TẢN VĂN

Nếu một mai tôi bay lên trời

Nếu một mai tôi bay lên trời

Bóng đêm lặng lẽ buông mình xuống thành phố, những tòa nhà lấp lánh ánh đèn xuất hiện. Trên bầu trời, vầng trăng ẩn hiện sau đám mây tỏa ra thứ ánh sáng nhàn nhạt. Không báo thức, không ồn ào, tôi mở mắt theo thói quen.

Trong phòng bệnh, mùi thuốc khử trùng còn sót lại khiến tôi nhăn mặt. Nghiêng người sang một bên, tôi hướng tầm mắt về phía ô cửa sổ, nơi tấm rèm cửa khẽ đung đưa theo nhịp bước của cơn gió. Từ đây nhìn ra, tôi chỉ thấy những tòa nhà cao chót vót, đứng sừng sững giữa trời đất. Nhìn chúng rồi nhìn lại mình, tôi thở ra một hơi dài thườn thượt.

Từ ngày nhập viện đến bây giờ cũng được năm tháng rồi. Trong khoảng thời gian này, tôi chỉ biết giam mình giữa bốn bức tường, làm bạn với thuốc men. Sau khi nghe bác sĩ chẩn đoán, tôi hoàn toàn suy sụp. Tôi – một chàng trai vừa tròn hai mươi lăm tuổi, đang sống trong mùa xuân đẹp nhất của cuộc đời mình lại vướng phải căn bệnh máu trắng. Tại sao… tại sao ông trời lại tàn nhẫn với tôi đến thế?

Không thiết tha với cuộc sống, tôi bắt đầu buông xuôi. Ngày ngày trôi qua, tôi mang theo khuôn mặt ủ dột đối diện với gia đình, bác sĩ cùng với các điều dưỡng của bệnh viện. Lúc nào cũng thế, họ luôn động viên tôi phải lạc quan, phải suy nghĩ tích cực mà chẳng đem cho tôi được một chút hy vọng nào. Mấy tháng qua, mặc cho người thân của tôi đồng loạt xét nghiệm máu để tìm tủy thích hợp, cộng thêm sự hợp tác từ bệnh viện nhưng tình hình không mấy khả quan. Vậy thì… tôi lấy gì để tin vào họ đây?

Mặc cho cơ thể mệt mỏi, đầu óc mụ mị, tôi vẫn cố lết khỏi giường, chậm rãi tiến về phía ô cửa sửa. Kéo rèm cửa sang một bên, tôi giương mắt nhìn thành phố đang hoạt động. Trước mặt tôi, sự sống vẫn tiếp diễn, chỉ có tôi là đứng yên tại chỗ. Trong biết bao nhiêu con người, tại sao ông trời lại chọn tôi? Thật sự tôi không muốn sinh mệnh của mình kết thúc tại đây chút nào. Đã không ít lần tôi tự hỏi: khi nào tôi mới được ghép tủy, khi nào tôi mới được quay trở lại cuộc sống bình thường, được làm việc, được vui chơi như những người khác? Những câu hỏi ấy cứ lởn vởn trong đầu tôi như những bóng ma dập dìu đi trong đêm tối, không có lấy một câu trả lời, chỉ có bóng đêm vỗ về tôi như một sự an ủi của tạo hóa.

Cũng có lúc tôi lạc quan, nghĩ rằng ngày mai sẽ làm một ngày mới, sẽ có người báo với tôi là đã tìm được tủy thích hợp, giờ chỉ cần lên lịch phẫu thuật rồi đợi đến ngày khỏi bệnh nữa là xong. Thế mà hy vọng ấy kéo dài không bao lâu, cơn đau trỗi dậy, dày vò cơ thể tôi từng chút một. Khó khăn lắm tôi mới cắn răng vượt qua được, mỗi lần như vậy, sức lực cạn dần, tôi lại thiếp đi, khi tỉnh dậy thì không thấy ánh sáng mặt trời đâu nữa. Tôi đã chán cái cảnh phải lầm lũi trong phòng bệnh, phải đối diện với chính mình – một cơ thể yếu ớt qua từng ngày, từng tháng.

Nếu bây giờ chết đi, có điều gì khiến tôi nuối tiếc hay không? Đương nhiên là có. Tôi tiếc vì chưa quan tâm đến mẹ nhiều hơn, lúc nào cũng làm cho bà buồn, lo lắng vì tôi. Đó là những đêm tôi vui chơi bạt mạng ở vũ trường, say sưa đàn hát với nhóm bạn, nâng ly chúc mừng mà bỏ qua cuộc gọi của mẹ đang hiển thị trên màn hình điện thoại. Khi ấy, gia đình đối với tôi nào có quan trọng gì. Thứ nữa, tôi tiếc vì mình chưa sống hết mình với đam mê, chỉ cần gặp trở ngại, tôi đã vội vàng từ bỏ. Tôi có lỗi với bản thân mình, thờ ơ với tương lai của chính tôi. Cuối cùng, tôi tiếc vì mình đã không thể sống lâu hơn, trải nghiệm nhiều hơn để khám phá hết cảnh sắc muôn màu muôn vẻ của cuộc sống. Đi qua một phần ba quãng đời, tôi nhận ra mình chỉ là một đứa trẻ trong hình hài của một người trưởng thành. Giá mà tôi biết suy nghĩ, có lẽ tôi sẽ không phải nuối tiếc như bây giờ.

Trầm ngâm bên ban công một hồi, tôi lê bước chân nặng nhọc trở lại giường bệnh. Kéo chăn đắp ngang người, tôi nhìn chằm chằm lên trần nhà, mông lung nghĩ ngợi. Nếu như tôi chết, có ai chăm sóc mẹ thay tôi không? Nếu như tôi chết, có thể bay lên khoảng không kia làm một cơn gió thực hiện ước muốn đi khắp thế gian không? Và nếu như tôi chết, có phải cơn đau kia sẽ biến mất, tôi sẽ là dòng sông mát dịu trôi trong đêm hè? Và nếu như phải chết đi, tôi sẽ buồn biết bao… Lỡ ngày mai phải giã từ ánh sáng mặt trời, tôi cũng đành phải chấp nhận, dù thực tình tôi không muốn.

Một lúc sau, mắt tôi mờ dần, bóng đêm tranh thủ chen chân vào trong khoảng không tĩnh lặng ấy. Và sau đó, tôi không còn nhìn thấy gì nữa.

 

Tác giả Trần Hàn

Xem thêm tản văn cùng tác giả:

Nếu một mai tôi bay lên trời - Tản văn hay - Trần Hàn Nếu một mai tôi bay lên trời
Nếu một mai tôi bay lên trời – Tản văn hay – Trần Hàn

Lời bàn Nếu một mai tôi bay lên trời – Trần Hàn

Tản văn khiến ta nghĩ tới nỗi buồn, nghĩ tới tiêu cực để rồi nhận ra điều tích cực từ trong những lộn xộn u ám ấy. Căn bệnh, chỉ là một biểu tượng cho thời gian còn lại của một đời người. Trên thực tế, những không may của cuộc sống có thể tới với ta bất cứ lúc nào, nhưng chỉ khi ta biết mình không còn nhiều thời gian mới hoài niệm, tiếc nuối, mới ước mình không mạnh dạn làm điều có ích, quan tâm hơn tới bản thân và gia đình.

Trần Hàn, với những miêu tả chậm về tâm lí của một bệnh nhân ung thư, để lột tả những khao khát sống, đớn đau thể xác  giày vò để biết trân trọng cuộc sống, trân trọng sức khỏe thế nào. “Đi qua một phần ba quãng đời, tôi nhận ra mình chỉ là một đứa trẻ trong hình hài của một người trưởng thành. Giá mà tôi biết suy nghĩ, có lẽ tôi sẽ không phải nuối tiếc như bây giờ.” – Tản văn “Nếu một mai tôi bay lên trời” là chuỗi thông điệp gửi tới bạn đọc hãy sống có ích hơn từng giây phút để không phải nuối tiếc nếu như một mai đối diện với tử thần.

Bạn nghĩ thế nào về Tản văn “Nếu một mai tôi bay lên trời“? Nếu đó là một tản văn hay, chứa nhiều giá trị hữu ích hãy để lại bình luận cho Văn học trẻ biết nhé.

 

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close