TRUYỆN NGẮN
Sự tích con cá mực
Sự tích con cá mực
Ngày xửa ngày xưa, dưới đại dương sâu thẳm, các loài sinh vật còn chưa được đặt hết tên. Ở đó, có một chú cá hình thù kỳ dị. Chú khoác trên mình một bộ áo màu trắng ngần, khi bơi trong nước trông chẳng khác nào cuộn bông hình con thoi dập dìu, lơ lửng.
Khác với các loài sinh vật biển khác, chú lại có những chiếc chân để bám và bơi mọc ở trên đầu trông vô cùng tức cười. Bạn bè thường trêu chú là đồ “chân để lên đầu”. Chú rất buồn phiền vì điều đó nên thường trở về nhà khóc thút thít. Chú khóc nhiều đến nỗi mà mắt chú càng ngày càng lồi ra. Đã xấu lại càng thêm xấu.
Một hôm, chú cá đi tìm thức ăn ở một rặng San Hô cùng với mẹ mình. Trước khi đi, mẹ dặn chú:
“Con trai ngoan, khi đi kiếm ăn cùng mẹ nhớ phải theo sát phía sau, khi thấy kẻ thù phải lập tức núp vào trong San Hô nhớ chưa?”
“Vâng, con nhớ rồi mẹ ạ.” – Chú vui vẻ đáp, cái miệng cười tươi, ánh mắt lấp lánh háo hức.
Vậy là chú cá nhỏ theo mẹ mình bơi tới rạn San Hô. Nhìn từ xa, rạn San Hô y như một vườn hoa tuyệt đẹp với rực rỡ sắc màu. Chú cá nhỏ thích lắm, nhảy múa, reo vui tiến thật nhanh về phía trước.
“Này con! Mẹ đã dặn đi sau mẹ cơ mà, lỡ có cá lớn bơi tới con làm sao tránh được?” – Mẹ chú cất tiếng quở trách.
Chú cá nhỏ huơ huơ mấy cái chân trên đầu mình, miệng nhỏ ấm ức nói:
“Nhưng mà con muốn ra chỗ rạn San Hô kia chơi cơ.”
“Vậy cũng phải từ từ, không vội vàng hấp tấp được.” – Mẹ lần nữa nhắc nhở.
Nói rồi bà bơi nhanh về phía chú, che cho con trai mình, để chú an toàn phía dưới. Cả hai tiến về phía đám San Hô.
“Đẹp quá mẹ ạ!” – Chú cá nhỏ thích thú reo vui. Đôi mắt lồi lồ lộ của chú lúc này sáng bừng lên chứ không còn mờ đục như mọi ngày nữa.
Chú cá nhỏ bơi qua bơi lại bên những bông hoa đá của biển. Thân hình trắng ngần mềm dẻo uốn éo theo từng tư thế của cây San Hô.
“Này này, chú cá nhỏ! Sao chú cứ bắt chước chúng tôi vậy?” – Một chị San Hô đỏ nhíu mày cất tiếng.
Chú cá nhỏ còn chưa kịp nói gì thì một chị San Hô xanh ngọc cười cợt:
“Ha ha. Nhìn chú em uốn éo trông tức cười lắm cơ. Người đâu chẳng có tí màu sắc nào.”
“Đúng thế. Cả người cứ trắng ởn ra mà cứ đòi bắt chước.” – Một tiếng cười khác lại vang lên. Là của chị San Hô tím. Chị ta tiếp tục nói:
“Chị em chúng tôi rực rỡ thế này, cậu bắt chước làm sao được! Đúng là đồ xấu xí.”
Chú cá nhỏ nghe xong tức lắm. Mắt lồi lồi tối đen lại. Chú hậm hực bơi về phía mẹ, không thèm chơi với đám San Hô nữa.
“Sao thế con?” – Thấy chú buồn buồn mẹ liền cất tiếng hỏi.
Chỉ chờ có thế, chú cá nhỏ òa lên nức nở, chú khóc như để mọi ấm ức vừa rồi xả ra bằng hết.
“Huhu… Các chị San Hô, các chị ấy chê con xấu xí. Huhu. Tại sao chúng ta lại không có màu sắc đẹp như các chị ấy hả mẹ? Con cũng muốn có màu sắc ở trên người cơ.”
Chú cá nhỏ càng khóc càng ầm ĩ. Tiếng khóc của chú vang động cả một vùng.
Không ngờ lúc này, có một lão cá Mập ở gần đó đã nghe thấy tiếng khóc. Lão nhòm qua rạn san hô, lập tức thấy mẹ con cá nọ. Mắt lão sáng lên và nhe hàm răng to khỏe ra cười thầm:
“Ồ, mẹ con nhà cá thân mềm. Phen này các ngươi chết chắc!”
Chú cá nhỏ vẫn còn đang khóc, bất chợt chú cảm thấy mặt nước chuyển động. Rạn san hô cũng bị nước cuốn mà nghiêng sang một bên.
“Mẹ! Lão cá Mập!” – Chú cá nhỏ hét lên, chú đẩy mẹ mình ra xa. Mẹ chú bật về phía rạn San Hô, ngay lập tức lẫn vào trong cụm San Hô.
“Muốn chạy!” – Lão cá Mập lại quát. Rồi lão lao mình về phía chú cá nhỏ. Cá nhỏ sợ quá, chú uốn cong người, bật một phát thẳng vào một cái hốc đá nhỏ tí.
“Con trai! Cẩn thận!” – Mẹ Cá hét ầm lên. Con nước chuyển động thành dòng. Lão cá Mập quét ánh mắt sắc lạnh về phía mẹ Cá đang ở phía sau.
Thấy mẹ lần nữa rơi vào nguy hiểm, chú cá nhỏ không tiếc thân mình bơi tới, chú dùng cái chân nhỏ trên đầu chọc vào mắt cá Mập rồi chú lại uốn cong thân mình bắn ra xa khiến cho cá Mập đuổi không kịp.
Nhưng vì mải trốn mà chú không để ý, chú bắn thẳng vào cái hốc đá, đầu đập vào tường đá đau điếng:
“Á!” Chú kêu lên.
Mẹ cá nhỏ nghe tiếng con lập tức lao tới. Lúc này đám San Hô chứng kiến cuộc rượt đuổi của lão cá Mập liền cùng nhau tạo thành một hàng rào chắn, che chở cho cá mẹ.
Cá mẹ bơi nhanh giữa những cụm san hô tìm tới bên con trai:
“Con trai!” – Bà gọi khẽ.
Lúc này trong hốc đá, chú cá nhỏ bị trầy một chút da ở phần đầu nhưng vẫn tỉnh táo, thấy mẹ, chú mỉm cười trấn an:
“Mẹ! Con không sao đâu. Chúng ta cứ núp ở đây, lão cá Mập tìm không thấy sẽ tự khắc rời đi thôi!”
Quả thật, không bao lâu sau, lão cá Mập tìm mãi không thấy hai mẹ con cá nhỏ đâu thì tức tối rời đi.
Chú cá nhỏ thì đầu ra khỏi cái hốc nhỏ, vui vẻ nói:
“Haha. Cuối cùng lão ấy cũng đi rồi.”
Cá mẹ cũng bơi ra theo, nhìn vẻ đắc ý của con trai thì vừa mắng vừa khen:
“Hừm. Con cũng láu cá lắm. Nhưng mà lần này là ăn may. Lần khác không cẩn thận thì sẽ bị lão ta bắt đi đó.”
“Cá nhỏ! Em dũng cảm thật, nguy hiểm như thế mà dám xông vào cứu mẹ.” – Tiếng San Hô đỏ cất lên, chị ta nhìn cá nhỏ thiện cảm hơn hẳn.
Chú cá nhỏ ái ngại nhìn San Hô, khác hẳn với khí thế hùng hồn lúc trước khi đối đầu với cá Mập, chú lại nép vào bụng mẹ.
“Xin lỗi cậu vì vừa rồi chúng tôi nói lời không hay nhé. Cậu thích màu sắc của chúng tôi phải không? Vậy mỗi người chúng tôi tặng cậu một ít mực để về cậu tự tô vẽ nhé!” – San Hô Tím cũng cất tiếng nói.
Tất cả đám San Hô lúc trước miệt thị chú cá nhỏ lúc này nhao nhao lên đều đồng tình với San Hô tím.
“Cả tôi nữa, tôi sẽ cho cậu mực của tôi.”
Chú cá nhỏ không ngờ được mình lại nhận được món quà lớn như vậy. Thế rồi từng loài San Hô có mặt ở đó, mỗi loài lại cho Cá nhỏ một ít mực của mình. Chú cá nhỏ liền nhận lấy, cất vào trong chiếc túi. Nhưng vì ai cũng cho nhiều quá nên chú quyết định gọi bạn bè tới để cùng nhận lấy món quà từ các chị San Hô.
“Từ giờ nếu có kẻ nào tấn công, cậu có thể bắt chước hình dáng của chúng tôi rồi tự phun mực của mình lên người. Như vậy thì không ai phát hiện ra được nữa.” Các chị San Hô nói.
Cá nhỏ vui lắm. Chú cứ thế cứ thế tự phun mực lên người mình. Nhưng vì quá vội vã nên mình chú mực bắn tèm lem. Mặc dù vậy chú vẫn rất hài lòng.
Kể từ đó, các sinh vật dưới đại dương gọi chú và họ hàng của chú là Cá Mực. Mỗi khi gặp kẻ thù, gia đình chú sẽ ngụy trang thành bất cứ thứ gì bằng sự mềm dẻo của cơ thể và màu sắc đa dạng của mình.
***
Bài dự thi theo nhóm sáng tác trên Diễn đàn Văn học trẻ – bài 3: Truyện đồng thoại, có nhân vật con Mực – Truyện “Sự tích con cá mực”