Bài văn hay THPTNGỮ VĂN 12Những bài văn hay

Quan điểm của bạn về đồng tiền trong câu “Mang tiền về cho mẹ / Đừng mang ưu phiền về cho mẹ”

NLXH về câu nói trong bài hát của Đen Vâu - dự đoán đề thi THPT

Trình bày quan điểm của bạn về đồng tiền trong câu:

“Mang tiền về cho mẹ
Đừng mang ưu phiền về cho mẹ”.

(Trong bài hát “Mang tiền về cho mẹ” – Ca sĩ Đen Vâu)

Bài làm

Đen Vâu không chỉ là một ca sĩ. Anh là một nghệ sĩ. Những ca từ trong bài hát của Đen Vâu luôn chứa những giá trị về cuộc sống khiến người nghe phải ngẫm nghĩ mà không phải giải trí đơn thuần. Trong bài hát mới đây, anh lại đưa ra những quan điểm về cách sống, về đồng tiền vô cùng sâu sắc:

“Mang tiền về cho mẹ
Đừng mang ưu phiền về cho mẹ”.

Nhắc tới tiền là nhắc tới vật chất, của cải. Dù không thể quy đổi tất cả thành quả lao động thành tiền nhưng đồng tiền vẫn có vai trò tượng trưng tương ứng nhất định cho giá trị của sản phẩm lao động. Tiền là thứ dùng để trao đổi hàng hóa, mua được đồ ăn ngon, nhà sang, quần áo đẹp, cả sự ngưỡng mộ của người khác…do vậy từ xa xưa, nhắc tới đồng tiền, người ta thường nghĩ ngay tới sự giàu có: “Người có tiền có khác”. Không ai phủ nhận được sự quan trọng và cần thiết của đồng tiền. Đi chợ mua rau cũng cần tiền. Bị bệnh mua thuốc cũng cần tiền. Hẹn hò yêu đương cũng cần tiền, để mời người yêu một ly cà phê trong quán…Ai chẳng cần có tiền để sống. Lao động để có tiền, và dùng tiền đổi lại sự lao động của người khác. Với những mặt tích cực của đồng tiền tượng trưng cho sự cố gắng lao động và giá trị của bản thân khi nỗ lực để khiến đồng tiền sinh sôi, thì “mang tiền về” giống như muốn nói tới việc: Bạn trẻ, hãy cố gắng làm việc để chứng tỏ giá trị bản thân, để chứng minh bạn đã là người trưởng thành, biết tự lập cho cuộc sống, biết “đồng tiền làm ra khó” để có cách cân đối cuộc sống của mình.

Tiền là thành quả lao động. Kiếm được tiền ở thời đại này, dễ lắm mà cũng khó lắm. Bất cứ công việc nào cũng có thể làm ra tiền, chỉ cần bạn chịu làm việc. Dù vậy, cũng có công việc làm ra nhiều tiền, việc làm ra ít tiền, việc dùng đến tri thức, việc cần tới sức khỏe, việc cần sự tỉ mỉ, việc lại cần tài hoa… Tại sao lại có sự phân biệt tiền lương giữa các công việc? Đó là bởi đặc thù mỗi loại ngành nghề. Có người bởi sự rèn giũa qua năm tháng để có tay nghề bậc cao, lương trả cao hơn cũng là xứng đáng. Có bao giờ bạn nghĩ khi đặt câu hỏi về sự bất bình tiền tương đó là: Mình có làm được không? Công việc nào cũng có lợi thế riêng của nó, chỉ cần bạn thực sự yêu mến, thực sự cầu tiến chuyên môn, luôn có sự trả giá xứng đáng. Tạo ra được đồng tiền, người xưa có câu: chia tiền thành ba phần: một cho cha mẹ, một cho hiện tại và một cho tương lai. Mỗi người có một suy nghĩ riêng về vấn đề này, riêng tôi, tôi thấy điều đó thật đúng. Cha mẹ vất vả nuôi dưỡng cho con cái ăn học đầy đủ, nhiều trưa ngất giữa đường, chỉ để con được no, khi chúng ta lớn, thì cha mẹ dần già đi, mất khả năng lao động, lúc ấy con cái báo hiếu là điều dễ hiểu, một phần cho tương lai, khi lỡ đâu chúng ta ốm đau, khi công việc không ổn định chẳng ai biết trước. Nhiều người trẻ, khi chưa có tích lũy về kinh nghiệm làm việc, tay nghề còn non nớt, cũng chưa biết cách chi tiêu hợp lí, làm bao nhiêu tiêu xài hết bấy nhiêu là chuyện phổ biến, nên không cần xin trợ giúp của bố mẹ cũng đã là điều dễ cảm thông. Dù đồng tiền đáng giá thật đấy, nhưng rất nhiều bạn học đòi khoe khoang hàng hiệu, khoe xe khoe nhà, chạy đua với những trào lưu tốn kém mà không phải do bản thân làm ra mà đòi hỏi từ bố mẹ hoặc sẵn sàng bán thân, buôn bán chất cấm, trộm cắp…Đừng để bản thân biến thành nô lệ của đồng tiền bất chính, hào nhoáng mà nó tạo ra dễ khiến bạn lầm đường và hậu quả của nó quá lớn so với cái mà bạn từng tận hưởng. Cuộc đời chẳng có điều gì được hưởng lợi không mà không mất đi. Thiết nghĩ, phải tự lao động mà ngẩng cao đầu, tiêu tiền lẻ mà hãnh diện còn hơn biến mình thành kẻ bất chấp, lo nghĩ ngày đêm.

Những bạn trẻ để ra một phần dư “mang tiền về cho mẹ” bằng sức lao động luôn khiến tôi thấy nể. Điều đó chứng tỏ không những bạn là một công dân có ích mà còn là người đã có suy nghĩ thấu đáo, biết tiết kiệm.

Có người nói, lời bài hát ấy mang nặng vật chất khiến những người con làm ăn thua lỗ, có một năm kinh tế khó khăn thấy chạnh lòng, tự ti. Thiết nghĩ, chúng ta không nên đặt nặng vấn đề vật chất khi nghe câu hát này. Tiền ở đây là tiền mà cũng không hẳn là tiền. Trong bài hát, Đen Vâu còn có câu:

Tiền của con không có cần phải rửa
Nó cũng chỉ ám mùi mồ hôi
Mẹ yên tâm con là công dân tốt
Đóng thuế đều và chỉ có đủ mà thôi

Đúng vậy, cha mẹ luôn mong mỏi điều thứ nhất là con cái khỏe mạnh, thứ hai là lo được cho bản thân, cao hơn là sống có ích, giúp đỡ cho người khác. Mỗi khi chúng ta hỏi: nhà mình thiếu thứ gì không, mẹ đều nói: để tiền đó mà đi chơi bạn bè, mẹ chả cần gì cả, nhà đủ hết rồi. Ấy vậy mà khi chúng ta mang về cho mẹ dù là cây hoa, cái áo mới, hoặc giỏ trứng gà mẹ cũng vừa cười vừa trách: vẽ chuyện. Trách đấy, mẹ không cần thật đấy nhưng cũng chẳng ngăn được mẹ vui vẻ. “Mang tiền về cho mẹ” còn là một cách thể hiện sự yêu mến, nhớ nhung, hiếu thuận của chúng ta mà thôi. Tôi thấy có người (một MC rất nổi tiếng) khoe mang tiền về cho mẹ (và cho cả mẹ vợ) nhưng lại kèm theo câu: Khổ lắm. Chắc mẹ thấy sẽ buồn lắm. Có ít cho mẹ ít, có hơn cho mẹ hơn, chỉ là cách thể hiện tấm lòng và là một lí do để về thăm mẹ chứ không phải vì để đặt nặng vấn đề báo hiếu cho người đời thấy.

Nhiều bạn trẻ và nhiều bạn cũng không còn trẻ nữa thật may mắn khi có cuộc sống đầy đủ từ nhỏ, không cần suy nghĩ tới vấn đề khổ cực kiếm sống. Có những bậc phụ huynh trải sẵn con đường cho con cái, họ cũng đủ giàu sang và không cần đồng tiền con biếu, thậm chí con cái có thể chơi cả đời không cần làm cũng đủ ăn. Có thể bạn thấy ghen tị, nhưng tôi thì không. Bởi không cần lo nghĩ thì thích thật đấy, nhưng quá trình làm ra đồng tiền, được chứng tỏ sự có ích của mình mới là điều tôi thấy vui hơn tất cả. Tôi không đánh đồng tất cả bạn nào nhà giàu đều không biết làm việc, có nhiều người dù cha mẹ khó cũng chỉ biết trách cha mẹ nghèo không giúp gì được cho họ. Có lần tôi chứng kiến những câu chuyện về những đứa con chỉ to xác về mặt vật lý. Cả năm cha mẹ làm việc cật lực, nhịn ăn nhịn uống để gửi tiền cho con học ở thành phố, và rồi cuối năm mới hay tin con mình ham chơi đã bị đuổi học từ rất lâu. Thậm chí, có những đứa con xa nhà vướng vào tệ nạn cờ bạc, cuối năm cha mẹ phải gom tiền trả nợ để chuộc con về. Hay có những người cả năm tiêu xài hoang phí, đến khi cuối năm về nhà ngửa tay xin tiền cha mẹ và có khi còn gây gổ, đánh đập cha mẹ, anh em để tranh giành tài sản. Và đớn đau là những người vướng vào các tệ nạn xã hội để rồi cuối năm khi gia đình người ta sum họp, con cái quanh quần đón tết thì cha mẹ mình phải ngậm ngùi thu vén ít đồ gửi vào cho con được ấm. Tôi đã từng ngồi nghe tâm sự của một gia đình có hai cậu con trai; một người đi làm không may bị điện giật phải nằm ở bệnh viện, còn cậu con trai thứ hai vướng vào ma túy nên phải đưa vào trung tâm cai nghiện. Thế nên đêm 30 tết hai vợ chồng già nhìn nhau rơi lệ. Tôi vô cùng phê phán những bạn trẻ như vậy. Sống có ích và biết cống hiến mới là điều người trẻ nên nghĩ đến. Có thể khi bạn chưa có dư, chưa đi làm ra tiền thì hãy dùng hành động, chỉ cần bạn thể hiện được sự kính trọng cha mẹ, bắt đầu biết quan tâm phụ giúp gia đình, đỡ phần nào gánh nặng cho cha mẹ, thì đó cũng là một món quà đẹp nhất dành cho đáng sinh thành.

Mang tiền về cho mẹ – Đừng mang ưu phiền về cho mẹ” một câu hát càng nghe càng thấy thấm thía.

Đưa tiền cho mẹ, mẹ là tiền “vệ”
Đừng làm điều xấu, sẽ thành tiền “lệ”
Lao động hăng say, hơn cả tiền “đề”
Cầm về tiền tốt, đừng có cầm về tiền “tệ”

Trình bày quan điểm của bạn về đồng tiền trong câu: “Mang tiền về cho mẹ Đừng mang ưu phiền về cho mẹ”. Quan điểm của bạn về đồng tiền trong câu “Mang tiền về cho mẹ / Đừng mang ưu phiền về cho mẹ”
Trình bày quan điểm của bạn về đồng tiền trong câu: “Mang tiền về cho mẹ/ Đừng mang ưu phiền về cho mẹ”. Ảnh.YeahTV

Mỗi chúng ta, nên lao động bằng lòng yêu nghề, bằng lòng muốn được cống hiến, muốn thể hiện sự có ích của bản thân, đừng vì thói phù phiếm xa hoa từ đồng tiền mang lại mà làm chuyện trái pháp luật, bán rẻ đạo đức. Câu hát cũng là lời chúc vô cùng ý nghĩa khi sắp đến Tết, thời điểm mà những đứa con đi xa trở về quây quần bên gia đình, đều có một năm lao động tích cực, dư giả, không ưu phiền. Hãy để mẹ cười chứng đừng để mẹ u sầu.

Đồng tiền có tầm quan trọng nhưng thực sự có ý nghĩa, đáng khoe ra khi đó là những đồng tiền chân chính do bàn tay lao động tạo nên. Tiền – Ưu phiền là hai thứ nói về mặt tinh thần: điều làm người ta cần thiết, yêu thích, mong cầu và điều làm người ta buồn, không ai mong muốn. Hãy sống và đem lại những giá trị khiến ai cũng cần hơn là làm những điều vô nghĩa. Tuổi trẻ, hãy sống tích cực lên bạn nhé.

 

– Phong Cầm –

Quan điểm của bạn về đồng tiền – Bài viết của Văn học trẻ

Xem thêm: Cách làm bài văn NLXH

NLXH về câu: Đừng sống như hòn đá, sống không một tình yêu

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close