TRUYỆN NGẮN
Lời con trẻ
Chị nhìn con, nó đang chăm chú ngồi học. Nó đặt chiếc thước kẻ lên tờ giấy trắng, rồi nghiêng đầu gạch một đường thẳng dài. Gạch xong, tay vẫn cầm thước kẻ, nó quay ra nói gọn lỏn: “Mẹ giấu con”.
Truyện ngắn Lời con trẻ
Chị Vân thò tay vào trong chiếc túi vải đếm tiền. Đếm lúng nha lúng nhúng, không giống kiểu đếm tiền của nhân viên ngân hàng, đếm tanh tách, đếm như múa, như biểu diễn nghệ thuật. Không giống mấy ông đếm tiền lương hưu, cứ tỷ ma tỷ mẩn, đếm đi đếm lại, rồi còn giơ lên trời soi soi vuốt vuốt. Chị vừa đếm vừa chọn những đồng tiền mới, cho vào chiếc phong bì, để sẵn trong túi.
Đang đếm tiền thì chiếc đài bên hàng xóm vang lên “…Không biết em nhận được gì/ Ta giấu nhau lần cuối…”. Bài hát không liên quan đến tiền, nhưng lại có câu “…Ta giấu nhau lần cuối”, làm chị ngại không đếm nữa. Con gái chị – cháu Ngân – đang ngồi học, nó quay lưng lại phía chị. Chị nhìn con ái ngại. Chiếc áo cũ đã sờn vai. Chị muốn mua cho con chiếc áo mới, nhưng chưa có tiền.
Truyện ngắn Lời con trẻ
Đến lúc này, chị mới ngộ ra rằng, kiếm tiền là thứ khó nhất, khó hơn cả kiếm một tấm chồng. Đồng tiền như ảo ảnh, chạy theo nó, đuổi bắt nó sao khó nhọc, càng chạy, nó càng rời xa tít tắp, có khi sắp gục ngã mà hai tay vẫn chơi vơi. Câu hát “…Ta giấu nhau lần cuối…” làm chị thừ mặt. Chị đặt chiếc túi sang mép giường, ngồi ôm gối nhìn quanh.
Căn phòng bé tý tẹo, chiếc giường chỉ đủ hai mẹ con nằm. Chồng chị, buổi tối nằm trên mảnh gỗ đặt dưới đất, ban ngày mảnh gỗ dựng lên để sát tường. Chị nhìn con, nó đang chăm chú ngồi học. Nó đặt chiếc thước kẻ lên tờ giấy trắng, rồi nghiêng đầu gạch một đường thẳng dài. Gạch xong, tay vẫn cầm thước kẻ, nó quay ra nói gọn lỏn: “Mẹ giấu con”.
Nó nói, như nói vào khoảng trống, như chơi chơi, chả có mục đích gì, nhưng chị giật mình, rút vội tay ra khỏi chiếc túi, ngồi chết lặng. Nói xong, Ngân lại chăm chú vào bài học, như không có chuyện gì xảy ra. Đúng là chị đã giấu con. Chị không muốn cho con biết, hàng tháng có khoản tiền chị dành biếu bố mẹ.
Chồng chị làm bảo vệ cho một cơ quan xây dựng. Trông tướng mạo thì ghê gớm lắm, “quân hàm”, “quân hiệu” trên vai, cũng sao cũng gạch, mũ kê pi hẳn hoi. Chị không biết cấp bậc gì, nhưng đồng lương ba cọc ba đồng, lương soẳn củ tỏi, không có lộc rơi lộc vãi, nên chả thấm tháp gì. Chị là công nhân, nhưng về 176, lĩnh “một cục”.
Bây giờ chị bán bánh giò ngoài công viên. Lúc đầu chỉ bánh giò thôi, sau phát triển thêm bánh nếp, giò lụa. Giò lụa đi với bánh nếp thì không hợp, nhưng cũng có người mua. Những người đi tập ngoài công viên, cứ đưa tiền trước, họ đi một vòng hồ, khi quay về mới lấy bánh. Chị đóng 8 cái đinh quanh gốc xà cừ. Túi ni lông treo lủng lẳng. Túi thì bánh giò, túi bánh nếp, túi của ông A, túi của bà B…
Những lúc rảnh rỗi, chị nhìn ra hồ. Những con thiên nga trắng phau bằng gỗ, nhẹ trôi trên mặt nước, thấp thoáng bóng người ngồi trên, họ đạp những vòng quay thư giãn. Họ thuê để đi du ngoạn trên hồ, tiền thuê tính theo giờ.
Chị ao ước, khi nào có tiền, mẹ con chị sẽ thuê một giờ đi vãn cảnh, nhưng đấy chỉ là ước mơ xa vời. Chị nhìn những người đi bộ trong công viên, họ diễu qua mặt chị, bao nhiêu là cung bậc. Chị thấy ngồ ngộ với kiểu đi của những người đau khớp, nó đối lập với kiểu đi duyên dáng của mấy cô áo quần là lượt, ô che thấp thoáng kiêu sa. Chưa bao giờ chị được đi một vòng hồ như họ. Trước mắt chị, những chùm liễu ven hồ cứ là xuống mặt nước buông câu, đôi khi chị nghe cả tiếng chim mách lẻo tỏ mờ…
Có lần chị bảo chồng: “Lãi lời mấy chiếc bánh, với đồng lương của anh, co phía này hở phía kia”. Chồng chị an ủi: “Thì cố mà co kéo…”. Chị bảo: “Còn tiền biếu bố mẹ hàng tháng?”. Chồng chị thở dài, chị cũng nẫu gan, nẫu ruột. Bố mẹ chị, chứ không phải bố mẹ chồng. Bố mẹ chồng mất đã lâu, anh em mỗi người một phận. Mỗi tháng chị biếu bố mẹ mình 500.000đ.
Biếu được 7 năm, bằng nửa số tuổi con gái chị. Nhiều khi không có tiền, thấy bạn bè của con quần áo mới, giầy dép đẹp, chị mủi lòng mủi dạ. Nhưng phận nghèo, như chiếc ống, gió thổi từ bên này sang bên kia rỗng ruột. Bán hàng xong, chị gắng gượng để ra chút ít, tích trữ lại, đúng kỳ lĩnh lương, chị mang đến biếu bố mẹ, vừa đưa tiền, chị vừa bảo: “Lương hưu của bố mẹ đây, con lĩnh hộ” chị nghĩ ra cách biếu bố mẹ chẳng giống ai.
Thấy con quay đi, chị lại thò tay vào chiếc túi, vê vê nắn nắn, những đồng tiền không cùng mệnh giá. Đồng thì vê tròn xoắn lại, đồng thì gấp nếp. Chị vừa đếm tiền vừa để ý đến con. Nó ngồi rất gần, nhưng đang cúi xuống, đặt chiếc compa lên tờ giấy trắng quay quay. Biết là con đang bận học, chị cầm chiếc phong bì, định giơ lên đếm lại, thì bất ngờ, con chị nói rõ to: “Con biết thừa đi rồi”.
Chị giật bắn mình, không kịp rút tay ra khỏi túi. May mà đứa con không quay lại. Nó vẫn chúi đầu vào trang sách. Chị khẽ để chiếc túi sang bên cạnh ngồi thở. Tay chị run lên, chiếc túi cũng run lên. Chị phải kẹp hai tay vào đùi. Trời lạnh mà mồ hôi vã ra.
Chị ôm lấy ngực, nghe tiếng tim rã rời. Trái tim đã mỏi nhưng vẫn cố gồng lên, gánh hai đầu ấm lạnh. Thương bố mẹ, thương con, thương mình… May mà con chị là đứa trẻ ngoan, nếu không chị đã gục ngã. Nhưng hôm nay, nó đã lớn hơn chị nghĩ.
Câu nói: “Con biết thừa đi rồi” làm chị run sợ, sợ vẩn vơ, nỗi sợ không rõ hình hài, không rõ trắng đen. Nó biết thừa những gì? Chị chỉ quen mấy người đi tập ngoài công viên, khi họ mua bánh. Quen, chỉ là quen mặt thôi, chứ đã ai biết tên biết tuổi? “Hay nó biết mình dành tiền biếu bố mẹ…?”.
Chị nghĩ vậy, tự nhiên thấy đau ở ngực. Chị dùng tay xoa nhẹ vùng tim. Trái tim rời rã, yếu mềm, gánh hai đầu hai nỗi chông chênh. Dành cho bố mẹ thì mất phần con. Dành cho con thì mất phần bố mẹ. Đồng lãi còm cõi mỗi ngày, chị đặt lên chiếc cân, chiếc cân chao đảo, nghiêng bên này, lại ngả bên kia. Dẫu bên nào đi nữa, cũng nghiêng vào muôn nỗi ưu tư.
Buổi tối, khi con sang nhà bạn, chị đắn đo mãi, rồi bảo chồng: “Con nó bảo biết thừa đi rồi, em khó nghĩ quá. Nếu con nó biết, em chỉ quan tâm đến bố mẹ…”. Nói rồi, chị lặng đi, bờ mi ngân ngấn nước. Chồng chị cầm bàn tay lạnh giá của vợ, dỗ dành: “Đừng ngại. Em tâm tình với con, để nó hiểu…”. Chị lắc đầu: “Nói với con… thì em khóc mất anh ơi”.
Có tiếng chân bước ngoài thềm. Chồng chị tụt khỏi giường, cầm mảnh gỗ đặt xuống đất, rồi trải chiếu lên. Ngân từ cửa bước vào, tay cầm túi sách đặt lên bàn rồi chào bố mẹ. Chị Vân chấm vội nước mắt, nói với con, giọng ngọt ngào: “Mẹ chào con, ngồi vào đây với mẹ cho ấm”. Chị đưa mắt cho chồng, muốn chồng ra ngoài, để nhân cơ hội này, chị tỷ tê với con, nhưng cục nghẹn đã chèn vào cổ, thành ra chị lại bảo: “Anh xem này, tay con đỏ lên vì rét”. Chị đã sai lầm, khơi vào nỗi tủi của con, nỗi đau thân phận của chị. Chồng chị cầm tay con, rồi lại sai lầm tiếp: “Giá có tiền, mua thêm chiếc áo…”. Con chị rụt tay lại, thủ vào đùi, rồi nằm co quắp xuống giường. Động tác rụt tay lại, làm chị hiểu là nó dỗi hờn. Chị nằm xuống bên con, nuốt vào lòng nỗi đau ứ nghẹn.
Ngoài hiên, con thạch sùng cứ búng vào đêm những nhát buồn lành lạnh. Có tiếng lá mơ hồ quệt vào tường, làm gợn lên mùi ngai ngái của rêu mốc. Chị muốn vỗ về con mà không biết bắt đầu từ đâu. Trên mảnh gỗ, chồng chị đang giả vờ ngủ. Chị muốn chồng ngủ thật để chị thì thầm với con. Nếu chị có khóc thì chồng cũng không biết. Chị thương anh theo kiểu riêng của mình. Chị sờ tay lên trán con, trán lạnh trong nỗi rét. Chị ước ao có chiếc khăng quàng để quàng cho con, quàng cả nỗi đời ấm lạnh.
Có tiếng chuông chùa rơi vào tịch mịch. Chị nghe cả tiếng tim mình. Con chị quay lại, rúc đầu vào ngực chị, làm chị sợ mơ hồ. Chị cắn vào môi, nuốt nghẹn đợi chờ. Chờ cơn dỗi hờn, trách móc. Chị thấy vài giọt nước âm ấm rơi ở cổ. Con chị khóc. Lúc này chị mới thật sự nhận vào nỗi đau có thật. Chị cũng khóc, nhưng cố ghìm tiếng nấc, để chồng không nghe thấy.
Tự nhiên chị thấy cô đơn, cô đơn chỉ có một mình. Bỗng chị nghe thấy tiếng con nói trong hơi thở gấp gáp: “Mẹ biếu tiền ông bà đúng không?”. Chị như chết lặng, như kẻ cắp bị bắt quả tang, như người bị hỏi cung, như đang trong bóng đêm bị lôi ra giữa thanh thiên bạch nhật, tay chị run lên lập cập, thì lại nghe một câu nữa, như…tiếng sét: “Mẹ biếu tiền ông bà, mẹ giấu con, đúng không?”.
Nghe xong, chị suýt gục xuống. Cùng một lúc, chị nhận vào mình hai nỗi đau: Chị có đứa con suy bì tỵ nạnh. Trong mắt con, chị là người mẹ hẹp hòi. Cả hai nỗi đau bây giờ mới vò xé chị. Còn nỗi đau nào nữa không? Chị quệt nước mắt chờ đợi…
Chợt chị nghe thấy tiếng con: “Lớn lên, đi làm có tiền…”. Ôi lại chuyện tiền bạc. Sao cứ nói đến tiền, người chị lại mềm nhũn ra như không có khung đỡ. “lúc nào cũng tiền, mới tý tuổi đầu mà đã tiền với bạc…”, chị nghĩ thế về con mà ứ nghẹn. Nhưng khi nghe tiếp lời con thủ thỉ: “ … Con cũng biếu bố mẹ”. Chị òa lên khóc. Khóc như chưa hề được khóc.
Người ta bảo, có vị ngọt nước mắt. Phải chăng vị ngọt là đây? Chị ôm chặt lấy con, như ôm báu vật đời mình, rồi cuống quýt gọi chồng: “Anh ơi, dậy đi. Con nó bảo: Sau này đi làm có tiền… – Chị nấc lên hai ba nhát, mới nói tiếp được -…con cũng biếu bố mẹ”. Chồng chị vùng dậy, nhảy lên giường, ôm cả hai mẹ con, trong nước mắt.
Truyện ngắn Lời con trẻ của Bùi Nguyên Ngọc