Nhà thơ Việt NamNhững bài văn hayTác giả

Nguyễn Đình Chiểu danh nhân đất Việt

Nguyễn Đình Chiểu danh nhân đất Việt

Tháng 11 vừa qua, Nguyễn Đình Chiểu đã được UNESCO vinh danh. Để được vinh danh, các hồ sơ đề cử cần đáp ứng các tiêu chí do UNESCO đề ra, đặc biệt phải phù hợp với lý tưởng và sứ mệnh của tổ chức UNESCO trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học, thông tin truyền thông, góp phần thúc đẩy hòa bình, đối thoại văn hóa, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, đồng thời mỗi sự kiện, nhân vật đề cử phải có tầm ảnh hưởng rộng rãi, được biết đến cả ở bên ngoài quốc gia đề cử. Và Nguyễn Đình Chiểu hoàn toàn xứng đáng được cả thế giới biết đến vì những cống hiến cả đời của ông cho y học, văn hóa, tư tưởng và văn học.

Trong bài viết này, Văn học trẻ sẽ giúp các bạn nắm rõ về Nguyễn Đình Chiểu là ai? Những đóng góp của ông với Y học, Văn hóa tư tưởng, Văn học nước nhà, những giá trị mà qua thời gian càng ngày càng quý giá hơn. Một người mù nhưng tấm lòng sáng ngời, Nguyễn Đình Chiểu đã ghi tên mình vào lịch sử dân tộc như thế nào?

1. Nguyễn Đình Chiểu là ai?

Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 1/7/1822 ở làng Tân Thới, phủ Tân Bình, Gia Ðịnh và mất ngày 3-7-1888 tại Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ông xuất thân gia đình nhà nho hiếu học, từ nhỏ đã rất thông minh và chăm chỉ. Năm 12 tuổi, vì thời thế loạn lạc ông được cha gửi ra Huế để học tập và sinh sống. Đến năm 19 tuổi ông quay lại Gia Định và tiếp tục sự nghiệp học tập của mình, ba năm sau đó (1843) ông thi đỗ tú tài ở trường thi Gia Định.

Năm 1847, ông trở lại Huế để tiếp tục “dùi mài kinh sử” chờ thi khoa Kỷ Dậu 1849. Chưa kịp thi thì ông nhận được tin mẹ mất nên ông quyết định bỏ thi để về quê chịu tang mẹ. Trên đường đi, vì quá đau buồn nên ông đã khóc rất nhiều, thêm nữa là vì đường xá xa xôi, thời tiết thất thường ông đã bị ốm nặng và bị mù cả đôi mắt. Mặc dù đã được một vị danh y hết sức cứu chữa nhưng vẫn không khỏi được. Trong thời gian chữa bệnh, ông cũng đã được vị danh y này truyền dạy nghề thuốc.

Sau khi về quê chịu tang mẹ một thời gian, năm 1851 ông gạt bỏ mọi khó khăn, vực dậy mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân và sáng tác thơ văn. Là một người vừa tài năng vừa đức độ nên danh tiếng của ông vang khắp lục tỉnh.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, mặc dù không trực tiếp ra chiến trường nhưng ông vẫn nhiệt tình tham gia vào những phong trào yêu nước, bàn mưu tính kế chống giặc. Ngoài ra, ông còn tích cực sáng tác những bài thơ phục vụ cho kháng chiến, động viên khích lệ tinh thần chiến đấu của nhân dân ta.

Sau khi 6 tỉnh Nam Kỳ rơi vào tay giặc, ông chạy về quê vợ ở Cần Giuộc sau đó di dời về Ba Tri – Bến Tre. Tại đây ông tiếp tục dạy học, bốc thuốc và sáng tác phục vụ nhân dân, một lòng trung thành với Tổ Quốc cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.

Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương vượt lên số phận nghiệt ngã, một tấm gương “trung với nước, hiếu với dân”. Nguyễn Đình Chiểu sinh ra, lớn lên và mất đi trong giai đoạn đất nước đầy biến loạn; 66 tuổi đời nhưng đã trải qua nhiều biến cố gia đình, tình duyên trắc trở, bị mù lòa khi còn rất trẻ (26 tuổi), nhưng cụ không nhụt chí, luôn nỗ lực vượt qua số phận nghiệt ngã của mình. Cụ sáng tác thơ văn chống Pháp, mở trường dạy học, hốt thuốc cứu người… Tất cả điều đó cô đúc lại thành khí tiết của một nhà nho yêu nước tiêu biểu cho giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX.

2. Nguyễn Đình Chiểu – Tấm gương y đức

Nguyễn Đình Chiểu là một thầy thuốc giỏi, một lương y thông hiểu sâu sắc y lý phương Đông và y lý Việt Nam. Cả về y thuật và y đức của Nguyễn Đình Chiểu chính là đạo cứu người lồng trong nghĩa vụ cứu dân, cứu nước. Trong đó, có thể kể đến tác phẩm “Ngư tiều y thuật vấn đáp” mà cụ đã để lại cho hậu thế, nói lên một đường hướng y học chân chính, cả về đạo đức và chuyên môn. Cụ chỉ ra những bài thuốc cụ thể. Theo đó, “cây cỏ đều có chất độc – lành khác nhau, chưa rõ tính chớ nên dùng”.

Thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu cũng đã lên án các việc làm bất chính hại đến tính mạng con người. Cụ luôn đề cao tinh thần, trách nhiệm của người thầy thuốc đối với bệnh nhân, như cụ đã viết: “Thấy người đau giống mình đau/ Phương nào cứu đặng mau mau trị lành/ Đứa ăn mày cũng trời sinh/ Bệnh còn cứu đặng, thuốc đành cho không”.

Sống cách chúng ta hơn một thế kỷ nhưng những quan điểm và cơ sở y thuật Á Đông của Nguyễn Đình Chiểu vẫn rất mới, rất phù hợp với quan niệm hiện nay. Tư tưởng y đức học của cụ Đồ Chiểu thật toàn diện. Cụ khuyên người thầy thuốc cần phải trau dồi cả tài năng và đức độ trong suốt cuộc đời, nghề nghiệp của mình.

3. Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong bầu trời văn nghệ dân tộc

Phạm Văn Đồng, nhân kỉ niệm 75 năm ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu (1953) đã viết bài “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong bầu trời văn nghệ dân tộc” để ca ngợi, khẳng định vị trí của Nguyễn Đình Chiểu trong nền văn nghệ dân tộc. Phạm Văn Đồng đã dùng những lời tốt đẹp nhất, những hình ảnh cao quý nhất để ca ngợi, khẳng định nhân cách, tầm vóc và giá trị của con người và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu trong nền văn nghệ của nước ta.

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ yêu nước, nhân đạo, thân dân, yêu hòa bình.

Quan niệm sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu là : học theo Khổng Tử, thơ văn thể hiện tư tưởng đạo đức nhân nghĩa, dùng văn học làm vũ khí chiến đấu. Ông làm sống lại phong trào kháng Pháp oanh liệt… Những sáng tác thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu được viết vào thời điểm sáng tác mang lại những dấu mốc lịch sử đặc biệt: Đất nước ta bị thực dân Pháp xâm lược, nhà Nguyễn đầu hàng, nhân dân tự đứng lên chống Pháp nhưng bị bất bại nhanh chóng. Phạm Văn Đồng đặt những sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu trong hoàn cảnh lúc bấy giờ – ông phản ánh trung thành bản chất của giai đoạn lịch sử, làm sống lại phong trào kháng Pháp bền bỉ và oanh liệt…qua đó thơ ông còn cổ vũ tinh thần đứng lên đấu tranh của nhân dân để dành được tự do, độc lập.

Các tác phẩm thể hiện một lòng yêu nước thiết tha, một khát vọng về quyền tự quyết của dân tộc.

Với tinh thần ấy, các tác phẩm đã đưa Nguyễn Đình Chiểu lên vị trí hàng đầu trong các nhà thơ yêu nước Việt Nam nửa cuối thế kỷ 19, và cũng chính là nhà thơ tiêu biểu trong phong trào “phi thực dân hóa” của các dân tộc Á Phi – một phong trào được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận tiến bộ trên thế giới, phù hợp với hiến chương Liên Hiệp Quốc, trong đó có UNESCO.

Tư tưởng yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu gắn liền với chủ nghĩa nhân đạo, thân dân, với tinh thần yêu hòa bình truyền thống của dân tộc Việt Nam. Qua các tác phẩm, Nguyễn Đình Chiểu luôn phản ánh số phận của nhân dân: nhân dân là nạn nhân đầu tiên của chiến tranh, đặc biệt phụ nữ, trẻ em – những nhóm người yếu thế nhất trong xã hội.

Đặc sắc thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu:

Phần lớn là những bài văn tế: ngợi ca những nghệ sĩ dũng cảm dám đứng lên than khóc cho những anh hùng thất thế, không màng tính mạng mà đứng lên đấu tranh chống lại đô hộ, cường quyền, ra đời trong thời kì khổ nhục và có tác dụng cổ vũ mạnh mẽm cho cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp.

Bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” là tác phẩm xây dựng hình tượng người nghĩa sĩ xuất thân từ nông dân với những phẩm chất cao đẹp của những người anh hùng thất thế thời đó. Bài “Xúc cảnh”: những đóa hoa, hòn ngọc đẹp tạo nên diện mạo phong phú cho vẻ đẹp thơ văn Nguyễn Đình chiểu.

Nghệ thuật trong bài thơ được lập luận chặt chẽ, giàu hình ảnh, ngôn ngữ trong sáng, ngôn từ tinh tế, khéo léo…

Tác phẩm Lục Vân Tiên là tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Đình chiểu và rất phổ biến trong dân gian nhất là ở miền Nam đã mang tư tưởng đạo đức gần gũi với nhân dân, là bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những phẩm chất đáng quý ở đời.

Không chỉ là nhà giáo, thầy thuốc mà Nguyễn Đình Chiểu còn là một nhà thơ. Ông là “ngôi sao sáng nhất trong nền văn học ở miền Nam nửa sau thế kỷ 19”.

Tác phẩm để đời của Nguyễn Đình Chiểu phải kể đến đầu tiên là “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”

Năm 1851, ông viết truyện thơ Lục Vân Tiên để tỏ rõ lòng yêu chính nghĩa, ghét gian tà. Số phận của nhân vật Lục Vân Tiên có những điểm tương đồng với số phận của ông như.: bỏ dở việc thi cử về quê để chịu tang mẹ, trên đường về bị bệnh và mù hai mắt.

Không những thế, chàng còn bị gia đình đã hứa gả con gái cho hãm hại; hết đẩy xuống sông lại bỏ vào hang sâu ở trong rừng. May mắn thay, Vân Tiên được Hớn Minh cứu giúp và được tiên cho thuốc nên mắt sáng lại. Đến khoa thi, chàng đã đỗ trạng nguyên và được cử đi dẹp giặc Ô Qua.

Trên đường thắng giặc trở về, chàng gặp Kiều Nguyệt Nga – người được Vân Tiên cứu giúp, nguyện gắn bó suốt đời. Khi về, Vân Tiên tâu hết mọi sự tình với vua để trừng trị kẻ gian ác, đền đáp người nhân nghĩa. Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga sống hạnh phúc bên nhau.

Truyện thơ Lục Vân Tiên có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều tầng lớp nhân dân và được lưu truyền dưới nhiều hình thức như “kể thơ”, “nói thơ Vân Tiên”, “hát Vân Tiên”.

nguyễn đình chiểu danh nhân đất Việt Nguyễn Đình Chiểu danh nhân đất Việt
Ảnh:Lục Vân Tiên đánh cướp cứu Kiều Nguyệt Nga – Nguyễn Đình Chiểu danh nhân đất Việt
Các tác phẩm khác

Trong thời gian dạy học, Nguyễn Đình Chiểu viết Dương Từ Hà Mậu; bênh vực Nho giáo chân chính, chống bọn đạo đức giả, tham danh lợi. Ngoài ra, ông còn nhiều tác phẩm nổi tiếng khác như.: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc; bài thơ Chạy giặc; Tan chợ,… góp phần cổ vũ, động viên tinh thần nhân dân chiến đấu chống giặc. Các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu hầu hết được viết bằng chữ Nôm; với ngôn ngữ nghệ thuật bình dị, giàu sức gợi cảm.

Sự độc đáo của Nguyễn Đình Chiểu là sáng tác thơ văn trong điều kiện bị mù lòa, cho thấy trí nhớ của cụ rất đặc biệt. Với những tác phẩm để đời và nhân cách sống, cụ đã được tôn vinh là một nhà thơ, nhà VH lớn. Có nhiều hoạt động nghiên cứu cấp Trung ương, nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã đánh giá cao về Nguyễn Đình Chiểu. Nhân cách của cụ được nhân dân yêu mến, kẻ thù nể phục”.

4. Nhà tư tưởng

Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nguyễn Đình Chiểu có vị trí danh dự. Ông đánh dấu quá trình chuyển biến của Nho học Việt Nam ở Gia Định theo hướng đô thị hóa, Việt hóa và bình dân hóa.

Ở Lục Vân Tiên chúng ta thấy có một nhân vật khá đặc biệt, đó là ông Quán. Ông Quán làu thông kinh sử, ngao ngán con đường công danh, nhưng không lui về ẩn dật theo con đường quen thuộc của các nhà nho – ẩn sĩ ngày xưa, mà ông lại mở quán bán hàng, tức là làm thương mại.

Nhà nho truyền thống thường coi khinh buôn bán, thương nhân đứng ở nấc thang cuối cùng (sĩ, nông, công, thương), triều đình cũng thi hành chính sách “trọng nông ức thương”.

Thế mà nhà nho của Nguyễn Đình Chiểu, nho thì rất nho nhưng cũng biết đến cả kinh doanh. Nếu xu hướng ông Quán này được tiếp tục phát triển thì ông có khác gì các nhà nho duy tân đầu thế kỷ 20. Nho giáo của Nguyễn Đình Chiểu đang trên quá trình Việt hóa – bình dân hóa một cách sâu sắc. Chữ trung, đức mục hàng đầu của nhà nho, được Việt hóa thành khái niệm “ngay” (ngay ngắn, ngay thẳng).

Chữ hiếu, đức mục đứng sau chữ trung, được Việt hóa thành khái niệm “thảo”, “ngũ thường” thành “năm hằng”, “chính khí” thành “hơi chính”…

Khi trung thành ngay, hiếu thành thảo, thì những thói ngu trung, hiếu một cách mù quáng không còn nữa. Sự thay đổi khái niệm không phải chỉ là vấn đề thay đổi ngôn từ, mà nội hàm của những khái niệm đó cũng thay đổi.

5. Nguyễn Đình Chiểu – nhà giáo đáng kính

Nguyễn Đình Chiểu là nhà giáo có uy tín cao, thường được dân Lục tỉnh gọi là “cụ Đồ” với thái độ kính trọng mà thân thương. Học trò của ông rải khắp Sài Gòn, Cần Giuộc, Ba Tri. Cụ còn là người thầy thuốc lớn, thương dân, có trách nhiệm, rất đề cao y đức.

Trong Lục Vân Tiên, ông gay gắt lên án bọn lang băm hám lợi, hại người. Sách Ngư Tiều y thuật vấn đáp của ông là cuốn cẩm nang, sách giáo khoa về nghề y, đương thời rất được các thầy thuốc ưa chuộng, sử dụng rất nhiều.

Hình tượng Kỳ Nhân Sư trong tác phẩm ấy thể hiện sự gắn số phận của người trí thức với đất nước và nhân dân. Nước mất, Kỳ Nhân Sư bỏ vào núi vì không muốn làm người trí thức vong thân; buồn đau và bất lực, ông đã dùng chính hiểu biết về nghề thuốc xông mù đôi mắt để khỏi thấy cảnh đất nước điêu linh, sinh dân nghiêng nghèo.

Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương sáng, khi mà cuộc đời ông và sáng tác của ông, lời nói của ông và việc làm của ông thống nhất làm một.

6. Kết luận

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam, là tấm gương vượt lên những khó khăn của cuộc sống và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời của UNESCO. Ông vừa là một thầy thuốc hành nghề đông y để chữa bệnh cứu người. Ông cũng vừa là một thầy giáo, dùng hết kiến thức và tấm lòng cao đẹp của mình để dạy dỗ học trò, vừa là một nhà thơ với những dòng thơ đậm tính nhân văn, khích lệ lòng yêu nước, ca ngợi những con người sẵn sàng làm việc nghĩa, vì lợi ích cộng đồng. Các tác phẩm chính của ông đều được sáng tác bằng chữ Nôm, trong đó nổi tiếng nhất là Tập thơ “Lục Vân Tiên”, chứa đựng nhiều ý nghĩa về đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Giống như Phạm Văn Đồng đẫ viết:

“Tóm lại, Nguyễn Đình Chiểu là một chí sĩ yêu nước, một nhà thơ lớn của nước ta.

Đời sống và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng, nêu cao địa vị và tác dụng của văn học, nghệ thuật, nêu cao sứ mạng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá và tư tưởng”.

 

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close