Bài văn hay THPTNGỮ VĂN 10NGỮ VĂN 11NGỮ VĂN 12Những bài văn hay

Có hai rào cản lớn trong số nhiều rào cản khiến con người không thể phát triển là nỗi sợ thất bại và nỗi sợ chỉ trích, phê bình

Hãy chia sẻ một số câu chuyện/dẫn chứng mà em biết để chứng minh nhận định trên.

Có hai rào cản lớn trong số nhiều rào cản khiến con người không thể phát triển là: Nỗi sợ thất bại và nỗi sợ chỉ trích, phê bình.

Nỗi sợ là một điều tự nhiên mà bất kì ai cũng có, nó giống như một cơ chế được thiết lập từ xa xưa để bảo vệ con người tránh khỏi kẻ thù mạnh hơn. Nỗi sợ được cho là một bản năng của con người, tuy nhiên loại bản năng tinh thần này nếu không vượt qua được nó, để nó lấn át cảm xúc tổng thể con người sẽ biến thành rào cản lớn nhất khiến con người không thể phát triển.

Sợ hãi là một trong những cảm xúc mạnh mẽ nhất. Nó có ảnh hưởng rất mạnh đến tinh thần và thể chất của bạn. Nỗi sợ hãi có thể tạo ra những tín hiệu phản ứng mạnh mẽ khi chúng ta gặp trường hợp khẩn cấp. Ví dụ như nếu chúng ta bị hỏa hoạn hoặc đang bị tấn công. Sợ hãi cũng có thể xảy ra khi bạn phải đối mặt với những sự kiện không nguy hiểm, chẳng hạn như kỳ thi, diễn thuyết trước đám đông, một công việc mới, một buổi hẹn hò hoặc thậm chí một bữa tiệc. Đó là một phản ứng tự nhiên đối với một mối đe dọa có thể nhận biết được hoặc có thật. Nhờ nỗi sợ, con người ở trong trạng thái cảnh giác cao nhất, kích hoạt cơ chế phòng vệ của cơ thể để trốn tránh, không chủ quan, biết tự lượng sức mình. Giả dụ như bạn sợ đi qua đường sẽ bị xe nào khác xô phải khiến bạn gặp nguy hiểm, bạn sẽ quan sát khi qua đường cẩn thận hơn; bạn sợ thi bị điểm kém, thua kém bạn bè, bạn sẽ nỗ lực học tập hơn để ganh đua; bạn sợ tới trường muộn, bạn sẽ có ý thức để dậy sớm hơn; bạn sợ mình sẽ gặp phải kẻ xấu, bạn sẽ không về nhà muộn ….

Con người có rất nhiều loại nỗi sợ, trong đó có nỗi sợ bị chỉ trích, phê bình và nỗi sợ thất bại. Vì sợ bị chỉ trích, phê bình nên nỗi lo sợ càng lớn thì người đó càng hành động thận trọng, rụt rè hơn để không gây ra lỗi lầm hoặc có hành xử “khác người” dẫn tới bị chỉ trích. Vì sợ thất bại nên con người ta hay đắn đo không dám quyết làm lỡ mất nhiều cơ hội phát triển.

Nỗi sợ bị chỉ trích là một trong những nỗi sợ cơ bản thuộc bản chất tự nhiên của con người. Tuy nhiên, một số người có thể sợ hãi quá mức về việc bị phê bình, đánh giá dẫn đến nhiều phiền toái trong công việc cũng như cuộc sống.

Khi người mang nỗi sợ chỉ trích, bị phê bình ở mức độ nhẹ, có một điểm tốt do nỗi sợ này mang lại là người ta sẽ bớt phóng túng, bớt làm ra những hành vi quá ồn ào, quá khác lạ so với những chuẩn mực xã hội đem lại như ăn mặc thiếu vải ở nơi trường học, diện đẹp đi đám ma hay bù xù tóc tai khóc lóc dự đám cưới. Khi bạn có hành xử khác lạ quá đỗi nhữ vậy sẽ dẫn tới những chỉ trích phê bình để bạn quay lại chuẩn mực xã hội cho đúng đắn. Xa hơn nữa là hành vi bạo lực, thờ ơ với người gặp tai nạn, người cần giúp đỡ, khi bạn vi phạm những quy tắc do cộng đồng đề ra bạn cũng sẽ phải đối mặt với chỉ trích, phê bình. Điều dễ gặp nhất là bạn vi phạm nội quy nhà trường, mặc quần áo không đúng quy định về đồng phục, nhuộm tóc …. Trường học và cộng đồng thường có những quy định chung để tất cả công dân thực hiện theo, và cũng nhờ nỗi sợ bị chỉ trích đó mà bạn sẽ bớt phóng túng bản thân, nỗ lực hoạt động tốt, phấn đấu mình theo hướng tốt hơn. Bất kì mô hình xã hội nào cũng có những tấm gương (trái ngược với người bị chỉ trích phê bình) là tấm gương người tốt việc tốt để làm hình mẫu cho mọi công dân noi theo như người có sự thông minh cao , nỗ lực trong học tập đem lại giải thưởng về nghiên cứu khoa học, người nỗ lực trong lao động đem lại giải pháp nâng cao kinh tế cho mọi người, gương người làm việc cứu người… Những sự khen thưởng – phê bình luôn thay phiên nhau diễn ra để tất cả chúng ta đi đúng hướng, tạo nên xã hội tốt đẹp, văn minh.

Tuy nhiên, nếu nỗi sợ bị chỉ trích phê bình trở thành nỗi ám ảnh tâm trí bạn, nó có thể biến thành mũi dao nhọn chĩa về phía bạn, khiến bạn bị thương. Bạn biết rằng việc đắn đo quá nhiều khi làm việc gì đó sẽ khiến bạn không thể phát triển, cuộc sống của bạn sẽ chỉ tệ hơn, rơi vào bước lẩn quẩn. Bạn muốn bộc lộ cá tính của bản thân nhưng lại sợ rằng điều ấy có thể bị chỉ trích; Bạn học trong lớp nhưng trước câu hỏi “Các em đã hiểu bài chưa?” tất cả mọi người đều nói “Có” và bạn nhận ra chỉ mình bạn không hiểu, bạn sợ bị mọi người chê là kém cỏi, bạn giấu mình đi. Bạn sợ  rằng mình nêu ý kiến khác biệt với số đông sẽ bị mọi người chỉ trích, cá tính của bạn sẽ theo đó bị mài mòn, mất dần. Và sau đó, bạn trở thành con người chỉ biết sống vì người khác. Nỗi sợ sẽ hủy hoại luôn cuộc đời các em nếu như đó thuộc về vấn đề giới tính thực và chọn nghề. Sợ người ta chỉ trích khi bản thân mình là người thuộc giới tính thứ ba, sợ chỉ trích khi ba mẹ đã vạch sẵn con đường để tương lai sáng sủa, sẵn công ăn việc làm tốt nhưng bản thân mình lại thích một công việc “chẳng có tí tương lai nào”. Nếu, chỉ vì nỗi sợ hãi mà bản thân mình không thể vượt qua, thì chính bạn sẽ mãi sống trong cái bóng của người khác mà thôi.

Xem thêm bài nghị luận xã hội hay nhất trên Văn học trẻ: 

Có hai rào cản lớn trong số nhiều rào cản khiến con người không thể phát triển là nỗi sợ thất bại và nỗi sợ chỉ trích, phê bình Có hai rào cản lớn trong số nhiều rào cản khiến con người không thể phát triển là nỗi sợ thất bại và nỗi sợ chỉ trích, phê bình
Có hai rào cản lớn trong số nhiều rào cản khiến con người không thể phát triển là nỗi sợ thất bại và nỗi sợ chỉ trích, phê bình

Nỗi sợ thất bại là nỗi sợ thường trú trong con người nhưng chính chúng ta lại ít nhận ra nó hơn. Nếu nỗi sợ bị chỉ trích, phê  bình có yếu tố bên ngoài tác động phần nhiều, dẫn dắt việc làm, hành động của chúng ta thì nỗi sợ thất bại lại hoàn toàn do chính chúng ta. Nó tồn tại đơn giản nhất là khi chúng ta muốn xin bố mẹ một việc gì đó như xin đi chơi, xin tiền tiêu vặt nhưng lại tự nhủ rằng: Chắc bố mẹ mình không cho đâu, và tự rút lui trước khi hành động thực xảy ra. Đó chính là sợ thất bại. Nó tới một phần từ phán đoán của chúng ta về tính cách, thói quen của bố mẹ, và cũng như bao nỗi sợ khác, nó vẫn có một mặt tích cực, đó chính là hạn chế rủi ro, thất bại xảy tới với chúng ta. Giả dụ như chúng ta xin đi chơi, lúc ấy đã muộn rồi, phán đoán thất bại sẽ giúp chúng ta thoát một trận “giáo huấn, mắng nhiếc” từ phía phụ huynh. Hoặc là xin tiền tiêu vì lí do không chính đáng cũng thế. Tuy nhiên, khi nỗi lo sợ này chi phối tới phán đoán của chúng ta quá nhiều sẽ dẫn tới cản trở phát triển của chúng ta.

Không tự dưng mà người xưa có câu “Thất bại là mẹ thành công”, cần phải thất bại chúng ta mới rút ra được những bài học, kinh nghiệm cho những lần hành động tiếp theo. Nếu như các cuộc khởi nghĩa, các cuộc cách mạng chống lại áp bức mà mỗi người trong số họ đều sợ thất bại (mà thất bại của họ phải trả giá bằng máu của bản thân, đồng đội và gia đình mình) thì sẽ không bao giờ có ngày tự do và độc lập. Với chúng ta, không nói những điều cao cả như trên, thì sau mỗi lần điểm kém, thậm chí bét lớp, thi trượt môn, nếu không cố gắng để học, mà suy nghĩ mình sẽ thất bại, mình học dốt, có học cũng không thể khá hơn được thì sẽ chẳng bao giờ chúng ta biết được khả năng mình có thể tới đâu. Nếu chúng ta không dũng cảm bày tỏ với cô bạn xinh đẹp giỏi giang mình thích mà luôn suy nghĩ: người tốt đẹp như cô ấy chắc chắn sẽ từ chối chúng ta, sẽ chẳng bao giờ chúng ta đạt được tình yêu đẹp của thời học sinh.

Tôi có một người bạn như vậy, gia đình bạn thuộc kiểu “cơ cấu”, bố mẹ, ông bà, cô dì chú bác thậm chí các anh chị họ không làm giáo viên cũng là công an. Nhưng bạn ấy lại thích làm làm một tiktoker thời trang. Bạn biết đấy, cái nghề mà thậm chí nó còn chưa được công nhận là một nghề thực sự, đầy may rủi trong tương lai thì lời khuyên thi vào trường An ninh/Sư phạm có vẻ đáng tin cậy và có tương lai hơn nhiều. Gia đình hết sức thuyết phục bạn ấy và dè bỉu rằng nếu bạn chọn điều mà bạn thích, có thể sẽ khiến bạn cả đời chẳng làm nên trò trống gì. Với bạn ấy, và cả với tôi, cũng có thể là các bạn cũng sẽ cảm thấy gia đình bạn ấy nói đúng. Nếu bạn sợ hãi với tương lai của bạn mà bỏ quên ước mơ, có thể sẽ khiến bạn sau này làm việc chẳng khác cái máy. Nhưng ước mơ của bạn lại đầy rủi ro, tỷ lệ thất bại và khiến người bạn yêu thương lo lắng cho bạn, thì nếu chọn nó cũng khó khăn. Cuối cùng, bạn ấy đã quyết định thi vào ngành thời trang, vừa bổ sung kiến thức khiến những điều viển vông kéo lại gần hơn với thực tế.

Tôi không khuyên bạn đánh đổi, bất chấp lời dị nghị để bạn làm theo ý mình. Bởi chúng ta còn nhỏ, nhiều vấn đề chưa nhìn thấy đáo, kiến thức vẫn còn hạn hẹp lắm so với những gì mênh mông ngoài kia. Chúng ta vừa phải biết lắng nghe, vừa phải biết giữ chính kiến, quan điểm cá nhân. Và để biết quan điểm của mình không phải là cố chấp, sai lệch, mỗi người chúng ta càng phải trau dồi kiến thức, học – hỏi nhiều hơn để ngày càng tự tin và đối diện với những chỉ trích, phê bình một cách dũng cảm nhất. Và kiến thức vững vàng cũng khiến chúng ta không còn sợ thất bại bởi chúng ta thừa sức có thể vượt qua nó.

Nỗi sợ hãi ai cũng có, nó vừa có điểm tốt và vừa có điểm xấu. Có hai rào cản lớn trong số nhiều rào cản khiến con người không thể phát triển là nỗi sợ thất bại và nỗi sợ chỉ trích, phê bình – Chúng ta cần trau dồi kiến thức nhiều hơn để chế ngự những nỗi sợ ấy, để chúng không còn trở thành rào cản của cuộc đời. Bởi chỉ có kiến thức, tự tin, hiểu biết về thế giới và biết về chính mình mới giúp chúng ta chiến thắng được tất cả.

 

Tags

Related Articles

1 thought on “Có hai rào cản lớn trong số nhiều rào cản khiến con người không thể phát triển là nỗi sợ thất bại và nỗi sợ chỉ trích, phê bình”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close