Cuộc thi viết vănTRUYỆN NGẮN

Nhà vẫn luôn là nhà

Tác phẩm đạt giải tuần 1 cuộc thi viết chủ đề NHÀ do Văn học trẻ tổ chức

Ngày hăm lăm tháng Chạp Nhà vẫn luôn là nhà 

Tiết học cuối cùng trong năm, sẽ rất vui vẻ nếu học sinh được ngồi nói chuyện phiếm với nhau, còn nếu phải học thì… ôi chao, chả một đứa học sinh nào nguyện ý học hành tử tế cả. Kiều Linh cũng thế, ngồi trong lớp nhưng tâm hồn nó trôi dạt tới mây xanh. Ừ, chiều nay còn phải qua tiệm may cô Vân xem áo dài của mẹ và nó đã xong chưa, chú Quang nói năm nay sẽ gói bánh cho nó coi nồi bánh chưng, không biết thật hay không. Linh mong chờ được ngồi coi nồi bánh chưng rồi nướng ngô khoai như bọn con Mây dưới quê, bọn nó khoe nhiều thấy ghét. Linh không có bố, thực ra cũng không hẳn là như vậy mà bố nó đã lấy một người phụ nữ khác làm vợ. Mẹ Linh ở tuổi 16, tin lời hứa hẹn yêu đương của người kia thành khúc ca yêu đầu đời, sau đó bất chấp ông bà ngoại phản đối để trốn nhà “theo trai”. Ở với nhau không hôn thú, không việc làm, đẻ ra được đứa con gái là Linh, mọi chuyện lại chẳng như trong tưởng tượng của cô gái trẻ về tình yêu. Kết thúc mối tình dại dột đó bằng cảnh người đàn ông ra đi để cô gái mười tám tuổi cùng đứa con nhỏ giữa thành phố. Mẹ cô xấu hổ không dám về gặp ông bà ngoại, lại không đủ dũng khí vứt bỏ đứa con để chết đi, đành ở lại thành phố kiếm việc làm nuôi con khôn lớn, chật vật từng ngày, nỗi khổ không thể kể hết.  Nhà vẫn luôn là nhà 

Khi Linh lên tám, mẹ cô mới dắt tay cô đứng trước cửa nhà ông bà ngoại. Linh nhớ như in ngày hôm ấy, mẹ khác hẳn ngày thường, đứng trước cửa nhà người ta, hai tay vò vào nhau, thấp thỏm, dè dặt nhìn vào cánh cửa đóng kín, bàn tay vươn ra sẵn sàng gõ cửa lại rụt về. Linh đứng cạnh mẹ, kế là giỏ trái cây mẹ chuẩn bị rất lâu, ngẩng mặt lên tò mò hỏi:

-Đây là nhà ai thế hả mẹ?

Mẹ đáp dịu dàng:

-Nhà ông bà ngoại của con, cũng là nhà bố mẹ của mẹ.

-Vậy sao chúng ta lại không vào nhà ông bà mà cứ đứng ở đây thế ạ? Nó ngây thơ hỏi.

Mẹ nó dường như không biết nên trả lời sao lại cũng dường như suy nghĩ về nơi nào, khó khăn đáp: Nhà vẫn luôn là nhà

-Vì… mẹ sợ ông bà không tha thứ cho mẹ.

Chưa kịp hỏi vì sao, thì mẹ nó đã nói tiếp:

Mẹ đã gây ra lỗi lầm lớn, sợ rằng ông bà không muốn thấy mẹ.

Bỗng cánh cửa mở ra, một người phụ nữ trung niên bước ra, đó hẳn là bà ngoại. Nhìn người trước mặt, người phụ nữ ấy sững ra một hồi, nước mắt thi nhau rơi xuống, mẹ nó cũng khóc, hai người ôm nhau khóc, dường như càng khóc càng lớn. Bà ngoại vừa ôm, vừa đánh vào lưng mẹ, rồi lại ôm siết, nức nở nói:

Con mất dạy … huhu… Mày làm tao khổ quá con ơi là con.

Tiếng khóc của hai người phụ nữ già trẻ đánh động người đàn ông trong nhà. Có lẽ đàn ông luôn cứng rắn tình cảm hơn, cũng có lẽ đã lờ mờ đoán được sự việc, ông ngoại đi ra, khô khan nói:Nhà vẫn luôn là nhà

-Có gì vào nhà hẵng nói, khóc lóc chẳng ra thể thống gì.
 Trước đây, Kiều đã từng vì giọng nói hung dữ, khô khan này mà ghét bỏ, muốn làm trái ý bằng được, nhưng giờ, cô lại thấy thân thiết biết bao.

Bà ngoại vội quệt nước mắt, lúc ấy mới chú ý đến Linh, mắt to nhìn mắt nhỏ, Linh túm lấy áo mẹ, lí nhí nói:

“Con chào bà ngoại, ông ngoại” sau đó núp sau lưng mẹ ngó nửa mặt ra khẽ nhìn hai người, có lẽ là ông bà ngoại nó.

Chẳng có bố mẹ nào lại không thương, không tha thứ cho sai lầm của con cái. Mẹ Linh vào nhà vẫn không ngừng khóc thút thít như đứa con nít, quả thực lớn bao nhiêu con người ta cũng vẫn có một phần con nít. Người tệ bạc kia trước cũng ở xóm bên, hồi mới lớn, Kiều cũng có chút phản nghịch, thích mấy chàng trai điển trai, đi xe qua đón, nói lời tán tỉnh bay bướm, bố mẹ càng can ngăn thì càng không chịu nghe, nông cạn biết mấy.

Chuyện cũ Linh cũng chỉ còn nhớ loáng thoáng, nhưng nó vẫn nhớ rằng dù mẹ khóc, tay không ngừng quệt đi dòng nước mắt nhưng lần đầu tiên mẹ cười vui vẻ đến vậy. Sau đó mẹ Linh vẫn nhất định không về quê ở, có lẽ sợ lời thiên hạ, có lẽ vì xấu hổ hoặc nguyên do khác, Linh không rõ. Mẹ con Linh vẫn giữ liên lạc với ông bà ngoại, gọi điện, gọi video thường xuyên, một năm vài dịp lễ cũng trở về thăm. Năm nay mẹ nói mùng 3 tết mới về quê được. Còn Chú Quang mà Linh nhắc tới là hàng xóm cách mấy nhà, là một bác sĩ khoa nhi. Hồi nhỏ Linh hay ốm vặt, mẹ hay bế nó qua phòng khám của chú suốt, cuối cùng tạo nên duyên phận thân thiết hai nhà như bây giờ. Nghĩ tới đó, Linh đắc ý mỉm cười: có phải mình cũng là thần Cupid dễ thương hay không? Nó đắc ý đến độ thiếu chút nữa thì chống tay vào hông cười điên dại. Bỗng “VÈO, CỘP”- tiếng gì đó bay, đáp trúng đích, rồi tiếng “ui da” của ai đó, Linh ôm đầu nghiêm chỉnh lật lật sách ra vẻ chuyên chú học hành. Không cần nghi ngờ, vừa rồi chắc chắn là viên phấn của thầy đại số, thầy còn có biệt danh “nhất phấn chỉ” chưa lần nào ném chệch.

“Bạn Linh, trong giờ học của tôi mà còn tơ tưởng yêu đương, sau giờ học ở lại lấy thêm bài tập Tết”.

Cả lớp cười ồ, có đứa còn cười nhạo nó, bọn thằng Lâm con Mai còn đệm thêm vào:

“Hẳn là bạn Minh Quân lớp 9A thầy ơi, hôm qua em còn thấy bạn ấy đưa thư qua nội dung là: Quân hẹn Linh ở cổng chợ hoa tết ngày 30 không gặp không về” kèm với ngữ điệu nhấn nhá. Nếu là người khác thì Linh có lẽ cũng muốn cười lớn nhưng đối tượng của bọn nó lại là Linh nên chỉ thấy mặt Linh hồng một mảng. Lũ bạn phản bội, lòng Linh muốn khóc lớn. Người ta nói không sai mà, bạn thân chính là đứa sẵn sàng cười to nhất khi bạn ngã, nhưng khi bạn khó khăn cũng là người đầu tiên vươn tay giúp đỡ, an ủi bạn.

“À, Quân hả, lớp trưởng lớp 9a đúng không? Thằng bé đó rất được mà, sao lại để bị lừa sớm như vậy” . Càng về câu cuối thầy giáo đại số lại càng ra vẻ khó hiểu kèm biểu hiện thở dài lắc đầu.

Linh quẫn lắm, ý thầy là sao, chê nó không xứng với người ta phải không? Nhất thời cả lớp ào ào tiếng cười, trừ Linh, không khí học tập căng thẳng bỗng biến mất không còn một mảnh. Thầy hay thế, buổi học bao giờ cũng đùa vui ít nhiều, do vậy học có khó, thầy có nghiêm nhưng học sinh vẫn thích thầy, thích môn Toán của thầy. Kết thúc buổi học thầy cũng không quên chúc các em ăn tết vui vẻ, đi chơi an toàn và đặc biệt không quên làm bài tập tết. Lúc Linh vác bộ mặt đưa đám lên lấy bài tập bổ sung thầy có nói chỉ đùa thôi nhưng Linh cảm thấy thầy cười rất khoái trá.

Về sau nó mới biết Quân chính là cháu ruột bên ngoại gọi thầy là cậu, Quân còn nói thầy đại số thỉnh thoảng lại lôi chuyện này ra chọc ghẹo cậu ấy. Nhưng Linh cảm thấy Quân cũng không lo lắng hay tức giận gì cả, thậm chí khóe miệng còn cong cong vui vẻ. Nếu là mẹ Linh chắc chắn sẽ lôi chuyện này ra ngăn cấm, khuyên răn đến khi nó chịu hứa là không yêu sớm thì thôi. Nó cũng biết mẹ sợ nó lại gặp lại chuyện mẹ nó ngày trước. Vì thế Linh nghĩ cứ giấu nhẹm chuyện này là tốt nhất. Quân là một người bạn rất tốt, học hành giỏi giang, luôn đứng nhất môn Toán toàn khối, tính tình hòa nhã hay giúp đỡ mọi người. Linh không phủ nhận nó cũng thích cậu ấy, cô gái tuổi 14 cũng là tuổi bắt đầu nghĩ đến chuyện yêu đương sau việc học tập. Huống gì, đối tượng là một người con trai giởi giang như thế. Người lớn hay cấm cản trẻ con yêu sớm vì sợ chúng chưa đủ chín chắn để biết điều gì là quan trọng nhất với chúng nhưng họ lại đã quên mất rằng chúng đã sớm không còn bé, đã có suy nghĩ riêng của bản thân, đã biết phản đối lại ý nghĩ của người lớn. Cái tuổi mà ai đó ví là tuổi “mưa xuân ẩm ương”, ngẫm cũng thấy có đạo lí.

Hôm nay là ngày 25, ngày mai – 26 âm lịch là ngày chính thức bước vào kì nghỉ tết Nguyên Đán rồi. Nghĩ vậy, Linh càng hớn hở, bước chân cũng nhanh hơn. Qua tiệm may, Linh vội vàng chào hỏi cô Vân rồi nói:

“Cô ơi, áo dài của con đã xong chưa?”Nhà vẫn luôn là nhà

“Rồi đó, ngày nào con cũng qua giục thế này, cô còn dám không may sớm cho con sao. Rõ là…”. Nó cười hì hì lại nghe cô nói “con mặc thử cô coi có cần sửa chỗ nào không?”.

“ Cô chít eo lại chút nữa đi cô”

Cô Vân phì cười:

“Cha bố cô, năm ngoái cũng nói y chang, kết quả là đến mùng 1 mặc áo dài lại chật ních”.

Nó bĩu môi:

“Năm nay sẽ không vậy nữa”

“Năm ngoái con cũng hứa không ăn nhiều”

“Nhất quyết năm nay không có vậy mà”

“Được rồi được rồi, cởi ra đi nào rồi cô sẽ chít lại cho”. Tuy nói vậy nhưng cô Vân thầm nói trong lòng là không có chít thêm, lời con bé nhất quyết không thể tin. Thực tế cho thấy người lớn vẫn luôn tinh tường và có kinh nghiệm hơn.​

Ngày 26 tháng ChạpNhà vẫn luôn là nhà

Nguyên vật liệu đã được mẹ chuẩn bị sẵn từ hôm qua, nay chỉ việc bê sang nhà chú Quang thôi. Mẹ con cô ở trọ trong khu chung cư cũ nên không thể gầy bánh chưng được. Chú Quang bác sĩ đã có nhà riêng còn có một cái sân nhỏ trồng nhiều hoa rất đẹp. Chú nói có thể gầy bánh ở sân. Cũng không rõ chú biết gói bánh không nhưng mặt chú toát lên vẻ tự tin khẳng định chắc chắn rằng sẽ gói được thì nó cũng tin tưởng theo, chỉ có mẹ nó là thở dài một tiếng. Trước sự hân hoan của hai chú cháu mẹ nó cũng không thể nói gì, đành đi chuẩn bị gạo đỗ. Linh được phân công bóc hành gừng, chú Quang rửa lá.

Linh biết chú Quang có ý với mẹ. Mấy năm nay chú vẫn cần mẫn “ăn chực” bên nhà nó. Chú nói, chú bận rộn công việc không có thời gian nấu cơm mà lại kén ăn, ăn không nổi món ăn ngoài quán. Trước giờ chú vẫn giúp chữa bệnh cho Linh không quản đêm hôm còn không lấy tiền, lời này nói ra khiến mẹ không thể chối từ. Lâu dần hai bên rõ ràng tình ý của nhau nhưng mẹ còn vướng mắc chuyện cũ, lại thấy mình không xứng với chú nên giả bộ không biết. Mấy lần Linh có tình cờ nghe trộm người lớn nói chuyện thấy chú còn nói cả việc gia đình chú sẽ không phản đối nhưng mẹ vẫn lờ đi, đêm xuống lại len lén khóc. Mẹ rõ thật là kì, rõ ràng cũng thích người ta sao phải từ chối.

“Này, chú, năm nay chú có rước mẹ con về nhà được chưa?” . Linh tinh quái hỏi nhỏ một câu, lại thấy chú Quang lúng túng đỏ mặt nhìn sang.

“Cháu cũng có bạn trai đến nơi rồi, người lớn như chú sao vẫn chậm chạp chưa đưa được người đẹp về nhà vậy?” Nó làm ra vẻ đương nhiên làm chú Quang không nhịn được cầm cái lá dong đang rửa cẩn thận hất nước sang bên nó khiến Linh kêu oai oái.

“Con bé này lại học tập đâu kiểu đùa bỡn lưu manh thế kia? Lại đọc ngôn tình cho lắm vào phải không?”

“Đọc thì đã sao hở chú, nhờ nó mà khả năng viết của cháu tốt hơn còn gì, thi Văn lần nào điểm cũng cao nhất lớp đấy nhé”.

“….”

Ý, mà năm nay chú lì xì cháu nhớ tăng hơn năm ngoái nha… Ấy da, đừng tạt nước nữa mà”.

Hai chú cháu vừa làm vừa đùa bỡn, thấy mẹ cô phía xa cũng cười theo. Linh liếc thấy mẹ sắp tới gần lại giả vờ như không biết cố ý nói to:

“Chú Quang này, cháu biết thừa mong ước năm mới của chú là được nghe cháu gọi chú là bố Quang đúng không. Thực ra cháu cũng muốn có một người bố lắm. Hay chú làm bố cháu đi”.

Chú Quang giật mình, thấy nó nghiêm túc nói chuyện trông như bà cụ non cũng cười hiền:

“Ừ, để chú hỏi mẹ cháu lần nữa xem”. Chữ “lần nữa” này rõ ràng chứa nhiều ý tứ.

“Mấy năm nữa cháu lấy chồng, lúc đi về nhà chồng, người ta nói cha đưa mẹ đón, cháu không có cha đưa đi sẽ tủi thân biết bao nhiêu”. Còn làm vẻ buồn rầu. Con bé này…

“Mới mấy tuổi đầu đã nghĩ đi lấy chồng. Mẹ cháu biết sẽ đánh đòn cho xem”

“Thật đấy, sau này mẹ cháu già mà không ai chăm sóc, cháu không yên tâm, hay chẳng bao giờ lấy chồng, ở vậy nuôi mẹ cháu nhỉ?”

Lúc này chú Quang mới phát hiện mẹ Linh – Kiều đứng phía xa xa đủ tầm nghe thấy nó nói. Khóe mắt cô nước mắt đã thi nhau rơi xuống, anh mới hiểu con bé là đang tác hợp cho anh và Kiều. Anh biết Kiều còn lo chuyện gia đình anh không đồng ý cho anh lấy người có con riêng, lo con gái không đồng ý, lo người ta đàm tiếu khiến nó và anh bị chê cười, anh nói không sao hết nhưng chung quy trong lòng vướng mắc không đồng ý với anh. Anh liền chờ đợi. Kiều là người chăm chỉ, tốt tính, nấu ăn cũng rất ngon, lại hiền lành. Anh để ý cô nhiều lần uất ức cũng chẳng cãi nhau với người ta được mấy câu. Người hiền thường hay bị bắt nạt. Anh lúc đầu cũng chỉ bất bình thay người phụ nữ đơn thân đáng thương, lâu dần thành thương, thành yêu. Anh nhìn Linh từ bé lớn lên cũng coi như tình cảm cha con thực sự không phải giả. Dù che chở như bố ruột nhưng con bé có lẽ vẫn nhạy cảm hơn so với những đứa trẻ khác. Đúng như nó nói, anh thực sự muốn nó gọi anh một tiếng “Bố”.

Ai cũng biết lại giả vờ cái gì cũng không biết tiếp tục sự nghiệp gói bánh vĩ đại. Lá dong rửa sạch lau khô, cắt cuống, gấp theo hình khuôn bánh. Gạo nếp ngâm nở nhiều giờ, để ráo trộn chút muối cho đậm vị, đỗ cũng ngâm nở, tẩy vỏ để ráo, thịt ba chỉ cắt miếng ướp hành gừng, gia vị. Đồ chuẩn bị xong, chú Quang đã đến lúc trổ tài, Linh ngồi bên chầu chực coi gói bánh, mẹ Linh tranh thủ dọn nhà cho chú, vô hình lại giống người vợ đảm đang. Vừa gói chú Quang lại vừa nói:

“Cháu coi này, lá dong to ta để lớp ngoài cùng, mấy lá dong nhỏ, hơi rách để làm lớp bên trong cùng lá to bảo vệ nhân bánh không bị rơi ra ngoài, chẳng chiếc lá nào là vứt đi, đều có công dụng hết”.

“Chú nói chuyện gói bánh mà như giảng đạo lí ấy, lẽ ra chú nên trở thành giáo viên dạy ngữ văn của cháu thì đúng chức trách hơn đấy”.

“Cháu thấy chú có phải là người đàn ông toàn diện không, vừa đẹp trai lại biết gói bánh, biết chữa bệnh lại biết nói đạo lí nữa..”

“Toàn diện thì được ích lợi gì, chú cần mặt dày, mặt dày vô địch hơn nữa. Cùng với chiếc lá mong manh là mẹ cháu để áp nhân bánh là cháu đây lại mới ra được cái bánh lớn vuông vức được”.

“ừm, cháu vẫn nói có lí hơn chú”

“Này là đương nhiên”

“Nhân bánh thật dày ha”…

Tiếng trêu ghẹo của hai chú cháu cùng tiếng cười vang lên ấm áp cả căn nhà, quanh quẩn mãi trong tim người phụ nữ đang lơ đễnh lau dọn, tay đưa qua đưa lại lau dọn không dừng nhưng đầu óc lại trôi xa mãi. Trong lòng cô đã đưa ra một quyết định, vì con gái, vì cô và cũng vì người đàn ông đã bên cô mấy năm nay. Cô đã hèn nhát không dám đối diện với tình cảm của anh, nếu không thẳng thắn một lần có lẽ cả đời này cô sẽ hối tiếc, cả đời chỉ toàn sai lầm không lần đúng đắn.

Ngày 30 tháng Chạp, ngày tất niên

Hôm nay có phiên chợ hoa cuối cùng, cũng là ngày hẹn của Quân và Linh. Đừng hiểu lầm, hai bạn nhỏ vô cùng trong sáng, buổi hẹn hò cũng đơn giản là cùng nhau đi mua hoa trưng nhà thôi. Dù vậy, hai đứa đạp xe đạp song song, nói với nhau mấy câu mà cười không ngừng. Có lẽ là niềm vui từ tận trong lòng phát ra. Quân thấy màu hồng hồng trên má Linh còn đẹp hơn cánh hoa đào chợ tết.

“Linh mua hoa gì”

“Mình sẽ mua một bó ly và hai chậu cúc. Còn cậu?”

“Mình mua giống cậu”. Thực ra mẹ mình đã mua hết rồi, chỉ đơn giản là kiếm cớ muốn đi cùng cậu thôi. Quân nghĩ thầm.

Xuân đến Tết về ai cũng thích nhìn hoa nở, càng nhiều càng thấy vui mừng, may mắn. Người ta đi chợ hoa, một phần vì mua hoa một phần cũng là ngắm hoa: Tươi mới muôn màu. Sau khi hai đứa dắt xe đi qua mấy vòng chợ, ngắm nghía, trả giá, mua hoa xong lại cùng nhau đạp xe về.

“Linh này….” Ngập ngừng mãi Quân mới lên tiếng.

“Ừ”

“Tối nay cậu có lên chùa cầu bình an rồi đi xem pháo hoa không?”

“Có, năm nào mình cũng đi”

“Năm nay, năm nay cậu đi với mình được không?” Mặt cậu đỏ lựng cứ như dồn hết dũng khí để hỏi.

“À…”

“Mình có chuyện rất quan trọng muốn nói với Linh”

Linh cố ý kéo dài rồi một lúc mới nói “Được” .

Miệng Quân cười không che giấu hạnh phúc.
***
Tối nay chú Quân sang đây làm một mâm cỗ tất niên lớn.

“Lần sau mẹ mua gà mổ sẵn đi, để chú Quang giết gà cứ như giải phẫu thấy ghê lắm”

“Ui da, sao cốc đầu cháu. Mẹ xem….sao mẹ cũng lườm con, ôi chao ôi, chắc chắn con là con vãi mẹ nhặt được rồi” nó giả vờ giả vịt đáng thương nói.

Quả thực cái miệng nhỏ của thiếu nữ này không bao giờ ngừng, trêu chọc mọi người. Lúc rửa bát, chú Quang hỏi nhỏ:

“Sáng nay đi chợ với bạn trai hả?”

“Suỵt, chú đừng cho mẹ cháu biết, không là cháu tuyệt giao với chú”

“Được. Vậy khi nào cháu kể chú nghe về cậu ta nhé”

“Ok” kèm động tác làm dấu.

“Năm nay chú có về nhà không?”

“Không, mẹ chú bảo chuyên tâm theo đuổi vợ, không mang được vợ về thì cũng đừng về. Chú nghe lời mẹ lắm. Đứa con có hiếu mà”.

Linh liếc chú một cái rồi bĩu môi: Chú chỉ biết kiếm cớ.

“Vậy ráng lên chú, quyết thắng. Tối nay cháu sẽ tự cút để chú dỗ vợ. Bà nội tương lai quả nhiên thông thái”.

“Xùy, đi hẹn hò mà bày đặt chính nghĩa. Làm màu”.

Hai chú cháu lại nói vớ vẩn rồi cười hì hì với nhau.

****

Đi lên chùa thắp hương, xin quẻ may mắn, bỏ hòm công đức, đợi đến 0h xem pháo hoa nổ tưng bừng. Linh cảm thấy chưa bao giờ vui vẻ đến vậy. Nó đã len lén nhìn thấy chú Quang và mẹ hôn nhau. Suýt chút nữa nó đã nhảy ra vỗ tay ầm ĩ để bày tỏ nội tâm sung sướng của nó. Xem trộm người lớn quả thật là bé hư đúng không. Nó nguyện làm bé hư vài lần là được. Quân có lẽ cũng nhận ra niềm vui của Linh bèn hỏi. Linh không giấu giếm trả lời:

“Tớ sắp có bố rồi”

Quân cũng vui vẻ, chìa ra một thỏi kẹo đưa cho Linh, đợi ngắm hết đợt pháo hoa năm mới, Quân hít một hơi dài, nhắm mắt lại nói:

“Linh này, tớ thích Linh. Làm bạn gái tớ nhé”

Linh sửng sốt một lúc, không phải vì lời tỏ tình kia, mà vì vẻ mặt xấu hổ đáng yêu của hắn, vì dáng đứng cứng ngắc hồi hộp của hắn. Quân thậm chí còn không dám mở mắt ra nhìn. Sau đó cô bật cười khe khẽ:

“Ừ”

Quân ngẩng đầu nhìn Linh bối rối:

“Ừ nghĩa là đồng ý hả”

“Ừ. Thế mà cũng phải hỏi”Quân gãi đầu, trong lòng hắn đang nở từng chùm pháo hoa, nhưng hắn lại không nói ra thành lời. Ngày ngày Quân vẫn chuẩn mực “con nhà người ta” trong mắt bao người, thế nhưng, ngồi cạnh Linh, hắn lại trở nên lạ lẫm không giống hắn tí nào.
Nhà vẫn luôn là nhà
Linh và Quân cùng ngắm pháo hoa đêm Giao thừa – ảnh minh họa sưu tầm

“Cho cậu nắm tay một phút đấy” Linh khẽ nói. Hai đứa trẻ nắm tay nhau đi qua từng đợt pháo hoa nở nộ xinh đẹp của năm mới, rồi lại nắm tay tới khi về nhà mới buông ra.

Mùa xuân là mùa nói lời yêu thương, mùa những cánh hoa nở rộ. Mầm lá non rục rịch chui từ trong kẽ đất tối tăm, vượt qua bao ngăn cản, để nảy chồi, vươn những lộc biếc bé xíu, từ đó mà lớn thành cây non, nụ biếc. Con người ta, đôi lần gặp chông gai, trắc trở trong đời, nhưng chỉ cần kiên định, dũng cảm thì cũng sẽ được đón nhận ánh mắt trời, hứng trọn mưa xuân mát lành, để tươi tốt. Và, dù chúng ta lớn lên, đi xa, cất cánh bay cao chống chọi với gió nắng, giông bão ngoài kia, thì khi mỏi mệt, vấp ngã, vẫn có nhà, có ba mẹ luôn chờ đợi, vuốt ve những đôi cánh mỏi.

Tác giả:  Phong

Tác phẩm Nhà vẫn luôn là nhà là một truyện ngắn về gia đình, dự thi cuộc thi viết theo chủ đề NHÀ, cuộc thi đang diễn ra trên Diễn đàn Văn học trẻ trong tháng 8 và tháng 9/2021, đã đạt giải nhất tuần 1 (trong tổng 8 tuần thi)
Nhất tuần 1 cùng với tác phẩm: Một trăm năm ngọn cỏ hóa mây trời – Cỏ phong sương
Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close