Cuộc thi viết vănTRUYỆN NGẮNVăn học Việt Nam

Đường ra biển lớn  

Đường ra biển lớn

“Xoạt… xoạt…”

Cánh tay gầy nhẳng và đen nhẻm của thằng Cò cẩn thận gạt từng bụi cỏ sát bờ kênh. Một bàn tay mò xuống lớp bùn bên dưới làn nước đục ngầu.

“Quái lạ! Vừa mới thấy nó xong mà…” Nó lẩm bẩm trong miệng.

Trong cái giỏ tre đeo bên hông nó, lổm ngổm vài con cua đồng. Suốt từ sáng sớm tới giữa trưa, mà số cua mò được vẫn chưa đủ để nấu một bát canh đổi bữa. Vừa nãy, nó nhìn thấy một con cua đồng to lắm. Vừa nhìn con cua, nó đã nghĩ đến gạch cua béo ngậy, nên quyết tóm cho bằng được.

“Thằng Cò mày làm gì ngoài ấy thế? Lại đi mò cua à? Mẹ mày đang gọi về ăn cơm kia kìa!” Một giọng nói sang sảng vang lên, ngay sau đó là tiếng chậc lưỡi: “Nhà mày gan thật đấy, cái giống cua bốc mả ấy mà cũng dám ăn!”

Thằng Cò nhìn mấy cái mộ ngay gần bờ kênh, chép miệng: “Dân làng ta cứ sợ bóng sợ gió, chứ cấy lúa quanh mộ gặt về còn ăn được, bắt vài ba con cua thôi thì ảnh hưởng gì.” Nó cũng nghe người ta nói về cái giống cua đồng chui cả vào quan tài người chết để kiếm ăn, nhưng nghe thì nghe, sợ thì sợ, có thêm bát canh cua vẫn còn hơn là ăn cơm với nước canh suông.

Mấy con cua đồng bò trong giỏ nghe lạo xạo. Thằng Cò nhìn chằm chằm chỗ con cua bắt trượt vừa lẩn vào, tay cố mò thêm lần nữa, rồi mới lên bờ.

“Năm nay cua ít quá anh ạ!” Nó không giấu được tiếng thở dài thất vọng.

Đáp lại nó cũng là tiếng thở dài: “Phun thuốc sâu nhiều thế, cua nào mà sống cho nổi…”

Mấy năm nay, dân làng chăm phun thuốc sâu thuốc cỏ, lúa lên cứ tốt bời bời, nhưng cua cá thì càng ngày càng ít. Sát bờ kênh, chỗ thằng Cò giẫm chân trần qua để đi lên bờ, có mấy cái vỏ thuốc sâu ai đó ném ra, qua ngày rộng tháng dài, mưa nắng đổ xuống chuyển màu bạc phếch.

Chính thằng Cò cũng chẳng biết vài ba năm nữa, con kênh này có còn mống cua mống ốc nào không.

“Thằng Cò nó đi chưa hả anh Cua Lớn?” Đợi tiếng bước chân nhỏ dần, Cua Nhỏ mới thỏ thẻ hỏi Cua Lớn đang trốn sau bụi cỏ: “Vừa nãy em sợ quá! Cứ lo anh bị nó tóm!”

Cua Lớn giương hai con mắt lên nhìn bốn chung quanh, thở phào: “Nó đi rồi!”

Sống ở con kênh này càng ngày càng khó. Đám tôm cua cá ốc mà Cua Lớn quen cũng đã bỏ đi, còn không thì bị thằng Cò khoắng cho bằng sạch. Cua Lớn với Cua Nhỏ cố sống cố chết ở lại bờ kênh, vừa cố kiếm ăn vừa nơm nớp sợ vào nồi, cũng là vì muốn chờ mẹ về.

Cua Mẹ biến mất vào một buổi chiều mùa hạ. Hôm đó, Cua Lớn còn nhớ như in, mẹ nó bò ra khỏi hang, giương đôi mắt tròn thao láo nhìn lên trời: “Sắp giông rồi! Không biết hôm nay có gì ăn hay không…” Kiếm ăn ở bờ kênh này càng ngày càng khó.

“Mẹ ơi, mẹ kể chuyện cho con nghe đi!” Cua Nhỏ vừa bò qua bò lại trong hang vừa léo nhéo.

Cua Mẹ lắc lắc cái càng: “Không được, mẹ phải đi kiếm chỗ có thức ăn. Cua Lớn kể chuyện cho em nghe đi!” Nói rồi, tám cái chân cùng lúc hoạt động, đi về hướng lòng kênh.

Câu chuyện về con kênh này, Cua Lớn nghe mẹ kể từ bé đến lớn, đã sớm thuộc nằm lòng. Nó tằng hắng giọng, bắt đầu kể lại: “Ngày xưa, con kênh này nước vừa trong vừa xanh, từ đáy dòng kênh nhìn lên thấy trời xanh ngắt, mây trắng lãng đãng bay, còn thấy cả ông Mặt Trời hôm nào cũng cười toe toét. Hồi ấy dưới kênh dân cư đông đúc lắm, nào cua nào cá nào tôm… đông vui như trẩy hội…

Trong ấn tượng của Cua Nhỏ, nước dưới kênh lúc nào cũng đục ngầu, mỗi trận mưa xuống là bốc mùi tanh tưởi. Nên nó thèm nghe những câu chuyện kể về dòng kênh trong xanh và đông đúc xưa kia lắm, nghe đến là say sưa.

“Đi xuôi theo dòng nước chảy sẽ ra sông, rồi ra biển. Biển rộng lắm, xanh ngắt, ngoài biển có cơ man là đồng loại của chúng ta, nhưng to gấp chúng ta dễ phải mấy chục lần…

Tiếng loạt xoạt cắt ngang cuộc nói chuyện của hai anh em nhà cua. Bàn tay khổng lồ của loài người túm từng bụi cỏ, rẽ sang bên, bàn chân trần lội bì bõm dưới nước, làm nước đã đục lại càng đục hơn.

Cua Lớn kéo em vào tận sâu trong hang đất, giấu mình thật kĩ, không dám ho he tí nào. Cả hai anh em đều chỉ mong cho mưa mau mau chóng chóng đổ xuống, loài người đáng ghét mau mau chóng chóng biến đi, còn mẹ chúng nó thì mau mau chóng chóng trở về.

Cuối cùng mưa cũng đổ xuống, mưa rào mùa hạ nặng hạt rơi đồm độp xuống mặt kênh. Người bắt cua tiếc nuối trở về nhà với cái giỏ chưa đầy, còn hai anh em của thì vui mừng vì tránh được một kiếp nạn.

Nhưng vui mừng chưa được bao lâu, anh em nhà cua lại nhớ ra mẹ vẫn chưa về. Mưa dần tan, trời quang mây tạnh, rồi một cơn mưa khác đổ xuống như trút nước. Thêm ba, bốn, năm, sáu… cơn mưa nữa, Cua Mẹ vẫn chưa về. Hai anh em cua bắt đầu nghĩ, phải chăng Cua Mẹ đã bị loài người tóm được, trở thành món ngon nóng hổi trên bàn cơm, hoặc là đã xuôi theo dòng kênh, đi ra biển lớn như câu chuyện hôm nào mẹ kể.

Cua Nhỏ dùng càng kẹp một viên sỏi nhỏ tí dưới đáy dòng kênh: “Anh Cua Lớn ơi, hay chúng mình thử lên đường đi tìm biển lớn…” Mắt cua giương cao lên khỏi mai, cố xuyên qua dòng nước đục ngầu nhìn cảnh vật phía xa: “Hôm qua em nghe loáng thoáng, thấy người ta bảo lại chuẩn bị phun thuốc cỏ cho vụ mới. Cứ phun hai ngày ba bận thế này, sớm muộn gì anh em mình cũng phơi thây ở đây thôi!”

Đâu cứ gì Cua Nhỏ, Cua Lớn cũng lo chuyện này. Ruộng lúa quanh năm bám lấy dòng kênh, nước tưới tiêu, nước pha thuốc trừ sâu diệt cỏ, đều là nước dưới kênh cả. Thậm chí, sau khi phun thuốc xong, người ta còn lội xuống kênh để tráng bình phun. Mỗi lần như thế, hai anh em nhà cua đều thấy người nôn nao, không giương nổi càng lên, tám cái chân thì rệu rã, bò ra bò vào cũng không vững nữa.

Ngẫm nghĩ một hồi, Cua Lớn thấy đề nghị của Cua Nhỏ chí lý lắm, liền đồng ý: “Được, chúng ta bò theo dòng kênh, sớm muộn cũng sẽ đến được biển lớn!” Biển lớn trong câu chuyện mẹ chúng kể ngày xưa, nơi có ánh mặt trời lấp lánh và dòng nước xanh ngắt, nơi có những đồng loại lớn gấp chúng nó tận mấy chục lần.

Cua Lớn và Cua Nhỏ dắt díu nhau bò dọc theo con kênh, bò mãi bò mãi, bò đến khi ánh sáng của mặt trời không còn chiếu qua lớp nước đục ngầu nữa. Ngày dài nối tiếp đêm đen, anh em cua bò qua không biết bao nhiêu ngày, bao nhiêu thửa ruộng.

Bò đến khi, trước mắt hai anh em là cả một vùng nước xanh lục lờ nhờ, giương mắt hết cỡ cũng không nhìn thấy bờ bên kia. Nhớ lại lời mẹ kể về vùng biển xanh giương mắt nhìn không thấy được bờ đối diện, Cua Nhỏ khấp khởi mừng thầm, dùng càng khều khều mai của Cua Lớn: “Anh Cua Lớn ơi, vậy là anh em mình ra được tới biển lớn rồi nhỉ?”

Mùi hôi nồng nặc xộc tới từ bốn phương tám hướng, dòng nước bao quanh hai anh em nhà cua bốc mùi vừa tanh tưởi vừa hôi thối, nước đặc quánh dấp dính. Thỉnh thoảng lại có một cái túi nilon rách nát tả tơi lờ đờ trôi qua.

Cua Lớn lắc càng: “Nhưng nó không giống lời mẹ kể…” Không có làn nước trong xanh, không có cát trắng, không có nắng vàng, cũng không có những người đồng loại to lớn. Không có gì cả. Chỉ có mùi hôi thối tanh tưởi còn khiến nó khó chịu hơn ở mùi nước kênh sau khi người ta phun thuốc trừ sâu.

“Anh Cua Lớn cẩn thận!” Cua Nhỏ chợt hét lên thất thanh, tám cái chân và hai cái càng cứng đờ không biết phải làm sao để kéo anh trai ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Cua Lớn giương mắt nhìn lên, thấy loáng thoáng bóng mấy con người cao lớn ở trên bờ, đang nhìn lom lom xuống mặt nước. Nó hoảng hồn, vội vàng lẩn vào gần phía Cua Nhỏ, ngay bên dưới một cái túi nilon nát.

Hình như mấy con người trên bờ kia không đến để bắt cua. Họ không đeo giỏ tre bên hông, cũng không có cái dáng lom khom chực chờ tóm gọn đám cua đồng như thằng Cò. Họ khiêng từ thùng xe một cái tải to và xem chừng nặng lắm, nhắm xuống mặt nước…

“Hai… ba… ném!”

Cái tải nặng trịch đập thẳng xuống, nước văng tung tóe, có mấy giọt nước nhơn nhớt văng cả lên sát mấy con người trên bờ. Mùi hôi thối lại xộc lên nồng nặc.

Cua Lớn hé mắt nhìn qua khe hở của túi nilon, thấy người ta nhổ toẹt một bãi nước bọt: “Thối quá!” Rồi nhanh chóng đeo khẩu trang, bịt kín cả mũi miệng.

Cải tải họ vừa ném xuống không được buộc kĩ. Sau khi nặng nề chìm xuống đáy nước cách bờ không xa lắm, từ miệng tải, một cái chân lợn chết thò ra. Qua vài ba ngày nữa, nhất định nó sẽ trương phềnh lên, thối um cả một vùng.

Cua Lớn và Cua Nhỏ bốn mắt nhìn nhau. Sợ quá! Thì ra biển lớn trong lời kể của mẹ còn khó sống hơn nhiều so với con kênh đục ngầu. Hai anh em đập đập càng xuống cái nền cứng rắn bên dưới, suy nghĩ xem nên đi tiếp hay quay về con kênh cũ.

“Trên kia có một cái to, hay anh em mình thử bò lên đấy xem sao.” Cua Lớn nói. Thử bò lên cái ống đó, biết đâu lại tìm thấy đường đi tới một vùng biển khác trong xanh hơn.

Nói là làm, hai anh em cua dùng lên sức bò lên, suýt mệt đứt hơi mới bò được tới miệng cái ống kim loại to khổng lồ.

Đúng lúc này, một dòng nước đen ngòm đặt sệt phun ra từ sâu trong lòng ống, cuốn phăng cả hai anh em nhà cua. Cua Lớn Cua Nhỏ đều chấp chới vung vẩy cả tám chân và hai càng, giương mắt nhìn anh hoặc em của mình bị dòng nước thải đen ngòm cuốn ra xa, ra xa…

Mấy hôm sau, trên mặt hồ nước xả thải của khu công nghiệp, có thêm xác của hai con cua đồng, một to một nhỏ, trương lên, bốc mùi. Bên cạnh xác hai con cua, xác lợn hôm trước bị người ta ném xuống cũng đã nổi lên, phình ra. Ruồi nhặng bu đầy trên xác của mấy con vật xấu số.

Và nước thải từ khu công nghiệp, vẫn cứ xả ra hàng ngày.

 

Tác giả Nguyên

Xem thêm:

Nguyên có thể nói là cái tên nổi bật nhất trong nhóm sáng tác Văn học trẻ từ số lượng  đến chất lượng. Đứng đầu liên tục trong bảng danh sách nhuận bút, dù vô cùng kín tiếng nhưng Nguyên khiến tất cả mọi người phải nhớ kĩ tên của mình. Đề tài viết đa dạng, câu văn không quá dài, gọn ghẽ, chắn chắn, đa số là những lát cắt rất mỏng, nhanh của cuộc sống nhưng đủ truyền tải cho bạn đọc cái nhìn về cuộc sống chân thực, những cảnh đời, sự việc mà có thể ta đã bắt gặp rất nhiều xung quanh, nhưng qua ngòi bút của Nguyên vẫn rất hấp dẫn mắt đọc.

Ta có thể ví Nguyên như Sivir – chiến binh trên sa trường với đôi Bomerang, một thợ săn kho báu và lính đánh thuê nổi danh khắp sa mạc Shurima. Mang trên tay thanh thập tự kiếm huyền thoại, cô đã chiến đấu và chiến thắng vô số trận, với lòng kiên định không chút sợ hãi và tham vọng không giới hạn, cô tự hào đã khai quật các kho báu với sức mạnh cổ xưa. Hoặc Jinx, người bạn đồng hành với Ziggs, có chút nổi loạn, cùng nhau mang theo vũ khí – ngòi bút của mình để chiến đấu, chơi đùa. Nguyên, ở “cuộc chiến” văn chương giành lấy tình cảm của độc giả và thể hiện tài năng, đã có danh tiếng nhất định, với các giải thưởng liên tiếp trên Văn học trẻ, là động lực để các “chiến binh” khác tiến lên. Một tài năng và nguồn cảm hứng, hình mẫu cho các tác giả trẻ khác trên con đường viết lách.

“Đường ra biển lớn” là một truyện ngắn đồng thoại sáng tác theo đề tài tự nhiên môi trường– con người trong cuộc thi thách đấu sáng tác truyện ngắn vì môi trường do VHT tổ chức – đây là cuộc thi nhóm định kì của VHT.

 

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close