TẢN VĂN

Quán tạp hóa

Quán tạp hóa

Quán nằm nép mình bên ngã tư đường làng. Chiếc quán nhỏ xinh xắn có ghi dòng chữ bằng vôi trắng “Có Quán Mới”. Chẳng biết dòng chữ ấy là thông báo hay thể hiện ý nghĩa gì, nhưng bác Cả con trai bà Nghiên đã lấy chiếc chổi lông nhỏ, viết như thế từ hồi đầu quán được mở ra. Ngày tôi còn nhỏ xíu, chừng lên năm tuổi. Tôi cùng với mấy đứa bạn trong xóm hay chơi tha thẩn quanh quán. Chẳng giám mua gì đâu, bởi không có tiền. Mấy đứa chỉ nhìn qua ô cửa quán và ngắm những chiếc kẹo màu xanh đỏ. Dòng chữ vẫn còn đó nhưng “quán mới” nay đã trải qua ba mươi năm rồi.

Bà Nghiên dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt hiền từ, tai bà đeo đôi khuyên bạc, nếu ánh nắng xuyên qua, trông tai bà như đang đeo ngôi sao nhỏ lúc la lúc lắc. Quán của bà chỉ có một chiếc tủ kính nhỏ. Bốn góc chân tủ được kê trên bốn cái bát đựng nước. Tôi chẳng hiểu người ta kê bát nước dưới chân tủ ấy để làm gì? Bảo vệ khỏi mối mọt chăng? Quán tạp hóa đúng nghĩa khi được bày bán rất nhiều thứ lặt vặt phục vụ cuộc sống gia đình như: Kim chỉ, dây thun, chè, thuốc lá… Nhưng bọn trẻ con chúng tôi thường chú ý trong tủ kính của bà những loại kẹo: kẹo vừng, kẹo đầu tây, kẹo gôm, kẹo dồi… Kẹo vừng hình bầu dục nhỏ bằng ngón tay cái người lớn, màu trắng đục, xung quanh được rắc hạt vừng phủ kín. Kẹo đầu tây có hình như chiếc mũ cối, màu hơi vàng, bên trong có nhân đỗ xanh ăn mát mát. Kẹo gôm nhỏ xíu, hình vuông, mềm như cục tẩy, màu đỏ đậm, xung quanh phết những hạt đường trăng trắng. Kẹo gôm nhỏ nên rẻ nhất, tờ tiền một trăm đồng nhỏ màu xanh xanh hồi thập niên 90 mua được bốn chiếc kẹo gôm. Kẹo dồi màu trắng bọc bên trong nhân lạc pha đường, y hệt như miếng dồi heo, kẹo dồi cứng lắm, ăn phải ngậm cho mạch nha tan dần ra chứ không nhai được.

Tôi ở với ông bà ngoại, nhớ những ngày cuối tuần mẹ đi công tác về, mẹ cho tôi mấy đồng tiền lẻ. Tôi kéo lũ bạn chạy ngay ra quán bà Nghiên. Mua mỗi loại kẹo một trăm đồng. Tờ tiền năm trăm đồng màu đỏ mua được hai chiếc kẹo vừng, hai chiếc kẹo dồi, hai chiếc kẹo đầu tây và hai chiếc kẹo cao su. Bà Nghiên trao kẹo rồi mỉm cười, cất tờ tiền năm trăm đồng còn mới nguyên vào cái ống bơ bằng sắt. Tôi sở hữu những chiếc kẹo ngọt ngào. Lũ bạn chìa bàn tay nhỏ xíu ra xin “Na cho tớ một cái!”, “Na cho tớ một cái chiều tớ cho Na vào nhà tớ chơi”. Ừ thì cho mỗi đứa một cái nhưng đứa nào làm thất ý là đòi lại đấy! Kẹo cao su bọn tôi ăn tiết kiệm lắm. Đầu tiên hít hà mùi thơm từ chiếc kẹo, tôi bấu cho mỗi đứa một mẩu nhỏ xíu, cho vào miệng nghe vị ngọt tan dần nơi đầu lưỡi. Vị ngọt hết rồi nhưng kẹo chưa tan, nó như cao su có sự đàn hồi nhai đi rồi nhai lại vẫn còn nguyên trong miệng. Tôi nhá vào miệng cả buổi sáng vẫn không hết, đến trưa phải về ăn cơm. Bọn tôi bảo nhau cuộn tròn miếng kẹo lại, dán lên cột nhà. Ăn cơm xong rồi, mấy đứa lại bỏ vào miệng nhai tiếp. Chiều đến chơi nhảy dây phải tập trung nhảy cho độ cao ở mang tai, tôi dán kẹo cao su vào cúc áo. Viên kẹo cao su nhỏ mà ăn tiết kiệm được mấy ngày. Giá mà thời gian và cuộc đời cũng trôi chảy tiết kiệm như chiếc kẹo cao su ấy, chắc hẳn tuổi thơ của chúng ta sẽ dài ra. Niềm hạnh phúc trẻ con vẫn ngọt ngào còn đó, chẳng vội qua mau. Hẳn chúng ta sẽ không còn than vãn “thời gian trôi nhanh quá”!

Quán bà Nghiên còn bán cả dầu hỏa và rượu. Bà bán dầu cho những nhà thắp đèn buổi tối. Hồi đấy làng quê vẫn nghèo, mọi người tiết kiệm điện, lúc nào cần ánh sáng rõ mới bật điện. Bà đẽo một cái gáo bằng tre có tay cầm. Cái gáo múc vừa đủ một cút dầu hỏa. Tôi cũng không biết “một cút” là đơn vị đo lường như thế nào, nhưng chắc đó là đơn vị nhỏ nhất bằng nửa cái bát ăn cơm nếu đổ dầu ra. Ông tôi hay sai tôi đi mua rượu mỗi khi đến bữa ăn. Ông bảo “Na chạy ù ra quán bà Nghiên mua cho ông cút rượu!”. Nói rồi ông đưa cho tôi cái chai thủy tinh nhỏ xíu và năm trăm đồng. Tôi chân trần, đội nón chạy ngược ra ngã tư rẽ vào quán bà Nghiên. Buổi trưa gọi “bà Nghiên ơi” ầm ĩ. Bà lại lấy cái gáo bằng tre, đút vừa miệng can rượu lớn, múc ra thứ rượu sóng sánh thơm thơm mùi men ủ. Tôi trả tiền bà rồi chạy một mạch về nhà. Một cút rượu chẳng bao giờ làm ông ngoại say được. Chỉ làm cho ông ửng đỏ làn da rồi cười khà khà bên mâm cơm gia đình chỉ có canh rau với cà pháo muối. Ông không có đồ nhắm rượu nên cạo cháy cơm làm mồi nhắm. Cháy cơm nấu bằng nồi gang giòn rụm thơm phức, tôi thấy thèm nên cũng xin ông một mẩu cháy con. Ông bảo “răng cái Na khỏe nên nhai nghe ngon quá!” Tôi nhớ như in những ký ức đó cho tới tận bây giờ. Nó rõ ràng như ban ngày của buổi chiều hè, nơi mặt tỏa ánh nắng bên hiên sáng nhất lúc giữa trưa.

Nhớ ngày trung thu năm ấy, quán bà Nghiên có bầy trong tủ kính thêm mấy chiếc bánh nướng và bánh dẻo. Tôi nhõng nhẽo đòi mẹ cho bốn trăm đồng để mua. Bà Nghiên lấy cho tôi chiếc bánh dẻo màu trắng. Tôi bóc ra ăn bên cạnh mấy đứa bạn đang dõi theo từng cử chỉ của tôi, miệng liếm láp thèm thuồng. Nhưng kẹo ngọt quá, khé cổ, tôi quen ăn những thứ kẹo vừng, kẹo gôm rồi. Lũ bạn thấy tôi không thích chiếc bánh dẻo, chúng rạng rỡ khuôn mặt chìa tay xin. Tôi hoan hỉ chia cho mỗi đứa một mẩu. Chẳng mấy chốc chiếc bánh đã hết, cả bọn cười xòa rủ nhau chơi trò trốn tìm bên quán. Buổi tối trăng lên, trò chơi trốn tìm kết thúc, quán bà Nghiên thắp điện lên đèn. Nhưng hôm nay trăng sáng, cả ánh đèn bên quán đọ ánh sáng cùng trăng. Chẳng biết thứ nào sáng hơn, chỉ thấy trong tiềm thức một thứ gì đó lấp lánh như trăng, như sao mà người ta gọi là ký ức. Bà Nghiên vấn lại tóc, chít chiếc khăn mỏ quạ màu đen, cười theo trò chơi rồng rắn lên mây của mấy đứa trẻ chúng tôi. “Rồng rắn lên mây có cây khúc khắc, có thằng bẻ măng, thầy thuốc có nhà hay không?” Chúng tôi nối đuôi nhau đi vòng vòng quanh quán bên con đường làng quê vắng vẻ lấp đầy ánh trăng. Có ai còn nhớ hay đã quên chiếc bánh dẻo tuổi thơ năm nào?

Quán nhỏ, tường vôi trắng, nằm nép mình giữ ngã tư làng. Từ mùa xuân sang mùa đông lúc nào cũng tấp nập người mua. Lũ trẻ chúng tôi thân thiết với và Nghiên, coi bà như một người bạn lớn. Bà bận bán hàng nên ít kể chuyện cho chúng tôi nghe. Nhưng bà thương mấy đứa nhỏ thèm kẹo ngọt, thỉnh thoảng và hay dúi cho chúng tôi mẩu bánh đa vỡ hay vài chiếc bỏng đàng. Những lúc hạnh phúc như thế bọn chúng tôi lại ngồi chia nhau ăn. Nghe vị ngon, béo ngậy tan trong miệng. Nghe tuổi thơ thổn thức dư vị ngọt ngào, ấm áp. Bất kể đó là mùa nào trong năm. Chẳng có lạnh giá hay nóng bức, chỉ có tình thương như miền cổ tích trào dâng nơi đáy con tim, nhịp nhàng theo từng hơi thở.

Chiều nay qua quán cũ, tường vôi trắng đã tróc lở, loang lổ những vệt vôi cát rơi. Trên đỉnh quán vẫn còn dòng chữ “Có Quán Mới”. Tự nhiên tôi thấy nghẹn ngào rưng rưng quá! Bà Nghiên vẫn còn sống, bà đã chín mươi tám tuổi rồi, tóc bà bạc trắng như cước, tay bà run run. Đôi ta bà còn đeo đôi khuyên tai bằng bạc lấp lánh. Bà vẫn nhận ra tôi khi tôi hỏi nhỏ. Vẫn chiếc tủ kính cũ kỹ năm nào, dưới chân tủ vẫn được kê ngay ngắn bốn chiếc bát. Chỉ có điều trong tủ kính không còn những túi kẹo tuổi thơ nữa. Chiếc tủ kính trống không, hoen gỉ, bạc màu. Bà đã quá già để bán quán, và quán cũng đã quá cũ để bán cho những đứa trẻ thời nay.

Có những thứ thời gian trôi qua rồi, tất nhiên nó sẽ nằm gọn trong ký ức của mỗi người. Nhưng cũng có những thứ đắt giá mà bao nhiêu gia tài vật chất cũng chẳng thế mua được. Đó là những đẹp đẽ của tuổi thơ hẳn ai cũng từng có. Nơi cửa hiệu quán tạp hóa, tôi nghe âm vang những dư vị ngọt ngào của những viên kẹo màu xanh đỏ còn ngọt ngào nơi đầu lưỡi. Nghe tiếng cười của lũ trẻ lúc chơi trò trốn tìm. Tôi hạnh phúc khi gặp lại mình trong quá khứ, tôi nhận ra rằng chẳng có thứ gì mất đi nếu ta nhận ra rằng trên đời này vạn vật đều có sự luân hồi, chuyển tiếp. Vì thế quán tạp hóa của bà Nghiên vẫn còn nguyên dòng chữ được viết bằng vôi trắng năm nào “Có Quán Mới”. Đó chẳng phải là gạch nối của quá khứ đến hiện tại sao?

 

Tác giả Thanh Nga

Bài viết hay cùng tác giả:

Quán tạp hóa - Văn học trẻ Quán tạp hóa
Quán tạp hóa – Tác giả Thanh Nga | Văn học trẻ

Bàn luận của BTV về tản văn “Quán tạp hóa

Quán tạp hóa – tản văn viết về tuổi thơ và dấu ấn một thời đã qua của thế hệ 8x, đầu 9x với chứng nhân “quán tạp hóa” và những cây kẹo ước mơ.

Thanh Nga luôn đau đáu với những kí ức đã mất đi của chính chị và cả một thế hệ, đó không chỉ đơn giản là kí ức riêng tư vui buồn của một cá thể mà dường như làm sống dậy cả một thời đại. Kẹo vừng, kẹo đầu tây, kẹo gôm, kẹo dồi… – thức quà mà đám trẻ cách đây vài chục năm mơ ước, thèm thuồng, nhưng bây giờ chúng chẳng được biết tên.

Kẹo vừng hình bầu dục nhỏ bằng ngón tay cái người lớn, màu trắng đục, xung quanh được rắc hạt vừng phủ kín. Kẹo đầu tây có hình như chiếc mũ cối, màu hơi vàng, bên trong có nhân đỗ xanh ăn mát mát. Kẹo gôm nhỏ xíu, hình vuông, mềm như cục tẩy, màu đỏ đậm, xung quanh phết những hạt đường trăng trắng. Kẹo gôm nhỏ nên rẻ nhất, tờ tiền một trăm đồng nhỏ màu xanh xanh hồi thập niên 90 mua được bốn chiếc kẹo gôm. Kẹo dồi màu trắng bọc bên trong nhân lạc pha đường, y hệt như miếng dồi heo, kẹo dồi cứng lắm, ăn phải ngậm cho mạch nha tan dần ra chứ không nhai được.

Trong những sự kiện được tái hiện của chị, ta thấy được một tuổi thơ sống động, tràn ngập sắc màu và sự ngây thơ con trẻ. Và có lẽ, những thứ từng mất đi càng đẹp bao nhiêu, con người càng thèm có lại bấy nhiêu. Đúng như chị đã viết: “có những thứ đắt giá mà bao nhiêu gia tài vật chất cũng chẳng thế mua được – đó là những đẹp đẽ của tuổi thơ hẳn ai cũng từng có”. Tiệm tạp hóa mà chị viết bài hôm nay, cũng là một chứng nhân cho tất cả đẹp đẽ đã từng tuổi thơ chị.

Quán tạp hóa – bạn đã từng có dấu ấn nào ở nơi này giống tác giả không? Hãy để lại bình luận về kỉ niệm của bạn với Văn học trẻ nhé.

 

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close