TRUYỆN NGẮN
Lời thề Hippocrate thứ tư
Họ không chỉ phải chiến đấu với tử thần để giành giật mạng sống cho bệnh nhân; đối mặt với miếng cơm manh áo của gia đình; mà còn phải chiến đấu với chính cấp trên, với chính đồng nghiệp; với chính ham muốn tư lợi của mình để được sống với lương tâm trong sáng và làm đúng lời thề Hipppocratte khi bước chân vào hành ngành Y.
Truyện ngắn Lời thề Hippocrate thứ tư
Quỳ – dạng C4 (con ông cháu cha), trước một thời vốn là bác sĩ ngoại, nhưng vì một vụ mổ nhầm từ ruột thừa sang dạ dày làm chết người, gã bị tước bằng bác sĩ. Sau khi đi tù về, gã xin làm bảo vệ trong bệnh viện. Nhân chẳng có việc gì làm, buồn tình cũng đôi lúc lang thang ra buôn chuyện nơi phòng bảo vệ.
Sáng nay, gã Quỳ nói thẳng vào mặt Nhân rằng: “Cậu nghĩ là cậu giỏi ư? Ai cho cậu giỏi chứ? – Gã cười khẩy – Nếu người ta không bóng gió với cậu cái giá của con đường đi lên thì tôi không còn là thằng bác sĩ ở cái bệnh viện này”.
Nhân ngỡ ngàng: “Giá gì chứ? Em được mời về vì đã học nội trú mà!”. “Thì ai mà chẳng nghe thấy thế! Nhưng đã học xong chưa? Chưa chứ gì? Ai mà chẳng biết thế. Nên ông ấy mới bảo: “Đầu tiên cứ sang Khoa Nội làm tạm chờ thời” chứ gì? Ai mà chẳng được nghe ông ấy bảo cái thời “Đầu tiên làm tạm” ấy chứ!
Mà ai là bác sĩ ở cái Viện này khi về do ông ấy đều chẳng phải qua đó? Cậu quả là không hiểu tiếng Việt một cách sâu sắc cho đến nơi đến chốn”. “Tiếng Việt sâu sắc? Sao lại phải tìm hiểu tiếng Việt ở đây ạ?”. “Tôi nghi ngờ chỉ số IQ của cậu đấy! Thế mà cũng mang danh Bác sĩ nội trú. Đầu tiên làm tạm. Tức là làm tạm thôi, tiền đâu? Hiểu chưa?”. Tất nhiên là Nhân hiểu rồi. Nhưng hiểu rồi thì choáng váng không muốn hiểu.
Bác sĩ Ngoại khoa Phan Hữu Nhân tốt nghiệp loại khá giỏi của Đại học Y Hà Nội. Cậu vinh dự được quyền dự thi Bác sĩ nội trú và đã đỗ một cách vẻ vang. Chẳng cứ gì các đời Hiệu trưởng của Trường Đại học Y Hà Nội từ thời Pháp thuộc đến giờ, mà hầu hết các Hiệu trưởng của các trường Đại học Y trên thế giới đều đã từng là Bác sĩ nội trú cả; nên danh hiệu Bác sĩ nội trú là một danh hiệu đầy tự hào của ngành Y trên toàn thế giới.
Mẹ của Nhân mất sớm từ khi cậu mới 5 tuổi, cha cậu yêu vợ, thương con quá nên quyết tâm một mình nuôi con khôn lớn. Ông quần quật làm việc, không từ bất kỳ việc gì miễn là có tiền. Quê Nhân ở vào một dải đất hẹp miền Trung, dù lên rừng hay xuống biển cũng chỉ trong vòng không hơn 50 cây số.
Để kiếm được tiền nuôi con ăn học, lúc thì cha nhận đi làm thuê đào hố trồng rừng, khi lại thấy ông nhận theo thuyền cá ra biển. Suốt 12 năm Nhân ăn học thời phổ thông, ông hy vọng: hy sinh đời bố, củng cố đời con. Ông tin: “Chỉ sau đó 4 năm nữa, thằng Nhân học xong đại học ra trường. Kiếm một chỗ làm tàm tạm ăn lương công chức ngay tại thị xã quê hương, hai bố con tui sẽ quấn túm sống bên nhau thật đầm ấm…”
Nhưng Nhân lại quá đam mê nghề bác sĩ nên cậu âm thầm đăng ký thi vào Trường Đại học Y Hà Nội. Nào ngờ cậu đã đỗ với thứ hạng cao. Họ hàng, làng xóm đổ đến chúc mừng: “Con hơn cha là nhà có phúc!”, “Thằng ni con nhà nghèo thế mà giỏi nhất tỉnh!”, “Đường công danh của mi quá rạng rỡ. Sau này làm quan to vẻ vang cho gia đình, dòng họ, làng xóm!”… Thế rồi người cân khoai, kẻ túm lạc, người dăm chục, kẻ một trăm thi nhau góp sức cho tân sinh viên bác sĩ tương lai đi học. Thế là ông bố vừa cảm động vừa tự hào liền chiều lòng, cho Nhân đi học một cái đại học dài gấp rưỡi những cái đại học khác – 6 năm! Trong 6 năm ấy, ông một mình vò võ ở lại quê hương nhận làm bất cứ việc gì miễn có tiền gửi con ăn học. Khoản tiền ấy không nhỏ, mặc dầu Nhân học giỏi, luôn được nhận học bổng và luôn tận dụng thời gian đi dạy gia sư kiếm thêm tiền ăn học của mình để đỡ đần bố.
Sáu năm trời vất vả khốn khó vô ngần rồi cũng trôi qua! Cứ ngỡ ra trường với cái danh bác sĩ Đại học Y Hà Nội, lại tốt nghiệp loại khá giỏi, cái bệnh viện vớ vẩn cấp tỉnh ở quê nhà sẽ phải vội vàng mời nhận Nhân về làm ngay.
Nào ngờ chẳng phải. Bệnh viện tỉnh nhà đã đầy một lũ bác sĩ con ông cháu cha học theo dạng bác sĩ cử tuyển. Chẳng còn một chỉ tiêu biên chế nào cho Nhân trú chân. Bệnh viện ngoài Hà Nội thì nghe nói phải có vài trăm triệu lót tay mới chạy được vào làm không công chờ chỉ tiêu thi công chức một ngày nào đó cũng không chắc lắm. Hai cha con Nhân làm sao có thể có khả năng sống bằng không khí đến “ngày nào” đó được.
Nhưng năm ấy vừa may có một quy định mới: Sinh viên Đại học Y tốt nghiệp loại khá cũng được quyền dự thi Bác sĩ nội trú. Bác sĩ nội trú ra trường được quyền chọn nơi công tác! Quả là một con đường mà tương lai mở ra tươi đẹp vô ngần. Nhân đã trở thành Bác sĩ nội trú trong hoàn cảnh như vậy. Song, niềm vui gắn liền với nỗi lo vì học nội trú áp lực vô cùng lớn.
Ngoài chuyện phải học, phải thi liên tục, các bác sĩ nội trú còn phải đi buồng, đi ca trực còn hơn các bác sĩ đang hành nghề. Vì theo luật, ngoài việc phải thi đỗ mới được vào học, Bác sĩ nội trú còn buộc phải có mặt từ 6h sáng cho đến 10h đêm ở bệnh viện. Có người sau khi tốt nghiệp đã nói đùa mà rất thật rằng “3 năm học nội trú còn hơn cả bị đi tù”.
Ngoài việc học y lại còn phải học thêm ngoại ngữ, rồi mua sách vở, giáo trình, sách tham khảo… nên tuy rằng có được Nhà nước tài trợ học bổng thì số tiền hơn 2 triệu một tháng cũng chẳng bõ bèn gì. Gia đình sẽ phải trợ giúp thêm hoàn toàn, vì Bác sĩ nội trú chẳng lấy đâu ra thời gian để mà đi gia sư kiếm thêm – mà gia sư chính là nghề hái ra tiền của sinh viên Đại học Y, Đại học Bách khoa, những trường vốn có tiếng đã thi được vào trường phải là học sinh giỏi.
Ở quê vay tín dụng ngân hàng không phải là dễ, nhưng với cái danh có con đang học Bác sĩ nội trú, bố Nhân đã vay hơn trăm triệu gửi ra Hà Nội cho Nhân đóng học. Rồi ông lại vay thêm trăm triệu góp cổ phần chung mua thuyền ra khơi đánh cá.
*
Nhưng đường đời chẳng ai nói trước được điều gì. Khi chỉ còn 1 năm nữa thôi là Nhân sẽ tốt nghiệp Bác sĩ nội trú, Nhân sẽ được như các anh chị khóa trước được Bộ trưởng mời lên gặp và hỏi han nguyện vọng thích được về đâu làm việc.
Chắc là Nhân sẽ xin về Viện Tim Hà Nội, nghe nói Giám đốc Viện trưởng rất năng động và tài giỏi. Ông chỉ ưa người trẻ và giỏi giang, và đương nhiên là chỉ nhận Bác sĩ đã học nội trú. Nhân sẽ về đó làm việc; sẽ cứu chữa cho bệnh nhân như bổn phận của nghề Y mà Nhân đã được học và đã được thề Lời thề Hippocrate trước vị Thần bảo trợ cho nghề Y là Appollo, trước khi ra trường để hành nghề. Nhân sẽ được trả công xứng đáng với sự cống hiến cho nghề nghiệp của mình. Và trước mắt Nhân sẽ thuê một căn phòng nhỏ, sẽ đưa cha Nhân ra sống cùng.
Ông sẽ không còn phải sớm hôm vất vả nữa. Nhân sẽ phục dưỡng ông cho bõ cái công hơn hai mươi năm nuôi con ăn học cực kỳ khổ ải của mình. Trồng cây sắp tới ngày hái quả, thế mà bố Nhân bỗng rơi xuống biển mất tích trong một lần ra khơi gặp bão tố.
Nỗi đau vì mất người thân duy nhất một cách đột ngột, nó lướt qua sắc ngọt đến mức như thể ta chưa kịp nhận ra nỗi đau. Như thể một lương y tài giỏi đã chích ta bằng một chiếc kim châm cứu: “Chỉ có cảm giác nhoi nhói tí chút như kiến cắn ngoài da, ta tưởng chừng là vô cảm; như chẳng hề có chuyện cái mũi kim sắt mỏng vút đang lắt léo xiết ngọt biết bao tế bào tươi sống của ta,… 12cm!” – Ông thầy lương y nổi tiếng của bộ môn Y học dân tộc, một bộ môn Nhân có học qua trong Trường Đại học Y hôm ấy tuyên bố sau khi hướng dẫn cách lách thấu xuyên chiếc kim dài ngoằng vào cạnh dọc sống lưng của bệnh nhân.
Thị phạm mà sống lưng của Nhân cũng đổ mồ hôi hột, sợ chẳng kém ông bệnh nhân đang vã mồ hôi như tắm xuống cả chiếc khăn trải giường. “Thực tế là rất đau mà như thể không đau! – Giọng của thầy bỗng chùng xuống cuối câu, như vơ vướng một nỗi niềm gì đó; có lẽ là thông cảm cho thân phận của những tế bào đang bị mũi kim sắt xuyên thủng – Nó không chạm vào tế bào thần kinh cảm giác! Chỉ phạm vào những tế bào không biết nói”
Có phải giờ đây Nhân cũng như một tế bào không biết nói vì lời kết luận của gã Quỳ cứ như mũi kim châm cứu vút mỏng sắc lẻm kia, dường như chỉ làm cho mỗi mình trái tim của Nhân đau buốt mà lại trì tức trĩu nặng không sao cất nổi lên lời: Tiền đâu!
“Ôi chao, giờ đây có biết bao những thân phận cũng như ta – yếu ớt như những tế bào – những tế bào quá bé nhỏ có thể chết bất cứ lúc nào! Sao lại bảo nó không biết đau? Những tế bào vô cùng bé nhỏ nên nỗi đau ấy cũng bé nhỏ đến tưởng như vô hình mà thành ra như không biết nói?”
Trong đầu Phan Hữu Nhân lại hiện lên hình ảnh những ngày đau đớn ấy, khi cậu bàng hoàng đi như trôi trong ảo giác về nhà để làm đám tang cho cha. Nói là làm đám tang, nhưng đâu có xác mà làm. Chỉ là có vài mâm cơm đạm bạc mời họ hàng làng xóm sang thắp hương tỏ lòng thương xót tưởng nhớ đến người cha xấu số của cậu mà thôi. Nhân cứ lơ ngơ, đờ đẫn như vô hồn đi ra đi vô trong túp nhà lụp sụp.
Mùi nhang khói thi thoảng lại loang ra quanh quất đó đây như cố xua đám khí lạnh hoang tàn dù không có tử thi vẫn ám mùi tử khí. Rồi cậu lại cảm thấy mình như một diễn viên đang đóng vai người mất bố trong đám tang kỳ lạ của ai đó. Nhân cứ lơ ngơ, đờ đẫn, vô hồn như vậy mãi cho đến tận lúc khách khứa đã ra về hết, và người chú khẽ khàng đặt mấy biên lai ghi nợ hơn hai trăm triệu ngân hàng của bố Nhân trước mặt Nhân.
Ông chậm rãi giải thích: “Từ nay chẳng có ai gửi tiền học cho cháu nữa. Hơn thế cháu còn là con nợ của đống biên lai này. Nếu không trả đúng hạn, Ngân hàng sẽ gửi giấy đòi nợ về Trường Đại học Y, và họ sẽ làm cho cháu bị đuổi học. Chỉ còn cách bán rẻ mảnh đất của cha con cháu cho họ để họ tạm lùi đòi nợ 1, 2 tháng. Cũng chẳng được ba chục triệu đâu…”.
Mộng mang danh Bác sĩ nội trú thế là tan tành như mây khói. Thế giới sụp đổ dưới chân Nhân. Phải bỏ học ngang xương khiến cậu lê lết trong đau khổ mất ba tháng trời. May có thầy Trưởng phòng Giáo vụ thương tình đứng ra bảo lãnh, giới thiệu cho Nhân bác sĩ Hứa Trọng Nghĩa – hiện là Phó giám đốc phụ trách chuyên môn, nhưng tương lai vài năm tới ông sẽ là Giám đốc của Bệnh viện X6 – một bệnh viện của ngành.
Ông Nghĩa mời Nhân về với hy vọng cùng chung tay xây dựng, phấn đấu đưa Bệnh viện từ loại 3 lên loại 2. X6 là Bệnh viện được Nhà nước bao cấp nhưng đang ở tình trạng dở sống dở chết. Thiết bị thì lạc hậu, cũ rích; nhà cửa, phòng bệnh xập xệ rã nát, bẩn thỉu. Phó giám đốc trẻ Hứa Trọng Nghĩa mới nhận chức được một năm. Ông tâm sự với Nhân: “Hầu hết cán bộ nhân viên, cũng như các bác sĩ trong Bệnh viện đều là con em cháu chắt các vị chức tước trong ngành.
Cho nên rất nhiều trong đám họ là các loại học hành đào tạo lổn nhổn; học trung cấp ở địa phương rồi học chuyên tu, tại chức, hoặc học theo dạng cử tuyển của tỉnh nhét về. Lũ này dốt đặc cán táu. Giao bệnh nhân cho chúng mổ có ngày đi tù…”.
Rồi ông Phó giám đốc khao khát “Trong tương lai tớ quyết tâm thay đổi tổ chức, sắp xếp lại nhân sự. Bệnh viện phải tuân thủ quy chế chuyên môn; phải luôn mở các khóa nâng cao trình độ tay nghề, nâng cao kiến thức khoa học cho các bác sĩ. Rồi phải nâng cấp trang thiết bị hiện đại. Nâng cao tinh thần phục vụ bệnh nhân. Nâng cao đời sống cho cán bộ công nhân viên trong Bệnh viện… Kiếm được bác sĩ trẻ giỏi nghề và tâm huyết, học hành được đào tạo bài bản như cậu, tớ rất mừng. Mừng lắm…”.
Nhưng người có quyền ký nhận Nhân lại không phải là ông Phó Giám đốc mà là ông Kim – Giám đốc Bệnh viện X6. Ông Kim thì mới lo xong được cái “Chuyên viên cao cấp”, đang quá bận đôn đáo săn danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân” để mong được đề cử tham gia Hội đồng nhân dân Thành phố khóa tới… nên ông lấy an toàn, bình yên làm kim chỉ nam để hành động. Mọi ca ngoại lớn bé đều mời các bác sĩ có tiếng ở Viện cấp 1 về.
Các bác sĩ ở tại Bệnh viện chỉ đủ khả năng phụ kéo van, thấm máu. Nếu không thì cũng 90 phần trăm là kính chuyển lên tuyến trên. Ở X6, Khoa Ngoại hiện tại chỉ vá da, khâu sứt, chích nhọt, thay băng. Các bác sĩ không có cơ hội thực hành và rèn luyện nâng cao tay nghề, chỉ chăm chăm hết giờ là ra ngoài đi làm thuê. Vì mọi việc lớn bé đều do Giám đốc quyết một mình hết: không hội chẩn không bàn với bất cứ ai, dù cả Hội đồng đều đi làm đủ, Hội đồng Y khoa có cũng chỉ là trên danh nghĩa. Tiếng nói của ông Phó Giám đốc chuyên môn vo ve hơn muỗi một tí.
*
Nhưng mời mãi bác sĩ cấp trên thì Bệnh viện X6 sẽ bị đánh tụt hạng. Hiện ông Kim đang ăn lương Giám đốc bệnh viện hạng 3. Các kinh phí cho bệnh viện hạng 2 cũng cao hơn hạng 3 nhiều. Các Dự án phân bổ của Nhà nước đến cũng nhiều hơn: “Dự án về Nghiên cứu sinh sản”, “Dự án hô hấp của người già và bệnh nghề nghiệp”, “Dự án Vết thương đầu, ngực của cựu chiến binh chống Mỹ”… rất nhiều, làm ông vô cùng thèm khát.
Đó là mâu thuẫn lớn mà Giám đốc Kim vấp phải. Chỉ còn 1 năm nữa Hội đồng nhân dân Thành phố sẽ họp. Có thể ông sẽ mất chức Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố thường mơ. Đành phải ủng hộ quyết định của Phó giám đốc chuyên môn – Giám đốc của tương lai: nhận bác sĩ có tài về bệnh viện. Tài đây là Bác sĩ nội trú. Nhưng Bác sĩ nội trú có bằng thì sẽ chọn về các bệnh viện lớn có tiếng của Trung ương. Người chịu về đây chỉ có là Nhân đang đói và có hoàn cảnh vô cùng éo le mà thôi.
*
Hôm gặp mặt và trao quyết định cho Nhân, Giám đốc Kim nói với Nhân rằng: “Bác biết, cháu vốn học chuyên khoa Ngoại. Nhưng bác sĩ trong khoa Ngoại hiện đang đầy nhóc và xếp hàng chờ lên chức theo thứ tự.
Trưởng khoa sắp về hưu, thì Phó khoa có hai người đang tranh giành quyết liệt chức vụ sắp trống. Bốn người rắp ranh ghé chức Phó khoa. Nên tạm thời đầu tiên, cháu cứ sang khoa Nội làm ở Phòng Khám chờ thời cơ thuận tiện là bác sẽ ký cho cháu quay lại Khoa Ngoại làm đúng nghiệp vụ chuyên sâu của mình”.
Nhân đã rưng rưng nước mắt cảm ơn ông vì Nhân lúc này cũng đâu có khác một con bệnh nguy nan đang cần được cứu chữa. Và những lời nói đầy ơn nghĩa kia của ông xứng đáng là của một người thầy học ngành Y, người đã thề Lời thề Hippocratte trước Apollon, vị thần Chữa bệnh – Lời thề thứ Tư: “Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công”.
Vậy mà sao giờ đây lời phân tích, bình luận sắc lẻm, giá buốt của gã Quỳ dường như đã làm cho những lời ân nghĩa ấy trở nên đổi trắng thay đen. Phan Hữu Nhân đã đi làm một cách đầy nhiệt tình và năng nổ. Nhưng ngày qua ngày, việc làm quá nhàn nhã đến không tưởng khiến Nhân dần cảm thấy nhàm chán đến phát ốm. Đã thế cậu lại phát hiện ra việc khuất tất khoa mình đang làm – cũng như những khoa khác trong Viện, phải thường xuyên bịa ra các hồ sơ bệnh nhân ma để kiếm tiền của Bảo hiểm Y tế.
Trong thời gian học trong trường, Nhân đã từng được nghe nhiều đến những chuyện không vui trong ngành Y. Nhưng giờ đây phải đối mặt trực tiếp với thực tế phũ phàng này, cậu mới hiểu người bác sĩ bây giờ phải đối mặt với nhiều cuộc chiến đấu hơn các bác sĩ trong những thời gian xa xưa. Họ không chỉ phải chiến đấu với tử thần để giành giật mạng sống cho bệnh nhân; đối mặt với miếng cơm manh áo của gia đình; mà còn phải chiến đấu với chính cấp trên, với chính đồng nghiệp; với chính ham muốn tư lợi của mình để được sống với lương tâm trong sáng và làm đúng lời thề Hipppocratte khi bước chân vào hành ngành Y.
Nguồn :Truyện ngắn Lời thề Hippocrate thứ tư- Nguyễn Thị Anh Thư