TRUYỆN NGẮN

Khoảng lặng

Khoảng lặng

Chiều tháng mười hai, mưa rả rích rơi. Tiếng kim đồng hồ buồn bã điểm vào không gian tịch mịch xung quanh Nụ những âm thanh đều đặn đến chán chường.

Ngồi bên cửa sổ đóng im ỉm, Nụ chau mày nhìn chằm chằm vào máy tính cá nhân, vừa lang thang trên mạng tìm ý tưởng, vừa hậm hực khi thấy kết quả cuộc thi vừa được công bố cách đây không lâu.

Tâm lại đạt giải nhất tập san tháng của trường!

Nụ và Tâm là một đôi bạn thân, học cùng lớp, lại cùng nằm trong đội tuyển Văn dự thi Học sinh giỏi cấp tỉnh. Ngay từ lớp mười, hai cô bạn đã thân thiết như hình với bóng, hoạt động nào cũng có nhau, phong trào nào cũng cùng đăng ký. Điển hình là cuộc thi viết tập san hàng tháng do thầy cô tổ Văn tổ chức vào đầu năm học. Thế mà, chẳng hiểu vì sao cùng từ một “lò” luyện Văn, mà tác phẩm của Tâm luôn được khen ngợi hết lời, trái lại, những dòng chữ như trút hết ruột gan, công sức của Nụ lại nhận về những góp ý thẳng thắn, nếu không muốn nói là chê bai.

Nụ ấm ức đã lâu, nhưng cô bé không dám bày tỏ tâm trạng tiêu cực trước mặt Tâm – người bạn thân duy nhất của mình.

Đợt này, truyện ngắn của Tâm lại được Hội đồng chấm thi đánh giá cao, được in trong tập san, và đăng trên diễn đàn văn học của trường. Chẳng biết là lần thứ bao nhiêu rồi…

Không rõ từ bao giờ, Tâm trở thành cái tên quen thuộc trên diễn đàn, và là thành viên hoạt động sôi nổi nhất. Tâm còn sở hữu lượng tác phẩm và thành tích đáng ngưỡng mộ. Thầy cô trong tổ chuyên môn cũng luôn dành những lời có cánh cho Tâm, bày tỏ sự khích lệ đối với những tác phẩm mà cô đăng tải. Dần dần, số lượng tác phẩm của cô bé tăng lên đáng kể, trải dài trong mọi thể loại từ bút ký, tản văn, truyện ngắn, thơ tự do, đến cả truyện vừa và truyện dài. Ngòi bút của Tâm vừa trong sáng, đáng yêu, lại vừa điềm đạm, sâu sắc, khiến những cô bạn cùng đội tuyển cũng phải trầm trồ thán phục.

Chỉ trừ Nụ.

Nụ đăm chiêu nhìn những dòng nhận xét bên dưới bản thảo mà cô gửi đi. Suốt hai ngày qua, Nụ lê la trên mạng tìm ý tưởng, rồi gửi đi rất nhiều truyện ngắn, tản văn tâm huyết, ấy thế mà chỉ nhận lại những dòng bình luận vô cảm.

“Lan man, nhiều tình tiết thừa thải, chưa thể hiện rõ nội dung và ý nghĩa của câu chuyện.”

“Lạm dụng ngôn từ hoa mỹ, diễn đạt có phần sáo rỗng, mơ hồ.”

“Sử dụng biện pháp tu từ chưa đúng chỗ.”

Vân vân… vân vân…

Tay Nụ run run khi mở từng email từ diễn đàn văn học. Cô quét mắt qua những dòng nhận xét của ban giám khảo, hốc mắt bỗng cay xè, ran rát đỏ. Tim Nụ đập vội vã, thình thịch như ai đang giã từng hồi, lồng ngực cô xót đau, nặng trịch, ấm ức không gì tả nổi.

Nụ cất lại tâm tình chẳng mấy tốt đẹp của bản thân, rồi cố ấn mình chìm vào một giấc ngủ. Chiều nay, cô có hẹn sẽ cùng Tâm đến thư viện tổng hợp của thành phố, tìm kiếm một số sách văn học hay. Từ trước đến nay, Nụ chưa bao giờ là người trễ hẹn.

Buổi chiều, ngồi bên cạnh Nụ, Tâm gõ máy tính liên tục. Đôi lông mày thanh tú thoáng chau lại, rồi giãn ra, ánh mắt khi u ám, lúc long lanh, như thể lúc này, Tâm hòa mình vào thế giới mà cô bé đang kể qua ngòi bút của mình. Nhìn nét mặt như cất chứa muôn vàn cảm xúc của Tâm, Nụ bỗng thấy lòng lưng chừng đến lạ. Không hẳn là đố kỵ, cũng chẳng phải là ngưỡng mộ, Nụ chỉ cảm thấy không cam tâm.

Một lát sau, bàn tay đang thoăn thoắt gõ trên bàn phím của Tâm bỗng ngừng lại. Cô bé xoay sang, thầm thì vào tai Nụ:

“Trông chừng ba lô và máy tính giúp mình với, mình đi “giải quyết nỗi buồn” một chút!”

Nói rồi, Tâm rời khỏi ghế, bước đi nhẹ nhàng nhưng vội vã, trông đến là buồn cười!

Nụ ngoái đầu nhìn theo bóng dáng đã khuất sau cánh cửa thư viện, rồi ánh mắt cô không kiềm được mà dán chặt vào màn hình máy tính, nơi bản thảo của Tâm vẫn còn đang dang dở. Tay Nụ run run, tim đập thình thịch như muốn văng ra khỏi lồng ngực nhỏ bé. Hít một hơi thật sâu, cô khẽ ngoái đầu nhìn ra ngoài cửa thư viện, rồi nuốt nước bọt đánh “ực” một cái. Đôi con ngươi đen láy như muốn chạy đua với thời gian, vội vàng mà đọc hết một lượt.

Bản thảo của Tâm thực sự khiến lòng Nụ càng thêm rối bời. Từng lời từng chữ của cô bạn trong sáng nhưng đong đầy cảm xúc. Khác với Nụ, Tâm không sử dụng quá nhiều bút pháp nghệ thuật, cũng không lạm dụng vốn từ hoa mỹ. Những điều mà Tâm viết gần gũi như chính hơi thở của con người xung quanh cô, của từng bông hoa, ngọn cỏ mà cô bắt gặp đâu đó ven đường. Đôi khi sự giản dị và mộc mạc của cuộc sống thường nhật lại bị bỏ quên, chẳng mấy ai đủ tinh tế để nhận ra vẻ đẹp muôn màu hiện diện xung quanh mình. Chính Nụ cũng từng kinh ngạc không thôi trước những điều tưởng chừng đã thân thuộc qua lăng kính của Tâm.

Ngón tay thon nhỏ lăn lăn con trỏ, Nụ vô thức ghi nhớ từng ý tưởng của cô bạn thân. Lòng Nụ lúc này lại đầy những xúc cảm khó tả, sự ghen tị, căng thẳng, sợ hãi và cả tham vọng trong lòng cô gái nhỏ như đang xoắn xít đan xen, khiến lồng ngực cô như muốn nổ tung.

Từ sau ngày hôm đó, mỗi ngày đối với Nụ đều trôi qua trong sự phân vân và thấp thỏm. Mỗi lần nhìn thấy Tâm với nụ cười rạng rỡ và ấm áp như ánh nắng ban mai, lòng Nụ lại day dứt khôn nguôi. Nụ chưa bao giờ nghĩ rằng, việc đưa ra quyết định vào cái tuổi cắp sách đến trường này lại khó khăn đến thế!

“Bài làm văn vừa rồi của Tâm tốt lắm, cuối giờ nếu có thời gian cô sẽ đọc cho cả lớp cùng nghe.”

Giọng nói thánh thót của cô giáo dạy Văn vang lên bên tai Nụ. Cô bé cúi đầu, rầu rĩ nhìn con điểm “8” tròn trịa và dứt khoát trên ô giấy. Bất chợt, Nụ cảm thấy con số kia thật xấu xí biết bao, vành mắt cô chợt cay xè đi, đỏ lựng, ran rát…

Nụ cứ chìm đắm trong cảm xúc mâu thuẫn và phân vân của chính mình, cho đến khi tổ biên tập đặc san của trường thông báo hạn chót nộp bài. Nụ không còn quá nhiều thời gian, bởi những ngày qua, suy nghĩ mông lung và lưng chừng đã rút cạn ý tưởng và vẻ đẹp con chữ trong đầu cô. Nhớ đến điểm “8” xấu xí nọ, Nụ càng cảm thấy không cam tâm. Cô mở máy tính, chăm chú nhìn vào bản thảo còn đang dang dở của mình, sự căng thẳng và bồn chồn vài ngày trước đã thay bằng một ý niệm quyết đoán và táo bạo.

Bẵng đi hai tuần, mỗi ngày đến lớp, Tâm đều cảm thấy Nụ đang âm thầm thay đổi. Cô bạn thân dường như đang né tránh cô, và chẳng còn hứng thú với những câu chuyện phiếm không đầu không cuối của hai người. Tâm lấy làm lạ, cũng lấy làm tiếc, không biết Nụ đang nghĩ gì, hay mình có lỡ làm phật ý Nụ hay không. Tâm muốn hỏi, nhưng cô bạn thân cứ lờ đi mãi, cuối cùng lại chẳng đâu vào đâu.

Mấy hôm nay, kể từ lúc gửi bài dự thi, Nụ không tài nào an yên mà nhập mộng. Có thứ gì đó cứ đè nặng lên lồng ngực cô, len lỏi vào tâm trí cô, khiến cô chập chờn giữa cơn mơ đan xen đắc ý và tội lỗi. Nụ thường hay choàng tỉnh giữa đêm, lo sợ bủa vây, chợt nhận ra cô đã ngu ngốc mà quăng chính mình vào một mớ hỗn độn, tiến không được, lùi cũng chẳng xong. Nụ để bản thân mình chìm vào thấp thỏm và lo âu, về những điều được – mất mà có thể cô đã, và buộc phải biết trước. Cách duy nhất mà Nụ có thể làm được để xoa dịu cảm xúc phức tạp và rối rắm của mình lúc này chính là lánh mặt Tâm, lờ đi ánh mắt hồn nhiên, lo lắng và đầy trăn trở của cô bạn thân.

Cho đến một ngày, vào một chiều mưa rơi rả rích, kết quả cuộc thi viết truyện ngắn hàng tháng do nhà trường tổ chức lại được công bố trên diễn đàn. Ngồi bên cửa sổ phòng mình, Nụ hồi hộp mở hòm thư, hai bàn tay bé nhỏ run run đặt lên máy tính, nhịp tim trong lồng ngực cũng bất chợt tăng nhanh.

Đập vào mắt Nụ là những dòng bình luận dài nhất từ trước đến nay mà cô từng nhận được. Lướt qua một lần, Nụ chợt thả mình vào lặng thinh và suy tưởng.

“Em viết vội, có phải không? Hãy để cho lòng nhẹ nhàng và khoan thai, lắng nghe những âm thanh từ trong tim mình, hoặc giữ cho cuộc sống của bản thân một vài khoảng lặng cần thiết trước khi sáng tác, em nhé!”

Nụ đọc đi đọc lại những dòng chữ đỏ au trên màn hình máy tính, mắt cô ướt nhòe đi, đôi môi hồng hào mím chặt lại. Đâu đó trong lòng cô, sự ấm ức vẫn còn âm ỉ, cô vẫn không phục, không cam tâm. Song, Nụ là người hiểu hơn ai hết, những ý tưởng kia từ đâu mà có, những dòng văn kia vội vã đến mức nào.

Cuối cùng, Nụ cũng không đạt giải, người đạt giải nhất vẫn là Tâm, với một câu chuyện hoàn toàn khác.

Nụ nằm vật ra giường, buông một tiếng thở dài thườn thượt, nước mắt lại lặng lẽ chảy dọc đuôi mắt đượm buồn, ướt đẫm hai hàng tóc mai bên thái dương. Hóa ra, bản thảo khiến Nụ kinh ngạc không thôi, dằn lòng, đắn đo suốt mấy hôm rồi mới quyết định “mượn” ý tưởng lại là một bản thảo mà Tâm không hề hài lòng. Thế mới biết, sự chênh lệch của Nụ và Tâm đâu chỉ có nghệ thuật sử dụng con chữ?

Bỗng dưng, nhìn lên trần nhà, Nụ thầm nghĩ, biết đâu giải thưởng lần này của Tâm lại là sự an bài tốt nhất cho chính Nụ? Nụ đã từng băn khoăn tự hỏi, nếu bài văn mà Nụ dự thi đoạt giải, hoặc được đăng tải công khai trên diễn đàn văn chương của trường, liệu tình bạn của cô và Tâm có còn cứu vãn được nữa hay không? Những suy nghĩ ấy cứ mon men, len lỏi rồi tràn ngập trong trí óc non nớt của Nụ…

Những tưởng thất bại lần này sẽ khiến Nụ an lòng hơn, trả lại cho cô và Tâm thứ mà cả hai xứng đáng nhận được. Thế nhưng, Nụ vẫn bị cảm giác tội lỗi và áy náy của chính bản thân mình giày vò, nhất là khi đối diện với Nụ, đôi mắt Tâm vẫn rất chân thành và đầy băn khoăn, day dứt.

“Nụ à, dạo này… mình thấy chúng ta cứ xa cách thế nào ấy. Mình suy nghĩ mãi, chẳng biết mình có làm gì khiến bạn không vui không?” Tâm hỏi Nụ, khi bắt gặp cô bạn thân đang trầm tư trong thư viện trường.

Nụ thoáng giật mình, theo thói quen mà lẩn tránh đôi mắt đen láy, trong veo chất chứa băn khoăn và trăn trở của Tâm. Thấy Nụ lặng thinh, không đáp lời, Tâm cũng buồn bã mà cúi đầu, lặng lẽ ngồi ở một góc, chốc chốc lại liếc mắt nhìn sang phía cô bạn thân.

Ánh mắt Tâm như khiến lòng Nụ cuồn cuộn sóng, hồi hộp, bối rối, và chẳng thể nào thôi bứt rứt. Hay chính bản thân Nụ không thể nào thanh thản được, sau cái ngày cô đọc được bản thảo của Tâm? Nụ cũng chẳng biết nữa. Cô chỉ cảm thấy rằng, có lẽ, cô nên đặt một khoảng lặng ở giữa bài văn mà cô đang viết dở.

Một ngày đẹp trời, vào đầu mùa xuân, bầu trời trong xanh, và làn gió mơn  man trên từng khóm cây trong vườn nhà, Tâm bỗng nhận được một tin nhắn điện thoại rất dài từ Nụ.

Thì ra là vậy!

Tâm mỉm cười, cất điện thoại vào túi áo, tay vẫn thoăn thoắt bón phân cho giò hoa lan của mẹ. Lòng Tâm chợt nghĩ, ngày mai, cô sẽ mang món bánh nhân mứt dứa mà mẹ cô vừa làm sang cho Nụ, tiếp tục câu chuyện phiếm mà hai người bạn thân đang bỏ dở.

 

Tác giả Rái cá nhỏ

Xem thêm truyện ngắn hay cùng tác giả:

  1. Ô cửa màu xanh
  2. Tết của em Ri 
  3. Ngọn đèn không tắt
Truyện ngắn Khoảng lặng - Rái cá nhỏ- văn học trẻ Khoảng lặng
Truyện ngắn Khoảng lặng – Rái cá nhỏ- văn học trẻ

Lời bàn truyện ngắn “Khoảng lặng” từ Biên tập viên:

Truyện ngắn Khoảng lặng là một truyện ngắn có đề tài rất gần gũi, đơn giản: Tình bạn vườn trường. Đôi bạn thân, cùng thích văn học nhưng một người luôn vượt trội và tỏa sáng, được thầy cô và mọi người mến mộ. Ánh hào quang ấy khiến người bạn thân thiết nảy sinh lòng ghen tị, ngày càng nuôi dưỡng lớn dần và dẫn tới có hành động xấu. Quá trình diễn biến nội tâm dằn vặt, hối hận, tội lỗi của Nụ được Rái cá nhỏ viết rất chân thực, bày tỏ hết những khúc mắc, mâu thuẫn trong lòng, và để biết được cô bé ấy vẫn là đứa trẻ ngoan.

Nếu như sự ghen tị dẫn tới lầm lỗi là sự dễ gặp thì sự dằn vặt, hiểu ra và công nhận tài năng, nhận lỗi cũng là một sự dũng cảm không phải ai cũng làm được. Và cũng không phải ai cũng dễ dàng tha thứ, chọn giữ tình bạn như cô bé Tâm. Sau tất cả, tình bạn giữa Nụ và Tâm có lẽ càng thêm gắn bó, học hỏi lẫn nhau để trở thành đôi bạn tiến bộ. Tác giả thể hiện quan điểm về lối sống, tình bạn chân chính và cách sống rất khéo léo đằng sau một câu chuyện đơn giản. Cao hơn, Rái cá còn lồng ghép cả quan điểm về văn học. Ai cũng nhìn thấy Tâm là cô bé tài năng, khiến người ta ghen tị, buồn nhất là người bạn thân cũng không phục và nảy ra ý nghĩa xấu với Tâm, nhưng tài năng không phải tự dưng mà có, dù là bài viết đủ khiến Nụ thấy mê đắm trong đó, với Tâm vẫn chưa phải là sự hài lòng. Đằng sau một tác phẩm hay là sự đam mê, chăm chút từng từ ngữ và có đủ một khoảng bình lặng cần thiết, không thể vội vã. Nếu như Nụ không hiểu ra, nếu Tâm vẫn dùng bài viết đó để nộp, chắc chắn đó sẽ là một câu chuyện rất buồn.

Chỉ là một câu chuyện ngắn, không có nhiều tình tiết quá gay cấn nhưng Rái cá đã rất chăm chút vào câu chữ của mình, vẫn là phong cách viết nhẹ nhàng, thoảng qua nhưng để lại nhiều ý nghĩa đằng sau nó. Một cuộc chiến để làm người tốt, trở thành nhà văn chân chính và giữ vững tình bạn. Ranh giới giữa những vấn đề đó thật mong manh, nhưng chỉ cần một lần thôi cũng đủ đẩy mọi thứ về hai cực riêng biệt. Đây là câu chuyện chắc hẳn bạn sẽ không phải hối tiếc khi đọc.

Tôi là Phong Cầm, BTV của Văn học trẻ, hãy để lại bình luận của bạn để góp ý với chúng mình về tất cả điều bạn muốn nói nhé. Và đặc biệt là những đánh giá về “Khoảng lặng” của tác giả Rái cá nhỏ nhé.

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close