TRUYỆN NGẮN

Tiếng đàn

Tiếng đàn

Tan tầm, những dòng xe nối đuôi nhau bóp còi inh ỏi trên phố. Đâu đó vang lên tiếng chửi rủa khi mắc kẹt quá lâu giữa đám đông hối hả.

Trung cất bước ra về mà lòng nặng trĩu. Dẫu biết không chỉ mình cậu phải hứng chịu điều đó, thế nhưng trong lúc khó khăn trăm bề, việc phải thất nghiệp đột ngột rồi đây sẽ kéo theo bao nhiêu vất vả, áp lực. Sống giữa lòng thành phố, vật giá leo thang liên tục, cố gắng cách mấy cũng chỉ trụ lại được dăm bữa nửa tháng rồi phải đến lúc khăn gói về quê mất thôi.

Dịch bệnh kéo dài, công ty kinh doanh thua lỗ. Ban lãnh đạo tìm cách cắt giảm chi tiêu tối đa. Một trong số đó, việc thanh lọc đội ngũ là ưu tiên hàng đầu. Trung nằm trong số nhân sự bị chấm dứt hợp đồng lao động, phải rời khỏi công ty ngay trong tuần tới. Số ngày công đã thực hiện trong tháng vẫn được trả lương đầy đủ. Nhưng còn sau đó thì sao? Thông báo sáng hôm nay khiến cậu như người mất hồn, chìm vào thất vọng. Suốt ngày hôm đó, cậu chẳng tập trung được vào công việc của mình. Đến nỗi, chị trưởng phòng phải nhắc nhở khi cậu gửi nhầm email đến lần thứ ba.

“Này Trung, cậu làm việc cho đàng hoàng tử tế vào. Dù sắp tới thế nào thì cũng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ chứ”.

“Vâng ạ. Em xin lỗi chị”.

Chẳng phải Trung cẩu thả nhưng nếu như, cậu thầm nghĩ, chị trưởng phòng cũng rơi vào tình cảnh như cậu hiện tại. Có lẽ, phần nào đó sẽ có đôi chút cảm thông hơn là những lời lẽ cứng nhắc, khuôn sáo kia. Nhìn phố phường tấp nập, một nỗi buồn mơ hồ len lỏi vào bên trong tâm trí. Cậu không muốn về nhà, giá như khoảnh khắc lung linh sôi động này cứ mãi đứng yên như thế. Quyết định sẽ đi uống rượu, hi vọng cơn say sẽ giúp Trung xua đi phần nào nỗi chán chường, mệt mỏi.

Cậu bước chậm trên hè phố, dường như muốn níu lại từng giây phút vẫn đang sống ở nơi này. Từ hồi sinh viên, lúc còn đang dùi mài kinh sử ở giảng đường đại học, Trung luôn mơ ước sẽ đến làm việc ở Đà Nẵng và lập nghiệp ở đây. Thành phố đáng sống, xinh đẹp và đầy màu sắc – điểm đến của bao thanh niên trẻ lúc mới ra trường, còn nhiều hoài bão và khát vọng. Đến bây giờ, nó đã mất đi hẳn phần nào ánh hào quang trước đây. Có thể không do tự thân nơi này, mà chính Trung đang từng bước đánh rơi tuổi trẻ của mình trong chuỗi ngày sống mòn mỏi, bế tắc. Sáng xách cặp táp đi làm, trưa ăn cơm bụi, chiều vào ca thứ hai để tối lại về nhà một mình. Thi thoảng có dăm ba cốc bia cùng đồng nghiệp rồi đâu lại vào đấy. Sự nghiệp mà Trung từng ao ước giờ càng lúc càng xa vời, thậm chí viển vông.

Chợt tiếng đàn văng vẳng đâu đây, kéo cậu ra khỏi đống suy nghĩ rối rắm của thực tại. Âm thanh lúc trầm lúc bổng, khi lại ngân dài một cách não nề. Trung nhìn quanh. Kia rồi. Một cụ già ăn mặc rách rưới đang ngồi đánh đàn guitar ngay trên vỉa hè, sát bên cổng của trung tâm hành chính. Trước mặt là chiếc mũ phớt cũ kĩ, có vẻ là chỗ để khách vãng lai thương tình ủng hộ chút tiền. Cậu vẫn đứng yên như vậy, tiếng đàn mỗi lúc mỗi rõ hơn. Giữa những người xa lạ lướt qua nhau trên phố, cụ già vẫn chơi đàn rất say mê, chẳng có vẻ gì chú tâm đến xung quanh. Mái đầu bạc phơ, xơ xác chốc chốc lại ngả nghiêng theo thanh âm phát ra từ đôi tay của mình. Trung cũng biết đánh guitar. Hồi sinh viên, khối cô nàng mê cậu chỉ vì ngón đàn nghệ sĩ đó. Những đêm giao lưu văn nghệ giữa các khoa, Trung hay cầm đàn vừa gảy vừa hát bài “Nồng nàn Hà Nội”. Giai điệu của nó chợt vang lên, đưa Trung về một thời xa vắng, mộng mơ tươi đẹp.

Lấy ra một tờ năm mươi nghìn, cậu thả nhẹ vào chiếc mũ trước mặt cụ già. Định bụng sẽ đi ngang như không thấy, vậy mà điều gì đấy trong trái tim Trung mách bảo nên dừng lại. Hà cớ gì, cuộc sống luôn cho ta thấy những mảnh đời cơ cực hơn để an ủi chính mình. Đôi lúc, ta tự ảo tưởng nỗi buồn của mình to lớn lắm. Đến khi nhìn xung quanh mới biết, nó chẳng là gì so với muôn ngàn khổ đau ngoài kia.

– Cháu chào ông ạ.

Cụ già ngừng gảy đàn, nghiêng tai về phía phát ra giọng nói. Giờ đây, khi tiến đến gần, Trung mới nhận ra đôi mắt kia đã mờ đục. Cậu không hề nghĩ người nghệ sĩ đường phố này lại dũng cảm sống cuộc đời của mình trong hoàn cảnh như vậy.

– Chào cậu. Cậu ngồi đây từ lúc nào thế? – Cụ ôn tồn hỏi, âm giọng khá trầm.

– Nãy giờ cháu đừng đầu kia nghe ông đàn, bây giờ mới đến. Cháu xin gửi ông chút tiền ủng hộ ạ.

Cụ già hướng đôi mắt trắng dã về phía Trung rồi khẽ gật đầu.

– Cảm ơn cậu nhiều. Cậu muốn nghe thêm một bài nữa không?

Trung lễ phép đáp.

– Dạ vâng ạ. Thế thì tốt quá.

Và rồi, mái đầu bạc kia lại cúi xuống, khom người gảy từng dây đàn trên chiếc guitar màu nâu bạc phếch. Âm thanh vang lên, không ồn ào nhiễu loạn như những giai điệu của nhạc trẻ hiện tại. Trung không biết bài này nhưng có lẽ nó thuộc về thế hệ trước, những người bây giờ đã mỉm cười nhìn con cháu trưởng thành. Tiếng đàn lặng lẽ, bật lên giữa khung cảnh náo nhiệt những nốt cao vút rồi chợt ập xuống tận đáy của sự mượt mà, êm dịu. Có cảm giác như mỗi khi chơi đàn, cụ già với chiếc guitar là một cặp đôi nghệ sĩ – nhạc cụ đang trình diễn trong lễ hội đường phố nào đấy. Cụ chơi đàn với sự say mê, cuồng nhiệt thực sự.

– Cụ đàn hay quá. Bọn thanh niên bây giờ như cháu cố gắng cũng chẳng theo kịp. Trước đây cụ từng học qua guitar chưa ạ?

Giọng nói trầm tĩnh lại vang lên.

– Cậu quá khen. Tôi cũng chỉ chơi theo cảm tính chứ không học bất kì ai cả. Nghĩ sao chơi đó, nhớ gì đánh đó vậy thôi.

– Cây đàn cụ mua hẳn cũng lâu rồi nhỉ. Cháu thấy nó khá cũ.

Cụ già vỗ bàn tay vào mặt đàn, cười đáp.

– Đúng đấy. Tôi mua nó trong tiệm nhạc cụ cách đây đã lâu. Giờ chơi vẫn còn mượt lắm. “Cô nàng” này vẫn còn nghe lời tôi.

Trung cười theo. Như nghĩ ra điều gì, cậu lại hỏi.

– Hôm nào cụ cũng ngồi chơi đàn ở đây hả cụ?

– Không. Ngồi vài bữa rồi lại chuyển nơi khác, con tôi nó làm phục vụ ở quán nhậu. Cứ chiều lại chở tôi đến đây rồi đi làm. Khuya lại đến đón về.

– Sao cụ không ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe ạ?

Cụ không đáp, hướng ánh mắt vô hình ra bên ngoài đường phố. Có lẽ cụ thấy điều gì đó mà Trung không thấy được chăng.

– Tôi đã già, đi đứng khó khăn rồi chẳng mấy chốc lại đến lúc trăm tuổi. Tranh thủ làm điều mình thích khi còn có thể cậu ạ. Trước tôi mê đánh đàn guitar nhưng đi lính nhiều năm, bộn bề chuyện gia đình nên chẳng có nhiều thời gian theo đuổi.

Nghe lời kể, Trung mới biết cụ là cựu chiến binh. Vợ mất khi cụ đã ngoài bảy mươi. Hai ông bà không có con nên nhận một đứa trẻ ở trại mồ côi về nuôi, vui buồn hôm sớm tuổi già. Thân già còm cõi, mắt lại mù lòa, mất sức lao động đành trông chờ vào con cháu. Ấy thế mà, cậu chợt nghĩ, cụ vẫn giữ được ngọn lửa đam mê và thậm chí nhiệt tình hơn thời trai trẻ. Nhìn lại bản thân mình, thanh niên sức dài vai rộng, tốt nghiệp ra trường mấy năm cứ mãi chơi vơi không định hướng trong công việc nhàm chán, không thể thăng tiến. Sống đời tuổi trẻ nhạt nhòa, chôn vùi bao mơ ước. Nỗ lực được một thời gian để thay đổi rồi lại nản chí, thối lui trước khó khăn. Xấu hổ bao nhiêu khi nghe câu chuyện của cụ già ngồi trước mặt mình, Trung tự thấy bản thân kém cỏi rất nhiều.

– Hôm nay gặp ông cháu rất vui. Mấy khi đi ngang qua nhưng không thấy, hôm nào cháu lại đến thăm ông ạ. Cháu xin phép đi trước.

– Vâng. Cảm ơn cậu. Chúc cậu mọi điều tốt đẹp nhé.

Trung cất bước đi nhưng là theo hướng ngược lại. Sau lưng cậu, tiếng đàn lại bật lên những thanh âm riêng biệt của nó. Bất chấp sự hỗn loạn xung quanh, mặc kệ thế nhân vô tình, tiếng đàn ngân lên như vốn dĩ công việc của nó phải thế.

Trung đứng cạnh cột đèn giao thông, chuẩn bị bước sang bên kia đường. Trong đầu cậu, một căn phòng bừa bộn đang chờ được dọn dẹp.

 Tác giả Kì Phong

Xem thêm tác phẩm hay cùng tác giả:

Tiếng đàn - Kì Phong Tiếng đàn
Tiếng đàn -Truyện ngắn hay trên Văn học trẻ- Kì Phong

Lời bàn truyện ngắn “Tiếng đàn”

Kì Phong mang đến cho bạn đọc một câu chuyện truyền cảm hứng cho bất cứ ai đang cảm thấy bế tắc hoặc có những khó khăn trong cuộc sống có thêm một động lực cho tinh thần.

Tiếng đàn, chỉ là một âm thanh giữa thế giới xô bồ này, có nhiều khi những bản tình ca du dương, tiếng chim hót líu lo trên cành cũng chẳng khiến ta chú ý, nhưng tình cờ khi tâm trạng ngổn ngang, tình cảnh nhân vật khốn khó. Những mộng tưởng nhiệt thành tuổi trẻ sau bao năm cố gắng giờ lại chẳng còn chút gì. Tiếng đàn vang lên đúng lúc giống như một sự thanh tẩy khiến cho Trung như được tiếp thêm sức mạnh lạc quan. Người ta thường nói cái đẹp có khả năng cứu rỗi tâm hồn con người, gột sạch những bụi bẩn quanh nó. Tôi liên tưởng tới chữ của người tử tù – nét chữ của ông Huấn Cao với tiếng đàn của ông già mù, đều là những cái đẹp dẫn lối những tâm hồn cao đẹp trở về đúng vị trí của mình nên ở. Thực ra, tiếng đàn chỉ là thứ dẫn lối tới ông già mù – người tạo ra cái đẹp và cũng chính là người truyền cảm hứng cho Trung để anh nhận ra mình đã bỏ quên ước mơ của mình giữa những ngăn tầng khó khăn cuộc sống.

“Sống đời tuổi trẻ nhạt nhòa, chôn vùi bao mơ ước. Nỗ lực được một thời gian để thay đổi rồi lại nản chí, thối lui trước khó khăn. Xấu hổ bao nhiêu khi nghe câu chuyện của cụ già ngồi trước mặt mình, Trung tự thấy bản thân kém cỏi rất nhiều.”

Nhờ người già, nhờ tiếng đàn mà “Trong đầu cậu, một căn phòng bừa bộn đang chờ được dọn dẹp.” Rất nhiều người trong chúng ta có một lúc nào đó trong cuộc sống cũng đã từng tự đưa mình vào tấm màng nhện đầy vướng bận, đầy khó khăn giãy giụa khó thoát. Chỉ cần suy nghĩ đả thông, sẽ tự tìm được lối ra cho mình. Đôi khi sự đả thông ấy đến từ một lời khuyên, một sự tình cờ gặp gỡ hoặc đơn giản là một tiếng đàn như Trung vậy.

Bạn có suy nghĩ gì về câu chuyện này, hãy để lại bình luận về “Tiếng đàn” ủng hộ Văn học trẻ và tác giả Kì Phong nhé.

 

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close