TRUYỆN NGẮN

“Kim Đồng” Tô Hoài chương 2

" Kim Đồng" Của nhà văn Tô Hoài là câu chuyện cảm động về một trong những đội viên đầu tiên của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh Nông Văn Dền - anh Kim Đồng. Văn học trẻ xin giới thiệu tới các bạn đọc

“Kim Đồng” Nông Văn Dền Tô Hoài chương 2

ường về nhà hôm ấy Dền  ( Nông Văn Dền ) muốn nó dài mãi, xa mãi. Lại tưởng tượng đường xa đến tận ngọn suối cho đến lúc trông thấy thằng lính đội nón chóp, xách cái lồng vịt. Mình sẽ giằng lấy cho kỳ được rồi mới chịu về nhà.
Những ý nghĩ vẩn vơ đã nguội lúc về tới đầu xóm, trông xuống mặt suối. Thế là sắp đến nhà, sắp thấy mẹ. Dền muốn khóc ngay. Mất đôi vịt, làm thế nào bây giờ?
Mẹ đón các con về chợ trên đầu thang nhà. Đến chân thang, còn đương rửa chân, anh đã kể lại mọi chuyện ở chợ Nà Giàng. Dền đứng sau anh, giấu mặt vào tay áo. Mỗi câu anh kể, thít lại, như cái roi quật vào người.
Dền nín thở, Dền đợi. Mẹ bíu vách, tập tễnh bước xuống.
– Đừng sợ, con ạ. Nhà còn đàn vịt nhỡ.
Con chăm cho nó chóng lớn, mai kia bố về. Bây giờ con biết chăn vịt rồi mà.
Dền chúi đầu vào thắt lưng mẹ và oà khóc. Từ hôm ấy, Dền lại ra công chăm vịt.
Những con vịt mây mẩy lớn lên trông thấy. Tiếng vịt kêu vang động, sáng sớm người trong xóm đã thấy đàn vịt của Dền bơi trắng suối. Chúng ăn no rồi lặn hụp một lúc, lên bờ vung vẩy rỉa lông rỉa cánh rồi loay hoay nằm ghếch lên nhau ngủ.
Dền cặm cụi đào giun, ngày mưa còn đi bắt dế cho vịt ăn.
Buổi trưa, các đàn vịt trong xóm ra bơi loang lổ mặt suối. Nhưng Dền biết cách cho vịt ăn no, vịt nhà Dền lớn khác hẳn, không lẫn với đàn nào. Mới hôm nào hai đầu cánh còn trổ lông mòng mọng, bây giờ cườm cánh đã xoè biêng biếc và khi con vịt đực cất tiếng kêu, nghe khàn khàn vỡ tiếng, ra kiểu anh chàng lắm. Đàn vịt của Dền lớn nhanh thế đấy.
Dền nghĩ: “Vịt chóng béo chắc chóng ngày bố về”. Dền cố chăm cho con vịt lớn.
Một lúc, Dền giong vịt ở suối lên, trông thấy mấy người trong xóm vội vã từ cầu thang nhà Dền xuống. Anh cũng xuống theo. Cả bọn mải miết đi, không trông thấy Dền. Dền gọi. Anh không thưa. Cũng không quay đầu lại. Dền nghe trên nhà có tiếng khóc.
Dền lên nhà. Trong nhà, chỉ có mình mẹ ngồi trước bếp. Chậu vôi ngâm vỏ dó để trước mặt. Như mẹ đương tước dó làm giấy. Nhưng mẹ đương khóc. Thấy Dền mẹ khóc to hơn. Dền đứng trông mẹ, không dám hỏi. Rồi Dền cũng khóc.
Dưới sàn có tiếng lạt xạt. Mấy đứa trong xóm nghe tiếng ồn ào, đã tụ đến. Dền lau mắt, bước xuống, thấy Thàn trong bọn. Thàn là em họ Dền. Bố mẹ nó đã chết cả. Bây giờ nó lang thang, khi ở với bác, khi ở với cô.
Thàn chạy lại, kéo tay Dền ra ngoài suối. Thàn nói hấp tấp:
– Dền ơi! Anh biết chuyện rồi á? Bố anh phải cướp chém trên chợ Sóc hả? Anh ấy lên châu đấy hả?
Thàn hỏi nhưng rồi Thàn lại kể:
– Người làng đi phu trên châu về nói thế.
Tối hôm qua có cướp về đánh phố, đánh cả vào chỗ phu ở. Bố anh không chạy kịp, chẳng biết phải cướp hay phải lính chém, không biết thế nào bây giờ.
Dền chẳng nghe tiếng Thàn nữa. Dền nhớ lại sáng sớm ấy, bố bước bổ xuống sàn theo người lính đi. Người lính cũng đội nón sơn, thắt khố lục, chân xà cạp. Giống thằng lính xách của Dền lồng vịt hôm nọ. Lại cái thằng lính này. Những thằng lính độc ác. Dền nghĩ điều ấy và Dền không khóc nữa. Những chuyện tức giận làm nước mắt không chảy ra được.
Thàn nói giọng người lớn:
– Mẹ anh bây giờ ở một mình.
Dền cãi:
– Có chúng tao chứ!
Thàn nói:
– Nhưng mà bá phải ở góa.
Dền nói:
– ở góa thì sao?
Thàn, vẻ thành thạo, kể một thôi:
– Anh không biết rồi. ở góa khổ lắm. Người lớn vẫn kể thế. Nhà góa không có người lớn đàn ông, không ai sợ nhà góa. Nuôi vịt không được ăn đâu. Kẻ cướp, kẻ trộm đêm nào cũng mò. Người đi qua nhà muốn vào lấy cái gì cũng được. Cái “dậu” để trước cửa cũng mất. Có nắm thóc đem ra cối giã thì không còn hạt nào đem về. Trông thấy người đến lấy gạo cối mà không làm gì nổi. Nhà không có người lớn ra đuổi nó mà. Ngày trước bố tôi chết, mẹ tôi ở góa, cả làng đến bắt nạt, bắt trộm hết. Mẹ tôi sợ quá phải chết nốt. Tôi biết cái sợ ấy rồi.
Thàn nói một thôi những chuyện ghê gớm. Nhưng Dền nghĩ khác và không sợ. Dù bố mình chết thật, nhà mình vẫn có đàn ông, có người lớn, như mọi nhà khác. Anh mình thật người lớn rồi. Có lần trông thấy anh nắm hai sừng trâu, mặt anh đỏ tía, anh dìm đầu con trâu xuống. Con trâu chịu phép không ngóc lên được. Anh khỏe lắm. Hôm nọ anh đuổi theo thằng lính. Hôm ấy mà bắt được nó, nhất định anh đã lấy lại cái lồng vịt lại còn đánh gãy cái tay ăn trộm của nó rồi cũng nên. Anh không biết sợ cái gì đâu. Anh là người lớn đàn ông trong nhà. Mình cũng sắp thành người lớn rồi. Anh đi làm vắng, đã có mình ở nhà. Đứa nào đến bắt nạt mẹ, đứa nào đi qua mà đỏ mắt muốn vào ăn trộm, mình đấm cho cái mắt nó tím thâm lại.
Nghĩ thế, Dền bảo Thàn:
– Nhà tao không chịu thua đâu. Đứa nào đến ăn trộm, tao đánh. Tao đẽo sẵn cái gậy.
Thàn lại nói theo vào:
– Con dao nữa, anh ạ. Phải có con dao anh nhỉ? Giá ngày trước tôi biết đánh con dao để trong nhà thì mẹ tôi không phải sợ quá mà ốm chết đâu, anh nhỉ?
– ừ, con dao. Tao cũng làm người lớn được rồi.
Thàn múa hai tay lên:
– Có dao, có gậy, tôi cũng thành người lớn. Dền nói:
– Mày giúp tao đánh những đứa bắt nạt mẹ, được không?
Thàn sốt sắng:
– Được, được…
Dền nói:
– Từ nay mày ở luôn nhà tao. Để tối còn rình trộm.
– Anh nói với bá thế nhé?
– Chắc mẹ tao bằng lòng thôi.
Dền kéo Thàn lên nhà. Tiếng mẹ khóc làm cho Dền nhụt bớt cái hăng hái vừa rồi. Tuy vậy, Dền vẫn bước nhanh lên thang. Thàn thập thò theo sau. Dền đến ngồi bên chậu ngâm vỏ dó, trước mặt mẹ.
Dền nói:
– Mẹ ơi! Mẹ đừng khóc. Mẹ đừng sợ.
Không phải mẹ ở một mình đâu. Không đứa nào bắt nạt mẹ được. Không đứa nào dám vào nhà mình ăn trộm. Con là người lớn đây. Thằng Thàn cũng là người lớn đến giúp nhà mình rồi. Bây giờ, tối mẹ cho nó ngủ nhà mình, nó ở luôn nữa.
Mẹ ngước lên, nhìn thấy hai thằng bé “người lớn đàn ông” ấy lấp ló chưa cao hơn cái thùng ngâm chàm. Dền mới được mười tuổi. Mẹ lại khóc to hơn. Mẹ vừa khóc, vừa gọi: “Con ơi! Con ơi!” Dền không hiểu ý nghĩ của mẹ, chỉ thấy thương mẹ nhưng Dền không khóc như lúc nãy. Vì cảm thấy bây giờ mình thật là người lớn trong nhà.
Từ hôm ấy, Dền để ý tìm ra việc làm trong nhà nhiều hơn mọi khi.
– Con xuống suối giặt áo cho mẹ. Chỗ bến đá trơn lắm. Chân mẹ đau, mẹ đừng ra. Cái Tết năm mới qua rồi, Dền bảo mẹ:
– Mẹ cho con nuôi thêm lứa vịt. Bây giờ vịt to vịt bé con nuôi được cả.
Cái Tết năm mới lại qua rồi. Chẳng bao giờ bố Dền về nữa.
Dền nói với mẹ:
– Mẹ ơi! Sớm mai con lên núi lấy cây dó với anh. Con rủ thằng Thàn đi cùng.
Ba anh em đi lấy cây dó sớm hôm sau. Chưa có người ra đường, những ngọn lau sáng sớm còn đẫm sương. Bếp lửa đương đượm ấm khắp nhà, Dền đứng dậy, đeo dao vào lưng. Con dao rừng dài chấm đầu gối.
Dền và Thàn theo anh đi bóc vỏ dó về làm giấy cúng. Mỗi bước, phải lấy que đập trước. Làn sương bụi lau rơi như mưa lả tả trước mặt. Mới lên lưng núi, ba anh em đã ướt đến bụng áo. Rét quá. Phải ngồi đốt sưởi một chốc, mới lại trèo được.
" Kim Đồng" Của nhà văn Tô Hoài là câu chuyện cảm động về một trong những đội viên đầu tiên của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh Nông Văn Dền - anh Kim Đồng. “Kim Đồng” Tô Hoài chương 2
Tượng anh Kim Đồng một trong những đội viên đầu tiên của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh
Đã nhiều năm nay, mẹ Dền bị bệnh, không chữa khỏi. Bệnh gì như người lỏng đầu gối. Bố con phải đổ sức đẽo chân núi ra mới được một vạt mấy hàng lúa. Mỗi mùa, đến kỳ giáp hạt, cả xóm phải lên rừng. Nhưng mẹ chân đau cũng không theo nổi người ta. Có lần bố lên núi ở Lục Khu, đem về được cách làm giấy bằng cây dó, cây trúc của người Dao. Từ đấy, mẹ Dền ở nhà, khi làm giấy, khi kéo sợi. Vào dịp Tết nhất, làm được giấy đem chợ bán thì có ít đồng tiền ra vào. Nhưng cũng khó nhọc lắm. Rừng gần chẳng còn mấy cây trúc, phải đi tìm cây dó trên núi cao, trong khe đá. Lục lọi chặt từng gốc cây, tỉa cành, rồi bó lại như bó củi, vác về nhà tước vỏ, ngâm thành bột.
Bây giờ người khôn của khó, trong làng cũng đi lấy nhiều, cây dó đã vãn ở các tầng núi thấp. Anh đưa Dền và Thàn trèo lên đợt núi cao sau làng. Lên đến những ngọn đá lởm chởm, vẫn thấy xanh sẫm đằng xa. Trèo tới, lại trèo qua, lại thấy đám núi xanh sẫm trước mặt cao hơn. Núi này mở ra núi khác và người cứ trèo mãi, đau dồn đầu gối cũng không hết những ngọn núi xanh sẫm. Cây dó cũng ác lắm. Chỉ cao bằng đầu người mà phải vào đến khe đá mới có. Mùa hè, mỗi cành dó rủ xuống những chùm hoa nâu, thơm loang khắp rừng. Tìm núi có cây dó, cứ theo mùi hoa mà đến.
Anh chặt cây xuống, bó lại mỗi ôm. Một lúc đã được hơn mười bó to.
Ba anh em ngồi nghỉ trên mỏm đá. Khói đốt sưởi bốc xanh, hơi đá bớt lạnh hơn lúc nãy.
Trước mặt, rặng núi Ma Líp kéo dài răng cưa lởm chởm đến chân trời. Bên này, dãy núi Lục Khu chàm thẫm như một đoàn người đi nổi lưng áo chàm xanh biếc.
Anh nói:
– Ngày trước, lúc tao còn bé như chúng mày, mỗi hôm ra sân sàn ngửa cổ lên, thấy bốn phía núi, tao sợ lắm. Tao nghĩ thế là suốt đời núi cao đóng gông con người ở một chỗ này, không bao giờ ra khỏi được. Một lần, tao theo bố lên lấy củi, bố trỏ cho tao biết trèo qua dãy Ma Líp thì đến Thông Nông, đằng ấy có chợ, lên đến bên này Lục Khu cũng có chợ. Tao hỏi bố có đi các chợ ấy được không. Bố nói: Có chứ! Có chứ! Tao lạ lắm. Bây giờ thì biết rồi. Là con người thì đi đâu cũng được. Không sợ cái gì cả.
Dền nói:
– Hôm nay em cũng biết thế!
Nghỉ một lát, anh đứng dậy, bảo:
– Chúng mày vác dó về. Một lần không hết thì lên vác lần nữa, phải trèo núi một mình cho quen.
Dền hỏi:
– Anh còn đi đẵn dó nữa à?
Anh đáp:
– Không.
Dền băn khoăn:
– Anh không về với chúng em à?
Anh đáp:
– Chúng mày về trước.
Dền lại hỏi:
– Anh đi đâu?
Anh đáp chủng chẳng:
– Tao trèo lên cao nữa.
– Lên làm gì?
– Việc người lớn, mày không biết được.
Nhớ một câu dạo trước Dền đã nói với mẹ, Dền bảo anh:
– Chúng em sắp là người lớn rồi.
Anh cười, đập lưng Dền một cái:
– Bao giờ mày thật là người lớn hãy hay.
Dền vật nài:
– Anh trèo lên cao làm gì cơ?
– Lên cao…
– Bắt chim a? Trên ấy có tổ chim phượng hoàng đất? Mọi khi em nhìn thấy đàn phượng hoàng đất bay ra phía này.
– Không, anh không đi bắt phượng hoàng đất.
Rồi khe khẽ nói:
– Anh lên ngọn núi tìm cây gỗ “xưa”. Em chưa thấy gỗ “xưa” đâu, hiếm lắm. Gỗ ấy làm quân cờ. Gỗ chắc, lại nhiều vân. Quân cờ gỗ “xưa” mài kỹ, nó bóng hoa lên.
– Anh làm bàn cờ à?
– Không… à…
– Anh lấy gỗ “xưa” làm gì?
Anh bảo:
– Không được nói với ai đấy. Tao lấy gỗ “xưa” để làm cái súng.
Dền reo lên:
– Em biết rồi.
Anh ngạc nhiên, hỏi:
– Biết cái gì?
Dền đáp:
– Làm cái súng “tài lống”(1) như người Mán. Thế thì em biết rồi.
Anh cũng cười, nói: “Phải”, rồi kể:
– Chúng mày ạ, ngày trước thằng Tây đến chiếm châu Hà Quảng, có ông người Mán ở Đạo Ngạn là Triệu Phúc Sinh kéo quân ra đắp ụ súng “tài lống” ở Tổng Gọt đánh nhau với Tây… đánh Tây mấy năm… giỏi quá…
Bỗng dưng, anh hỏi Dền:
– Có còn nhớ năm trước, phiên chợ Nà Giàng…
– Em vẫn nhớ. Thằng lính lấy mất bu vịt.
– Tao vào trong xóm hỏi hội đánh cướp có đánh lính, đánh quan được không.
– Em còn nhớ. Sao không đánh được lính đi ăn cướp, anh nhỉ? Em vẫn tức mình…
Anh nhìn em, nói thong thả:
– Bây giờ khác rồi. Bây giờ có hội đánh lính, đánh quan, đánh Tây nữa. Làm người thì cái gì cũng làm được, không biết sợ đâu.
Dền thích trí:
– Thế a?
Anh nói nhỏ:
– Không được kể lại cho ai biết, nghe không. Bây giờ hai đứa vác dó về đi.
Rồi anh trèo lên sườn đá. Dền còn muốn hỏi nhiều nữa. Nhưng anh đã leo thoắt vào sau vỉa núi. Tuy vậy, còn đang thích trí và bâng khuâng lắm. Lúc vác bó dây dó, Dền bảo Thàn:
– Chắc anh tao biết cái làng có hội đánh cướp, đánh Tây, đánh quan ấy rồi.
Thàn còn đương mải nghe tiếng chặt gỗ từ trên cao vang xuống. Thàn hỏi lại:
– Có hội đánh cướp, đánh Tây à? ở đâu thế?
Không đứa nào nói nữa. Những bó cây dó nặng đè nghẹo một bên vai, phải bíu lên gờ đá, tránh từng vết rêu, mới bước xuống được. Dốc đá trơn ghê. Chẳng nói chuyện nữa, hai đứa đi im lặng nhưng trong bụng nghĩ miên man, xa xôi, lạ lùng.
o O o

Làng Nà Mạ ở lọt giữa bốn góc núi. Phía nào cũng trông thấy núi, ngước mắt lên, chỉ thấy núi.  ( Nông văn Dền )

Pác Luông, Pác ý, Nà Mạ bên nào bóng núi cũng đè trên mi mắt. Núi đóng gông mình – anh bảo thế. Nếu không có suối Pác Bó chảy qua, làn nước trắng dưới những cây vối già phủ lá xanh rờn, nếu không có mùi hoa vối mùa hạ thơm thoảng mặt nước lan đi xa xa thì không ai biết còn lối nào đi nữa, không biết ở đâu có bao giờ thay đổi.
Nhưng không phải mãi như thế.
Hôm ấy, nghe từ khe núi uôm xuống những tiếng âm như sấm rền. Không phải tiếng sấm. Bên kia núi không có cơn mưa. Trời đương nắng to. Các sườn núi xanh rực không một gợn mây. Có người đoán đấy là tiếng mìn. Dạo này, Tây ở tỉnh đem phu dưới xuôi lên làm đường vào Hà Quảng. Thỉnh thoảng, hay nổ mìn bắn đá như thế. Nhiều người đi chợ đã được xem. Vài hôm sau, có người dưới châu đi mua xương thú lên qua, hỏi các xóm:
– Hôm nọ vỡ chợ Sóc, đây không ai biết à?
Người trong xóm ra hỏi lại:
– Vỡ chợ thế nào?
Người ấy kể:
– Đương còn sớm, đằng châu Nguyên Bình có tiếng ầm ầm, trông lên thấy đàn tàu bay trắng phau như đàn ngỗng trời rồi tiếng nổ bom ầm ầm. Đến trưa, lính trên bốt chạy xuống chợ kêu: tàu bay về ném bom tan Mỏ Sắt rồi còn đứng đây à? Thế là chợ vỡ, người chạy hết. Chẳng thấy bom, chỉ thấy hôm ấy bọn lính được một mẻ to. Có thằng hai tay dắt bốn năm con bò béo khoáy đít. Có thằng lính vơ bạc nghìn trong sòng bạc…
Mọi người không để ý chuyện lính ăn cướp chợ mà bàn tán về cái tiếng bỏ xuống như tiếng sấm trưa hôm ấy là tiếng bom tàu bay Mỏ Sắt. Của Nhật hay của Mỹ? Chắc không phải của Tây. Chẳng nhẽ Tây lại đem bom ném vào chân nó. Không biết của ai, nhưng cảm thấy có điều gì đương xảy tới.
Trời đất dường như cũng khác năm trước. Quả lê Đông Khê năm nay mọng nước mà nhạt thếch. Lê châu Hạ Lang thì còi. Mùa lê chưa đến mà suốt ngày sương mù đã cứ từ khe núi đùn ra, trắng cả ngọn cây, thế là mất mùa lê rồi.
Mấy năm trước, làng vào hội chống cướp. Cả xóm mổ gà, uống rượu ăn thề không dắt cướp, không theo cướp, giúp nhau đánh cướp. Thế nhưng đấy là nói cướp trên núi xuống, cướp ở biên giới tràn sang. Còn bọn Tây, bọn quan, bọn lính thì vẫn tự nhiên vào xóm, lấy cái gì cũng được, đánh ai cũng được. Quân quan đi ăn cướp thì đâu cũng thấy, ở Sóc Giang, ở Bó Gai, ở Đôn Chương, ở Mỏ Sắt, chỗ nào có đồn, có bốt, có chợ, có quan Tây, có tri châu, bang tá, có châu đoàn, có lính, là có bọn cướp ngày ấy. Người ta bảo nhau: kẻ cướp thì vãn rồi, quân quan đi cướp của còn đông hơn. Làm thế nào đây?
Có tiếng thì thào ngày một nhiều rằng các làng vào hội đánh cướp đã có lời thề mới. Bây giờ thề đánh cả Tây, cả quan. Việc này phải kín, làng nào giỏi lắm mới vào được hội như thế. Tiếng đồn khẽ. Nhưng tiếng đồn khẽ cũng như con hổ kêu trong đêm khuya, vang xa lắm, lâu lắm. Thành thử, ai cũng biết. Người ta cảm thấy đây lại là một điều mới lạ đương xảy tới. Bây giờ không như mấy năm trước nữa.
Chặp tối, anh Bát Ngư đến rủ anh đi đâu. Hai anh ngồi bên bếp, hút thuốc nói chuyện, có lúc thì thào. Dền lắng tai kỹ mà không rõ. Lát sau, hai người lục cục ra ngoài sàn. Anh xuống trước, rút mấy thanh nứa làm đuốc. Anh Bát Ngư vừa xuống tới đầu nhà, Dền thò ra cửa sổ, gọi khẽ:
– Anh à…
– Dền đấy hả?
– Em hỏi cái này, được không?
Dền ngập ngừng, rồi hỏi:
– Anh đi đâu đấy?
Anh Bát Ngư đáp:
– Đi có việc.
– Chốc nữa, anh có về nhà em không?
– Có.
– Về cho em hỏi câu này nhé.
– Câu gì thì hỏi luôn nào.
– Câu này phải hỏi lâu mới được.
– Cố thức nhé.
Sau đấy, bọn trẻ ra đầu xóm chơi sáng trăng. Dền cũng ra chơi. Trong bụng vẫn nghĩ những câu chốc nữa hỏi anh Bát Ngư.
Buổi tối sáng trăng, trẻ chơi ngoài xóm vẫn bàn tán về những cái tàu bay hôm nọ. Trăng sáng như ban ngày. Dưới bờ suối, cây cối đứng như những nùm rơm lù lù. Mặt đất loang lổ. Tiếng hươu giác xa xa. ở gầm sàn nhà ai, con vịt cất tiếng kêu khe khẽ. Những con vịt nhích vào nhau, tránh con rắn luồn qua đương mát lạnh dưới chân.
Trăng đã lên trên chóp núi. Tháng nào cũng thấy một lần thế mà vẫn thấy trăng lên như mới. Đám trẻ vừa chạy vừa reo a a từ dưới suối lên. Cả bọn ngồi lại, nói lao xao một lúc rồi lại chạy chơi. Cái tàu bay, câu chuyện thì thào các nơi có hội đánh cướp, đánh quan. Nhưng chuyện hay đến thế mấy cũng không giữ chân trẻ con ngồi một chỗ những đêm trăng được.
Dền nói to:
– Này, tao có cái chơi mới.
Nhao nhao:
– Cái gì thế?
– Chơi tàu bay.
Chưa biết đầu đuôi thế nào, cứ reo to hơn:
– Hay đấy! Tàu bay!
– Mày bày ra chơi đi!.
Dền bảo một đứa nằm úp xuống mặt cỏ, dang hai tay, cứng người.
– Trông giống cái tàu bay không nào!
– Tàu bay thì phải biết bay.
– ừ, tàu bay phải bay. Được thôi.
Một đứa ra đỡ cánh tay phải. Một đứa nắm bên trái rồi mỗi đứa nâng một chân lên. Thằng “tàu bay” lấy gân nằm cứng đơ trên tay các bạn. Các bạn ầm ầm khiêng đi. Thế là cái tàu bay đương bay.
– A! A! Tàu bay bay đi! Bay đi!
Ba bốn đứa khiêng “cái tàu bay” chạy xuống bờ suối rồi lại rù rù ngược lên, rồi lại lao xuống. Cứ lần lượt, đứa nằm đứa kéo như thế.
Tiếng reo inh ỏi:
– Tàu bay bay! Tàu bay bay đi!
– Tao cưỡi lên tàu bay tao đi ném bom.
Thằng nào không chạy kịp, tao đấm một cái, thế là nó ăn bom chết rồi, lại phải làm tàu bay cho tao cưỡi.
– Tao cưỡi trước…
– Tao trước!
Rối cả lên. Nhưng rồi các bạn cũng dành cho Dền cắt lượt. Dền quát to:
– Phải chia đứa nằm làm tàu bay.
Trò chơi tàu bay đến khuya, trăng ngả xuống, bóng núi ủ mờ trên xóm Nà Mạ.
Dền và Thàn về nhà. Mẹ vẫn còn ngồi tước vỏ dó ngâm vào chậu nước vôi. Hai đứa đến bếp, hơ sưởi. Mắt Thàn đã díp lại. Thàn đi ngủ. Dền ngáp luôn mấy cái. Nhưng vẫn ngồi gan. Mẹ giục:
– Đi ngủ thôi.
Dền nói:
– Con chờ các anh.
– Chờ được thịt hươu về ăn cháo à?
– Không.
– Cứ ngủ đi, có thịt hươu về, mẹ gọi.
Dền còn ngồi rốn một lúc. Chưa thấy các anh về. Đành rúc vào chăn với Thàn.
Dền nằm tạm, Dền đợi. Cái chăn vỏ cây sui, thật ấm. Nhưng ngứa và bụi, chốc lại ho sặc sụa. Dền định nằm chơi. Thế mà, lát sau, đã ngáy pho pho.

Kim Đồng – Nông Văn Dền – Tô Hoài chương 2

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close