Cây viết mớiTác giả

Tác giả Linh Ann

Tác giả Linh Ann – cây bút chữa lành

Mỗi tác giả sẽ có một phong cách, một cách nhìn nhận, truyền tải các vấn đề cuộc sống và quan điểm cá nhân khác nhau. Nếu chúng ta từng biết đến các thành viên khác của nhóm sáng tác Văn học trẻ giống như Nguyên, Kì Phong bộc lộ quan điểm, góc nhìn về cuộc sống một cách sắc bén, lát cắt đời người với đủ cung bậc khác nhau, khiến người ta phải suy ngẫm về chuyện đời, về con người. Với Linh Ann, những câu văn của cô, dù buồn cũng vô cùng nhẹ nhàng, đa phần là chuyển tải những thông điệp cuộc sống chứa đầy tính nhân văn và tình yêu thương. Nếu ví văn học là một chiến trường giành lại tình thương, đạo đức, nhân ái cho con người, thì Linh Ann có thể ví như Sona, cô gái ôm đàn, dùng áng văn thơ cứu chữa những tâm hồn tổn thương, chai sạn để có thể cảm nhận cuộc sống này vẫn đầy ắp tình yêu và tiếng cười. Có thể nói, cái đẹp, cái đáng yêu trong tâm hồn mỗi người là cái mà Linh Ann hướng tới. Một ngòi bút có tính chữa lành.

Tác phẩm tiêu biểu của Linh Ann trên Văn học trẻ có thể kể tới: Chuyện của những chiếc đèn, Mẹ chở mùa thu qua phố, Thương Sài Gòn giữa chênh chao tháng Chín, Vác đá vá trời, Thanh xuân ấy ta ở bên nhau, Mưa rào tuổi thơ, Sự tích con cá mực, Nuôi con bằng trái tim, dạy con bằng lý trí,

Thành tích đạt được: Giải nhất tuần 6 với tản văn Mẹ chở mùa thu qua phố, giải khuyến khích tuần thi 5 với truyện ngắn Nuôi con bằng trái tim, dạy con bằng lý trí, nhất tuần 7 với truyện ngắn Chuyện của những chiếc đèn, khuyến khích chung cuộc cuộc thi viết chủ đề “Nhà” – cuộc thi trọng điểm mùa thu trên Diễn đàn Văn học trẻ. Linh Ann cũng là thành viên hoạt động tích cực, thành viên nhóm sáng tác của Văn học trẻ, luôn giành vị trí đứng đầu bình chọn toàn diễn đàn.

Với vẻ ngoài ngọt ngào, đằm thắm cũng như văn thơ mà tác giả đem tới cho bạn đọc, chắc chắn nhiều bạn đọc muốn tìm hiểu về Linh Ann, phóng viên của Văn học trẻ sẽ đem tới cuộc phỏng vấn offline để giúp các bạn tới gần hơn với tác giả mình yêu thích.

tác giả linh ann Tác giả Linh Ann
Tác giả Linh Ann  – Ảnh do thành viên cung cấp

Phỏng vấn tác giả Linh Ann

Xin chào Linh Ann, hãy chia sẻ với các độc giả của Văn học trẻ biết tới bút danh Linh Ann đôi điều về chính bản thân bạn nhé. Có lẽ, rất nhiều độc giả cảm thấy tò mò, muốn tìm hiểu nhiều hơn về Linh Ann, do đó, Văn học trẻ đã tạo ra cuộc phỏng vấn này để giúp bạn có thể đến gần hơn với độc giả của chính mình.

PC: Đầu tiên, hãy giới thiệu một chút về bạn.

– Xin chào, mình tên thật là Phạm Thị Thu Hoài. Mình có một “tâm hồn thiếu nhi trong body phụ huynh 30 tuổi” (cười).

– Nghề nghiệp hiện tại: Viết lách tự do

PC: Linh Ann đã bắt đầu viết từ khi nào? Có sự tác động (người dẫn dắt/ tác giả ảnh hưởng/ tác phẩm ảnh hưởng) nào không?  

– Thực sự mình không nhớ chính xác mình bắt đầu viết từ bao giờ. Chỉ nhớ lần đầu tiên có bài đăng tạp chí Văn học và Tuổi trẻ là khi học lớp Mười. Con đường viết lách của mình khá vòng vèo bởi mình mất đến khoảng 12 – 13 năm theo đuổi mục tiêu khác, sống với ước mơ và mong mỏi của người khác. Trong khoảng thời gian đó, mình không hề viết bất cứ thứ gì.

PC: Tác giả bạn yêu thích nhất là ai? Bạn đã học hỏi được điều gì từ ông/cô ấy?

Con người mình tồn tại khá nhiều sự đối lập. Mình thích óc sáng tạo, thế giới tưởng tượng mà JK Rowling đem đến, nhưng cũng rất thích cách tư duy và ngòi bút chân thật của Colleen McCullough. Đôi lúc, mình thấy giống như có một người trưởng thành và một đứa trẻ cùng tồn tại trong bản thân mình vậy.

PC: Tác phẩm bạn ưng ý nhất ? Có kỷ niệm nào đáng nhớ về nó? Có thông điệp gì qua tác phẩm đó không? 

Tác phẩm mình thích nhất có thể kể đến là Harry Potter. Bộ truyện này đối với mình không chỉ dừng lại ở sự sáng tạo của tác giả, mà nó còn là bài học về lòng can đảm, sự đáng tin, triết lý về con người, tình yêu, tình bạn, tình thân, ca ngợi thiện tâm trong tâm hồn mỗi người. Cuộc sống này vốn là một sự lựa chọn, bản thân mình sẽ trở thành ai đều nằm ở quyết định của chính chúng ta.

Ngoài ra, ở phiên bản trưởng thành hơn của mình, mình thích “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”. Ba người phụ nữ thuộc ba thế hệ với cách sống, mối bận tâm, cách ứng xử với các xung đột tâm lý đều được tác giả viết rất chân thật, khắc họa rõ nét. Và hơn hết, tác phẩm quả thật là một “bản tình ca táo bạo cho một nỗi đau tuyệt vời” như ai đó từng nhận xét.

PC: Cách bạn luyện tập viết lách? Linh Ann có viết hàng ngày không?

– Mình viết hàng ngày và viết khá đa dạng. Dường như bản thân vẫn loay hoay trong việc tìm cho mình định hướng cần thực hiện. Hoặc là chính mình đã nhìn ra nó nhưng lại chưa đủ dũng cảm để bước.

PC: Cầm bút, bạn có mục đích nào không? Như phục vụ nhân sinh, quốc gia, dân tộc… Hay chỉ vì mình thích và muốn làm được những điều mình ưa thích?

– Mình khá thực tế, bên cạnh viết ra những gì mình thích, đem thông điệp, tư tưởng của bản thân đến mọi người thì mục đích của việc cầm bút là nuôi sống bản thân và gia đình, nói một cách “phóng đại” thì nó là: “Viết để sống và sống để viết”!

PC: Bạn có ấp ủ gì về một tác phẩm “tầm cỡ” trong tương lai không? 

– Đương nhiên có. Tham vọng thì rất nhiều, mà thực hiện chưa được bao nhiêu. Hy vọng trong tương lai có thể được một lần chia sẻ về thành tựu của bản thân mình. Nhưng dù sao, đó cũng là ở thì tương lai. Hiện tại mình vẫn đang nỗ lực cho điều đó. 

PC: Khi bạn viết truyện, bạn có lấy nguyên mẫu, sự kiện ngoài đời thực không? Chúng chiếm bao nhiêu %?

– Mỗi câu chuyện đều xuất phát từ cuộc đời. Nó có thể được nói giảm nói tránh hoặc phóng đại lên nhưng số phận của mỗi nhân vật đều là con người từ hiện thực.

PC: Đối với Linh Ann, điều quan trọng nhất ở một tác phẩm văn học là gì?

– Đối với mình, điều quan trọng của một tác phẩm chính là thông điệp mà nó mang đến. Đây là một việc không hề dễ dàng, đòi hỏi tâm huyết của người cầm bút và theo mình đó cũng là trách nhiệm của người cầm bút. Hiểu được điều đó thì mỗi câu chữ viết ra, bên cạnh giá trị nghệ thuật thì giá trị tư tưởng cũng nên được cân nhắc một cách cẩn thận.

PC: Theo bạn, điểm trừ của công việc viết lách là gì?

– Mỗi công việc đều có điểm cộng và điểm trừ, và viết lách cũng vậy. Viết lách đòi hỏi sự sáng tạo, nhưng nó cũng cần nguyên tắc nhất định. Tiếc rằng, mình lại không đảm bảo được tính nguyên tắc, điều đó dẫn tới cuộc sống của mình tự do, đôi khi còn là tùy tiện. Kể từ ngày theo việc viết lách, giờ ăn, giờ ngủ của mình không hề cố định. Về lâu dài, điều này không tốt cho sức khỏe.

PC:  Được biết tới như một tác giả tự do, kiếm sống bằng viết lách, mình có câu hỏi nhạy cảm về thu nhập từ viết lách của bạn, nó tốt không? Hiện nay, có nhiều bạn trẻ đánh đổi thời gian học tập vì đam mê viết lách? Bạn có lời khuyên gì dành cho các bạn trẻ như vậy?

– Mưu cầu về cuộc sống của mình không quá cao, vì vậy khoảng gần hai năm nay mình vẫn ổn định được chi phí sinh hoạt với công việc viết lách. 

PC: Vậy có nghĩa là nếu bạn sống với đam mê viết lách thì được, nhưng đừng mong đợi quá nhiều từ việc làm giàu bàng viết lách, đúng không? – Mình nghĩ vậy, trước hết cần coi việc viết lách như một công việc, nghiêm túc với nó bạn sẽ nhận lại được điều xứng đáng, còn nếu bạn nghĩ về tiền bạc trước hết thì văn học của bạn sẽ khó lòng “có tâm” được.

Về lời khuyên cho các bạn trẻ, cá nhân mình thấy, việc viết lách vì đam mê nên được thực hiện vào thời gian rảnh rỗi sau giờ học. Học tập là một quá trình trau dồi kiến thức, viết lách cũng đòi hỏi kiến thức và cần có một nền tảng nhất định. Khi có một cái móng vững chắc, chúng ta sẽ xây dựng được ngôi nhà kiên cố và nhiều tầng hơn, rộng lớn hơn. Đừng nóng vội xây một căn nhà mà chỉ một cơn giông nó sẽ đổ nát.

PC:  Từ đâu mà bạn biết tới Văn học trẻ? Nếu cần nói ngắn gọn về ấn tượng của bạn với những trải nghiệm của bạn ở Văn học trẻ, bạn sẽ nói gì?

– Mình biết tới Văn học trẻ qua một vài người bạn. Ấn tượng của mình về Văn Học Trẻ đó chính là định hướng khá rõ ràng của đội ngũ Quản trị viên, Biên tập viên. Có thể nói rằng trong một nền văn học mạng đang ngày càng phát triển với quá nhiều sự dễ dãi trong đọc và viết thì Văn Học Trẻ vẫn kiên định với con đường ban đầu, tạo ra những sân chơi công bằng khuyến khích những cây bút trẻ tham gia. 

PC:  Lí do gì khiến bạn muốn gắn bó với Văn học trẻ? Và điều bạn mong đợi ở VHT sẽ làm tốt hơn?

– Mình rất cảm ơn môi trường mà VHT mang đến cho mình. Thông qua những lần dự thi, những cuộc thách đấu, mình đều nhận được những nhận xét tích cực từ BGK và các thành viên diễn đàn. Điều đó giúp mình ngày càng hoàn thiện bản thân hơn.

Trong tương lai, mình mong đợi Văn học trẻ sẽ làm tốt hơn nữa về mảng thơ ca. Bởi hiện nay các bài đăng trên trang chủ hầu hết toàn là những cây bút quen thuộc, thiếu sự tươi mới. Ngoài ra, mức độ phổ biến của VHT cũng cần cải thiện hơn ở kênh văn học nhà trường.

PC: Bạn có muốn nhắn gửi gì tới độc giả của mình không?

– “Mình cũng có độc giả ư?” (cười: Nói đùa một chút thôi nhé!) 

Mình chỉ muốn nói là: Nếu như ai đó đọc những dòng này, hoặc đã từng đọc các sáng tác của mình, mình rất cảm ơn và mong nhận được góp ý để hoàn thiện hơn. Hy vọng chặng đường tiếp theo các bạn sẽ luôn ủng hộ mình nói riêng và các cây bút khác trên Văn Học Trẻ nói chung. Chân thành cảm ơn!

Cám ơn Linh Ann và buổi nói chuyện thú vị này. Chúc cô gái “yêu màu hường, ghét sự giả dối” này luôn xinh đẹp, sớm tìm được con đường phù hợp nhất với bản thân và xuất bản được tác phẩm để đời. Cũng chúc các bạn đọc của Văn học trẻ sức khỏe cơ thể và tinh thần, luôn ủng hộ VHT và các tác giả bằng cách đọc, bình luận để cổ vũ chúng mình cố gắng nhé.

Phỏng vấn tác giả Linh Ann – tác giả trẻ nổi bật trên Văn học trẻ

Thực hiện: Phong Cầm

Tác giả Linh Ann

 

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close