TRUYỆN NGẮN

Cây chân vịt

Cây chân vịt

Cách đây chừng mười mấy hai mươi năm, ở cuối vườn nhà tôi, sát bên khe suối, có một cái cây. Cái cây ấy rất cao, tán lá không dày lắm, nhưng xanh ngắt, gốc cây xù xì. Cứ mỗi độ thu về, trên tán cây cao sẽ nở bung từng chùm hoa trắng muốt, chỉ một cơn gió nhẹ thổi qua cũng đủ cho hoa rụng xuống, làm mặt nước phủ đầy hoa trắng li ti. Hương hoa theo gió lượn quanh mái nhà, chui vào ô cửa sổ phòng tôi, làm bạn với tôi đang gà gật bên bàn học.

Bố tôi bảo, tuổi của cái cây ấy dễ còn lớn hơn cả tuổi của hai bố con cộng lại. Tôi tin lời bố, vì gốc cây xù xì đó, tôi có dang tay hết cỡ cũng chẳng ôm trọn được một vòng.

Cái cây ấy được bố tôi gọi là cây chân vịt, có lẽ là vì lá nó chạy vòng quanh cành cây như mấy ngón chân của con vịt vậy. Lâu dần, cả xóm, rồi cả khu, đều biết cái cây cao cao có hoa màu trắng ở góc vườn nhà tôi là cây chân vịt. Và hình như tất cả mọi người đều nghiễm nhiên chấp nhận cái tên chân vịt của loài cây lạ lùng ấy.

Thuở ấy, không ít lần tôi cự nự với bố, vì cái cây nở hoa rõ đẹp rõ xinh, mà sao lại có cái tên quê kệch và xấu tệ. Mỗi lần như thế, bố tôi chỉ cười, bàn tay đầy vết chai vuốt vuốt mớ tóc bù xù của cô con gái nhỏ.

Mãi sau này tôi mới biết, thì ra bố tôi không phải người đàn ông biết tất cả mọi thứ trên đời. Bởi vì, ở một vùng đất cách xa quê tôi tới mấy trăm cây số, hương thơm của những bông hoa nở ra từ loài cây ấy chính là thứ đặc trưng báo hiệu mùa thu, là thứ khiến người ta vấn vương mỗi khi nhớ lại.

Người ta gọi nó là cây hoa sữa.

Đôi lúc đi trên đường, ngẩng đầu nhìn tán hoa sữa đầy những chùm hoa trắng li ti, tôi lại buột miệng gọi ra ba chữ “cây chân vịt”. Tiếc rằng mỗi lần tôi nói ra ba chữ đó, những người xung quanh đều chẳng tài nào hiểu nổi tôi đang nói về thứ gì. Chẳng ai biết tán cây ấy đã in hằn những dấu vết sâu đậm hoặc nhợt nhạt thế nào, lên cả tuổi thơ tôi.

Thuở mới xuống Hà Nội, tôi thuê trọ ở tầng ba một căn nhà, trước sân có trồng một cây hoa sữa. Tán cây sà cả vào cửa sổ. Các bạn đến chơi ai cũng nói, cây hoa sữa gần cửa sổ thế này, đến độ nở hoa mùi nồng phải biết. Nhưng tôi không đợi được đến lúc cây hoa sữa nở hoa. Sinh viên chuyển trọ rất nhiều, vì đủ loại lý do. Tới bây giờ tôi cũng chẳng tài nào nhớ nổi năm đó lý do chuyển trọ của mình là gì.

Tôi chỉ biết mình chưa từng nhìn thấy cây hoa sữa trước cửa phòng trọ nở hoa. Cũng không sao, vì khắp mọi ngóc ngách của mảnh đất Thủ đô này, nơi nào mà chẳng có cây hoa sữa.

Nhưng mà, lạ thật, mỗi lần ngửi thấy hương hoa sữa ngập tràn trên phố phường Hà Nội, tôi lại thèm nghe giọng bố gọi: “Con gái ơi, cây chân vịt nở hoa rồi kìa!”

Hơn mười năm trước, bố tôi ra đi, cây chân vịt già cũng mất đi một người bạn cũ. Chẳng còn ai ngồi dưới gốc cây lẳng lặng buông cần câu cá, chẳng còn ai cười nói với tôi: “Cây chân vịt này dễ phải lớn tuổi hơn cả hai bố con cộng lại.” Nếu cây biết nhận thức, biết lắng nghe, khi thấy tiếng tụng kinh trong nhà vọng ra cây sẽ buồn lắm nhỉ?

Năm tháng dần trôi… Bố mất, bà mất, mấy chị em tôi lập nghiệp ở xa. Căn nhà nhỏ năm xưa chỉ còn mẹ và đứa em gái nhỏ. Mẹ cũng thức khuya dậy sớm, tất tả ngược xuôi. Thành ra mảnh vườn cũ chẳng ai chăm bón.

Cỏ dại mọc quá đầu gối. Bên bờ suối, cây chân vịt vẫn đứng đó, lặng im…

 

Tác giả Nguyên

Xem thêm tản văn hay cùng tác giả:

Cây chân vịt - Tản văn hay Văn học trẻ - tác giả Nguyên Cây chân vịt
Cây chân vịt – Tản văn hay Văn học trẻ – tác giả Nguyên

Lời bàn tản văn tuyển chọn của Văn học trẻ – “Cây chân vịt’ – Nguyên

Cây chân vịt Tản văn hay về tình cảm gia đình, tình cảm quê hương. Không cần dùng quá nhiều từ ngữ để gợi sự xúc động, Nguyên đem tới những kí ức về cha, về quê hương thông qua kỉ niệm về cái cây ven suối thân quen nơi quê nhà, nơi chẳng có bê tông lát nền chỉ có chằng chịt vết chân vịt đi ngang để lại vũng sình lầy. Cây chân vịt cũng từ đó mà có.

Ở tản văn, ta bắt gặp sự chân thành của người nhà quê, sự ngây thơ của đứa con nít khi đặt tên cho cái cây lạ của gia đình. Chính sự hồn nhiên ấy mà khiến bạn đọc nhớ lại cái ngây ngốc của chính bản thân mình mà thả hồn xa xăm về chốn cũ. Chỉ một chi tiết về “cây chân vịt’ cũng đủ khiến người sinh ra từ làng như tôi xúc động biết bao. Hẳn là ai cũng từng có cây chân gà, chân vịt nhỉ. Và dù đã từng biết về nó, nhưng cách đặt tên “cây chân vịt” vẫn thể hiện được sự tinh tế, mắt quan sát độc đáo của Nguyên. Nếu không đọc tản văn, tôi cá bạn chẳng thể biết cây chân vịt này là gì? Có phải là rau chân vịt từng biết? Để rồi khi đọc xong ta mới òa lên rằng: Thì ra là thế. Cảm ơn tác giả vì một tản văn ngắn nhưng gợi lên những xúc động vô tận, dù mỏng thôi nhưng khó đột nhiên có được.

Cây chân vịt có lấy được tình cảm của bạn? Để lại bình luận cho Văn học trẻ biết nhé.

 

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close