THƠ CA
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi trong thơ Trần Đăng Khoa
Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người đã mang ánh sáng và tự do giải phóng cho dân tộc khỏi ách xiềng xích nô lệ. Nói tới Hồ Chí Minh là nói tới con đường cách mạng của giai cấp vô sản, bởi vậy sau khi Bác mất các gia đình trong khu vực Bắc Bộ thời bấy giờ đều treo ảnh Người cùng cờ đỏ sao vàng để thể hiện niềm kính yêu và lòng biết ơn đối với Người.Bài thơ Ảnh Bác được Trần Đăng Khoa viết khi tác giả mới 8 tuổi và ngay sau đó đã được đăng lần đầu tiên trên báo Thiếu niên tiền phong
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi trong thơ Trần Đăng Khoa
Nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định: Tôi viết khá nhiều về Bác Hồ.
Bài thơ Ảnh Bác – Trần Đăng Khoa
Nhà em treo ảnh Bác Hồ
Bên trên là một lá cờ đỏ tươi
Ngày ngày Bác mỉm miệng cười
Bác nhìn chúng cháu vui chơi trong nhà
Ngoài sân có mấy con gà
Ngoài vườn có mấy quả na chín rồi
Em nghe như Bác dạy lời
Cháu ơi đừng có chơi bời đâu xa
Trồng rau, quét bếp, đuổi gà
Thấy tàu bay Mỹ nhớ ra hầm ngồi
*
Bác lo bao việc trên đời
Ngày ngày Bác vẫn mỉm cười với em…
1966
Nguồn: Trần Đăng Khoa, Góc sân và khoảng trời, Nxb Văn hóa dân tộc, 1999
Phân tích bài thơ Ảnh Bác – Trần Đăng Khoa
“Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng
Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam”
Đấy là tình cảm thiêng liêng nhất của trẻ thơ đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu. Tình cảm ấy không chỉ được các em thể hiện qua việc chăm ngoan, học giỏi và làm theo “5 điều Bác Hồ dạy”, mà còn là sự hồn nhiên, chân thật trong thơ khi nghĩ và viết về Bác. Có nhiều văn nghệ sĩ đã sáng tác những tác phẩm văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi, thay lời thiếu nhi Việt Nam để nói lên tình cảm chân thành, sâu sắc của mình với Bác. Nhà thơ Trần Đăng Khoa là một trong số đó. Nhiều bài thơ của Trần Đăng Khoa viết về Bác Hồ đến nay vẫn được thiếu nhi thuộc lòng, mà tiêu biểu là bài thơ “Ảnh Bác”.
Bài thơ Ảnh Bác được Trần Đăng Khoa viết khi tác giả mới 8 tuổi và ngay sau đó đã được đăng lần đầu tiên trên báo Thiếu niên tiền phong. Bài thơ mở đầu là khung cảnh quen thuộc trong gia đình nông thôn vùng Bắc Bộ :
Nhà em treo ảnh Bác Hồ
Bên trên là một lá cờ đỏ tươi
Bác Hồ – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người đã mang ánh sáng và tự do giải phóng cho dân tộc khỏi ách xiềng xích nô lệ Nói tới Hồ Chí Minh là nói tới con đường cách mạng của giai cấp vô sản, bởi vậy sau khi Bác mất các gia đình trong khu vực Bắc Bộ thời bấy giờ đều treo ảnh Người cùng cờ đỏ sao vàng để thể hiện niềm kính yêu và lòng biết ơn đối với Người.
Dưới con mắt non nớt của cậu bé 8 tuổi chưa hiểu chuyện thì việc tại sao lại treo ảnh Bác trong nhà chưa phải là điều đáng quan tâm. Mà dường như mọi sự chú ý và thích thú của cậu đều dồn cả vào chân dung Bác trong bức ảnh để rồi có những phát hiện thú vị :
Ngày ngày Bác vẫn mỉm cười
Bác nhìn chúng cháu vui chơi trong nhà
Dưới con mắt ngộ nghĩnh của chú bé 8 tuổi, bức ảnh vô tri vô giác bỗng trở nên sống động lạ thường.Chỉ với hai câu thơ đã vẽ nên chân dung vị cha già của dân tộc rất đỗi hiền từ đang đưa ánh nhìn trìu mến dõi theo từng hoạt động vui chơi của “chúng cháu”. Cảm nhận được sự hiền từ, âu yếm ấy của Bác nên nhân vật “cháu” cũng như thủ thỉ kể cho Bác nghe những điều mình thấy ngoài sân,góc vườn – nơi mà theo nhận thức của trẻ thơ là không nằm trong tầm mắt của “ảnh Bác”:
Ngoài sân có mấy con gà
Ngoài vườn có mấy quả na chín rồi
Những hình ảnh mộc mạc, chân chất, hồn nhiên của một cậu bé nông thôn chưa được gặp Bác Hồ bao giờ, nhưng chỉ nhìn ảnh thôi đã cảm thấy Bác rất gần gũi như cha, như mẹ mình. Với hình ảnh liên tưởng na đã chín và gà đang tìm mồi ngoài sân, cậu bé mách Bác bằng những lời thủ thỉ, tâm tình như tình cảm mênh mông của Bác Hồ đối với các cháu thiếu nhi.
Ở khổ thơ cuối, Trần Đăng Khoa lại như được Bác Hồ khuyên bảo và đưa “thông điệp” này tới các bạn cùng trang lứa với tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ” và nêu cao tinh thần cảnh giác:
“Em nghe như Bác dặn lời
Cháu ơi đừng có chơi bời đâu xa
Trồng rau quét bếp đuổi gà
Thấy tàu bay Mỹ nhớ ra hầm ngồi
Bác lo bao việc trên đời
Ngày ngày Bác vẫn mỉm cười với em”
Những năm chiến tranh căng thẳng, giặc Mĩ ném bom Hà Nội, trái tim, tâm hồn trẻ con non nớt đã biết lo lắng và ý thức sâu sắc lời dạy của Bác “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”. Trong gia đình khi bố mẹ vừa là chiến sĩ, vừa là hậu phương thì chính các em thiếu nhi cũng góp một phần không nhỏ của mình chăm lo việc nhà. Đó là những công việc đơn giản như : trồng rau, quét bếp, đuổi gà hay đơn giản là tìm nơi trú ẩn khi thấy máy bay Mĩ để bố mẹ yên tâm mà vững vàng tay súng.
Bác là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Bác rất yêu thương đồng bào, đặc biệt là các em nhỏ thiếu nhi. Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc Bác vẫn dành thời gian đến thăm và chơi với các em nhỏ. Không có trung thu nào Bác lại không gửi thư và quà bánh thăm hỏi động viên các cháu. Tình yêu thương, sự quan tâm đặc biệt ấy như được các cháu thấu hiểu và đáp lại trong hai câu thơ cuối hết sức ngắn gọn mà thấm thía, tình cảm. Các em ý thức được sự bận rộn với bao việc trên đời phải “lo” của Bác, cảm nhận được tình yêu thương của Bác dù trăm công nghìn việc vẫn “mỉm cười với em”, quan tâm tới em nên luôn tự hứa sẽ ghi nhớ lời dạy của Bác, luôn chăm ngoan, học giỏi, cống hiến sức mình xây Tổ quốc giàu đẹp tương lai.
Bằng thể thơ lục bát dễ thuộc dễ nhớ, với cái nhìn ngây thơ, lối nói thật lòng của cậu bé 8 tuổi không luyến láy, không đưa đẩy, bài thơ Ảnh Bác đã đi vào lòng độc giả bao thế hệ, là bài thơ tiêu biểu trong đề tài thơ viết về Bác. Những hình ảnh mộc mạc, chân chất, hồn nhiên của một cậu bé nông thôn chưa được gặp Bác Hồ bao giờ, nhưng chỉ nhìn ảnh thôi đã cảm thấy Bác rất gần gũi như cha, như mẹ mình. Với hình ảnh liên tưởng na đã chín và gà đang tìm mồi ngoài sân, cậu bé mách Bác bằng những lời thủ thỉ, tâm tình như tình cảm mênh mông của Bác Hồ đối với các cháu thiếu nhi.
văn học trẻ sưu Tầm