THƠ CA

Cau trầu và Hóng gió

Cau trầu

Chiều nao tôi mới giâm trầu
Sáng ra anh đã trồng cau thành hàng
Hẹn ngày trầu tốt lá vàng
Buồng cau bên ấy đem sang bên này

Qua bao tháng rộng năm dài
Dày công vun tưới cau trầu tốt tươi.
Ai ngờ đâu được lòng người
Kim cương trước mắt vàng mười tuột ra…

Vậy là thôi hết tình ta!
Vậy là thôi hết vào ra ngóng chờ!
Xưa kia đâu có nào ngờ
Tình anh giếng thẳm bây giờ cơi nong.

Tức mình non dạ nhẹ lòng!
Thương mình xây mộng giờ đong lấy sầu!
Cau kia còn quyến luyến trầu
Sao người nỡ vội quên câu đá vàng?

 

Bài thơ Cơi trầu, lá trầu - Hoa Phù Sa Cau trầu và Hóng gió
Bài thơ Cau trầu – Thường Duy

Hóng gió

Cái hôm anh cưới người ta
Tôi đi hóng gió vào, ra, chục lần
Trong nhà yên ắng ngoài sân
Dây trầu khô héo, lá trầu héo khô
Một vì sao lẻ bơ vơ
chơ vơ kiếm bạn
bất ngờ…
luống công!
Ở đâu một ngọn gió Đông[ii]
Đưa từ bên đó chút hương cau thừa…

Tác giả Thường Duy

Chú thích của tác giả:

[i] Đong lấy sầu: Lấy ý từ câu ca dao “Thà rằng chẳng biết cho xong/ Biết ra như súc như đong lấy sầu”.

[ii] Gió Đông: ngọn gió mùa xuân. Theo quan niệm của người Trung Hoa xưa, Gió Đông là ngọn gió mang lại sự sống, hy vọng, niềm khát khao hạnh phúc.

Xem thêm bài viết hay trên Văn học trẻ:

Bàn luận của BTV về bài thơ:

1.Cau trầu vốn là biểu tượng tình yêu đôi lứa quấn quýt với nhau từ xưa, tác giả cũng dùng biểu tượng này qua hành động ‘giâm trầu’, ‘trồng cau’ diễn tả hành vi vun vén tình yêu, hứa hẹn chuyện trăm năm

Hẹn ngày trầu tốt lá vàng
Buồng cau bên ấy đem sang bên này

Ấy vậy mà khi tình nàng đã bén rễ tốt tươi, vật làm chứng còn đó mà người thì “thôi hết tình ta”. Những câu ca cao rất quen thuộc được tác giả biến đổi khéo léo thành một ý khác làm mới những ám chỉ thường thấy của nó, dùng rượu cũ mà hương vị mới mẻ, đó là “Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu’, vẫn giếng đấy, cơi nong đấy lại biến thành “Tình anh giếng thẳm bây giờ cơi nong”, từ so sánh giữa suy nghĩ giữa đàn ông đàn bà kẻ sâu sắc người nông nổi giờ để ám chỉ tình cảm của người thương dành cho mình trước sâu đậm bao nhiêu giờ hời hợt bấy nhiêu. Cô gái cũng chỉ biết đau đớn mà trách mình quá tin vào lời thề thốt, quá yêu chẳng thể thu tình.

 

Bài thơ “Cau trầu” cũng dường như phần diễn biến trong quá khứ để hiểu thấu đáo bài thơ thứ hai hơn.

 

2. “hương cau thừa” có lẽ là từ đắt giá nhất trong bài thơ “Hóng gió” của Thường Duy. Nhiều gợi ý được đưa ra so sánh trái ngược tình cảnh giữa 2 bên: bên kia – bên này. Bên kia nhà anh cưới vợ cười nói náo nhiệt bao nhiêu, bên này lại yên ắng bấy nhiêu. Bên kia cau tươi, trầu đầy, bên này héo khô. Anh đang rất vui còn em – trái lại, hẫng hụt, chán chường. Chút hương cau thừa theo gió mà tới như một sự bố thí, càng làm tăng thêm nỗi ê chề, nghe mới chua chát làm sao.  

Cả hai bài thơ của Thường Duy: Cau trầu – Hóng gió đều khiến cho bạn đọc dễ gần, dễ cảm, quen mà lạ, lạ mà quen.

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close