đức.

LÍ THUYẾT NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

 I.NGHỊ LUẬN VỀ TƯ TƯỞNG ĐẠO LÍ

KHÁI QUÁT

Nghị luận về một tư tưởng đạo lí có thể đề cập đến các vấn đề của đời sống xã hội như : đạo đức, tư tưởng, văn hoá, nhân sinh quan, thế giới quan,…

Có thể khái quát một số vấn đề thường được đưa vào đề thi như: Về nhận thức ( lí tưởng , mục đích sống); Về tâm hồn,tính cách, phẩm chất( lòng nhân ái, vị tha, độ lượng…, tính trung thực ,dũng cảm chăm chỉ , cần cù, …; Về quan hệ gia đình, quan hệ xã hội : Tình mẫu tử , tình anh em, tình thầy trò , tình bạn, tình đồng bào…; Về lối sống, quan niệm sống,…

Đề bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí khá đa dạng: Có thể nêu rõ yêu cầu nghị luận , có thể chỉ đưa ra vấn đề nghị luận mà không đưa ra yêu cầu cụ thể nào, có đề nêu trực tiếp vấn đề nghị luận, có đề gián tiếp đưa ra vấn đề nghị luận qua một câu danh ngôn , một câu ngạn ngữ , một câu chuyện…Vì vậy học sinh cần nắm chắc kĩ năng làm bài.

Các thao tác lập luận cơ bản thường được sử dụng trong kiểu bài này là : Sử dụng thao tác lập luận giải thích để làm rõ ý nghĩa vấn đề, các nghĩa nghĩa tường minh, hàm ẩn ( nếu có ); sử dụng thao tác lập luận phân tích để chia tách vấn đề thành nhiều khía cạnh , nhiều mặt , chỉ ra các biểu hiện cụ thể của vấn đề ; sử dụng thao tác lập luận chứng minh để làm sáng tỏ vấn đề.Dẫn chứng lấy từ thực tế ,có thể lẩy trong thơ văn nhưng không cần nhiều ( tránh lạc sang nghị luận văn học); sử dụng thao tác lập luận so sánh , bình luận , bác bỏ đẻ đối chiếu với các vấn đê khác cùng hướng hoặc ngược hướng , phủ định cách hiểu sai lệch , bàn bạc tìm ra phương hướng…

Các bước cơ bản.

Bước 1 : Giải thích tư tư tưởng , đạo lí.

Đầu tiên, cần giải thích những từ trọng tâm, sau đó giải thích cả câu nói: giải thích các từ ngữ, thuật ngữ, khái niệm, nghĩa đen, nghĩa bóng (nếu có); rút ra ý nghĩa chung của tư tưởng, đạo lý; quan điểm của tác giả qua câu nói (thường dành cho đề bài có tư tưởng, đạo lý được thể hiện gián tiếp qua câu danh ngôn, tục ngữ, ngạn ngữ…).

Thường trả lời câu hỏi : Là gì? Như thế nào? Biểu hiện cụ thể?

Bước 2 : Bàn luận

– Phân tích và chứng minh các mặt đúng của tư tưởng, đạo lý (thường trả lời câu hỏi tại sao nói như thế?Dùng dẫn chứng cuộc sống xã hội để chứng minh. Từ đó chỉ ra tầm quan trọng, tác dụng của tư tưởng, đạo lý đối với đời sống xã hội).

-Bác bỏ ( phê phán ) những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề : bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến tư tưởng, đạo lý vì có những tư tưởng, đạo lý đúng trong thời đại này nhưng còn hạn chế trong thời đại khác, đúng trong hoàn cảnh này nhưng chưa thích hợp trong hoàn cảnh khác; dẫn chứng minh họa

Bước 3: Mở rộng.

-Mở rộng bằng cách giải thích và chứng minh.

-Mở rộng bằng cách đào sâu thêm vấn đề.

-Mở rộng bằng cách lật ngược vấn đề.

Người tham gia nghị luận đưa ra mặt trái của vấn đề, phủ nhận nó là công nhận cái đúng,ngược lại ,nếu vấn đề bình luận là sai hãy lật ngược bằng cách dưa ra vấn đề đúng, bảo vệ cái đúng cũng có nghĩa là phủ dịnh cái sai.

Trong các bước mở rộng ,tuỳ vào từng trường hợp và khả năng của mình mà áp dụng cho tốt ,không nên cứng nhắc.

Bước 4 : Nêu ý nghĩa ,rút ra bài học nhận thức và hành động.

Đây là vấn đề cơ bản của một bài nghị luận bởi mục đích của việc nghị luận là rút ra những kết luận đúng để thuyết phục người đọc áp dụng vào thực tiễn đời sống.

KĨ NĂNG PHÂN TÍCH ĐỀ

Phân tích đề là chỉ ra những yêu cầu về nội dung, thao tác lập luận và phạm vi dẫn chứng của đề.Đây là bước đặc biệt quan trọng trong làm văn nghị luận xã hội.

Các bước phân tích đề : Đọc kĩ đề bài ,gạch chân các từ then chốt (những từ chứa đựng ý nghĩa của đề), chú ý các yêu cầu của đề (nếu có), xác định yêu cầu của đề (Tìm hiểu nội dung của đề, tìm hiểu hình thức và phạm vi tư liệu cần sử dụng).

Cần trả lời các câu hỏi sau:

  • Đây là dạng đề nào?
  • Đề đặt ra vấn đề gì cần giải quyết?

Có thể viết lại rõ ràng luận đề ra giấy.

Có 2 dạng đề:

  • Đề nổi, học sinh dễ dàng nhận ra và gạch dưới luận đề trong đề bài.
  • Đề chìm, học sinh cần đọc kĩ đề bài, dựa vày ý nghĩa câu nói, câu chuyện , văn bản được trích dẫn mà xác định luận đề.

Ví dụ minh hoạ:

Dạng đề trong đó tư tương đạo lí được nói đến một cách trực tiếp.

Ví dụ : bàn về sự tự tin, lòng tự trọng của con người trong cuộc sống, tinh thần tự hào dân tộc …

Dạng đề trong đó tưởng đạo lí được nói tới một cách gián tiếp.

Ví dụ 1:

Đề bài : “ Sứ mạng của người mẹ không phải là làm chỗ dựa cho con cái mà là làm cho chỗ dựa ấy trở nên không cần thiết” (B.Babbles)

Hãy trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên

Hướng dẫn phân tích đề : Ý kiến trên có các từ khoá trọng tâm cần giải thích :

  • “Sứ mạng” : Vai trò lớn lao, cao cả của cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái.
  • “Người mẹ”: Người sinh ra con cái , rộng hơn đó chính là mái ấm gia đình.
  • “ Chỗ dựa cho con cái”: nơi che chở , yêu thương , là nơi con cái có thể nương tựa.

Câu nói đã đưa ra quan điểm giáo dục của cha mẹ với con cai hết sức thuyêt phục : Vai trò của cha mẹ không chỉ nằm trong việc dạy dỗ con mà quan trọng hơn là làm sao để con cái biết sống chủ động , tích cực , không dựa dẫm. Đây chính là vấn đề nghị luận.

Ví dụ 2.

Đề bài.

Chiếc bình nứt.

Một người có hai chiếc bình lớn để chuyển nước.Một trong hai chiếc bình bị nứt nên khi gánh từ giếng về , nước trong bình chỉ còn một nửa.chiếc bình lành rất hãnh diện về sự hoàn hảo của mình, còn chiếc bình nứt luôn dằn vặt , cắn rứt vì không hoàn thành nhiệm vụ. Một hôm chiếc bình nứt nói với ông chủ : “ Tôi thực sự thấy xấu hổ về mình … Tôi muốn xin lỗi ông… Chỉ vì tôi bị nứt mà ông không nhận được đầy đủ những gì xứng đáng với công sức mà ông bỏ ra.” “ Không đâu – ông chủ trả lời – khi đi về ngươi có chú ý tới những luống hoa bên đường không ? Ngươi không thấy hoa chỉ mọc bên này đường phía đường của nhà ngươi sao ? Ta đã biết được vết nứt của nhà ngươi nên đã gieo hạt giống hoa bên ấy. Trong những năm qua , ta đã vun xới cho chúng và hái chúng về để trang hoàng căn nhà. Nếu không có ngươi nnhaf ta có ấm cúng và duyên dáng như thế này không?”.

Cuộc sống của mỗi chúng ta đều có thể như chiếc bình nứt.

Anh( Chị) có đồng ý với câu kết của văn bản trên không?

Hướng dẫn : Người viết cần đọc kĩ câu chuyện, giải thích ý nghĩa biểu tượng của các hình ảnh để rút ra vấn đề nghị luận.

Giải thích : “ vết nứt ”: tượng trưng cho những gì khiếm khuyết , không trọn vẹn trong bản thân mỗi con người.

Vấn đề nghị luận :Mỗi chúng ta – dù không hoàn hảo như chiếc bình lành nhưng , ai cũng có giá trị riêng , những đóng góp riêng cho xã hội. Điều đó làm nên sự khác nhau của mỗi người trong cuộc đời.

KĨ NĂNG XÁC ĐỊNH LUẬN ĐIỂM, TRIỂN KHAI LUẬN CỨ

Học sinh cần dựa vào dàn ý chung của kiểu bài nghị luận về tư tưởng đạo lí để xác định các luận điểm cho bài viết. Thông thường, bài văn nghị luận về tư tưởng đạo lí sẽ có những luận điểm chính sau:

Luận điểm 1: Giải thích tư tưởng đạo lí

Luận điểm 2 : Bình luận, chứng minh tư tưởng đạo lí, phê phán những biểu hiện sai lệch liên quan đến vấn đề

Luận điểm 3 :Bài học rút ra

Để thuyết minh cho luận điểm lớn, người ta thường đề xuất các luận điểm nhỏ. Một bài văn có thể có nhiều luận điểm lớn, mỗi luận điểm lớn lại được cụ thể hoá bằng nhiều luận điểm nhở hơn.Tuỳ vào từng đề bài , học sinh có thể triển khai những luận điểm nhỏ hơn.

Ví dụ minh hoạ :

Đề bài :

“Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng. Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai. Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió”.

(Trích Đường đến ngày vinh quang – nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập)

Anh (chị) hãy viết một bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về nhận định trên

Bài văn trên có những luận điểm sau :

Luận điểm 1 :Giải thích ý nghĩa thông điệp của tác giả. Tác giả muốn khẳng định chân lí: Muốn có hạnh phúc và thành công trên đường vinh quang mỗi người bắt buộc phải biết “ chịu đau’ khi gặp những” mũi gai” và “ đi qua muôn ngàn sóng gió”.

Luận điểm 2 : Bàn luận

Vì sao tác giả khẳng định như thế ? Lấy dẫn chứng để chúng minh vấn đề

Luận điểm 3 : Nêu bài học rút ra : để thành công trong cuọc sống, mỗi người chúng ta cần suy nghĩ và hành động như thế nào?

Khi xây dựng lập luận, điều quan trọng nhất là phải tìm cho được các luận cứ có sức thuyết phục cao.Luận cứ là những ý nhỏ, triển khai cho luận điểm. Luận cứ có thể là dẫn chứng, lí lẽ làm sáng tỏ cho luận điểm. Luận cứ phải đảm bảo những yêu cầu cơ bản sau:

+ Trước hết, luận cứ phải phù hợp với yêu cầu khẳng định của luận điểm. Nội dung của luận cứ phải thống nhất với nội dung của luận điểm.

+ Thứ hai, luận cứ phải xác thực, tức là nó phải đúng đắn. Khi nêu luận cứ, người viết cần biết chính xác về nguồn gốc, các số liệu, các sự kiện, tiểu sử nhân vật,… Biết không chắc chắn thì chưa vội sử dụng. Tuyệt đối không được bịa đặt luận cứ.

+ Thứ ba, luận cứ phải tiêu biểu.

+Thứ tư, luận cứ phải vừa đủ, đáp ứng yêu cầu chứng minh toàn diện cho luận điểm.

Học sinh cần trích dẫn chính xác. Nhớ nguyên văn thì đặt trong ngoặc kép, nhớ đại ý thì chuyển thành lời gián tiếp.

II. NGHỊ LUẬN VỀ HIỆN TƯỢNG ĐỜI SỐNG

KHÁI QUÁT

Để làm bài văn nghị luận đạt điểm cao, trước hết học sinh cần nhận diện rõ đề thuộc kiểu bài nào để có cách làm bài phù hợp. Kiểu bài nghị luận về hiện tượng đời sống thường đề cập đến những vấn đề của đời sống xã hội, những hiện tượng nổi bật, tạo được sự chú ý và có tác động đến đời sống con người, những vấn đề chính trị, tư tưởng, văn hoá, đạo đức,…

Yêu cầu của kiểu bài này là học sinh cần làm rõ hiện tượng đời sống ( qua việc miêu tả, phân tích nguyên nhân, các khía cạnh của hiện tượng…) từ đó thể hiện thái độ đánh giá của bản thân cũng như đề xuất ý kiến, giải pháp trước hiện tượng đời sống. Học sinh cần có cách viết linh hoạt theo yêu cầu của đề bài, tránh làm bài máy móc hoặc chung chung. Ngoài việc trang bị cho mình những kỹ năng làm bài, học sinh cần tích lũy những vốn hiểu biết thực tế về đời sống xã hội. Thời gian gần đây, đề Nghị luận xã hội thường đề cập đến những vấn đề thời sự nổi bật trong năm, Ví dụ :

+Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm

+ Ô nhiễm môi trường, sự nóng lên của trái đất, nạn phá rừng, thiên tai lũ lụt…

+ Bạo hành gia đình, bạo lực học đường, tai nạn giao thông…

+ Tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục, hiện tượng chảy máu chất xám…

+ Phong trào tiếp sức mùa thi, giúp đỡ đồng bào lũ lụt, tấm gương người tốt, việc tốt, nếp sống đẹp…

Các bước làm bài :

Bước 1: Miêu tả hiện tượng được đề cập đến trong bài.

+ Giải thích ( nếu trong đề bài có khái niệm, thuật ngữ hoặc các ẩn dụ, hoán dụ, so sánh…)cần làm rõ để đưa ra vấn đề bàn luận.

Ví dụ : giải thích thế nào là ô nhiễm môi trường? thế nào là bệnh vô cảm?…

+ Chỉ ra thực trạng ( biểu hiện của thực trạng)

Bước 2: Phân tích tác hại, các mặt đúng – sai, lợi – hại của vấn đề.

  • Phân tích tác dụng của vấn đề nếu là hiện tượng tích cực.
  • Phân tích tác hại của vấn đề nếu là hiện tượng tiêu cực.
  • Phân tích cả hai mặt tích cực và hạn chế nếu đề có cả hai mặt.

Tác hại :

  • Đối với mỗi cá nhân ( anh hưởng sức khoẻ, kinh tế, danh dự, hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng tâm lí….)
  • Đối với cộng đồng, xã hội
  • Đối với môi trường

Bước 3: Chỉ ra nguyên nhân ( khách quan và chủ quan)

  • Khách quan : Do môi trường xung quanh, do trào lưu, do gia đình, nhà trường, do các nhân tố bên ngoài tác động,…
  • Chủ quan: Do ý thức , tâm lí, tính cách, ….của mỗi người

Bước 4: Bày tỏ thái độ, ý kiến đánh giá của người viết về hiện tượng., Giải pháp khắc phục hiện tượng tiêu cực, phát huy hiện tượng tích cực

Giải pháp : Thông thường mỗi hiện tượng đều xuất phát từ những nguyên nhân cụ thể, nguyên nhân nào thì đi kèm với giải pháp ấy.

Nêu bài học rút ra cho bản thân : Bài học nhận thức và hành động

KĨ NĂNG PHÂN TÍCH ĐỀ

Xác định ba yêu cầu:

+ Yêu cầu về nội dung: Hiện tượng cần bàn luận là hiện tượng nào ? Đó là hiện tượng tốt đẹp, tích cực trong đời sống hay hiện tượng mang tính chất tiêu cực, đang bị xã hội lên án, phê phán ? Có bao nhiêu ý cần triển khai trong bài viết ? Mối quan hệ giữa các ý như thế nào?

+ Yêu cầu về phương pháp : Các thao tác nghị luận chính cần sử dụng ? Giải thích, chứng minh, bình luận, phân tích, bác bỏ, so sánh,…

+ Yêu cầu về phạm vi dẫn chứng: Bài viết có thể lấy dẫn chứng trong văn học, trong đời sống thực tiễn (chủ yếu là đời sống thực tiễn).

Ví dụ minh hoạ:

Tính đến nay, đã có 12 tỉnh công bố tình trạng thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn, trong đó có mười tỉnh thuộc nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là Bình Thuận, Ninh Thuận, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An, Cà Mau, Vĩnh Long, Trà Vinh và hai tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai và Kon Tum. Dự báo, thiên tai sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, hàng trăm nghìn hộ dân có thể sẽ bị đói do mất nguồn lương thực. (Theo báo Nhân dân điện tử ngày 25.3.2016)

Từ thông tin trên, anh/chị hãy viết một bài luận khoảng 400 từ trình bày suy nghĩ của mình về hiện tượng biến đổi khí hậu nghiêm trọng đang diễn ra ở nước ta hiện nay”.

Hướng dẫn tìm hiểu đề:

+ Vấn đề nghị luận : Hiện tượng biến đổi khí hậu nghiêm trọng đang diễn ra ở nước ta hiện nay.Đây là hiện tượng mang tính tiêu cực, ảnh hưởng xấu tới đời sống của con người. Bài viết cần đảm bảo cấu trúc 4 phần chính : Thực trạng- Nguyên nhân- Tác hại- Giải pháp và bài học.

+ Học sinh có thể sử dụng kết hợp các thao tác : giải thích hiện tượng, phân tích bình luận về tác hại của hiện tượng, bác bỏ những quan niệm sai lệch liên quan đến vấn đề, …

+ Dẫn chứng : Bài viết có thể lấy dẫn chứng từ bản tin trong đề bài. Ngoài ra, học sinh có thể lấy các dẫn chứng , số liệu về về hiện tượng biến đổi khí hậu diễn ra ở nước ta.

KĨ NĂNG XÁC ĐỊNH LUẬN ĐIỂM, TRIỂN KHAI LUẬN CỨ

Kiểu bài nghị luận về hiện tượng đời sống thường dễ xác định luận điểm ,luận cứ. Học sinh chỉ cần nắm vững dàn ý chung là có thể tìm được các luận điểm phù hợp cho từng đề cụ thể.Thông thường bài văn sẽ có các luận điểm sau :

Luận điểm 1 :Thực trạng

Luận điểm 2 : Nguyên nhân

Luận điểm 3 : Tác hại/ tác dụng

Luận điểm 4 : Giải pháp, bài học

Với mỗi luận điểm lại có những luận cứ tương ứng, ví dụ với đề bài sau :

Đề bài: Đọc bản tin sau và thực hiện những yêu cầu ở dưới

Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự phát triển của mạng xã hội như Facebook, Youtube… ngày nay người ta có thể dễ dàng trở nên nổi tiếng. Có những người nổi tiếng vì tài năng thực, song cũng có không ít những cô gái cực “hot”, cực nổi trên mạng, nhưng lại rất “chìm” ở đời thực. Những ảo tưởng, huyễn hoặc về giá trị của bản thân đã gây nên bao chuyện bi hài cho những hot girl sống ảo.

Theo ký ức của bạn bè, T. vốn có nước da ngăm ngăm, người béo trục béo tròn và khuôn mặt thì hao hao cái bánh bao. Thế nhưng trái ngược với ký ức đó, tất cả các hình ảnh của T. trên facebook của nàng đều xinh lung linh, cứ ngỡ là hot girl 9x nào đó chứ không phải cô bạn quê mùa ngày xưa. Này là nước da trắng mịn như da em bé, khuôn mặt chuẩn V-line, đôi mắt to, hàng mi cong, cánh mũi thẳng, bờ vai trắng như cẩm thạch… Nhiều người comment hỏi có phải là Ngọc T. đấy không thì chủ nhân facebook chỉ ỡm ờ: “Không T. thì còn ai vào đây nữa!”. Có một điều lạ là trong khi bạn bè cùng lứa đều đã gia đình đề huề, song T. vẫn đi về lẻ bóng. Hỏi thì T. bảo do… cao số.

Nhưng theo một người em họ của T. thì lý do mà cô gái này lâm vào tình cảnh “tồn kho mất chìa khóa” chả phải do cao số thấp số gì cả, mà là do “chị T. sống ảo quá”.

(Theo báo điện tử Dân Trí : Bi hài “hot girl” sống “ảo”)

Viết một bài văn khoảng 600 từ trình bày suy nghĩ của anh/ chị về hiện tượng được đề cập đến trong bài báo trên

Luận điểm 1 : Nêu hiện tượng/ thực trạng sống ảo

Luận điểm 2 : Tác hại của hiện tượng sống ảo

Luận điểm 3: Nêu nguyên nhân của lối sống ảo

Luận điểm 4 : Giải pháp khắc phục hiện tượng sống ảo, bài học rút ra

Đối với luận điểm 3, học sinh có thể triển khai như sau:

  • Nguyên nhân khách quan: Bệnh ảo tưởng đối với một bộ phận người trẻ là có nguyên nhân. Trước tiên, đó là tác dụng ngược của mạng xã hội
  • Nguyên nhân chủ quan:

Nguyên nhân tâm lý: Nhiều bạn trẻ thích thể hiện bản thân , hành vi của họ là để bù đắp cho sự thiếu tự tin ngoài thực tế. Nói cách khác, họ muốn được yêu thương, ngưỡng mộ, chấp nhận thông qua việc đăng những ảnh mà họ cho rằng sẽ khiến họ trở nên hấp dẫn hơn, và theo kịp thời đại.

Suy cho cùng, sống “ảo” là hệ quả của việc sống thiếu bản lĩnh, thói quen mong hưởng thụ nhiều hơn cố gắng.

Học sinh có thể lấy dẫn chứng để chứng minh cho luận điểm trên

Tags

Related Articles

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close