TẢN VĂN
Phương trời thong dong
Phương trời thong dong
“Ở đâu cũng tuyệt vời
nếu lòng mình rộng mở
như mây trời sông nước
đến đi đều thong dong”
Tháng tư đã về trên mảnh đất Đồng Đò sau vài cơn rét ngọt phía lưng trời. Những vạt nắng vàng tươi đã rải đầy phủ kín rừng thông, đánh dấu sự chuyển giao nhẹ nhàng cho mùa mới. Nép mình sâu trong thung lũng, hai bên là những dãy núi cao trùng điệp, Đồng Đò đẹp dịu êm và mềm mại với những đợt sóng vỗ nơi mặt hồ, dập dìu uốn lượn như tấm lụa Kashmir.
Phải thừa nhận rằng tôi rất yêu Đồng Đò. Tôi yêu cái không khí trong lành, mát mẻ và tịch mặc mà đất trời ban tặng. Yêu bầu trời tràn ngập ánh sao đêm chứ không phải ánh đèn đường phố thị. Yêu những con đường đất khúc khuỷu quanh co ven hồ hay những lối mòn quanh núi. Yêu những tảng đá gập ghềnh rêu phong quá đỗi, những thân cây già bạc phếch chèn lối bước chân ai.
Yêu giọt sương mai long lanh cựa mình bên những vồng cải ngồng đang trổ bông vàng rực. Yêu những tiếng chim muông ríu rít hát ca bên mé rừng vẫn còn đầy vẻ hoang sơ, man dại. Yêu sợi nắng ban trưa đổ tràn trên cánh rừng thông. Yêu những cơn gió heo may đang tản mát sau bụi lau già mỏng manh trắng muốt, rào rạt hát ca như kể câu chuyện của riêng mình. Yêu những ngày mưa âm u ngồi ngắm dòng thác đổ, thấy những triền phược của mình như được gột sạch, rửa trôi.
Yêu những buổi huân tu, thiền hành, thưởng trà, ngắm trăng cùng đại chúng. Yêu cả những ngày trống vắng, quạnh hiu, không có gì ngoài những cuộc đối thoại vô ngôn giữa mình với khoảng không vô tận, nghe gió lùa qua núi non tịch mịch và u nhã, hòa nhịp cùng đất trời chậm rãi nơi đây.
Ở Đồng Đò lúc nào tôi cũng tìm được cho mình một không gian có thể kết nối gần gũi với thiên nhiên, tâm thức. Và khi cần được an ủi, vỗ về thì tôi biết Đồng Đò luôn ở đó, ôm ấp tôi trong chiếc áo màu nâu đất với một sự im lặng dễ chịu đến vô cùng. Sau những phút giây nhìn lại ấy, bao giờ tôi cũng tự chế tác được cho mình những năng lượng bình an để đi qua giông gió cuộc đời.
Nhưng nếu chỉ vì yêu vẻ đẹp của thiên nhiên, của bầu trời, của cảnh vật và của cả con người nơi đây, để rồi mãi ở yên một chỗ, thì đó chẳng phải một sự dính mắc vi tế hay sao. Đối với tôi, sự phát triển bản thân không chỉ xảy ra khi tôi nằm im trong vòng tay của thiên nhiên, mà còn là khi tôi đương đầu với cuộc sống đầy biến động và thử thách, trải nghiệm hết cái hành trình vạn lý cô thân. Vì vậy, tôi cùng với vài huynh đệ của mình quyết định đi Myanmar tham gia khóa thiền Vipassana dài ngày, được hướng dẫn bởi các vị Thiền sư nước sở tại. Chuyến đi lần này hẳn là đã nằm trong dự định lớn của tôi. Dù sao thì đi để trở về vẫn tốt hơn là ngồi yên một chỗ, mà chắc gì mình đã được ngồi yên.
Hôm trước, trên con đường kinh hành, sau buổi chiều thiền trà cùng huynh đệ, một người sư huynh của tôi có hỏi: sao không nhận một ngôi chùa nào đó ở, thay vì cứ làm kẻ du tăng nay đây mai đó, chẳng phải là như thế sẽ rất mỏi “chân” sao. Tôi đã không ngần ngại trả lời rằng mình không còn thích hợp với cách sống đó nữa rồi. Không phải trốn chạy, không phải chối bỏ, coi thường, hay nhọc nhằn, mệt mỏi trong cuộc vay trả của nhân sinh. Chỉ là những nghi thức tín ngưỡng van vái cầu xin cho tiền tài danh lợi ở cõi đời, những phong tục tập quán thấm nhuần phong hóa có đôi chút mơ hồ trong chánh pháp, đã khiến tôi không còn thấy thiết tha gì nữa. Dù hơn một thập kỉ qua, tôi đã được hun đúc, nuôi dưỡng và vun bồi suối nguồn tâm linh của mình bằng sự nâng đỡ, bảo bọc, gia hộ và yểm trợ từ những ngôi chùa như thế. Tôi biết ơn, nhưng vẫn luôn khao khát đi với tâm thái “ta bà vô trú” để kiếm tìm những giá trị nội tại, thay vì ký thác tâm hồn mình ở một ngôi chùa to Phật lớn, bề thế nguy nga. Có thể trên bước đường tôi đi sẽ gặp nhiều trở ngại, hoặc thử thách chông gai, khiến tôi phải chùng chân, mỏi bước. Nhưng tôi sẽ cố gắng để mình chẳng bao giờ bỏ cuộc, bởi đích cuối con đường sẽ luôn ngập tràn hoa trái đón chờ tôi. Biết đâu khi trở lại, tôi sẽ có cái nhìn mới đẹp hơn với những sở tri cũ kĩ đầy thâm viễn u u của mình khi trước, gỡ được những sợi tơ tâm rối ren và chằng chịt như tổ kén, tổ tằm. Và một ngôi chùa tâm linh nào đó sẽ được tôi gầy dựng vun bồi, có thể chăng.
Tôi cũng ý thức được rằng, việc đi Myanmar để trải nghiệm khóa thiền dài ngày không chỉ là một thử thách về thể chất, mà còn là một cuộc phiêu lưu tâm linh nơi miền tịnh địa. Chúng tôi có thể được ngồi ở những gốc cây tọa thiền thay vì ngồi trong một thiền đường rộng lớn với đầy đủ bồ đoàn và tọa cụ. Được đi khất thực cùng tăng đoàn, với những thực phẩm có được từ tấm lòng mộ đạo của đàn na, thay vì chăm chút từng món ăn trên căn bếp theo sở thích của mình… Và như sư Toại Khanh từng nói “xê dịch cái hình ảnh y vàng trên đường cũng là một cách hoằng đạo tích cực.” Lành thay!
Tôi nhắm mắt và tận hưởng niềm vui khi nghĩ về những điều mới lạ đang đón chờ mình phía trước. Trong am vẫn còn dư vang trầm hùng của tiếng tụng kinh phát ra từ chiếc băng cassette xưa cũ:
“Buddham saranam Gacchami
Dhammam saranam gacchami
Sangham saranam gacchami…”
Tác giả: Cỏ Phong Sương
Phương trời thong dong là một tản văn mở đầu cho chuỗi kí sự khám phá vùng đất mới sắp tới của Cỏ Phong Sương trên vùng đất Myanmar mà cô sắp ghé qua, vì vậy nó còn bày tỏ nỗi niềm của tác giả về những dự định những mong muốn đạt được qua chuyến đi ấy. Mở đầu bài tản văn là vẻ đẹp Đồng Đò qua đôi mắt nhìn của vị văn sĩ, tu sĩ yêu cái đẹp. Nó hiện hữu một cách sinh động, tĩnh lặng và trong veo trong tình yêu tha thiết gắn bó của Cỏ. Tuy vậy, cái đẹp, cái bình an ấy nếu chỉ hưởng thụ đắm chìm trong nó lại không phải mục đích mà Cỏ hướng đến, cần có một sự thấu hiểu, giúp đỡ với những đau khổ, vui buồn ngoài kia để thấm sâu ngọn nguồn Phật pháp giữa đạo và đời mới là thứ mà vị tu sĩ này hướng đến chăng? Vô cùng đón chờ những khám phá về nhận thức và cuộc sống mới trong những tác phẩm kế tiếp của Cỏ
Trọn vẹn một vầng trăng của tác giả Cỏ Phong Sương làm tôi có cảm giác như được nghe một bản nhạc du dương, ngắm chiếc lá vàng và nhâm nhi một tách trà thơm ngọt.