TRUYỆN NGẮN

Gió qua vườn

Gió qua vườn là một truyện ngắn của Lê Na

Ra trường, tôi được phân công về dạy học ở Tân Giang, một làng ven sông, ngoại ô của thị xã. Đất đai ở đây màu mỡ trù phú. Người dân trong làng sống với lúa, ngô và vườn cây ăn quả. Mỗi năm nước sông dâng lên, bồi đắp phù sa cho đôi bờ. Bốn mùa cây xanh ngợp đất.

Tôi đến trọ ở nhà cụ Ba. Ngôi nhà tọa lạc trên khu đất rộng, bằng phẳng, nhìn ra bến sông. Vườn cây ăn quả nào mít, nhãn, bưởi, na, hồng xiêm, sum suê bóng mát. Mùa xuân ngào ngạt hương thơm, chim chóc ríu ran từ tinh mơ đến mờ tối. Lũ chào mào líu ríu mùa quả chín, chúng gọi nhau khắp vườn.

Cụ Ba rất quý lũ trẻ trong làng. Chúng thường vào vườn hái quả và bắt chước giọng chào mào: “khoét quả chuối tiêu”. Có ngày bọn trẻ hái mấy làn quả cho cụ đi bán. Chơi chán trong vườn, chúng kéo ra bến sông, trần truồng nhảy ùm xuống tắm. Chiều chiều bến sông đầy ắp tiếng trẻ nô đùa.

Cụ Ba sống với cháu gái tên là Linh. Căn nhà chỉ có hai bà cháu. Cụ Ba dáng cao, mảnh khảnh, nhưng khoẻ mạnh, tự làm được mọi việc, lại có thêm cháu gái phụ giúp sau giờ học. Hai bà cháu sống rất vui. Lúc đau yếu, trái gió trở trời thì Linh đảm đang mọi việc.

Cụ nhờ tôi bảo ban việc học hành của Linh. Đêm đêm hai thầy trò chong đèn bên các bài tập khó, hay một đề văn tả khúc sông quê. Linh ngoan ngoãn, lại rất thông minh nên lực học của em thuộc loại khá. Sống với bà từ nhỏ, con bé thiếu thốn tình cảm của người cha, người mẹ. Đôi lúc ngồi ngắm Linh học bài, thấy nó thật dễ thương. Đôi mắt luôn mở to, u buồn mà trong sáng lạ. Hai cái má bầu bĩnh, tròn trịa. Có hôm ngủ quên ở bàn học, thầy giáo phải lay mãi mới tỉnh.

Hết giờ lên lớp, tôi thường ngồi trò truyện với cụ Ba. Với gương mặt phúc hậu, cụ là hiện thân của những người mẹ, người bà mà tôi đã gặp ở đâu đó trong sách báo, hay trong truyện cổ tích. Thỉnh thoảng cụ nhờ tôi thay viên ngói vỡ; đóng lại cái đinh buộc màn, hay sửa lại cái máng cho lợn ăn.

Áo tôi sứt chỉ, đứt cúc, cụ bảo: “Đưa bầm khâu cho, mắt bầm còn sáng lắm đấy”. Mỗi khi ngồi với tôi, là cụ rất mau chuyện, cụ kể về những ngày xửa, ngày xưa, xa lắm như vẫn còn in đậm trong trí nhớ: “Xưa, khi còn là thiếu nữ, bầm cũng xinh đẹp có tiếng ở vùng này. Lúc nhỏ thường theo bố chở thuyền hàng từ thị xã ngược sông, bán đổi cho bà con thượng lưu.

Lúc quay về chở hàng lâm thổ sản về thị xã. Năm bốn bẩy, nghe tin quân Pháp tấn công lên thị xã, cả gia đình phải chạy dạt vào chân núi, sống cùng với người Dao Thanh Y. Mấy tháng xa vườn cây, bến sông mà lúc nào trong bầm cũng trào lên nỗi nhớ. Năm hai mươi tuổi, bầm lập gia đình. Hơn một năm sau, cô gái đầu lòng tên là Tân ra đời. Thầy giáo có biết không?” – Cụ ngước nhìn tôi, tay vẫn đang nghiền miếng trầu trong cái cối bằng đồng, làm từ vỏ đạn: “Con Tân nhà tôi nó mới đẹp, mới xinh, mới bụ bẫm làm sao. Nó đẹp như thiên thần, càng lớn càng xinh. Thầy giáo có tin tôi không?”.

– Dạ, con tin bầm chứ. Con vẫn đang nghe bầm kể đây.

– Ừ, thật đấy. Năm nó 16 tuổi, nó đi văn công… Tôi cho thầy giáo xem cái này – Cụ tất tả đi về phía tủ, mang ra một tập ảnh. Cụ nhặt ngay tấm ảnh người con gái trẻ đưa cho tôi. Tôi cầm tấm ảnh ngắm kỹ. Một cô gái quả là đẹp. Cái đẹp mê hồn mà nghe nói chỉ ở miền quê này mới có. Nét cười duyên dáng qua làn môi cắn chỉ. Đôi mắt to đen thăm thẳm, một chút sắc sảo nhưng vẫn lộ rõ nét dịu hiền.

Gương mặt trái xoan nghiêng trước vành nón trắng. Tấm ảnh được tô màu và thời gian đã ít nhiều làm phai nhạt. Tôi liếc nhìn cụ Ba tìm một nét tương đồng giữa cụ và cô con gái. Cụ vẫn chăm chắm theo dõi mọi cử chỉ của tôi. Bất giác tôi kéo tấm ảnh lại gần, lặng ngắm giây lát.

Quả thực, Linh đã thừa hưởng dáng vóc, nước da và đôi mắt mê hồn của mẹ. Cụ Ba nhìn tôi như bị thôi miên. Rồi như sợ tôi lấy mất tấm ảnh, cụ lặng lẽ lấy và gói tập ảnh lại cất vào tủ. Tôi còn chưa kịp hiểu gì về cuộc sống hôm nay của chị Tân thì cụ đã vội nhắc:

– Hôm nào thong thả, bầm kể cho. Cả một kho chuyện về các con của bầm.

Trước mùa thi, công việc của tôi bắt đầu tất bật. Lên lớp chính khoá, ngoại khoá, phụ đạo học sinh kém, bồi dưỡng học sinh khá, đến thăm nhắc nhở phụ huynh kèm cặp học sinh cá biệt. Việc bù đầu lên, tôi phải ở ngay tại trường. Một buổi trưa, Linh tìm gặp tôi nói: “Bà em mời thầy về nhà chơi”. Tôi nghĩ, chắc bà sẽ dành kể chuyện chị Tân cho mình nghe, nên háo hức chờ đợi.

Chiều chưa tắt nắng tôi đã về nhà. Ngôi nhà gỗ xoan ba gian, lợp ngói, trông cũ kỹ nhưng vững chãi. Cái bếp nhỏ lợp ngói, khói nhuộm đen sậm. Xung quanh nhà, rau và cỏ tốt bời bời. Chiếc khóa cửa im ỉm nằm giữa hai cánh cửa gỗ xoan. Một lát sau, cái Linh từ bến sông về. Nó mặc nguyên bộ quần áo hoa, ướt sũng nước từ đầu đến chân. Lần vải mỏng dính bết vào cơ thể, hằn lên những đường nét con gái, làm tôi bối rối. Thấy tôi, cô bé ngượng ngùng, lúng túng, chạy thẳng vào nhà tắm.

Tiếng Linh vọng ra: “Bà em đi bán hoa quả”. Tôi ra cổng. Từ rất xa thấy dáng thập thững của cụ Ba đang xách làn về. Bóng cụ đổ dài xuống bãi ngô xanh ngăn ngắt phía bờ sông. Tôi chào cụ và đưa tay đỡ chiếc làn từ tay cụ, cụ cười:

– Nặng nhọc gì đâu, thầy giáo!

– Hôm nay có đắt hàng không bầm?

– Hoa quả trong vườn của bầm là lộc trời cho mà – Tôi thoáng thấy nụ cười của cụ Ba. Cụ mở cửa vào nhà và xuống bếp. Như thường lệ, cụ Ba lại lục tục chuẩn bị bữa tối. Cái Linh nhanh tay vơ củi nấu cơm. Tôi ngồi nhặt rau, kể những chuyện về mẹ mình cho cụ nghe. Những câu chuyện ấy khiến khoảng cách giữa tôi và cụ Ba gần lại. Trở lại chuyện dở dang từ hôm trước, tôi hỏi thẳng cụ Ba:

– Thế chị Tân con giờ sống ở đâu, bầm?

Bà cụ như định nhổm dậy đi về phía tủ, lấy một thứ gì đó, lại thôi. Tôi hiểu, tuổi già, những gì đã ăn sâu vào tim óc thì không dễ gì bóc gỡ được, còn những gì không đủ bộ nhớ để dung nạp thì sẽ cất giữ trong tủ.

– Chị Tân giờ sống ở đâu à? – Bà cụ nhắc lại câu hỏi của tôi – Chị ấy sống trong những đốt xương của bàn chân trái bầm đây này.

Tôi không hiểu. Cụ Ba đưa những ngón tay phải nhìn có vẻ không bình thường, chỉ xuống bàn chân trái cũng không bình thường của cụ. Mấy ngón chân, ngón tay lỏng lẻo, khó điều khiển. Tôi nhìn theo vệt da nhăn nheo, lam lũ của cụ đầy khó hiểu. Hồi lâu cụ oà khóc làm tôi hoảng hốt. Tiếng khóc thảm thiết xua tan không gian yên ả của chiều quê:

– Ối Tân ơi, con ơi. Sao con nỡ bỏ mẹ, bỏ con mà đi sớm thế… Ối Tân, con ơi! Giời cho xinh đẹp mà làm gì để cho con tôi bạc mệnh thế này. Giời cao đất dày có thấu không! – Tiếng khóc như từ rất xa vọng về và đang hiện hữu bên tai tôi. Tôi đỡ cụ Ba, an ủi:

– Con thật tình không biết chị Tân con đã mất. – Cụ ngồi im như bức tượng hồi lâu. Hai hốc mắt cụ trắng đục, thẳm sâu, ngơ ngác nhìn tôi rồi cụ hỏi:

– Bầm kể đến đoạn nào rồi nhỉ. Già rồi đầu óc lú lẫn lắm, đừng cười bầm nhé – Rồi cụ lại chậm rãi kể – Lấy chồng một năm, chị Tân sinh con Linh. Hai năm sau, bố con Linh phải lòng một cô gái khác, rồi họ dẫn nhau đi biệt tăm. Nghe nói vào miền Nam sinh sống. Lại có tin hai người vượt biên giới ra nước ngoài. Chị Tân đau xót đến nát tim gan. Đêm đêm ôm con mà khóc chồng đã “chết” ở phương trời nào. Nỗi đau giày vò, không cho chị Tân theo đuổi con đường nghệ thuật nữa. Ít lâu sau chị Tân lâm bệnh và chết khi vừa hai mươi tuổi.

Ngày ấy, bầm không thiết sống nữa. Bầm chạy đi “tìm” nó khắp nơi. Ra bến sông, nơi tuổi thơ chiều chiều nó bơi lội cùng lũ trẻ. Và bầm chợt nhớ ra: Nó đã thành thiếu phụ, chỉ đợi đêm tối mới ra sông tắm. Bầm sợ lỡ gặp mấy anh thuyền chài, soi đèn pin trêu ghẹo. Nửa đêm đang ngủ, bầm chạy ra sông gọi Tân. Sỏi đá nơi bến sông đã vặn trẹo bàn chân trái của bầm. Bầm nghe trong ghềnh đá tiếng nó gọi: “Mẹ ơ…i.., mẹ, đừng tìm con nữa, con đã thành ma rồi, con không biết đường về nhà nữa đâu… “.

Bầm mất Tân vĩnh viễn, chỉ còn thằng Giang và cô út Vương. Từ đận ấy, ông nhà cũng suy sụp hẳn. Vết thương từ thời chống Pháp ở Điện Biên tái phát. Ông sinh ra chứng mất ngủ, ăn uống thất thường. Mấy năm sau ông ra đi. Gia cảnh gặp khó khăn vì vắng người trụ cột. Nhờ vườn cây, cả nhà qua dần cơn khó. Hai anh em Giang, Vương đều được vào đại học rồi tốt nghiệp ra trường …

*Gió qua vườn Gió qua vườn

Tối hôm ấy, tôi ở lại ăn cơm với hai bà cháu. Trong bữa ăn, tôi có dịp hiểu kỹ thêm về hai người con của cụ Ba: Vương lấy chồng có ba con. Cả hai vợ chồng Vương đều công tác ở Hà Nội. Các con học hành tiến bộ, thỉnh thoảng họ lại đảo về thăm cụ Ba ít ngày. Đã nhiều lần Vương tha thiết mời mẹ về Hà Nội sống với vợ chồng cô. Bà cụ không nghe, còn mắng lại con gái:

– Đất này còn mồ mả, tổ tiên. Nếu tôi đi thì ai hương khói. Tân Giang là đất lành tôi phải “đậu” cho đến hết đời. Ngày còn sống, bố chị vẫn thường nhắc:

“Bao giờ quả quýt đỏ trôn

Tháng ba ngái rụng, con khôn tìm về…”.

Bây giờ các anh chị đủ lông, đủ cánh thả sức bay cao, bay xa, nhưng phải nhớ đường về quê Cha đất Tổ...

Tôi quyết định lên ký túc của trường ở. Nhà trường vừa hoàn thành khu nhà cho giáo viên. Nhưng có lẽ cái chính là sự có mặt của tôi trong nhà khiến cho Linh không được tự nhiên. Em đã trở thành thiếu nữ. Tôi vẫn đến nhà thăm cụ Ba và giảng giải những bài tập khó cho Linh. Nhìn Linh, tôi phải thầm khen, đất này chính là quê hương của người đẹp.

Một hôm, gặp Linh trên sân trường, tôi tò mò hỏi em về bàn tay phải trông có vẻ như tật nguyền của bà cụ. Linh nói đầu đuôi cho tôi biết:

– Thưa thầy, đó cũng chính là vết thương lòng của bà em. Khi ấy em còn nhỏ lắm. Ngày cậu Giang lấy vợ, bà như bắt được vàng. Cậu yêu thương, chiều chuộng mợ, như yêu chiều một con mèo cảnh. Được dăm năm thì em thấy có vết rạn trong cuộc hôn nhân ấy.

Mọi người trong nhà nói: Mợ em là một con mèo không biết bắt chuột. Mấy năm liền mợ không sinh nổi một mụn con. Bà đi xuôi ngược tìm thầy, tìm thuốc. Thật vô phúc cho người đàn bà không biết đẻ. Cậu Giang buồn chán. Cuộc sống vợ chồng nảy sinh lục đục, rồi cãi cọ. Bà ngoại vẫn thương mợ như con đẻ. Bỗng một đêm, cậu vắng nhà, nghe tin mợ dùng dao tự tử. Bà lập cập chạy vào, giằng con dao từ tay mợ, không may lưỡi dao không có mắt đã làm đứt sợi gân ngón đeo nhẫn, bàn tay phải của bà. Bà không kêu rên, than khóc. Trên khoé mắt nhăn nheo hằn lên nỗi đau khôn tả. Cả nhà đưa bà đi viện, còn mợ thì sắp xếp quần áo đi khỏi nhà ngay trong đêm. Vài tháng sau ngày mợ bỏ đi, cậu Giang quyết định vào miền Nam tìm việc làm. Cậu đi theo tiếng gọi của bạn bè.

Thế là ngôi nhà đầy kỷ niệm với vườn cây ăn quả nhiều gió và tiếng chim không níu giữ được con trai, con gái, con dâu, con rể của cụ Ba. Lạ thay, hàng ngày cụ vẫn chăm chút từng ngọn rau, gốc cây trong vườn. Cụ vui với cây trái như ân sủng của trời đất ban cho. Cụ Ba đã về Hà Nội thăm con, cháu nhưng chỉ quáng quàng cho đỡ nhớ rồi lại về với Tân Giang.

Thấm thoắt đã qua năm mùa thi ở Tân Giang. Tự bao giờ tôi thành một thành viên của gia đình cụ Ba. Thư của các anh chị con cụ gửi về, tôi đều là người được đọc. Cụ coi tôi như con, cháu của mình. Cụ cảm ơn tôi vì đã bảo ban, dạy dỗ việc học cho Linh. Linh đã học xong phổ thông. Biết Linh không có điều kiện theo học đại học, vợ chồng dì Vương xin cho Linh theo học lớp cắt may tại Hà Nội.

Nghe tin này, Linh vừa vui vừa buồn. Vui vì nó sẽ có nghề, mai sau tự tay làm ra tiền nuôi bà. Buồn vì giờ đây nó lại phải xa bà, người đã thay cha mẹ, chăm sóc nó. Xa mảnh đất Tân Giang, nơi gắn bó với tuổi thơ của Linh. Trong đó có một nỗi buồn thật khó tả. Linh sẽ phải xa thầy giáo, người đã tận tình dạy dỗ nó…

Cụ Ba càng thương cháu hơn. Về Hà Nội, nó được mở mang đầu óc, học thêm nghề nghiệp nuôi sống bản thân và chồng con sau này. Đầu óc cụ Ba rối bời. Linh kéo bằng được tôi đến nhà ăn cơm liên hoan chia tay. Cụ Ba rất phấn khởi vì tôi đã có mặt. Cụ tợp một ngụm rượu nhỏ rồi rót nốt cho tôi. Hai thầy trò rót đi, rót lại cho nhau, khiến cụ vui lây. Sau bữa ăn, cụ lên giường. Hai thầy trò cùng rửa bát. Tôi hỏi Linh:

– Em về Hà Nội, nhiều niềm vui, chắc sẽ quên Tân Giang.

– Thưa thầy, lúc nào em cũng sẽ nhớ vườn cây và dáng bà ngoại trong vườn. Em nhớ những mùa hoa quả và những chiều bến sông.

– Mai em xa rồi, đêm nay Linh đi chào tạm biệt vườn cây đi – Tôi nói với cô học trò nhỏ.

Linh rủ tôi cùng ra vườn. Đêm đã xuống. Ánh trăng xiên qua kẽ lá những sợi vàng óng ả. Ánh trăng rắc bạc lên tóc, áo cô học trò thân yêu…

Hình như cụ Ba không ngủ được. Tôi chào cụ ra về, thấy cụ vui lắm, cụ bảo:

– Mai nhờ thầy giáo đưa Linh ra bến xe nhé.

Sáng sớm hôm sau, khi đến cổng, tôi đã nghe tiếng cụ rành rọt: “Con mau chóng thành nghề rồi về với Tân Giang với bà. Bà sẽ lại mời thầy giáo về nhà ta ở với bà cho vui. Thầy giáo rất quý con, bà biết đấy. Giá mà…”. Vừa lúc đó tôi dắt xe vào. Linh đã chuẩn bị hành trang sẵn sàng.

Tôi chở Linh ra bến. Ngồi trong ôtô, cô học trò bé nhỏ của tôi còn rướn cổ nhìn ra sông, mắt rớm lệ. Thực lòng tôi cũng chẳng biết dặn dò hay nói một câu gì với em. Tôi chìa tay lên ô cửa xe. Bàn tay em nóng hổi nhẹ nhàng đặt lên tay tôi. Linh nói trong sự xúc động:

– Em nhờ thầy chăm sóc bà giúp em…

– Linh yên tâm, thầy sẽ về ở với bà…

Chưa bao giờ tôi lại thấy mình lúng túng trước một học sinh. Từ khi trở thành thầy giáo, hôm nay tôi lại như một cậu học sinh chưa thuộc bài trước giờ kiểm tra. Linh đi rồi. Vườn cây vắng một tiếng hát bâng quơ. Bến sông thiếu một cô bé nô đùa. Trong tôi thiếu vắng cái gì đó không thể diễn tả bằng lời.

Sau ngày Linh đi, tôi về ở nhà cụ Ba. Hai bầm con lại có dịp trò chuyện. Mùa quả chín, tôi cùng lũ trẻ hái quả cho cụ đi bán. Mỗi lần Linh gửi thư về, tôi lại đọc to cho cụ nghe. Cụ nhắc tôi chuyện vợ con, gần ba chục tuổi rồi, còn trẻ gì nữa. Cụ giục tôi viết thư cho Linh. Qua thư từ của các anh chị, tôi được biết, anh Giang đang làm ở một công ty xuất nhập khẩu thuỷ sản ở Vũng Tàu. Anh lấy vợ là người miền Nam. Tháng nào các con cũng gửi tiền, vải vóc, quần áo, quà bánh cho cụ.

Cụ khoe với tôi tết này các con các cháu sẽ về ăn tết. Thế là cụ chăm chút một con lợn, để mổ liên hoan. Mỗi sáng mỗi chiều cụ xin thức ăn thừa của mấy nhà hàng ăn để nuôi lợn. Cụ mường tượng cảnh cháu con sum họp, giọng Nam, giọng Bắc pha trộn vào nhau mà vui lắm. Niềm hy vọng trong cụ đang lớn dần, lây lan sang cả tôi.

Đang lên lớp thì nghe tin cụ phải đi viện, tôi bỏ dở tiết học, đạp vội xe ra viện. Cụ Ba nằm xẹp trên giường bệnh, mắt khép hờ. Môi khô và nhịp thở có vẻ nặng nhọc. Bà con lối xóm đứng vây quanh. Thấy tôi đến cụ khẽ mở mắt, không nói, hướng mặt về phía tôi. Cụ đưa bàn tay khô héo, tật nguyền lần xuống gối, chìa ra một gói giấy, khổ A4 run run,  ấp úng từng tiếng:

– Nhờ thầy… giáo… đưa cho anh Giang…bầm mệt lắm… không chắc…

Bác hàng xóm bón cháo cho cụ. Cụ nhắp cho ướt môi rồi xua tay. Tôi vội vàng điện cho vợ chồng cô Vương, anh Giang. Trưa hôm sau, cả nhà Vương và Linh đã có mặt ở bệnh viện. Chỉ đợi có thế: gặp được con, cháu là cụ đi. Tôi dìu đỡ Linh trong cơn vật vã, ngất xỉu. Cụ Ba đi nhẹ nhàng, thanh thản như cơn gió nồm nam thổi dọc sông, lướt trên vườn cây trái. Cả làng Tân Giang đưa cụ ra đồi Hoa Mua. Tôi thay anh Giang chống gậy, bước đi trong tiếng khóc của con cháu và nỗi tiếc thương của bà con lối xóm.

Hôm sau anh Giang mới bay ra Hà Nội rồi theo xe khách về nhà. Anh gào thét, vật vã ân hận vì đã không được nhìn thấy mẹ lần cuối. Cuộc đời bà dành trọn cho con, cho cháu, thế mà anh, một kẻ bất hiếu thế này đây. Anh tự giày vò mình trong đau đớn khôn cùng. Anh thấu hiểu hơn ai hết những vết thương của mẹ đều bắt nguồn từ con, từ cháu. Dẫu ở xa nhưng tôi biết, không khi nào anh không nghĩ về mẹ.

Con lợn cụ Ba chăm chút giờ mổ ra để cúng ba ngày cho cụ. Tôi kể chuyện ý định nuôi lợn đón các con cháu về ăn tết, làm anh Giang càng thêm xót xa thương mẹ. Anh lặng người, tan nát từng khúc ruột. Làng xóm cũng không ngờ, cụ Ba đã chuẩn bị rất kỹ “hành lý” cho chuyến đi xa mãi này…

Tôi đưa gói giấy cụ gửi cho anh Giang. Mắt anh đẫm lệ. Anh đặt gói giấy lên bàn thờ mẹ trong hương khói nghi ngút. Những gì cụ gửi lại cho con, cho cháu trong tập giấy kia. Anh Giang mở ra cho mọi người cùng xem: Tập ảnh của con, cháu, giấy chứng nhận Chiến sỹ Điện Biên của ông và trong một phong bì vàng ố là ba cuốn sổ tiết kiệm cho con trai, con gái, cháu Linh, kèm theo ba cuốn sổ bìa đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất.

Không ai kìm được tiếng khóc. Mảnh đất mấy mươi năm in dấu chân cụ Ba, nhọc nhằn, gian khó, chờ đợi và hy vọng giờ gửi lại cho con, cho cháu. Linh ơi, em phải về Tân Giang để tiếp nối niềm hy vọng của bà. Gió qua vườn, như muốn mang đi buồn đau của đời người như muốn gieo trồng mùa quả mới, mùa hy vọng trên đất bờ xôi bãi mật Tân Giang.

Truyện ngắn của Lê Na

 

Tags
Show More

Related Articles

1 thought on “Gió qua vườn”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close