TRUYỆN NGẮN

Bi kịch đời người

Thế rồi hắn lên đường. Thời kỳ đầu hắn thư cho nàng đều đặn tháng một lá. Đến đầu năm thứ hai giảm xuống theo đồ thị quí: 3 tháng một lá. Sang năm thứ ba, mật độ thư chỉ còn lại vài lá trước và sau Tết cổ truyền dân tộc.

Truyện ngắn Bi kịch đời người

Bố mẹ của nàng và bố mẹ hắn là dân trí thức thời thuộc Pháp, đều đã ngoài 80 tuổi. Có điểm khác biệt: hắn, Võ Minh Dương là người nối dõi duy nhất của dòng họ Võ ở Bát Tràng, trong khi nàng, Hồ Hương Lan còn có cậu em trai vừa tròn 15 tuổi.

Nàng và hắn học cùng nhau thời phổ thông, cái thời xưng hô “tao”, “mày” theo nếp thị thành. Lên đại học, nàng vào Khoa Sử còn hắn vào Khoa Tiếng Anh. Nàng và hắn xưng hô “cậu”, “tớ” chỉ được năm đầu. Vào năm thứ hai, lối xưng hô chuyển dần sang “Lan”, “Dương”. Bước vào năm thứ ba, sau nụ hôn đầu trong chuyến du ngoạn Bờ Hồ, nàng và hắn âu yếm gọi “em”, “anh”, mở đầu cho mối tình có bề dày năm tháng.

Ra trường, nàng dạy Trường cấp ba Đống Đa. Hắn dạy Trường cấp ba Kim Liên. Sau bốn năm sống tận hưởng cuộc đời chồng, vợ, nàng và hắn cho ra đời hai cô công chúa đẹp như tranh vẽ của xứ Tàu. Bố mẹ hắn hơi buồn vì chưa có cháu đích tôn nối dõi nhưng khá hài lòng vì cô con dâu hiền thục nết na. Bố mẹ thân sinh lo cho nàng nhưng tự hào vì chàng rể sống mẫu mực và chu đáo.

Với đồng lương còm của nàng và hắn, phải nuôi hai con và hai bố mẹ già chỉ có ít đồng tiền trợ cấp của nhà nước, cuộc sống của nàng và hắn tất tả sớm hôm nhọc nhằn không thể nói hết. Một hôm, hắn đóng kín phòng ngủ của hai vợ chồng, thầm thì nói với nàng, mắt rớm lệ: “Em này, anh muốn bàn với em một việc quan trọng. Việc này anh đã nghĩ suốt cả tháng nay.

Cân đo đong đếm kỹ lưỡng giữa cái được và cái mất. Trong hoàn cảnh hai gia đình ta, anh thấy cái được lớn hơn nên muốn bàn với em và mong em ủng hộ”. Thấy hắn có vẻ lo âu, nàng đưa bàn tay nhỏ xinh vuốt nhẹ lên mái tóc dày đen của hắn và giục: “Anh có gì cứ nói đi. Em luôn ủng hộ anh mà”. “Anh tính – hắn thủ thỉ với giọng đầy tâm trạng – Anh có đứa bạn làm bên bộ phận xuất khẩu lao động. Nó dành cho anh một suất đi Ba Lan hay lắm. Anh định đi một chuyến để vực kinh tế gia đình lên. Nhưng anh lo em ở nhà phải gánh vác trách nhiệm gia đình quá lớn. Anh muốn xin ý kiến của riêng em thế nào”.

Nàng thoáng giật mình vì quá bất ngờ nhưng kịp trấn tĩnh lại. Nàng biết, hắn là người thận trọng. Điều hắn nói, chắc chắn hắn đã phải trăn trở ngày đêm. Nàng nhìn hắn âu yếm động viên: “Em biết anh đã suy nghĩ thấu đáo về chuyện này. Nếu anh thấy đó là chuyện nên làm thì em ủng hộ. Anh khỏi lo chuyện ở nhà. Em là vợ đảm của anh mà. Anh hãy tin là em sẽ thu xếp được”.

Không nói một lời, hắn nhào đến, ôm nàng vào lòng, để hai giòng nước mắt cứ như kim đâm lên hai bờ vai mảnh mai của nàng đang run rẩy. Nói thì nói vậy, chứ thiếu hắn, nàng sẽ biết làm thế nào để nuôi đủ hai gia đình và hai con nhỏ đang bước vào tuổi đến trường. Nàng lo đến thót tim.

Thế rồi hắn lên đường. Thời kỳ đầu hắn thư cho nàng đều đặn tháng một lá. Đến đầu năm thứ hai giảm xuống theo đồ thị quí: 3 tháng một lá. Sang năm thứ ba, mật độ thư chỉ còn lại vài lá trước và sau Tết cổ truyền dân tộc.

Rồi hắn mất hút trong những năm tiếp theo. Bố mẹ hắn lo đến phát ốm. Nàng thì khỏi phải nói. Công việc nhà, cơ quan cuốn nàng đi, quần quật suốt ngày đêm vẫn không làm nàng nguôi ngoai. Nàng gầy như xác ve. Nàng luôn lo lắng cho hắn. Nàng thư cho hắn liên tục nhưng không có hồi âm. Nàng lo sợ ở bên đó hắn ốm đau hay gặp bất trắc. Nàng biết, ở các nước Đông Âu, nhất là Ba Lan, nạn cướp bóc, trấn lột, giết người Việt diễn ra liên miên. Bố mẹ hắn như ngồi trên đống than, cứ giục nàng sang đó xem sao, nhưng nàng làm sao đi được.

Cuộc sống cứ ào ạt trôi đi. Nàng phải xẻ thân ra làm nhiều mảnh để lo cho hai gia đình vượt qua khó khăn. Bắt đầu từ cuối năm thứ ba, hắn mất tăm không thư, không gửi tiền về cho bố mẹ, vợ con. Bố mẹ hai bên đã phải bán tất cả các đồ quí do tổ tiên lưu lại để phụ giúp nàng.

Trong lúc đó, ở Ba Lan, chàng trai phố cổ đi từ ngỡ ngàng đến vỡ oà… rồi hối hả dấn thân vào guồng quay xã hội mới. Với tư cách là đội trưởng quản lý một nhóm lao động làm công việc xây cất nhà, hắn gặp ả. Ả sang Ba Lan trước hắn một năm. Trong buổi giao lưu giữa hai đoàn Việt Nam ở Thủ đô Vácxava. Hôm đó, ả đứng lên hát bài “Xa khơi” của nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ. Giọng hát du dương, ngọt ngào trái ngược với vóc dáng bốc lửa, được kết lại trong đôi mắt như biết nói khiến trái tim hắn tá hoả. Hắn lao theo ả như con thiêu thân. Mới được hơn một tháng quen nhau, hắn buông lời yêu ả. Cũng nhanh giống như hắn, ả gật đầu mà không cần biết người đàn ông là chồng mình đã có vợ hay chưa.

Rồi hắn cưới ả. Đám cưới gọn, nhẹ chỉ có ít bạn bè tham dự. Đại diện hai gia đình không có ai vì hắn cưới chui. Ở với nhau mới được hơn 7 tháng, ả đẻ non một cậu ấm có vầng trán giống hắn làm hắn sướng ngây ngất. Hắn quí cậu ấm như vàng. Lợi dụng tình yêu có chút cuồng dại ấy, ả biến hắn thành tên đầu sai ngoan ngoãn. Ả yêu cầu hắn giữ im lặng với lý do muốn gây cho người nhà sự bất ngờ khi trở về. Để cắt dứt mọi liên lạc với gia đình vợ con ở nhà, ả vứt tất cả mọi thông tin, nhất là thư của vợ hắn vào sọt rác.

Rồi hắn bị bọn trấn lột đột kích cướp toàn bộ tài sản. Hết kế sinh nhai, hắn bán kiốt ở chợ trời được ít tiền và đưa vợ, con đột ngột trở về. Buổi ra mắt đầu tiên, cô gái trẻ, xinh đẹp, trâng tráo đứng bên cạnh hắn, mặt vênh lên ra vẻ thách thức. Nàng hiểu và đơ ra như người chết đứng. Hắn chỉ vào cô gái trẻ, giọng ấp úng: “Ba… Mẹ… Lan… đây là Huệ, Mai Thu Huệ, vợ hai của con, người Bắc Ninh và đây – chỉ vào đứa bé – là con trai của con, cháu đích tôn của dòng họ Võ sắp được bốn tuổi…”.

Không kịp nghe hắn nói hết câu, nàng đổ gục xuống nền nhà. Hắn lao đến hối hả: “Lan, anh xin lỗi… Nhưng chúng ta đã có con nối dõi rồi mà. Lan, Lan…”. Trong lúc đó, cô gái trẻ trễ môi nhại lại hắn “vợ hai” và liếc mắt về phía Lan, khẽ lắc đầu tỏ vẻ coi thường.

Bi kịch đời người Bi kịch đời người

Bố mẹ hắn không nói gì. Câu “cháu đích tôn của dòng họ Võ” có làm cho ông, bà lặng đi một chút, rồi cơn giận lại bùng lên. Đêm đó, cả nhà hắn căng như thùng thuốc súng. Bố mẹ hắn xỉ vả hắn không tiếc lời. Bố hắn nói: “Mày xem đi, cả xứ này có ai đảm đang, thuỷ chung và khổ sở như vợ mày không? Có ai hiếu thảo, phụng sự bố mẹ chồng tận tâm như vợ mày không? Có ai nuôi dạy con giỏi giang như vợ mày không? Mày không xứng đáng là con tao nữa. Mày cút đi đâu thì đi. Mày cút đi”. Bà tiếp lời: “Con ơi, vợ con siêng năng, nết na và hết lòng vì chồng, con, không dễ có trên đời này đâu con ạ. Sao con lại bạc với vợ con vậy con ơi”. Biết là không thể làm nguôi ngoai cơn giận của bố mẹ và Lan, hắn đưa cô “vợ hai” và con trai ra khách sạn ở phố Hàng Gà ở tạm.

Một tháng sau, nàng gặp bố mẹ hắn, nói trong nước mắt: “Bố mẹ ơi, con không thể làm trọn phận sự của người con dâu của bố mẹ được. Suốt cả tháng nay, con đã suy nghĩ rất kỹ rồi. Con xin bố mẹ cho con đưa hai cháu về nhà bố mẹ con. Đơn ly dị chồng, con đã viết sẵn đây rồi. Mẹ nói anh Dương đưa cô ấy và cháu về ở với bố, mẹ để bố, mẹ có cháu đích tôn nối dõi. Thôi kiếp này, con không có phúc ở với bố mẹ cho đến trọn đời. Con sẽ đền bù bố, mẹ ở kiếp sau”. Bà Dương nước mắt tuôn trào. Bà ôm nàng vào lòng nức nở: “Con ơi, con không đi đâu cả. Con là con gái của bố, mẹ”. Ông Dương tiếp lời bà: “Con cứ ở lại đây. Nhà này là của con. Thằng Dương bất hiếu, bố mẹ không thể tha thứ. Bố mẹ luôn coi con là con gái của bố mẹ mà”. Nàng nức nở: “Con biết bố mẹ thương con lắm, nhưng con không thể tiếp tục làm vợ anh Dương được nữa. Bố mẹ thứ lỗi cho con được toại nguyện nhé”.

Và hôm ấy, nàng đưa hai cô con gái về nhà cha mẹ mình. Ông bà Lan chỉ biết khuyên con gái: “Con à, con cứ ở bên đó. Con không có con trai nối dõi. Con chấp nhận thằng Dương đi. Phận đàn bà nhiều thua thiệt lắm con à”. Em trai nàng, Hồ Thế Dân đang học phổ thông ôm lấy chị liến thoắng: “Chị về đây đi, tiếc gì thằng mất dạy ấy. Chị đừng lo, em sẽ trông hai cháu cho chị”. Lan là cô gái đầy kiêu hãnh. Nàng không thể chấp nhận kiếp chồng chung. Vì thế, nàng không nghe theo lời bố mẹ mà lại nghe theo lời khuyên của cậu em trai. Nàng ở vậy, côi cút lo kiếm tiền nuôi con ăn học.

Sau khi kí vào đơn li dị, ra toà, theo đề nghị của bố mẹ Dương và được Dương đồng ý, việc phân chia tài sản sau khi ông bà qua đời chia làm hai, một nửa cho gia đình mới của Dương và một nửa cho hai con gái của Dương.

Sống mãi ở khách sạn không nổi, hắn về nhà khóc lóc van xin bố mẹ cho được về sống cùng. Ba tháng sau ngày ra toà li dị, nghe theo lời khuyên của Lan, ông bà cho hắn và vợ con về nhà.

Ngay khi về nhà, ả xúi chồng xin được ở phòng của ông bà rộng 15 mét vuông và mời ông bà sang ở căn phòng 10 mét vuông cạnh bếp, với lý do để tiện sinh hoạt. Thương con và cháu đích tôn, ông bà lặng lẽ chấp nhận.

Yên lành được nửa tháng, ả lại gây giông bão bằng cách xúi chồng xin ông bà cho khai thác mặt tiền phố cổ để buôn bán. Thương con không có công ăn việc làm, ông bà nhắm mắt gật đầu.

Bắt đầu từ ngày đó, ả mua đồ về chất đầy nhà. Tiếng loa, nhạc ả mở suốt ngày đấm thình thịnh vào tim ông bà đến đau nhói. Không chịu được, ông bà gọi Dương nhắc nhở vợ nhưng ả đâu có nghe. Ả hét toáng lên vào mặt Dương trước mặt ông bà: “Mua máy về mà đắp chiếu thì bán cho ai. Mà không bán được máy thì lấy gì mà đút vào mồm hở ông đụt…”.

Đất không chịu trời thì trời biết làm sao? Ông bà chỉ còn cách đi lang thang ra Bờ Hồ ngồi đến giờ ăn cơm mới về, thỉnh thoảng ghé nhà thông gia cuối phố để gặp Lan và các cháu, có khi đi suốt cả ngày, đến đứa cháu nội, ông bà cũng không được ôm ấp nó vì ả ra lệnh cấm con: “Ông bà bẩn, hôi, không được gần”. Đây là những ngày sống tồi tệ nhất trong đời đối với ông bà phố cổ mà nàng đâu có hay.

Mới bán buôn hơn một năm, ả đã có tiền mua được căn hộ 50 mét vuông ở Trung Tự. Ả tính chuyển tên hai cô con gái của chồng ra căn hộ ấy và đẩy ông bà ra luôn đó để cướp ngôi nhà mặt tiền Hàng Đào.

Một hôm, tại căn nhà ở phố Hàng Bồ xuất hiện bác sỹ Phùng Hữu Thái, bạn nối khố thời trẻ của ông Dương từ thành phố Hồ Chí Minh ra chơi. Thấy ngôi nhà có nhiều đổi thay, bác sỹ Thái hỏi ả đang đứng trước quầy hàng cùng cậu con trai để tóc như con gái. Được ông Dương tâm sự nhiều lần qua điện thoại, bác sỹ đoán đây là vợ hai và cháu đích tôn của ông Dương ở Ba Lan về. Bác sỹ Thái mở lời: “Chào cháu, cho ông hỏi ông bà Dương có trong nhà không?”. Ả trố mắt nhìn bác sỹ như nhìn một quái thai rồi bỏ đi, không nói một lời. Linh cảm của một bác sỹ chuyên khoa về ADN mách bảo, ông xoa đầu đứa bé và nhanh chóng nhổ mấy sợi tóc dấu vào lòng bàn tay rồi đi vào nhà. Ông bà Dương đang ngôi uống nước ở chiếc bàn nhỏ ngay lối ra vào, hai tai nhét đầy bông. Thấy bác sỹ, ông Dương đứng vụt lên: “Ôi, ông Thái, ông ra từ lúc nào vậy, vào đây đi”. Bà Dương chào ông rồi đứng dậy rót nước. Ông Dương bước ra cửa nói vọng với cô con dâu: “Nhà có khách” rồi đưa tay rút phích cắm. Tiếng loa đài tắt. Hắn ló đầu ra. Ông Dương bảo: “Có bác Thái đến chơi đấy”. Hắn bước vào phòng tiếp chuyện. Bác sỹ Thái hỏi: “Thằng bé để tóc dài kia là con trai anh phải không?”. “Vâng ạ”. “Anh đã thử ADN cho cháu chưa?”. “Chưa ạ”. “Kinh nghiệm hơn 30 năm làm nghề phân tích mẫu ADN, tôi thấy đứa bé không có nét gì của anh và ông bà cả. Anh nên lấy mấy sợi tóc của cháu để xác minh đi”. “Vâng ạ”. Vừa lúc đó, ả nghe được một phần câu chuyện. Ả biết gốc tích đứa con trai của ả với tên tình nhân đốn mạt của ả bên Ba Lan đã bại lộ. Mắt ả đỏ như màu máu bước vào: “Anh Dương, tôi vừa nhận điện, mẹ tôi ốm nặng phải về ngay. Anh ra phố mua cho tôi ít bánh kẹo để tôi chuẩn bị đồ”. Dương kéo tay con trai đi nhưng ả đã quát ầm lên: “Thằng kia, ở nhà”. Đứa bé lủi thủi đi vào. Ả đóng sập cánh cửa phòng lại.

Ông Dương và bác sỹ Thái là bạn học cùng phố từ nhỏ. Ông Dương học Toán ở Trường Đại học Tổng hợp. Ông Thái học Đại học Y Hà Nội. Ra trường, ông Dương về công tác ở Phòng Giáo dục quận Hai Bà Trưng. Ông Thái về Viện Di truyền học ở thành phố Hồ Chí Minh. Xa nhau hơn 30 năm, nhưng hai ông vẫn liên lạc qua thư và bè bạn.

Biết ông Dương quá phiền muộn về đường con cháu, ông Thái nhanh chóng nhập cuộc để giúp bạn. Ông đưa cho ông Dương mấy sợi tóc của cháu bé và nói: “Ông trực tiếp đưa đi thử ADN xác định có phải con thằng Dương không nhé. Khi thằng Dương đưa kết quả thử của nó về, ông đưa ra để cùng so sánh. Tôi tin kết quả thử đó sẽ giải toả cho gia đình ông”.

Khi tiễn mẹ con ả ra tàu về quê, lợi dụng cảnh hỗn loạn nơi sân ga, hắn nhổ được mấy sợi tóc của đứa bé đưa về thử ADN. Kết quả trùng khớp với lần thử của ông Dương. Đứa trẻ không cùng huyết thống với bố con ông Dương.

Đau quá, hắn nằm liệt giường mất ba ngày. Đến ngày thứ tư, hắn vùng dậy gọi điện liên tục cho vợ nhưng không ai thưa máy. Hắn chạy đến căn phòng mới mua ở Trung Tự nhưng căn phòng đã thuộc chủ mới vì ả đã bán nó từ tuần trước. Hắn gọi điện cho mẹ vợ nhưng chỉ nhận được câu trả lời “Mẹ con nó vừa đi được ít ngày. Nó nói, mẹ con nó đi Thái Nguyên thăm bạn”. Linh tính mách bảo hắn một kết cục không tốt lành. Về nhà, hắn lục tung phòng vợ lên. Tất cả đồ đạc của vợ con sạch bong. Hắn lấy đục phá cánh cửa tủ đựng số vàng, tiền đô la tích trữ bấy lâu nay nhưng trống không. Hắn bỗng hiểu ra: vợ và đứa bé từng được cho là con hắn đã cuỗm sạch tiền để cao chạy xa bay. Không còn cách nào khác, hắn đến trình báo Công an phường. Kết quả, ả và con trai đã bay đi Ba Lan từ tuần trước.

Buồn quá, hắn nằm bất động như một xác chết. Bố mẹ hắn động viên: “Trong cái rủi có cái may. Trong chuyện này, bố mẹ thấy may nhiều hơn con ạ. Con đã thoát được con mụ yêu tinh. Theo bố mẹ, con nối lại với Lan đi. Nếu con đồng ý để bố mẹ lo thu xếp”. Nghe bố nói, mặc dù đang yếu, hắn ngồi bật dậy lo lắng: “Con sợ Lan không đồng ý bố mẹ ạ”. Ông Dương nói: “Con nghĩ kỹ đi. Quyết định của con là chính. Phần Lan bố mẹ sẽ lo”. “Vâng con đồng ý. Con chỉ sợ Lan không chấp nhận con thôi”.

Ít ngày sau, bố mẹ Dương gọi Lan đến. Ông bà Dương kể lại cho Lan nghe toàn bộ câu chuyện vừa mới xảy ra. Ông bà Dương lo thằng con trai không giữ được gia thất mà sẽ bán tất sau khi ông bà qua đời. Ông bà muốn để lại căn nhà phố cổ có giá trên 50 tỉ đồng để thờ cúng tổ tiên. Ông bà cho rằng để làm được điều đó, ông bà phải sang tên cho hai cháu gái và muốn nàng chung tay góp sức. Ông bà muốn nàng thứ lỗi cho con trai ông bà để giữ lại ngôi nhà này. Ông bà cho biết thằng con trai của ông bà đã đồng ý và bây giờ chỉ cần ý kiến của nàng nữa mà thôi.

Nàng biết thiện chí của ông, bà nhưng nàng đâu dễ chấp nhận lại hắn, kẻ đã rũ bỏ nàng một cách tàn nhẫn. Nàng xin ông bà cho nàng ít thời gian để suy nghĩ.

Ngôi nhà cổ có giá đến 50 tỉ là một tài sản quá lớn. Ngôi nhà ấy còn là nơi thờ cúng tổ tiên. Nếu chấp nhận trở lại làm vợ hắn, ngôi nhà họ Võ sẽ giữ lại được với chủ nhân là hai cô con gái của nàng và hắn. Lần đầu tiên trong đời, nàng phải đối mặt với bài toán nan giải “đồng ý hay chối bỏ việc trở lại làm vợ kẻ đã từng phụ bạc mình?”. Sau hơn một tháng trăn trở, nàng quyết định gặp hắn. Nàng nói thẳng băng: “Anh còn thương tôi chút nào không?”. Hắn vội vã: “Anh đã gây tai hoạ quá lớn đối với em. Anh xin lỗi và rất muốn được chuộc lỗi. Anh thề là anh vẫn thương và yêu em vô cùng”. Nàng nói: “Anh có đồng ý sang tên căn nhà này cho hai cô con gái của anh không?”. “Bố mẹ anh đã nói rồi, anh đồng ý mà”. “Nếu quay lại, anh có chấp nhận cho tôi một khoảng thời gian để thích nghi không?”. “Miễn là em đồng ý. Còn thời gian để hoà nhập, em tự quyết định”. “Vậy anh sẽ phải tổ chức đám cưới lại chỉ trong nội bộ hai gia đình được không?”. “Anh đồng ý”. Và đám cưới lại đã diễn ra đơn giản đúng một tuần sau đó. Cứ ngỡ cuộc sống sẽ đi theo hướng thuận buồm xuôi gió. Nhưng đức tính hoài cổ, trung thực, trong sáng đã kéo lê nàng đi trong nỗi đau ê chề, tủi hổ. Nàng cố hoà thuận với chồng nhưng không được. Cứ mỗi lần hắn vo ve, sát gần, nàng run bắn cả người, né tránh. Nàng không thể để bàn tay của hắn chạm vào người mình. Nàng ghê hắn như hủi. Nhiều lúc nhìn thấy hắn buồn, nước mắt ứa ra, nàng mủi lòng, thương cảm và nhắm mắt cho hắn phá rào. Nhưng khi bàn tay hắn vừa đụng vào thịt da nàng, không hiểu vì sao, toàn thân nàng như phát ban rồi nàng vụt đứng lên bỏ chạy ra ngoài.

Hắn biết, nàng ghê hắn. Vì thế hắn buồn. Hắn thường ra quán bia cạnh chợ Đồng Xuân ngồi nhâm nhi vại bia hơi để giết thời gian. Hình như chung cảnh buồn như hắn, bố mẹ hắn và bố mẹ nàng rủ nhau đi vào cõi vĩnh hằng cách nhau trên dưới một tuần trong tháng cuối năm.

Mất đi chỗ dựa tinh thần lớn nhất của cả nàng và hắn, cuộc sống trong căn nhà ở phố cổ Hàng Đào cứ chìm sâu vào nỗi đau tang tóc. Hắn trượt vào vòng xoáy của kẻ bê tha lướt khướt. Nàng bấn loạn trong những day dứt đớn đau không tìm ra lối thoát. Bỗng một buổi sáng, sau một đêm thức trắng, mái tóc đen tuyền của nàng tự nhiên bạc trắng. Khuôn mặt nàng nhăn nheo giống như một bà lão bước vào ngưỡng tuổi 100. Nhìn vào gương, nàng đã khóc nấc lên thành tiếng. “Tại sao ta lại thành ra thế này. Ta bị quả báo vì sự chọn lựa trái đạo lý chăng? Không. Ta là đứa con hiếu thảo và là người mẹ biết hy sinh bản thân mình. Việc ta cưới lại chồng là sự mất mát đớn đau của chính bản thân ta. Vậy thì tại sao? Tại sao?”. Từ trong xa thẳm, trả lời nàng là những câu tự vấn: “Với tư cách là người vợ, ta đã hành xử đúng chưa?”. Với tư cách là người mẹ, tại sao ta không tham khảo ý của hai cô con gái?”. Với tư cách là con người, ta có phải là kẻ hám tiền không?…

Nhìn thấy nàng trong bộ dạng mái tóc đang đen bỗng bạc trắng, hắn hoang mang, lại vội lao ngay đến quán bia quen thuộc. Hắn uống, uống và uống cho đến say khướt. Lúc trở về, hắn đâm đầu vào chiếc ôtô đang ở chế độ lùi, đầu đập xuống mặt đường ngất xỉu. Hắn chết trên đường đưa đi cấp cứu.

Nàng ngồi bên xác hắn, ngây dại. Chỉ có những giọt nước mắt chảy như mưa trên má nàng là biết nói… Nhưng, hình như tất cả đã muộn rồi. Nếu có lỗi và muốn chuộc lỗi, chắc nàng đành phải hẹn đến kiếp sau.

Vừa lúc đó, hai cô con gái của nàng đến sát bên nói nhỏ: “Mẹ ơi đến giờ đưa bố đi rồi!”.

Truyện ngắn Bi kịch đời người của Nguyễn Đăng An

 

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close