TRUYỆN NGẮN
Ngọn đèn không tắt
Ngọn đèn không tắt
Đêm tháng bảy buông xuống thật chậm rãi. Ánh trăng bàng bạc khỏa lấp con đường vắng tanh bằng thứ ánh sáng ấm áp, dịu hiền. Nhân đạp xe lộc cộc, phía sau anh là rổ bánh rán đã nguội lạnh tự bao giờ.
Hôm nay lại phải ăn bánh rán trừ cơm rồi!
Trời càng về đêm càng mát mẻ. Cơn gió mơn man khiến lòng Nhân nhớ quê mình da diết. Ở quê anh, đầu tháng bảy, sang tháng tám, trời vẫn còn nóng, nhưng đến tháng chín, tháng mười mưa đã rả rích rơi, lộp độp bên mái hiên ghép bằng mấy mảnh tôn đã cũ, chốc chốc lại xói vào cồn đất trước hiên nhà.
Nhân rời quê hương Quảng Nam đã bốn năm rồi. Đất Sài Gòn tuy đông đúc, hoa lệ nhưng cũng cô quạnh lắm. Điều an ủi duy nhất chính là ở nơi đây, người tha hương cầu thực không chỉ có mỗi mình anh.
Nhân thuê trọ tại một dãy phòng rẻ tiền. Quanh đây toàn dân lao động tỉnh lẻ lên thành phố kiếm cơm, chẳng có bao nhiêu nhà cao cửa rộng, nội thất tươm tất. Đối với Nhân, có chỗ chui vào chui ra cũng đã là may mắn lắm rồi. Sài Gòn vốn đất chật người đông.
Người hàng xóm ở sát bên cạnh phòng Nhân là Chinh. Cô là người bạn mà anh vô tình gặp gỡ và kết thân kể từ khi lên Sài Gòn. Ban đầu chỉ là xã giao, đôi ba câu chuyện vụn vặt kể lể nhau nghe cho khỏa nỗi nhớ nhà, dần dần, sự đồng cảm giữa hai con người bươn chải nơi đất khách đã kéo họ lại gần nhau hơn. Năm đó, hình như Chinh mới lên thành thị, đang tìm kiếm một khu trọ giá rẻ, Nhân cũng chợt nhớ ra căn phòng sát bên cạnh phòng mình đang còn trống, bèn đánh bạo hỏi ý chủ nhà.
Thế là Chinh trở thành hàng xóm của Nhân, chắc cũng độ vài năm rồi.
Đêm nay cũng như bao đêm khác, Nhân về xóm trọ khi trời đã tối đen như mực, chỉ còn lấp ló vài ánh đèn điện khuất sau tán cây cao. Chầm chậm đạp xe vào trong con hẻm nhỏ, Nhân cẩn thận giữ lấy rổ bánh còn hơn phân nửa đằng sau lưng, nương theo ánh sáng quen thuộc ở gần cuối hành lang mà tìm đến phòng mình.
Nhà ai cũng tắt đèn đi ngủ, chỉ một mình Chinh còn thức. Ngày nào cũng như ngày nào, khoảng chừng mười một giờ là khu xóm này tối om om. Thế nên, cứ hễ nhìn thấy ngọn đèn trong phòng cô còn chưa tắt, Nhân lại thấy an yên vô cùng.
Ngọn đèn bàn của Chinh thức đến tận nửa đêm, có lẽ là vì thói quen sinh hoạt không mấy điều độ của cô chủ nhỏ. Thế nhưng, từ sâu trong lòng mình, Nhân luôn xem đó như một dấu hiệu của sự đợi chờ, để thấy lòng mình ấm hơn, giữa nơi đất khách quê người.
– Nay anh Nhân về trễ vậy ạ?
Nhìn thấy bóng Nhân ngoài cửa sổ, Chinh nhanh nhẹn chạy ra bưng hộ anh rổ bánh rán thơm nức, tiện tay nhón lấy một cái, cho vào miệng nhai nhồm nhoàm.
– Lại ế à? – Chinh vừa ăn vừa hỏi, bình thản như thể chuyện ế ẩm của Nhân đã diễn ra vô số lần.
– Ừ, đang dịch mà, người thưa dần. Nghe nói sắp tới toàn thành phố sẽ giãn cách, chắc tao không đi bán được nữa đâu.
Nhân cởi áo khoác, đi vội vào nhà vệ sinh chung rửa tay, rửa mặt, rồi cũng bốc đại một cái bánh rán lót dạ. Chinh có thể cảm nhận được sự uể oải của Nhân, cả thể xác lẫn tâm trạng.
– Kỳ này chắc em khỏi về quê luôn quá! – Chinh lắc đầu, nói bằng giọng sầu não.
– Ừ, về sao được mà về. Mà có về được thì bà con hàng xóm cũng không thèm chơi với em đâu!
Nhân vừa bước ra nhà tắm vừa nói vọng vào.
Ừ, cũng đúng!
Thời gian lề mề trôi qua thêm mấy ngày. Ngày nào Nhân cũng ra đường trong tâm trạng thấp thỏm, lo âu, phần thì sợ dịch bệnh tràn lan, chẳng biết ai là F0 để mà tránh, phần thì sợ lệnh giãn cách ban hành gấp rút, cả anh và cô hàng xóm đều không kịp chuẩn bị thức ăn.
Nói chuẩn bị thức ăn cho sang miệng, chứ thực ra cũng chỉ có gạo, trứng, gia vị cơ bản và mì gói mà thôi.
– Anh Nhân mua thêm ít bột mì đi. Lỡ hết mì gói, hết trứng, anh trộn tý đường với bột mì chiên lên ăn cũng qua được một bữa đấy.
Chinh vừa cầm tờ giấy ghi lại danh sách vật dụng cần thiết, vừa nói vọng ra ngoài sân, nơi Nhân đang đứng phơi đống quần áo mới giặt. Chừng vài giây sau, cô lại bổ sung thêm:
– Anh nhớ mua xà bông nữa nè, à, thuốc men nữa, lỡ đau ốm gì thì không đi viện được đâu!
Nhân gật đầu như giã cối, nhanh nhẹn thu dọn mấy chậu nước, rồi đạp xe ra đầu ngõ, lượn quanh các tiệm tạp hóa và siêu thị nhỏ, mua cho đủ đồ dùng mà Chinh đã liệt kê. Anh mua phần mình, mua luôn phần của Chinh, để cô đỡ phải chạy ra chạy vào.
Cô hàng xóm của anh cũng kỹ tính ghê!
Chẳng bao lâu sau đó, Sài Gòn thực sự giãn cách toàn bộ. Lúc này mới thấy, nơi đây hoa lệ, là hoa của người giàu và lệ của người nghèo. Cũng may, nhờ có sự cẩn thận của Chinh, hai người bạn cùng xóm trọ không đến nỗi đói khổ, khó khăn. Nhân lục lọi số tiền còn sót lại trong ví, xòe hai tay ra đong đong, đếm đếm, cũng có thể cầm cự thêm một tháng nữa.
Tất nhiên, thực đơn mỗi ngày chỉ có cơm, trứng và mì gói, ăn sang hơn nữa thì không được.
Mấy ngày này, thỉnh thoảng, Chinh lại sang phòng kế bên, vừa nói chuyện phiếm với Nhân cho đỡ buồn tẻ, vừa trao qua đổi lại mấy món ăn cho đỡ ngán. Ấy thế mà hôm nọ, cả một ngày dài, Chinh chẳng thấy Nhân ra ra vào vào trước hiên nhà, thoăn thoắt dọn dẹp quét tước như mọi hôm.
Đánh bạo bước đến trước cửa phòng đang im ỉm, Chinh mạnh dạn gõ lộc cộc rồi hỏi:
– Anh Nhân ơi, cho em xin gói mì chua cay với.
Lặng thinh. Đáp lại Chinh lại là tiếng la ó của bà cô chưa chồng ở cách đó không xa:
– Be bé cái mồm thôi, để yên người ta ngủ!
Chinh rụt cổ lại, lè lưỡi. Bà cô này dữ dằn nhất xóm trọ!
Đến xẩm tối, Chính mới phát hiện ra Nhân lên cơn sốt suốt ngày hôm nay. Cô cẩn thận sờ lên trán anh, lòng bàn tay đúng là nóng như lửa đốt.
“Tầm này mà sốt… tệ hơn nữa là nhiễm bệnh, thì biết làm sao?”
Nghĩ vậy, Chinh choáng váng cả đầu, tay chân cứ thừa thải chẳng biết làm sao, đành ngồi thu lu bên cạnh Nhân, canh chừng cái nhiệt kế.
Ba mươi chín độ. Sốt cao rồi!
Cất cái nhiệt kế ngay ngắn trên đầu tủ, Chinh lật đật đi pha thuốc hạ sốt cho Nhân, rồi huých huých tay gọi anh. Nhân sốt, cả người uể oải, mê man, hai mắt cũng mờ mờ, chỉ loáng thoáng nghe thấy tiếng gọi của Chinh mà cố mở mắt dậy.
– Em đeo khẩu trang vào, rồi về phòng đi, kẻo anh nhiễm bệnh thì lây cho em đấy!
Nhân vừa thều thào nói, vừa chỉ tay ra khoảng không tối om ngoài cửa. Chinh đang sốt sắng vì bạn bị ốm, chưa kịp ngẩng đầu lên đã bị Nhân “đuổi” về, tâm trạng cũng tối om luôn.
– Anh sốt ngu người à? Anh mà nhiễm bệnh thật thì xóm này thoát được chắc?
– Nói thế thôi chứ đầy người F1 vẫn âm tính đó em, tránh được chừng nào thì tránh!
– Vớ vẩn! Rồi ai chăm anh?
– Em pha cho anh ít nước chanh là được rồi, thuốc hạ sốt để dành, lỡ mai mốt em ốm thì lấy về mà uống! – Nhân yếu ớt nói lảng sang chuyện khác.
– Lại vớ vẩn, giờ tới đâu hay tới đó, anh sốt không khỏi thì mai mốt ai chăm lại em?
Chinh lật người Nhân lại, chẳng để ý cuộc hội thoại của họ có bao nhiêu thân mật và gần gũi. Cô cẩn thận đắp khăn ẩm lên trán Nhân, kề ly thuốc ấm ấm lên môi anh. Nhân khổ sở nuốt vào thứ nước lờ lợ, đăng đắng kia, rồi mệt mỏi thả người xuống nệm. Chinh bật đèn sáng mờ mờ, chuẩn bị đầy đủ thuốc men, nhiệt kế, nước ấm trên tủ đầu giường, rồi mới yên tâm trở về phòng mình.
Cửa sổ phòng Nhân vẫn mở toang.
Nhờ viên thuốc sủi kia mà cơn sốt của Nhân thuyên giảm hẳn. Đợi đến khi căn phòng xập xệ bên cạnh chỉ còn lại tiếng thở đều đều của Nhân, Chinh mới từ từ nhắm mắt lại.
Khuya, Nhân lại lên cơn sốt, vừa lúc Chinh sốt ruột chạy ra thăm. Hơi nóng từ cơ thể anh khiến Chinh giật nảy mình, nhanh nhẹn bật công tắc đèn trên đầu giường rồi thoăn thoắt rót nước, pha thuốc. Dịch dã thế này, Nhân lại sốt cao, Chinh không thể không nghĩ đến khả năng xấu nhất có thể xảy ra. cô thầm nghĩ, nhất định sáng mai phải đưa Nhân đi viện. Cùng lắm thì cách ly cả xóm trọ. Bệnh tật mà, có ai muốn đâu!
Một đêm cứ thế trôi qua, Nhân phát sốt rồi lại hạ sốt thêm hai lần nữa.
Sáng sớm, mới hơn sáu giờ, Chinh đã mở mắt tỉnh dậy. Cả đêm qua, giấc ngủ của cô chập chập chờn chờn, bị bao vây bởi lo lắng và bất an. Việc đầu tiên mà cô làm sau khi tỉnh dậy là chạy sang phòng bên cạnh, sờ tay lên trán Nhân.
Âm ẩm mồ hôi, nhưng mát rượi. Chinh mừng quýnh quáng, lao ra ngoài hiên vo vo nắm gạo mà nấu cháo, đợi Nhân thức dậy, ăn cho lại sức rồi lên viện kiểm tra.
Thời gian trôi qua thật chậm.
Đối với cả Chinh và Nhân, có lẽ mấy tiếng đồng hồn ngồi đợi kết quả test Covid là quãng thời gian trôi đi nặng nề và chậm chạp nhất. Hai người đã quay về xóm trọ từ lâu, thấp thỏm lo âu mà ăn vội hai bát cháo.
– Đến giờ rồi này, em lên viện lấy kết quả!
Chinh sốt ruột từ lúc mới lấy mẫu xét nghiệm trên người Nhân, tới bây giờ là tròn sáu tiếng đồng hồ. Nhìn cô cuống cuồng chạy đi, Nhân chợt thấy buồn cười. Nếu anh thực sự mắc Covid, có lẽ là ngay buổi sáng nay, nhân viên y tế đã đến đây đưa anh đi cách ly rồi!
Nửa khuya, ánh trăng dịu dàng chiếu rọi vào góc sân lởm chởm đất đá và xi măng, Nhân ưỡn vai tỉnh dậy sau giấc ngủ kéo dài cả ngày trời. Mùi cháo thơm thoang thoảng xộc vào hai cánh mũi, kích thích dạ dày trống trơn. Đói quá!
Nhân cầm chậu rửa mặt nho nhỏ, khoan thai bước ra bên ngoài để hít thở bầu không khí trong lành của buổi đêm. Lúc đi ngang qua khung cửa sổ quen thuộc, anh bất giác nhoẻn miệng cười.
Bên ngọn đèn bàn vẫn còn sáng tỏ, cô hàng xóm vẫn mải mê đọc tiểu thuyết lãng mạn, đôi mắt long lanh, lấp lánh như đang đợi chờ một câu chuyện tình đẹp của chính mình.
Biết đâu…
Tác giả: Rái cá nhỏ
Lời bàn:
Truyện ngắn “Ngọn đèn không tắt” của Rái cá nhỏ là câu chuyện giữa hai con người cô đơn giữa mảnh đất Sài Gòn hoa lệ. Xóm trọ nghèo, tập hợp những người lao động chân chính, cố sức vì ngày mai. Bắt đầu truyện hết sức thi vị, cảnh đêm yên bình, gió thổi man mác, dù cho ổ bánh rán đã nguội chưa bán hết vẫn còn sau xe, giống như câu chuyện thường ngày đã quá quen thuộc tới mức thản nhiên như chính cuộc sống này. Đoạn nói về tình nghĩa hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, cô gái qua chăm sóc chàng trai và những tình cảm mơ hồ cả hai chưa nhận rõ qua lời thoại vô cùng đáng yêu, tinh tế. Hình ảnh ngọn đèn không tắt của cô gái tuy nhỏ nhưng ấm áp, chiếu sáng cả tương lai, giống như hi vọng giữa cuộc sống nhiều trăn trở, chỉ cần có ngọn đèn sáng chờ đợi thì mọi lo âu đều có thể tan hết. Cả chàng trai và cô gái đều mang lại những năng lượng tích cực cho người đọc, những đức tính tốt đẹp của nhân dân Việt Nam: chăm chỉ, chịu thương chịu khó – họ là nhân vật chính cũng là điểm sáng cho toàn bộ câu chuyện.
Dường như những lo lắng khi đại dịch ập xuống chỉ là một chuyện khiến những con người ấy càng thương yêu nhau, càng có dịp quan tâm, san sẻ cho nhau. Đọc sao mà thương quá – người con người dù không giàu có, dù nhiều nỗi lo về cuộc sống nhưng lại tràn đầy tình yêu, hi vọng vào ngày mai. Cám ơn Rái cá nhỏ vì truyện ngắn “Ngọn đèn không tắt” dễ thương này.
Truyện thuần Việt rất hay, đã biết Rái từ lâu và luôn cảm thấy tin tưởng văn phong của bạn. Yêu bạn rái.
“Ngọn đèn không tắt” của tác giả Rái Cá Nhỏ, cho tôi thấy được rằng mảnh đất Sài Gòn vốn đất chật người đông nhưng tình người ấm áp. Trong những ngày thực hiện lệnh giãn cách những người dân lao động nghèo đã luôn biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Cảm ơn tác giả