Cây viết mớiTác giả

Tác giả Cỏ Phong Sương

Tác giả Cỏ Phong Sương – người kết nối đạo với thơ văn

Nếu nói rằng tác giả hiện được yêu mến nhất trên Văn học trẻ về cả văn học và con người, thì chắc chắn cái tên được mọi người nhớ tới đầu tiên là Cỏ Phong Sương. Một thầy tu trong bộ y phục màu nâu đơn giản, sống cuộc sống thanh tịnh, làm bạn với núi rừng cỏ cây, tụng kinh niệm Phật, viết những áng văn, thơ gửi vào đó vẻ đẹp thiên nhiên non nước, vẻ đẹp cái tâm con người và những mong ước cho con người tốt đẹp, không còn khổ đau. Trong hầu hết các tác phẩm của Cỏ Phong Sương, ta đều thấy sự hòa hợp giữa vẻ đẹp giữa non nước và tình người, tả cảnh khiến ta sa vào cái đẹp, mà tả tình khiến ta thổn thức khôn nguôi. Mỗi người có thể có niềm yêu thích với những tác giả, tác phẩm nhất định, nhưng khi đọc những con chữ như có sự sống mà Cỏ Phong Sương viết ra, tất cả đều hoàn toàn bị chinh phục.

Bạn đọc yêu những cây cối trong tác phẩm của Cỏ, yêu những mây trời, yêu những thú hoang thấy tiếng động mà lẩn mình trốn kĩ,… bởi dường như vạn vật đều có linh hồn, có tâm trí riêng, dù chỉ đứng im một chỗ cũng lòng người xao động. Phải chăng, là sự hòa hợp giữa tâm hồn người tu sĩ trước vạn vật, sự rung động của thi sĩ trước cái đẹp, hay bởi sự tinh tế cảm nhận được từng rung chuyển khẽ khàng của đất trời,.. chỉ biết mỗi câu mỗi chữ chúng ta đọc lên, đều tưởng tượng ra được cả một vùng đất mới mà ở đó ta được chìm đắm trong an yên, bỏ qua mọi muộn phiền mà lắng nghe từng tiếng chim, từng kẽ lá vươn mình, hoặc chìm đắm trong những kí ức xa xưa, khát vọng tìm về cội nguồn. Ta cũng rất dễ nhận thấy sự hiện hữu của Phật giáo được đưa vào trong tác phẩm, vừa thể hiện thân phận tu sĩ của Cỏ, vừa muốn thể hiện thông điệp, bài học, khái niệm của Phật giáo với mỗi người, đề cao nhân ái, yêu thương và hòa hợp tự nhiên.

Là một thành viên hoạt động trong CLB Diễn đàn kiến thức, tác phẩm đã ra mắt của Cỏ Phong Sương với bạn đọc như: Đoản khúc cho cố nhân, Cõi tạm, Một trăm năm ngọn cỏ hóa mây trời, Gọi nắngThu đã qua rồiĐoản khúc giao mùa, Nghe lại lời ru, Quẳng gánh lo đi mà sống, Ngàn năm hương vải vẫn thong dong…

Cỏ Phong Sương cũng giành được nhiều thành tích văn học trên Văn học trẻ như: giải nhất chung cuộc cuộc thi viết “Mùa vải ngọt“, giải nhất chung cuộc cuộc thi viết chủ đề “Nhà”, trong đó những tuần thi có sự góp mặt của Cỏ Phong Sương đều trở lên sôi động và tác phẩm của Cỏ cũng nằm top đạt giải cao, nhận được bình chọn cao nhất của bạn đọc.

Hôm nay, phóng viên của Văn học trẻ đã có buổi trò chuyện với văn sĩ, thi sĩ, tu sĩ Cỏ Phong Sương để giúp các bạn hiểu hơn về cuộc sống, về con người, về các quan niệm, suy nghĩ văn học của tác giả Cỏ mà mình yêu mến nhé.

(Video cuộc sống, nơi ở của Cỏ Phong Sương do chính tác giả cung cấp, các bạn có thể xem để hiểu hơn về Cỏ nhé)

Trò chuyện với Cỏ Phong Sương

Xin chào Cỏ Phong Sương, hãy chia sẻ với các độc giả của Văn học trẻ biết tới bút danh Cỏ Phong Sương đôi điều về chính bản thân bạn nhé. Có lẽ, rất nhiều độc giả cảm thấy tò mò, muốn tìm hiểu nhiều hơn về Cỏ Phong Sương, do đó, Văn học trẻ đã tạo ra cuộc phỏng vấn này để giúp bạn có thể đến gần hơn với độc giả của chính mình.

PC:  Đầu tiên, hãy giới thiệu một chút về bạn.

Cỏ tên là: Thích Nhật Minh. Cỏ tuổi Mùi, cầm tinh con dê. Chắc có lẽ vì thế nên Cỏ ăn chay. Dê thường ăn cỏ mà.

Cỏ là tu sĩ, thỉnh thoảng Cỏ có viết lách tự do nữa. Người thương có thể xem video để hiểu hơn một phần trong cuộc sống của Cỏ nhé.

PC: Tại sao bạn lại chọn bút danh Cỏ Phong Sương?

Thực ra trước đó Cỏ có dùng nhiều bút danh khác để viết bài như Mắt Biếc, Na Tiên, Tài Khôn, Xích Cước Đại Tiên… phần nhiều những bút danh mà Cỏ sử dụng là tên nhân vật được đề cập trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh. Và bút danh Cỏ Phong Sương cũng không phải là ngoại lệ. Đó là bút danh Cỏ sử dụng khi bắt đầu tham gia viết tại diễn đàn Văn Học Trẻ, với mong muốn bút lực của mình sẽ mềm như cỏ dại. Giờ mọi người quen gọi mình là Thầy Cỏ, nghe dễ thương quá đỗi. Chắc có lẽ Cỏ sẽ dùng bút danh này lâu đó ạ (cười).

2/ Cỏ Phong Sương đã bắt đầu viết từ khi nào? Có sự tác động (người dẫn dắt/ tác giả ảnh hưởng/ tác phẩm ảnh hưởng) nào không?

Có bắt đầu viết từ năm lớp 6, khi Cỏ xa nhà và đi học trên huyện. Hồi đó Cỏ thỉnh thoảng tập làm thơ, viết văn cho một số báo, tuy nhiên số lượng không nhiều. Cho đến vài năm trở lại đây thì Cỏ mới thường xuyên viết nhiều hơn. Có lẽ tác phẩm ảnh hưởng nhất với Cỏ là cuốn tự truyện “Totochan bên cửa sổ” của Kuroyanagi Tetsuko. Suốt cả một tuổi thơ dài đằng đẵng cho tới tận sau này, Cỏ luôn mong ước khi đến trường trong những năm tháng đầu đời, tất cả các em bé đều được tiếp cận với nền giáo dục tuyệt vời nhất như trường Tomoe – nơi người thầy vĩ đại Sosaku Kobayashi làm hiệu trưởng. Điều đó làm mình nhớ tới cuốn sách “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới” dịch từ bản tiếng Anh “Happy Teachers change the world” của sư ông Thích Nhất Hạnh. Các bạn hãy đón đọc hai tác phẩm này nhé ạ. Cỏ nghĩ sẽ không làm bạn thất vọng đâu ^^!


PC: Tác giả bạn yêu thích nhất là ai? Bạn đã học hỏi được điều gì từ ông/cô ấy?

Cỏ đọc khá là nhiều sách, và mỗi tác giả đều cho Cỏ có những trải nghiệm tuyệt vời với những tác phẩm của họ. Tuy nhiên, Cỏ ưa thích sự nhẹ nhàng, tĩnh lặng, thế nên có thể kể tới một vài tác giả ảnh hưởng tới phong cách viết của Cỏ như: sư ông Thích Nhất Hạnh, sư Toại Khanh, Hòa Thượng Minh Đức Triều Tâm Ảnh, và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Nhiều quá ta ơi (cười ^^).

PC: Tác phẩm bạn ưng ý nhất (do bạn sáng tác)? Có kỉ niệm nào đáng nhớ về nó? Có thông điệp gì qua tác phẩm đó không?

Thực ra nếu tác phẩm do Cỏ sáng tác thì gần như tác phẩm nào Cỏ cũng ưng ý hết á (lại cười ^^). Nếu không ưng ý thì có lẽ Cỏ đã không cầm bút viết rồi ạ. Tuy nhiên có thể kể tới tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với Cỏ là tản văn “Một trăm năm ngọn cỏ hóa mây trời”. Khi viết tác phẩm đó Cỏ đã khóc rất nhiều. Nỗi nhớ quê hương cứ vậy mà nức nở với từng con chữ. Thương gì đâu ^^.

PC: Cách bạn luyện tập viết lách? Cỏ Phong Sương có viết hàng ngày không?

Câu hỏi này làm Cỏ nhớ tới nhà văn Nam Cao. Trong truyện ngắn “trăng sáng” ông đã viết: “Chao ôi! Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than.” Chính vì thế Cỏ viết khá là nhiều, viết như một thói quen kể lại những gì mình thấu hiểu được từ kiếp nhân sinh. Cũng là một cách để Cỏ có thể trau dồi kỹ năng viết lách của mình, thông qua những điều mà Cỏ được học và trải nghiệm trong cuộc sống.

PC:  Cầm bút, bạn có mục đích nào không? Như phục vụ nhân sinh, quốc gia, dân tộc… Hay chỉ vì mình thích và viết ra những suy nghĩ riêng tư, gửi gắm quan điểm cá nhân?

Như câu trả lời trên, Cỏ viết chỉ để viết thôi à, viết như một thói quen vậy á. Đôi khi là một bài thơ tặng cô bạn thân rất thân, hay một lá thư nhỏ bé gửi cho những bạn nhỏ, khi các bạn dành thời gian đến tu tập và có mặt cho mình. Cũng có thể là những điều mình đã được học từ chốn Thiền môn. À,  thực ra Cỏ cũng có một mong muốn (có lẽ hơi táo bạo) là mang văn học Phật giáo đến được gần hơn với mọi người. Tuy nhiên bút lực của Cỏ còn yếu lắm, mong được người thương ủng hộ để Cỏ có thể vững tin hơn trên con đường phía trước ạ. Thương!

PC: Bạn có ấp ủ gì về một tác phẩm “tầm cỡ” trong tương lai không? 

Tầm cỡ ạ? Có lẽ là không đâu (cười). Một tác phẩm để đời là được rồi người thương ạ (cười lớn). ( chắc đây cũng là điều mà tất cả các tác giả khi viết đều mong đạt được trong sự nghiệp của mình)

PC: Khi bạn viết truyện, bạn có lấy nguyên mẫu, sự kiện ngoài đời thực không? Chúng chiếm bao nhiêu %?

Yếu tố đời thực chắc chắn là có rồi ạ. Đó là những trải nghiệm, những điều mà Cỏ quan sát và cảm nhận được từ cuộc sống. Thường Cỏ sẽ viết theo tỷ lệ 50:50.

PC: Theo bạn, điều quan trọng nhất ở một tác phẩm văn học là gì?

Mác-xen Prút đã từng nói: “Thế giới không chỉ được tạo lập một lần mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập”. Như những người nghệ sĩ, người cầm bút đến với cuộc đời để mang lại cho văn chương một phần đời riêng với những sáng tạo của riêng mình. Chính vì thế, theo Cỏ, điều quan trọng nhất ở một tác phẩm văn học đó là sự sáng tạo và trau chuốt tạo nên văn phong không lẫn vào đâu được của người cầm bút.

PC: Theo bạn, điểm trừ của công việc viết lách là gì?

Cỏ không có khái niệm điểm trừ, nếu đó là công việc và là đam mê của chính bản thân mình. Quan trọng là mình biết cân bằng mọi thứ thôi ạ.

PC: Từ đâu mà bạn biết tới Văn học trẻ? Nếu cần nói ngắn gọn về ấn tượng của bạn với những trải nghiệm của bạn ở Văn học trẻ, bạn sẽ nói gì?

Ít nhiều bạn đến với Văn Học Trẻ đều biết tiền thân của Văn Học Trẻ là diendankienthuc.net. Đó là diễn đàn đã gắn bó với Cỏ trong một thời gian khá là dài (quãng hơn chục năm về trước). Sau này diễn đàn có hướng đi mới, các diễn đàn mạng không còn phát triển như xưa, các thành viên cũ cũng có những mối quan tâm khác, và Cỏ là một trong số ít những thành viên còn ở lại. Có lẽ vì diễn đàn kiến thức – VHT là một phần thanh xuân của Cỏ nên Cỏ không nỡ rời đi.

PC: Lí do gì khiến bạn muốn gắn bó với Văn học trẻ? Và điều bạn mong đợi ở VHT sẽ làm tốt hơn?

VHT là một môi trường thân thiện và chuyên nghiệp với những cây viết trẻ rất tài năng giúp Cỏ học hỏi được nhiều điều, có thể kể đến như: Kỳ Phong, Minh Phong, Trần Hàn, Nguyên, Linh Ann, Hip bốn mắt, Huyền Lam, Nguyễn Trương Tấn Huy… và rất nhiều bạn khác. Ngoài ra Cỏ dành một mối quan tâm đặc biệt đối với văn học truyền thống, và VHT hội tụ tất cả những điều tuyệt vời nhất mà Cỏ mong đợi. Smod Phong Cầm, ngoài kiến thức sâu rộng về mặt chuyên môn, còn là một người rất dễ thương, luôn đồng hành cũng các thành viên để đẩy mạnh phong trào ở các CLB sáng tác. Đó là lý do Cỏ muốn gắn bó lâu dài cùng VHT. Mong rằng VHT sẽ ngày càng phát triển trong tương lai, được nhiều cây bút biết tới. Trân quý!

PC: Bạn có muốn nhắn gửi gì tới độc giả của mình không?

Trước hết Cỏ xin gửi lời cảm ơn tới tất cả độc giả của VHT, cảm ơn các bạn đã dành tình cảm cho những tác phẩm của Cỏ, điều đó khiến Cỏ vững tin hơn với ngòi bút của mình. Cỏ mong rằng không chỉ Cỏ mà các bạn cũng sẽ luôn gắn bó và đồng hành cùng VHT để tạo ra một cộng đồng văn chương vững mạnh trong tương lai. Thương mến các bạn rất nhiều!

Qua bài viết này, mong rằng các bạn đã hiểu hơn phần nào về con người Cỏ Phong Sương rồi đúng không? Thật ra tất cả các tác giả trên VHT đều rất dễ gần và đáng yêu, nếu bạn muốn biết nhiều hơn về Cỏ, có thể để lại câu hỏi ở phần bình luận, chắc chắn Phong Cầm sẽ giúp các bạn gửi câu hỏi đến tác giả. Cám ơn Cỏ Phong Sương đã giúp VHT hoàn thành cuộc trò chuyện thú vị này. Chúc Cỏ luôn khỏe mạnh và an yên. Chúc các bạn đọc của VHT cũng luôn giữ được bình an trong cuộc sống và tâm hồn để đón nhận những tác phẩm trên VHT một cách chăm chú, vui vẻ nhất có thể. Hãy ủng hộ các tác giả và VHT bằng cách bình luận, chia sẻ bài viết này. Cám ơn mọi người.

Phỏng vấn tác giả Cỏ Phong Sương

Thực hiện: Phong Cầm

 

 

 

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close