Chưa được phân loại

Thư gửi tới thiên đường

Con đã từng chứng kiến sự mong manh của ranh giới sinh - tử, con đã từng trơ mắt nhìn người mà con kính trọng nhất trút hơi thở cuối cùng, mãi mãi ra đi mà chưa kịp nói lời từ biệt.

“Mấy mùa Hà Nội mưa nắng thất thường. Nhà cao tầng san sát. Đứng cạnh khung cửa sổ phòng trọ nhỏ, nghe hương hoa sữa chưa đủ nồng nàn vấn vít quanh không khí, ngước mắt lên không nhìn thấy bầu trời, con chợt nhớ bầu trời đầy sao ngày trước.

Mỗi linh hồn bay lên trời sẽ hóa một vì sao. Con đã không ít lần tự hỏi, trong ngàn vạn vì tinh tú ấy, nới nào là linh hồn của bố con?

Ngày mưa, ngày đưa bố về nơi ở cuối cùng, ngày con thầm nói lời vĩnh biệt người thân thiết nhất đã ra đi mãi mãi, con quỳ trước ngôi mộ mới, nước mắt lăn dài trên má, hòa lẫn vào nước mưa, mặn chát. Lần đầu tiên trong suốt mười mấy năm sống trên đời, con trai của bố đã khóc.

Đó là ngày thay đổi mục tiêu cuộc đời con.

Bố biết không? Lần thứ hai con suýt nữa rơi nước mắt là khi cầm trên tay tấm giấy báo nhập học, bước bước chân đầu tiên qua cánh cổng của trường Đại học Y Hà Nội. Xung quanh con, những người bạn cùng đi nhập học ai cũng có bố, mẹ đi kèm. Chỉ có con một mình lạc lõng. Có ai hiểu được, cho dù con có tự lập thế nào, có chín chắn thế nào thì cũng chỉ là một thằng nhóc vừa tròn mười tám tuổi, cũng mong nhận được sự quan tâm. Con đã thấy cổ họng mình nghẹn đắng, nước mắt muốn trào ra. Nhưng bản lĩnh của một thằng con trai không cho phép con rơi nước mắt, con cắn răng, nuốt ngược nước mắt vào trong.

Con tưởng rằng mình đã đủ mạnh mẽ để không nghĩ đến chuyện đau lòng, con tưởng rằng mình đã đủ bận rộn để không còn thời gian nhớ lại. Nhưng mỗi đêm tỉnh dậy, căn phòng trọ trống vắng, đêm đen yên tĩnh đến mức nghe được từng nhịp thở, giật mình thấy nước mắt giàn dụa trên mặt, con mới biết rằng có những nỗi đau không thể nào quên.

Nỗi đau ấy của con, là giọt nước mắt của một thằng con trai trước giờ vẫn tự nhận mình mạnh mẽ, là những con đường chới với bước đi đơn độc, là giữa dòng đời lạc lõng không có ai cho con biết đúng sai. Nỗi đau ấy của con, là những lời yêu thương quá muộn, là những lời hứa với bố mà chưa một lần con thực hiện, là sự hoang mang khi biết rằng từ đây con phải đứng một mình.

Sinh viên xa nhà, con học xa, xa ngôi nhà con đã sống trọn vẹn mười tám năm cuộc đời, xa những kỷ niệm thời ấu thơ nhòa nhạt, xa luôn cả ngôi nhà đầy hương hoa cỏ nơi bố đang nằm đấy.

Lựa chọn của con, con không nói chắc bố con cũng hiểu.

Trở thành bác sĩ, chưa bao giờ là ước mơ của con. Con trai của bố luôn ước mơ sẽ trở thành sinh viên trường đại học bách khoa Hà Nội, hoàn thành năm năm học và trở thành một kỹ sư.

Nhưng con đã từ bỏ ước mơ ấy, vì một điều ý nghĩa hơn, thầm lặng hơn, cao cả hơn: nghề y. Con đã từng chứng kiến sự mong manh của ranh giới sinh – tử, con đã từng trơ mắt nhìn người mà con kính trọng nhất trút hơi thở cuối cùng, mãi mãi ra đi mà chưa kịp nói lời từ biệt. Chính vì vậy, con hiểu rõ sự cần thiết, sự cao quý của nghề khoác trên mình tấm áo blouse trắng.

Tiễn bố về với đất, con thấy lòng mình trống trải, hoang mang. Con chợt hối hận vì những ngày qua quá vô tâm, không thể hiện tình yêu thương mà giờ đây vẫn là quá muộn. Cái cảm giác hụt hẫng, trống vắng ấy bao trùm tâm trí con, cho đến bây giờ và có lẽ sau này nữa, con sẽ không bao giờ thoát khỏi nó được.

Bố ơi, sinh viên nghèo đi học xa nhà, con thuê phòng trọ xa trường cho tiết kiệm, con giữ từng tờ năm trăm đồng chứ không chi tiêu cho những thứ chưa thật sự cần thiết. Con ăn mì tôm trường kì, những tháng ngày tằn tiện chi tiêu dạy cho con cách nấu mì, xào mì, còn biết ăn mì sống.

Cuộc sống sinh viên chưa từng giống như một giấc mơ.

Trở thành sinh viên trường đại học danh tiếng, con cũng tự hào, nhưng lo lắng nhiều hơn. Con lo nhà nghèo không đủ tiền ăn học, lo chương trình học nặng cùng phương pháp học mới con chưa kịp làm quen. Con lo vai mẹ gầy phải gánh trên mình gánh nặng cả gia đình. Con lo bà con tuổi đã cao, mỗi khi trái gió trở trời lại mệt mỏi, đau yếu, lo em thơ tuổi còn nhỏ đã trải qua nỗi đau quá lớn, giờ anh trai đi học xa nhà không ai dạy dỗ, chăm nom.

Thư gửi tới thiên đường

Con không biết lựa chọn theo con đường này là đúng hay sai, nhưng con có thể chắc chắn rằng mình sẽ không bao giờ hối hận. Muốn có tương lai tốt đẹp, con không thể hàng ngày đầu tắt mặt tối làm lụng trên đồng ruộng như bố mẹ ngày xưa. Sáu năm nữa thôi, con trai bố sẽ trở thành bác sĩ, lúc đó con sẽ nói với bố lời cảm ơn và xin lỗi, dù là quá muộn.

Sáu năm thời gian không phải ngắn, con cũng biết là sẽ phải trải qua chẳng dễ dàng, nhưng con tự tin mình sẽ đủ bản lĩnh để vượt qua những khó khăn. Bố cũng sẽ luôn tin tưởng con, đúng không bố?

“Đời người vô thường, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh lắm, làm nghề y, tức là phải giành giật với Tử Thần từng hơi thở bệnh nhân. Làm bác sĩ, mỗi một quyết định, mỗi một hành động đều liên quan đến mạng người.”

Con sẽ cố gắng, sẽ luôn cố gắng không ngừng nghỉ, ở cõi vĩnh hằng bố hãy yên nghỉ, đừng lo lắng cho con, bố nhé!”

Những dòng chữ này, con viết từ chín năm về trước, vào một ngày cuối tháng chín, khi mới chập chững bước chân vào giảng đường đại học. Bây giờ, qua mười hai kì thi, một lần làm khóa luận, con trai của bố từ lâu đã thực sự trở thành bác sĩ.

Hơn một năm qua, cả thế giới đang oằn mình chống lại đại dịch Covid 19. Những người đồng nghiệp, người anh em của con, và cả chính con, đang từng ngày từng giờ đóng góp công sức của mình, dù là nhỏ bé, vào công tác phòng chống dịch. Bạn bè, đồng nghiệp của con hay gọi những đợt ra quân lên đường tới địa phương đang nằm trong tâm dịch là “viện trợ cho tiền tuyến”. Tiếc rằng con trai bố chưa từng một lần được “xếp bút nghiên”.

Bố yên tâm, cho dù là hậu phương hay tiền tuyến, con cũng sẽ cố gắng hết sức, sẽ làm tốt nhiệm vụ của mình. Và con tin rằng, ở nơi xa, khi đọc được những dòng “bổ sung vào lá thư cũ gửi tới thiên đường” này, bố cũng sẽ tự hào về con trai của bố.

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close