1. Cơi trầu
Tay cầm lại chiếc cơi trầu
Nhớ người mải ngủ khiến cau úa vàng
Từ ngày lá rụng về đàng
Nhà tôi neo sẵn lại càng neo hơn
Một nhà có mấy bà – con
Giờ mâm thừa chỗ, chiếc xoong vơi tèo
Chổi rơm cùn ngủn chỏng queo
Bao năm gắng quét chữ nghèo vẫn nguyên
Nhớ chiều mưa đổ bên hiên
Nước dâng mấp mé bậc thềm bà lo
Chúng tôi thích thú tò mò
Bà kêu khản giọng vào cho tôi nhờ
Bao năm mưa vẫn bất ngờ
Hết đêm nắng lại vung cờ bùng lên
Cơ mà mãi chẳng thể quên
Bóng người thương nhớ bên thềm chải mây
Cơi trầu bỏ trống lâu nay
Bà ơi tỉnh giấc trầu cay lắm rồi.
2. Lá trầu
Chim từng đàn ríu rít trên rừng trúc
Em cùng anh hì hục hái trầu không
Những lá trầu đẹp tựa trái tim lồng
Nhặt một lá anh bỏ vào túi ngực
Nhìn anh cười làm tim em thổn thức
Đập loạn lên trong lồng ngực nhỏ xinh
Mắt anh đen có lực hút vô hình
Làm cho em nguyện tình ngây ngất nhớ
Những lá trầu xếp lên như nhắc nhở
Lễ vu quy đã đến ở rất gần
Anh bưng trầu và cau bước vào sân
Em thướt tha trong áo tân thời đỏ
Kể từ nay sẽ chẳng còn xa ngõ
Vì bên anh đã có một bóng hình
Và lá trầu vẫn mãi đẹp, mãi xinh
Luôn chốt lại những mối tình đằm thắm.
Xem thêm:
Lời bàn:
1. Cơi trầu – bài thơ về kỉ niệm ấu thơ và tình cảm nhớ nhung, luyến tiếc dành cho người bà đã khuất. Ngôn từ bài thơ dung dị, thân quen, thể thơ lục bát gần gũi, dễ đi vào lòng người. Tất cả đã cộng gộp để tạo nên một bài thơ hay, khơi gợi trong lòng những cảm xúc về người bà mến yêu.
2. Lá trầu – Bài thơ về tình yêu lứa đôi đặc sắc của Hoa Phù Sa
Những lá trầu đẹp tựa trái tim lồng – từ vẻ ngoài giống hình tượng trưng cho trái tim thường thấy. Tác giả đã rất khéo léo vẽ cảnh đôi lứa cùng hái lá trầu chuẩn bị cho đám cưới. Hành động tình tứ, lãng mạn: Nhặt một lá anh bỏ vào túi ngực/ Nhìn anh cười làm tim em thổn thức, phác họa đôi lứa đưa tình làm bất cứ ai đọc những vần thơ lên đều thấy ngọt ngào, vui vẻ.
Và lá trầu vẫn mãi đẹp, mãi xinh
Luôn chốt lại những mối tình đằm thắm.
Lá trầu luôn chiếm một vai trò quan trọng trong văn hóa Việt Nam, người ta dùng trầu để têm miếng trầu nhau, dùng trầu làm lá nấu tắm gội, hơ sài. Ngày nay, trong thường ngày đã ít dùng lá trầu hơn, nhưng ở những đám cưới hỏi, hình ảnh trầu – cau sánh đôi theo sự tích cổ xưa của người Việt tượng trưng cho keo sơn gắn bó lứa đôi là thứ không thể thiếu. Do vậy, khi nhắc tới lá trầu, là nhắc tới đám cưới hỏi, một cái kết của cuộc tình trọn vẹn.
Nét truyền thống trong thường nhật của đôi lứa yêu nhau và đám cưới hỏi in đậm nét văn hóa Việt Nam đã được Hoa Phù Sa đưa vào trong bài thơ hết sức tinh tế.
Cơi trầu, lá trầu – dù là vật gắn bó yêu thương với lớp người đi trước hay là tượng trưng cho cái kết viên mãn của lứa đôi, đều được Hoa Phù Sa thể hiện rất hay và duyên dáng.