TRUYỆN NGẮN

Soi gương và khóc

Truyện với giọng điệu hài hước, châm biếm nhẹ nhàng về hội chị em bỉm sữa khiến chúng ta cười và đưa ra bài học hôn nhân vui nhộn

Soi gương và khóc

Trời nắng gắt. Thị bế con trên tay, mồ hôi mẹ mồ hôi con thi nhau lăn từ trán xuống cằm. Điều hòa kêu ro ro ro ro liên tục, chồng thị đã bật từ trước lúc đi làm. Nhưng mà quái lạ, sao điều hòa vẫn bật mà thị vẫn thấy nóng thế nhỉ? Hay là lão chồng chết giẫm của thị bật cái điều hòa thôi mà cũng không bật được cho tử tế?

– Lão Phong này, muốn hun nóng chết vợ con mới vừa lòng à? – thị vừa càu nhàu vừa trải chăn đặt con xuống, đôi mắt sắc lẻm lia khắp nhà tìm tung tích cái điều khiển điều hòa – Quái lạ, lão để nó ở đâu nhỉ? Soi gương và khóc

Điện thoại trên gối đầu không ngừng rung lên bần bật, như thể ai đó có việc gì gấp gáp lắm cần thị giúp sức. Đứa con còn chưa biết bò bị mẹ đặt ngửa trên giường, quờ quạng chân tay tìm hơi ấm thân quen từ người sinh ra nó.

Nhưng thị chẳng rảnh rỗi quan tâm đến cái của nợ ấy! Thị còn bận trả lời tin nhắn của hội chị em bỉm sữa trong nhóm chat. Soi gương và khóc

Chị Phương vừa được chồng tặng một cái nhẫn kim cương to tổ bố, kêu ca: “Tao bảo ông ấy đừng có mua phí tiền, mà ông ấy cứ đòi mua bằng được. Mệt ghê.”

Em Hà nhanh nhảu gửi ảnh hai bàn chân bọc trong giày cao gót giẫm trên nền gạch hoa bóng loáng, logo của cái túi hàng hiệu chênh chếch bên mé phải ảnh: “Giống y lão nhà em, cứ đòi gửi con cho ông bà rồi kéo em đi mua sắm bằng được mới thôi!”

Cái nhóm chat có mười mấy người mà rôm rả lạ, ai nấy đều khoe chồng chiều, khoe con ngoan. Thị nhìn họ, lại thấy cám cảnh cho cái phận mình. Hồi còn son sắc, chị cũng có thua gì họ đâu, mà lấy chồng xong một cái lại thụt lùi hẳn ba bốn đoạn.

Chung quy cũng tại lão chồng nhà thị vô dụng, mới để cho vợ phải thua chị kém em. Cái gì? Sao thị không tự nhìn lại mình á? Thị đã lấy lão, đã chăm lo cho cả bố cả con, lão có mỗi việc đi làm kiếm tiền về đưa cho vợ thôi mà cũng làm không nên hồn.

Đấy, nghĩ đến đây thị lại nhớ, sáng hôm qua lão vừa mới xin năm chục đổ xăng. Gớm, đi từ nhà tới cơ quan có bốn năm cây số, đổ xăng kiểu gì mà đổ tới tận năm chục? Chẳng biết lão này lại la cà quán xá hay mang tiền cho con nào nữa. Thị tức, thị tức quá, đổ xăng tới năm chục nghìn, mà bật cái điều hòa cho thị cũng keo.

Căn chung cư gần một trăm mét vuông nóng như rang. Thị kiễng chân tìm trên nóc tủ lạnh, cúi rạp người xuống nhòm cả vào trong gầm giường, thế mà vẫn không thấy cái điều khiển điều hòa đâu cả. Soi gương và khóc

Thị lại nhặt con điện thoại nát lên, đầu ngón tay quẹt lên quẹt xuống, mãi mới thấy hai chữ “Chồng Yêu” lẫn lộn trong đám số điện thoại của các loại shipper.

Phải gọi tới lần thứ năm lão chồng thị mới bắt máy, giọng lão thều thào:

– Gọi cái gì đấy? Đang ở cơ quan, có gì thì…

– Lại bắt tôi nhắn tin! Đợi anh trả lời tin nhắn thì đến mùa quýt sang năm, vợ con anh chết nóng ở trong nhà rồi! Anh để cái điều khiển điều hòa ở đâu mà tôi tìm loạn cả nhà lên không thấy? Hay anh nhét vào cặp táp mang đến cơ quan rồi? Anh sợ tôi dùng điều hòa cả ngày tốn điện nên anh giở trò đúng không? Có dăm ba cái số điện… này… Alo… Alo?

Điện thoại bị cúp cái rụp. Tiếng “tút… tút…” liên hồi vang lên, dội thẳng vào màng nhĩ như cười nhạo sự bất lực của thị.

Mồ hôi chảy từ đỉnh đầu xuống đến tận gót chân. Mồ hôi chảy từ mắt, qua má, tới cằm người mẹ, nhỏ giọt xuống mặt đứa con vừa mới khóc ré lên. Thị nấc lên, con của thị cũng nấc theo. Soi gương và khóc

“Đang bận, không mang, tìm trong nhà đi.” Dòng tin nhắn ngắn gọn tới mức không thể ngắn gọn hơn được nữa nhảy lên màn hình. Thị không buồn trả lời, lần nữa nhấp vào hình đại diện màu hồng của nhóm chat chị em bỉm sữa. Các chị em đang nhắc đến thị, đang hỏi thị dạo này có đi chơi đâu không, lễ lạt được chồng tặng quà thế nào mà cứ giấu.

Chị Phương ngúng nguẩy: “Tính nó thế mà, suốt ngày giấu giấu diếm diếm, hồi xưa yêu thằng Phong hot boy của trường mà cũng có nói cho ai biết đâu. Tẩm ngẩm tầm ngầm đấy. Nhà thằng Phong giàu nứt đố đổ vách ra, đi làm thì lên chức tằng tằng, còn mới được tăng lương. Làm gì có chuyện không có quà cho vợ.”

Thị ngập ngừng định đặt ngón tay vào ô nhập văn bản, rồi lại thu tay về. Tin nhắn trôi lên, hiện thêm một dòng mới: “Ơ sao chị biết là chồng chị ấy mới được tăng lương?” Là tin nhắn của em Trà vừa đi du lịch châu Âu về. Soi gương và khóc

Chị Phương trả lời rất nhanh: “Sao chị không biết? Chồng chị bảo thế. Chồng chị còn bảo thằng Phong mới có một em thư kí, xinh đáo để.

Mấy chị em trong nhóm lại nhao nhao lên, hỏi chị Phương xin thông tin cô nàng thư kí mới của lão chồng thị. Thị cũng thấy nên thế, mọi sinh vật giống cái xuất hiện trong bán kính một trăm mét xung quanh chồng thị phải bị đào hết cả gốc gác tổ tiên họ hàng người yêu cũ lên mới được. Có thế thị mới yên tâm.

Lúc này, chị Phương lại chẳng nhanh nhẹn như hồi nãy, đủng đà đủng đỉnh nhập tin nhắn rồi lại xóa đi. Soi gương và khóc

Thị nhìn mà sốt cả ruột, gõ một dòng chữ: “Vừa nãy bận đi làm móng, các chị em đang nói gì mà xôm thế?” rồi gửi đi. Ném một hòn đá thăm dò, ai mà chẳng biết.

Đứa con nằm ngửa trên giường khóc ngằn ngặt, bàn tay bé tí giơ lên, cố túm lấy tay áo mẹ. Mẹ nó không để ý, mẹ nó đang bận dán mắt vào màn hình điện thoại, đợi chị Phương nhả ra thông tin của tình địch giả tưởng.

Đàn bà ở lâu trong xó cửa sẽ trở nên tự ti. Càng tự ti lại càng đa nghi, cả thế giới đều có thể bị coi là tình địch. Soi gương và khóc

Chị Phương gửi đến một cái ảnh chụp mờ căm, thị tải về máy, dùng đủ mọi phần mềm chỉnh sửa mà cũng chẳng phân biệt được mắt mũi cô thư kí mới của chồng. Nhưng thị chắc chắn, đấy là một cô gái trẻ, còn là một cô gái trẻ xinh đẹp. Tại sao thị biết? Tại vì con ả thư kí nào mà chẳng trẻ trung xinh đẹp.

Vừa trẻ, vừa xinh, vừa thích mồi chài các sếp. Thị lại chẳng biết tỏng rồi.

Đứa trẻ vẫn đang khóc. Bàn tay thị vỗ mạnh xuống mặt giường, giọng thị còn gắt gỏng hơn cả tiết trời oi bức:

– Khóc cái gì mà khóc? Suốt ngày chỉ có khóc! Chẳng làm được cái gì với mày! Thằng bố mày thì ra ngoài gái gú, tao thì phải quanh quẩn xó nhà! Tất cả là tại mày! Tại mày! Soi gương và khóc

Phải chi thị không nghe mấy lời bùi tai của lão chồng, nghỉ việc ở nhà chăm con, thì đã chẳng phải khổ sở như thế này. Cả ngày quanh quẩn bỉm sữa gạo nước, đầu chẳng chải quần áo chẳng thay, bụng thì đầy vết rạn, ngực thì trĩu xuống tận mấy chục phân, vừa nặng vừa tức. Soi gương và khóc

Tiếng mắng chửi quanh quẩn. Đứa trẻ im bặt, đôi mắt tròn xoe nhìn chằm chằm khuôn miệng không ngừng khép mở của mẹ. Rồi, như là chợt phát hiện ra mẹ đang cáu kỉnh, nó mếu máo, nó lại lần nữa ré lên khóc. Tiếng khóc xé ruột xé gan.

Người mẹ cũng khóc. Thị vòng tay ôm lấy bọc tã quấn đứa con, nước mắt lã chã rơi xuống. Con của thị có lỗi gì đâu, hoặc là việc nó ra đời đã là nguồn cơn của mọi tội lỗi.

Không có nó, biết đâu đấy, thị vẫn là cô hoa khôi được bao chàng săn đón ngày nào. Không có nó, thị đã chẳng phải nghỉ việc, đã chẳng phải hi sinh bộ móng tay đẹp đẽ, đã chẳng phải nhìn tuổi thanh xuân có hạn của người đàn bà trôi đi trong tiếng khóc và mùi chất thải của trẻ con. Soi gương và khóc

Trong nhóm chat, các chị em của thị đang nhiệt tình tìm cách kiếm bằng được thông tin của cô thư kí ngon nghẻ kia, qua bức ảnh mờ căm mà chị Phương gửi. Cuộc trò chuyện vòng qua vòng lại, rồi chẳng biết là ai buông thõng xuống một câu.

“Ôi dào, chó không bỏ được thói ăn… Mấy cái thằng đàn ông, thằng nào chẳng mê gái đẹp. Các chị em nghe chị, chồng mà vụng trộm thì bỏ quách nó đi. Đàn bà đẹp nhất là khi đứng một mình.” Soi gương và khóc

– Đàn bà đẹp nhất là khi đứng một mình…

Thị thì thào. Câu này, thị nghe dễ phải tới cả nghìn lần rồi ấy chứ. Nhưng hôm nay bế con, nhìn lại mình trong gương, thị mới thấy đúng thật. Hồi còn một mình, thị cũng xinh đẹp mĩ miều, phấn son thơm nức. Nhòm trong gương, cái con mụ nhếch nhác bẩn thỉu tiều tụy này đâu có giống thị trong trí nhớ.

Lạch cạch chìa khóa tra vào ổ. Lão chồng của thị xách cặp đi vào nhà, cởi giày đặt lên giá, ném điện thoại xuống sofa, miệng réo:

– Mẹ nó ơi, cơm nước xong chưa?

Thôi chết, thị mải buôn chuyện, mải bế con, mải nóng, thị quên béng mất lão chồng đi làm về cần phải được ăn cơm. Không sao, thị có cớ cãi nhau với lão, thị tức thì lão cũng phải tức, cả vợ cả chồng tức no rồi thì khỏi cần phải ăn cơm.

– Mẹ nó ơi…

– Nói bé thôi! Anh đi đâu mà giờ này mới về? – thị đóng cánh cửa phòng ngủ lại, quắc mắt nhìn lão chồng. Soi gương và khóc

– Ơ hay, đi làm chứ đi đâu. Cơm nước xong chưa? Ăn cơm xong còn phải làm việc tiếp, có cái dự án mới ở bên…

– Tin nhắn của ai kia?

Thị hất hàm. Điện thoại của lão chồng có tin nhắn mới từ “Em Linh”. Lão chồng của thị nhìn vợ, chân mày nhíu lại nhưng cũng chẳng ừ hử gì, thản nhiên như không cầm điện thoại lên bấm.

Thị nhìn trân trân vào chồng, lão nhắn tin bao lâu thị nhìn bấy lâu. Nhìn đến khi lão không chịu nổi nữa, phải đặt điện thoại xuống, trả lời vợ:

– Đồng nghiệp. Soi gương và khóc

– Đồng nghiệp gì mà hết giờ làm vẫn còn nhắn tin qua lại? Đồng nghiệp gì mà quản cả giờ nghỉ của anh thế? Suốt ngày đồng nghiệp, đồng nghiệp, bảo đồng nghiệp của anh nấu cơm cho mà ăn, xong ôm đồng nghiệp ngủ luôn đi!

Càng nói càng khó nghe. Chồng thị cũng sẵng giọng:

– Cô nói cái quái gì đấy? Xúc phạm đồng nghiệp tôi à? Quá đáng lắm rồi đấy!

Mắt thị đỏ hoe. Lão chồng lại vì con ả kia mà quát thị. Thị khổ quá!

– Cái lũ mèo mả gà đồng học không lo học làm không lo làm tối ngày nhăm nhe cướp chồng người khác, tôi mắng vài câu cũng không được à? Giờ anh coi đồng nghiệp là nhất rồi. Con này có là cái thá gì đâu!

– Này này cô một vừa hai phải thôi nhá! – chồng thị đứng lên, xắn tay áo – Cả ngày ở nhà chẳng làm được cái nước non gì, lại còn chanh chua đanh đá, ghen bóng ghen gió gây sự đủ điều. Tóm lại cô có nấu cơm không?

Quanh đi quẩn lại, chồng thị vẫn chỉ quan tâm đến cái bụng đói của lão. Thị là vợ lão chứ có phải con osin đâu mà tối ngày cắm đầu vào chuyện nhà chuyện cửa, để lão đi ra ngoài quần là áo lượt tòm tem với con khác. Mà đấy, osin còn có tiền lương, đằng này thị phải chăm lo chu đáo trong ngoài, mà nửa phân nửa cắc tiền lương cũng không có.

Đã đến nước này rồi, lão còn đòi ăn cơm! Thị trong mắt lão chỉ có chức năng sinh con đẻ cái, nấu cơm nấu nước cho lão mà thôi! Bảo sao lão không tôn trọng thị, nói vài câu là quát nạt, còn không chịu đưa thêm tiền cho thị, được tăng lương cũng không thèm báo.

Có khi lão mang hết cả lương cả lậu cho con quỷ cái kia rồi cũng nên.

Ba máu sáu cơn dồn lên đỉnh đầu. Thị vớ ngay lấy điện thoại của lão, loay hoay mở khóa. Lão chồng thị thấy vợ càng ngày càng vô lý, cũng thẳng tay giật điện thoại về. Giật qua giật lại, điện thoại rơi xuống đất. Soi gương và khóc

Mặt kính màn hình, đường nứt giăng như mạng nhện. Thị thấy mối quan hệ giữa mình và chồng cũng giống như màn hình điện thoại của chồng thị, nứt chằng nứt chịt, không biết đường nứt bắt đầu từ đâu, cũng chẳng biết phải làm thế nào để sửa.

Ngồi thụp xuống đất, thị cầm điện thoại vỡ, ngước mắt lên hỏi chồng:

– Vỡ rồi, phải làm thế nào để sửa đây?

– Thì thay mới! – chồng thị quăng lại một câu, chẳng thèm quan tâm tới thị nữa, quay người đi vào nhà tắm. Soi gương và khóc

Chẳng tới năm phút sau, tiếng chửi tục từ trong nhà tắm bật ra ngoài, đâm thẳng vào lỗ tai thị. Bấy giờ thị mới nhớ ra hồi sáng thay tã cho con xong, thị ném vào trong nhà tắm còn chưa kịp giặt. Chẳng qua, thị cũng không muốn nhịn lão chồng nữa.

Tắm xong, lão lại mang chuyện tã lót của con trong nhà tắm ra càu nhàu, trách thị ở nhà chăm con với làm việc nhà cũng chẳng ra sao, tiện thể kêu ca mình đi làm vất vả. Thị thẳng tay ném con điện thoại đã vỡ màn hình của lão xuống đất.

– Anh chê con này không làm được cái gì ra hồn thì đi tìm con khác mà lấy! Bảo em Linh của anh ở nhà đẻ con chăm con dọn nhà dọn cửa cho anh xem nó có chạy mất dép không! Anh đi làm vất vả, tôi ở nhà không vất vả à? Tiền của anh thì to lắm à? Đi làm kiếm tiền rồi về nhà rung đùi chờ người hầu cơm hầu nước, sướng thế thì ai mà chẳng thích! Con này không chịu được anh nữa rồi!

Chồng thị thở hắt ra một hơi, không buồn tranh cãi nữa.

– Đi làm sướng thế thì cô đi làm đi. Còn nếu không chịu được thì ly hôn đi!

soi gương và khóc - tác giả nguyên Soi gương và khóc
soi gương và khóc – tác giả nguyên

***

Phong cũng mệt lắm rồi. Hai vợ chồng một đứa trẻ con, đủ thứ tiền cần xoay sở cho vừa với cái mức chi tiêu đắt đỏ của thành phố lớn. Gánh nặng kinh tế đè cả lên vai của Phong, đè nặng tới mức mỗi bước đi đều chật vật.

Lê bước chân mỏi mệt về nhà, đối mặt với căn bếp nguội lạnh, nhà cửa bừa bộn, mụ vợ hay cáu gắt, Phong lại cảm thấy nơi này giống địa ngục trần gian hơn là tổ ấm. Phong nhớ tha thiết cô hoa khôi xinh đẹp lanh lợi năm xưa. Có lẽ cô hoa khôi đó, và cả anh hot boy trường tên Phong dạo ấy, đều đã bị sức ép cơm áo gạo tiền, bị xã hội này ép cho thành hình thù méo mó vặn vẹo. Không nhận ra đối phương, cũng chẳng nhận ra chính mình.

Vợ Phong đã đi vào phòng ngủ của con, cánh cửa đóng sập trước mũi người chồng thất bại. Gần một tiếng đồng hồ sau, cửa mở ra, trên tay vợ Phong là một tờ giấy mỏng manh, vỏn vẹn ba chữ “ĐƠN LY HÔN” viết hoa và vài ba dòng trình bày ngắn gọn.

– Còn con…

Giọng Phong nghẹn ứ trong cổ họng. Mụ vợ tóc tai bù xù lắc đầu, thở ra một hơi dài thườn thượt:

– Giải thoát cho nhau đi. Tôi đỡ phải sống như con osin, anh cũng danh chính ngôn thuận đến với em Linh của anh. Soi gương và khóc

– Em Linh nào? Em Linh chỉ là… – Phong nhíu mày, chuyện giữa hai vợ chồng thì liên quan gì đến đồng nghiệp ở cơ quan?

Vợ Phong nhếch môi:

– Anh không phải chối, tôi biết hết rồi. Mấy cái trò ăn vụng không biết chùi mép của anh, tôi còn lạ gì nữa. Kí đi!

Phong cầm bút lên. Ý cười trên môi vợ Phong càng đậm. Đấy, thằng đàn ông nào mà chẳng thế, chê vợ già, chê vợ xấu, chê vợ vô dụng. Đưa đơn là kí, giải thoát cho nhẹ nợ.

***

Đúng là loại cạn tàu ráo máng.

Thị bắt đầu nghĩ ngợi vẩn vơ, con thị còn chưa cai sữa, nên chắc sẽ theo mẹ, nhưng thị lại không có việc làm, sau này làm thế nào để nuôi con cũng là một vấn đề. Còn nữa, thị đã rất lâu không ra ngoài làm việc rồi, chọn nghề chọn nghiệp thế nào… cũng đau đầu lắm.

– Sao tự nhiên lại muốn ly hôn?

Chồng thị vẫn chưa kí đơn. Thị gãi đầu, ấp úng:

– Thì… vì anh ngoại tình, với lại… – quái lạ, lúc này thị lại không nghĩ ra lý do để ly hôn nữa, à đúng rồi – rốt cuộc thì anh để cái điều khiển điều hòa ở đâu?

– Ngoại tình cái gì mà ngoại tình? Tôi không ngoại tình…

Đứa con nằm một mình trên giường đã dậy, khóc váng nhà, thu hút sự chú ý của cặp bố mẹ vô tâm. Chồng thị nhanh chân chạy vào phòng ngủ, ôm con lên. Bàn tay vụng về của đàn ông kéo xô cả tấm chăn mỏng trải bên dưới người đứa nhỏ.

Đứa con được ôm ra ngoài rồi, còn cái điều khiển điều hòa thì nằm chỏng chơ trên giường, ngay bên dưới lớp chăn mỏng. Thị chợt bật khóc.

– Lần chần cái gì trong đấy thế? Sợ tối nay không có cơm ăn à? Không sao, dăm ba bữa ra ngoài hàng ăn một lần cũng được.

Tiếng chồng thị vọng vào từ ngoài phòng khách. Thị nhìn vào cái gương ở góc phòng. Trong gương vẫn là người đàn bà luộm thuộm, xộc xệch, xấu xí.

Ở một căn nhà nào đó trong thành phố, chị Phương bĩu môi ném cái nhẫn vào sọt rác. Sau đó, bàn tay nhanh nhẹn cầm lấy cái cán chổi lau nhà, vừa lau qua lau lại vừa đắc ý cười.

– Hai chục nghìn mua cái nhẫn ngoài vỉa hè, chụp cái ảnh khoe mà cũng khối đứa tin là thật…

 

Tác giả Nguyên

___

Lời bàn của Biên tập viên Diễn đàn Văn học trẻ: Truyện ngắn “Soi gương và khóc” của tác giả Nguyên là một câu chuyện thú vị về hội chị em bỉm sữa, cũng là chuyện của nhiều gia đình sau hôn nhân. Trước hôn nhân, tình yêu lãng mạn, mơ mộng nhiều bao nhiêu thì sau hôn nhân lại đổ vỡ bấy nhiêu. Vì phải ở nhà chăm con, nhiều phụ nữ trở nên xấu xí, tự ti, đa nghi hơn. Truyện cũng châm biếm thói hư tật xấu khoe khoang, sống ảo của chị em và đưa lời cảnh tỉnh:

  • Cần phải có suy nghĩ chín chắn trước khi kết hôn để tránh vỡ mộng, hở chút là xuất hiện giấy li hôn.
  • Chung sống thành gia đình, hai bên hãy tìm cách thấu hiểu nhau để có cuộc sống hạnh phúc, đừng coi thứ vật chất bên ngoài là minh chứng cho hạnh phúc. Điều đó dễ làm ta lạc đường.

Nói chung, “Soi gương và khóc” cùng với giọng điệu châm biếm nhẹ nhàng, hài hước của tác giả Nguyên là một tác phẩm hay, đáng đọc.

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close