TẢN VĂN

Những ngày hè đã mất

Những ngày hè đã mất

Quá ngọ, bố mẹ đã thiu thiu giấc ngủ trong cái oi nồng mùa hạ sau buổi sáng ra đồng. Tôi lặng lẽ xuống nhà dưới, mang theo bộ cần câu và giỏ tre đã chuẩn bị sẵn. Vớ lấy chiếc nón tơi trên giàn bếp, lao vội vào khoảng không trước mắt, tôi hí hửng nhập bọn với lũ trẻ cuối thôn.

Đường làng giờ này vắng bóng người, tiếng ve kêu râm ran khắp các ngọn cây. Thôi thì đủ cả nào tre, nào sầu đâu, nào mít, nào bồ đề… chen chúc nhau làm nơi biểu diễn cho lũ nhạc sĩ bé tí hon. Chúng kêu không ngừng nghỉ suốt cả mùa hè rồi bỗng dưng im bặt khi tiết trời đã vào thu. Đường mấp mô ổ gà, vương vãi rơm rạ khắp nơi làm dậy lên một mùi ẩm ướt, mốc meo quen thuộc. Ngày mùa, các cô chú trong làng ra đồng từ sớm để gặt lúa cho kịp thời vụ. Quần quật đến trưa, cũng là lúc thế giới tuyệt vời của bọn con nít mở ra khi người lớn đã nghỉ ngơi trong râm mát.

Hẹn nhau ở khu đất cạnh giếng làng, đứa nào đứa nấy mặt đỏ bừng, mồ hôi ròng ròng hai bên thái dương sau khi Giang đầu trần từ nhà đến. Thằng Tép khoe mới đào được mớ giun đất béo múp míp. Quả này làm mồi câu thì tuyệt cú mèo. Cu Mực – con thím Tư bán kẹo ở xóm lá – cũng cười nhe cả hàm răng đầy lợi khi hãnh diện với chiếc cần mới toanh. Thân bằng tre xanh, được vót sạch các mấu nên sờ vào rất mịn. Dáng nghiêng vừa phải, thuận tiện khi buông và kéo cần. Cả bọn kéo nhau ra bờ mương chạy dọc theo đường làng. Dưới ánh nắng nghiêng ngả trên những mái đầu trẻ thơ, chúng tôi lựa cho mình chỗ ngồi mát mẻ nhất rồi thong thả buông cần. Tôi chọn khúc nước sát bờ cỏ, nơi có bóng nước sủi tăm nhiều. Thoáng thấy thân đen trũi lập lờ của bọn cá, tôi móc mồi vào lưỡi câu rồi thả cần nhẹ nhàng.

Con Mơ câu rất nghệ. Mới ngồi chưa ấm chỗ, nó đã cười ha hả rồi kéo vút cần câu lên. Thân tre rung rinh trong tay nó, phía dưới dây câu là một chú cá rô đang quẫy dữ dội. Nhưng thế là rồi đời, phút náo động cuối cùng trước khi nằm gọn trong giỏ tre. Câu cá đã lâu nên tôi biết khá rõ đặc tính của bọn chúng ở khúc mương này. Cá rô ăn tạp, dễ đớp mồi khi gặp thính ngon. Cá trê khó hơn khi lặn sâu dưới nước, chui rúc trong bùn lầy. Cá chuối hay bơi tầng giữa, ăn rong rêu và bọn tôm tép. Nhiều khi chúng vẫn ăn mồi khác như giun đất hay ruồi nhưng người ta phải biết thả câu nơi nước đục. Họ nhà này hiếm khi nào bơi ở chỗ nước trong.

Một tia cá thoáng lướt qua, tôi tập trung vào mảnh phao dập dềnh trên mặt nước. Đang chầm chậm trôi nổi nhẹ nhàng rồi bất thình lình, dây câu bị kéo căng. Mảnh phao chìm xuống hơn phân nửa, gần như lút toàn bộ màu trắng bé tí teo. Tôi đợi tầm hai giây cho cá say mồi, lưỡi câu móc sâu hơn rồi giật mạnh cần câu lên theo chiều từ phải sáng trái. Đây rồi! Một chú bống tượng màu nâu đất, thân thể trơn láng đang giẫy giụa liên hồi. Tôi kéo dây lại gần, nhẹ nhàng tháo lưỡi câu rồi thả chiến lợi phẩm bé nhỏ vào giỏ. Nó yên vị bên trong, phập phồng từng hơi thở sau cuối.

Đầu giờ chiều, mặt trời đã nghiêng về phía bên kia trên con đường về lại chân trời phía Tây. Nắng bớt gắt nhưng vẫn còn hanh lắm. Cá câu được khá nhiều. Giỏ đứa nào cũng nằng nặng trên tay, dự đoán về một đĩa mồi nhắm cho bố hay nồi cá kho tiêu hành cho mẹ. Thằng Út đề xuất ra đồng bắt cào cào về cho gà ăn. Giống này thuộc họ với châu chấu nhưng to và bay nhanh hơn. Trên ruộng lúa, có những lần tôi bắt gặp con cào cào to bằng ngón tay cái. Những con ấy nếu bắt được, chúng tôi thường buộc sợi chỉ vào lưng rồi thả cho nó bay tự do. Khi đó, đôi cánh của nó thường xòe rộng ra trông vô cùng đẹp mắt. Thế là, cả bọn ba chân bốn cẳng mang cá về nhà thả vào chậu rồi lại tụ họp đầu làng. Kéo quân ra đồng trông hùng dũng như binh đoàn tí hon đang ra trận đánh giặc. Đứa nào đứa nấy đi tay không, thích thú nghĩ về màn săn lùng sắp tới. Bắt cào cào không cần nghĩ nhiều, ai nhanh tay lẹ mắt hơn sẽ bắt được nhiều hơn. Lũ côn trùng màu xanh lá ấy thường phản ứng với chuyển động xung quanh rất nhạy. Muốn bắt gọn mà không làm chúng chết cần phải nhẹ nhàng đến gần, trước khi dùng tay chộp lấy với lực vừa phải. Ấy thế mà thằng Tép, con Mơ bóp chết không ít cào cào. Hai đứa đành tiu nghỉu bỏ vào bao rồi lại tiếp tục lùng bắt con khác. Suốt buổi hôm đó, chẳng có đứa nào bắt được cào cào to, chỉ toàn bọn bé xíu. Lúc ra về, mặt mày đỏ au hết lượt nhưng chẳng ai than mệt. Có cảm giác như bọn chúng tôi vẫn có thể rong chơi đến tận khuya nếu như không có tiếng gọi về nhà của bố mẹ.

Tối hôm đó, khi lũ gà đã lên chuồng, bố tôi trải chiếu giữa sân ngồi nhậu với mấy chú trong đội gặt của thôn. Năm nay được mùa nên ai cũng cười nói vui vẻ, ra chiều phấn khởi lắm. Mẹ bưng từ dưới bếp lên một đĩa cá rô chiên giòn, đặt giữa mâm rồi thông báo với mọi người ấy chính là thành quả của tôi sau buổi lao động suốt trưa hôm ấy. Bố cười bảo, thằng này thế mà khá, chẳng mấy mà nuôi bố mẹ được rồi. Tôi thích chí cười tít mắt, cũng ngồi bên cạnh mấy chú để ăn mồi nhắm. Hương rượu nồng nàn phảng phất đưa hương đâu đây càng làm cho đêm tối thêm phần thoải mái, êm đềm.

Trăng lên cao, vằng vặc giữa bầu không như mời gọi những tâm hồn nghệ sĩ. Một chú trong đội gặt bắt đầu cất tiếng hát, những người còn lại dùng đũa gõ lên chén tạo thành một dàn hợp xướng thú vị. Gần gũi, yên bình, tôi như sống mãi trong khoảnh khắc ấy. Gác đầu lên đùi mẹ, nghe đôi bàn tay phe phẩy chiếc quạt nan, tôi lim dim mắt chìm vào giấc ngủ không mộng mị.

Mãi về sau, khi đã thành người lớn, không còn thích hợp để vác cần chạy rong như lúc nhỏ, tôi mới thấy nuối tiếc về khoảng thời gian đã trở thành kí ức. Cứ mỗi khi hè về trước ngõ, tôi lắng nghe tiếng ve giữa lòng thành phố. Nó nhạt nhòa, đứt đoạn chứ không ngập tràn âm thanh náo nức như thuở nào. Lòng tôi như hụt hẫng đi nhiều. Trong sự vội vã thường nhật, tìm đâu để thấy chốn bình yên, không lo nghĩ như thời ấu thơ. Tìm đâu để thấy chính mình trong màn sương vô minh của những xô bồ, hỗn loạn.

Giá như…

 

Tác giả Kì Phong

Xem thêm tản văn hay cùng tác giả:

Những ngày hè đã mất - tản văn hay Văn học trẻ Những ngày hè đã mất
Những ngày hè đã mất – tản văn hay Văn học trẻ

Lời bàn tản văn “Những ngày hè đã mất”

Những ngày hè đã mất là một tản văn hay về ngày ấu thơ vô cùng vui vẻ, đáng quý, sẽ đưa bạn về với thuở còn xanh đầy mộng mơ và tinh nghịch.

Quân đoàn nhí tí hon thường đi câu cá vào buổi trưa, khi bố mẹ đã say giấc. Ta thấy cái thú vị trong trò câu cá, những kĩ thuật câu cá, đào mồi, mắc mồi, giật cá, .. chiếc cần câu và chiến tích còn đáng chú ý hơn tất cả sự nghèo khó trong chiếc ổ gà, rơm ẩm mốc, nón tơi đội đầu. Trẻ thơ là thế, sự vui vẻ đến từ những việc rất nhỏ mà đôi khi người lớn chẳng thể hiểu. Để rồi sau này, khi đã có nhiều tiền hơn, ta lại chợt thèm về ngày tuy thiếu khó nhưng lại dễ vui vẻ, không ưu phiền. “Giá như…” – câu để lửng cuối bài ấy cũng thay tiếng lòng thở than của bao người. Chẳng cần phải nói ra nhiều điều cũng đủ để hiểu phía sau câu lửng ấy hẳn là lời nguyện ước “cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”.

Kì Phong, với vốn từ phong phú, được chắp cánh thêm bởi những kí ức về ngày hè thơ mộng, đã đem đến cho chúng ta một thước phim tuyệt đẹp, một tuổi thơ nguyên vẹn, đủ đầy. Cùng đọc tản văn này để được lơ lửng trên bầu trời cao vợi của những êm đềm đã cũ, tái hiện thực sinh động để rồi bất giác mỉm cười lúc nào không hay.

“Những ngày hè đã mất” càng khiến ta thêm quý trọng những gì đã qua, trân quý thực tại và tạo ra một tương lai khác cho lũ trẻ được đầy ắp tiếng cười. Bạn nghĩ sao về tản văn này? Hãy để lại bình luận ủng hộ Văn học trẻ và Kì Phong nhé.

 

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close