TRUYỆN NGẮN

Kim Đồng – Tô Hoài

Truyện " Kim Đồng" Của nhà văn Tô Hoài là câu chuyện cảm động về một trong những đội viên đầu tiên của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh - anh Kim Đồng văn học trẻ xin giới thiệu tới các bạn đọc :

Kim Đồng – Tô Hoài Chương 1

‘Kim Đồng, tên cha mẹ đặt cho là Nông Văn Dền, quê ở Nà Mạ.
Làng Nà Mạ cách Pác Bó một quãng đường. Từ những năm 1940 cho tới Cách mạng tháng Tám 1945, Bác Hồ từ nước ngoài về, đã có khi ở căn cứ núi Pác Bó, lãnh đạo cách mạng cả nước.
Phong trào tỉnh Cao Bằng bấy giờ là gương mẫu đầu tiên. Làng Nà Mạ nhỏ bé gần Pác Bó, đã góp phần xứng đáng cho tỉnh Cao Bằng. Làng Nà Mạ, châu Hà Quảng ngày ấy chỉ
có khoảng hai mươi nóc nhà dân tộc Nùng. Từ những hội đánh Tây trước kia, cho tới cao trào Việt Minh đánh Pháp đuổi Nhật, cả làng Nà Mạ đã tham gia. Cụ già, em bé Nà Mạ đều vào hội cứu quốc.
Nhiều hy sinh thật to lớn. Đồng chí Quí Hiệu, đồng chí Nhất Sơn bị Pháp bắt, chặt đầu, bêu ở chợ Sóc Giang. Các đồng chí Phục Quốc, Phục Hưng gia nhập đoàn quân Nam tiến, hy sinh khi đánh Nhật ở Bắc Kạn. Có nhà bốn anh em thì hai người liệt sĩ, như nhà các đồng chí Ngư Mạn, Bát Ngư.

Có nhà, hai anh em cùng hoạt động, đều hy sinh cả, như nhà Kim Đồng.

Đương ồn ồn, bỗng lặng im.
Những tiếng nháo nhác đã xa. Không ai trông thấy gì nữa. Chỉ nghe chân bước ũng oẵng trong vũng nước hai bên cỏ tranh. Người làng bị lôi đi cả rồi. Các xóm ở Nà Mạ, ngõ nào cũng tụ lại, lố nhố người, nhưng im lặng. Im lặng như gốc mít, gốc trám, gốc nghiến, gốc vối. Chỉ còn những con mắt chớp chớp lóa nước mắt.
Kim Đồng tên thật là Dền, một cậu bé mười ba tuổi người Nùng. Dù nhỏ tuổi nhưng Kim Đồng đã làm công tác cách mạng rất tích cực Kim Đồng – Tô Hoài
một trong những đội viên đầu tiên của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh – anh Kim Đồng.
Thế là chuyến bắt phu các làng đi làm lô cốt đồn Sóc Giang hóa ra thật rồi, thật. Không ai ngờ làng xóm chẳng được kịp ăn tết rằm tháng bảy.
Cuộc bắt phu từ gà gáy. Lính cơ trên châu ập về, như cướp đến. Lính còn vây quanh làng. Sợ người trốn đi. Rồi, lính ùa lên nhà với xã đoàn, kéo từng người. Người xuống thang đành đạch như con cá giãy. Ngựa của châu đoàn ngoài đường cứ chốc chốc lại đập chân, rũ đuôi và chuông cổ coong coong như tiếng nhạc cúng ma. Đằng nào cũng buồn bã thế. Người bị lôi tay xuống thang, buông chân đi mà bụng buồn như còn nghe đoạn hát then “khảm hải” nửa đêm qua.
Lúc chuông ngựa châu đoàn réo, Dền mới thức dậy. Ngoài đường đã ồn ã lắm. Trong nhà mình vẫn lặng tờ. Ngoài đường nhộn nhạo, trong nhà im. Nhưng ngoài đường không phải tiếng ơi ới gọi nhau đi xem hội hát. Có tiếng chửi réo lên kìa. Tiếng rít, tiếng roi đập chát chát. Không xong rồi, Dền nhỏm lên.
Bố Dền đang nhóm lửa bếp giữa sàn để hơ lá gói bánh gai. Bấy giờ, cả mẹ, cả anh và Dền đã ra ngồi quanh lửa. Sương sớm buông xuống tận đầu nhà. Tháng bảy đưa cái lạnh về sớm thế này! Mấy ngày vừa qua, mưa dầm nên không phơi lá gai được. Tết đến, nhà nào cũng làm bánh gai – trẻ con thích bánh gai, bánh gai ngọt hơn bánh nếp. Nhưng bấy giờ Dền cũng quên cả ăn bánh gai. Cái lặng lẽ quanh mình đương đầy sợ hãi.
Rồi có tiếng động chân ngoài đầu sàn, đã thấy chiếc nón chóp nhoi lên. Kìa có lính đến nhà mình. Bố Dền đứng dậy.
Bố Dền bước ra. Bếp sưởi trống một chỗ. Còn như lạnh hơn lúc nãy. Bố Dền quay lại, nói:
– Hay là mẹ Dền nấu cơm cho tôi gói đi.
Lính quát:
– Ra ngay! Người ta đợi cả ngoài kia rồi.
Ngay đó, lính đẩy bố Dền lao đầu xuống thang. Tuy vậy, bố vẫn phải quay lại chỗ cột, bê ra hai hòn đá to đã buộc sẵn, để đấy rồi bố Dền quảy đi.
Mấy lâu nay, xã đoàn đã đến bảo từng nhà: quan hai xây lô cốt trên đồn Sóc Giang, nhà nào có người ở tuổi đi phu phải sắp sẵn hai hòn đá to. Lúc đi, quảy đá lên. Không có hai tảng đá lên theo thì phạt kéo thêm hai ngày phu.
Mà cứ gì người đi phu mới phải vác đá xây lô cốt. Dền đã thấy người làng đi chợ Sóc Giang, chợ Nà Giàng, cả người đi chợ Nậm Nhũng lèo tèo xa nhất, ai cũng quảy theo một hòn đá. Không có hòn đá tảng đi chợ, không được vào mua muối của cai chợ đứng bán.
Không biết trời đất sắp thế nào mà đồn Tây, đồn châu, đồn bang tá phá hết bờ rào tre và tường đất, đắp nên lô cốt đá. Rồi đến các nhà châu đoàn, xã đoàn cũng đua đòi xây tường đá, lô cốt. Chánh tổng Thước ở Thông Nông bắt mỗi người đi chợ qua nhà phải nộp một tảng đá. Người ta nói rủa: Có việc gì mà mày phải đắp mả nhà mày kỹ thế?
Bố Dền quảy hai hòn đá ra tới đầu ngõ. Những người trong làng phải đi phu đã đứng chen chân đấy, đương túi bụi, rối rít trong tiếng roi quất, tiếng cai cơ quát lính đếm xem đủ số phu chưa. Rồi con ngựa châu đoàn nhong nhong đi trước. Đám lính chạy sau, dồn phu quảy gánh theo, chửi om. Đoàn người bật ra ngõ. Tiếng ồn ào xa dần vào con đường lầy lội trong cỏ tranh cao lấp đầu, không nhìn thấy bọn người đi đâu nữa.
Những người đứng đầu xóm, có người òa khóc, rồi cung cúc chạy về. Không giữ được nước mắt, nhưng ai cũng cố kìm tiếng khóc. Sợ khóc thế thì sái cho người đi xa.
Mẹ và anh em Dền ra bờ suối. Chỗ suối ấy trông thấy bóng người dưới nước. Suối Pác Bó chảy về đến Nà Mạ, từng quãng trong vắt rồi trắng ngần qua hai bên những cây vối già nghiêng nửa mình, tựa vai nhau soi bóng trên mặt dòng nước phẳng như gương.
Nhưng không trông thấy bóng người. Bờ suối đằng kia, những cái chày hẫng không, chỏng lên bên cánh cối nước(1) quay vội vội. Cái cọn(2) thì thong thả, cót két, múc lên từng ố ng nước. Những cảnh hàng ngày ấy, trông đau lòng thêm. Trời Hà Quảng trong xanh, ruộng Hà Quảng đất lẫn đá bốn mùa khô xác, không giữ được một hạt nước, một hạt màu. Mưa lụt, nắng hạn, đất nghiêng đi đâu mà nghiêng mãi, lúc nào cũng chỉ thấy người tháo, người đắp giữ nước ngoài đồng. Tháng bảy rồi mà cọn nước còn kẽo kẹt suốt đêm múc từng ống vào ruộng. Hạn to rồi. Mới có tháng bảy mà những cái cánh cối đã tất tả quay suông. Như thế là chẳng còn hạt gạo dính trôn cối.
Mẹ quay mặt đi. Anh em Dền không để ý. Cả hai mải cúi sát mặt cầu, nhìn theo dòng nước, một lúc, bỗng reo lên:
– Có bóng người đằng xa kìa.
Mẹ quay lại, nói như nghẹn:
– Thấy bóng thì chẳng làm gì…
Rồi mắt mẹ nhòa nước mắt. Anh tưởng vì mình nói to thế làm mẹ buồn. Hai anh em cuống quít giục:
– Mẹ về, mẹ ạ.
Rồi anh chợt nhớ:
– ồ, nhà mình chưa thả vịt. Về thả vịt nào!
Mùa này phải cho vịt đi ăn sớm mới được.
Nhưng mẹ bảo:
– Sáng nay chưa đi chăn vịt đâu.
– Sao, hả mẹ?
Mẹ nói:
– Nhà còn mấy ống gạo để dành ăn Tết rằm tháng bảy. Có khi mà Tết rằm này bố mày được về ăn Tết. Từ hôm nay đến rằm phải đi đào mài để ăn thì mới dành được gạo tết rằm. Bố mày đương đào dở một bọn mài. Hôm nay không đi rừng sớm, người ta cướp công mất. Bây giờ hai mẹ con phải đi đào nốt.
Anh xịu mặt. Không phải ngại đào đâu. Anh
đã đi với bố vào rừng đào củ mài nhiều lần.
Những củ mài nằm sâu độ sải tay, anh đã đào gọn được. Củ mài hôm qua cũng là hai bố con đương đào. Mài rúc sâu thế là củ to lắm. Không
đi đào nốt thì có đứa nẫng mất. Chỉ vài nhát mai nữa thôi. Nhưng lại còn lo vịt đói. Vịt cũng cần vỗ béo.
Dền nói tự nhiên:
– Để em chăn vịt cho.
Anh reo lên:
– Phải đấy. Mày chăn vịt, tao đi đào mài.
Mẹ đau chân, mẹ cứ ở nhà, đừng đi đâu.
Nhưng rồi anh băn khoăn:
– Không được, mày chưa biết đuổi con vịt.
Nó mà xuống suối, đi mất thì…
Dền nói:
– Biết rồi. Tay cầm cái roi thế này. Vịt đi xa thì giơ lên, gọi: kíu kíu, như anh vẫn làm mọi khi. Em đã biết đào giun cho vịt ăn. Em biết chỗ giun nằm có cứt giun đùn nhiều.
Anh cười, vẻ thú vị:
– Nói nghe thạo đấy. Được, cứ thử cho mày chăn vịt, tao đi đào mài.
Nói phân phát công việc như thế, anh nghĩ mình đã lớn hơn mọi khi và cảm thấy bây giờ phải xốc vác, thay bố đi vắng. Một lát sau, anh
đã lồng cả đôi “dậu”, quảy trên vai, tay xách cái thuổng.
Nhưng anh ra vẻ người lớn cũng chưa bằng Dền đâu. Kể ra, Dền không biết so sánh. Nhưng, từ lúc nhận chăn vịt, Dền thấy mình bây giờ lớn rồi, khác hẳn, khác nhất bởi vì Dền chưa chăn vịt bao giờ. Chỉ mới đi xem người ta chăn thôi. Bây giờ Dền đi chăn vịt. Mẹ phải biết thế, anh phải biết thế. Dền sẽ đuổi vịt khéo, không để vịt lạc suối. Dền đã biết chỗ đào được nhiều giun. Lúc anh vác củ mài về, anh sẽ nhìn sướng mắt lắm: đây này, diều con vịt nào cũng to tướng, no nê thây lẩy ra, ngang cái đít ngoe ngoảy của nó. Thật đấy.
Đàn vịt nằm trong chiếc bu đầu sàn vừa được bỏ xuống. Dưới chuồng có ba con vịt to, anh đã tháo chốt cửa. Thoạt đầu, Dền cũng lo vịt chạy tản mạn mỗi con mỗi nơi thì thật khó.
Những con vịt to vẫy cánh vươn vai. Cánh vịt quạt lên, như rỡn cho gió lộng vào mặt nhau. Ba con vịt càng nhởn thêm, cứ dang cánh quạt quanh ra xa, mãi đầu bờ rào. Đàn vịt con đàng sau sợ gió, nhớn nhác, táo tác. Tất cả loạn lên như trêu tay chăn vịt non.
Nhưng Dền bình tĩnh. Dền đã đoán cách làm cho có trật tự được. Dền nhón chân lên, xách mai, bước ra. Thế là cả ba con vịt to đều quay đầu, hiếc mắt rồi cụp cánh, lạch đạch chạy theo Dền. Đàn vịt nhỏ cũng tíu tít bu lại. Chúng biết hiệu. Có thế chứ, vịt to vịt bé đều phải biết hôm nay đến lượt Dền dắt chúng mày đi ăn đây.
Chú vịt con háu đói vừa đi vừa nghển lên mổ mổ mảnh đất bám lưỡi mai. Những con vịt tinh quái. Nó biết cái mai sắp thục xuống đất đào giun. Dền đã ra đến đám đất ẩm rêu. Chỗ ấy có nước lần ở máng trên sàn đầu nhà thấm đến, giun dế trú ngụ nhiều lắm. Đàn vịt cứ xúm xít, cạc cạc kíu kíu trò chuyện quanh chân Dền.
Thế là Dền thành tay chăn vịt. Anh về anh hẳn bằng lòng. Bố về thì chắc lạ lắm. Chăn vịt thường thôi đã khó, lại làm sao giữ cho vịt chỉ ăn quanh nhà, làm sao đưa vịt xuống suối qua ruộng không rúc lúa. Chỉ đi men chân lúa, người ta trông thấy, đã chửi réo và bắt đền. Vịt chẳng biết nghe như người mình nói với nhau. Vịt lại có tính bướng, cứ thả bừa chân, bạ chỗ nào cũng quơ mỏ. Nhất là chỗ ấy có nước. Vịt cúi cổ xuống, thò chiếc mỏ bè bè. Bất kể ra thế nào, hãy cứ rèn rẹt rúc thử xem đã, rồi mới chịu lắc lư đi. Cái giống vịt là gàn bướng thế!
Dền đã biết đưa cả đàn qua ruộng mà vịt không la đà rúc lúa người ta. Cũng vẫn chỉ công ở cái mai. Dền xách mai đi. Vịt lớn trông
thấy, nháo nhác theo. Chưa được. Phải nhử cho cả lũ vịt con cũng sán đến đầy đủ rồi mới đi.
Những con vịt con đã trông thấy cái mai giơ lên. Dền chúc mai xuống làm cho các cu cậu phải kiễng cả chân, cả mắt đớp cong cóc vào mảng đất dính trên lưỡi mai. Thật thì trên lưỡi mai lúc này cũng có miếng mồi giun, nhưng anh chàng vịt lớn nào đã chớp mất rồi. Tuy vậy, mùi thức ăn ngon vẫn phảng phất. Các cu cậu này cứ mổ côm cốp rồi quay ra nhìn nhau, rồi lại xô lên, mổ côm cốp, hăng hơn. Lúc ấy Dền mới cầm cái mai và dềnh dàng đi. Cả đàn vịt chen nhau, chăm chú, nghển cổ đuổi theo lưỡi mai. Chẳng mấy lúc, người và vịt đã ào qua tràn ruộng, xuống tới bờ suối. Bấy giờ Dền mới ngả cái mai xuống vệ cỏ. Những con vịt hích nhau chen vào rúc thật sự, dũi hết mảng đất trên lưỡi mai. Không thấy gì, nhưng bấy giờ đã qua hết ruộng lúa không để mang tiếng vịt rúc lúa nhà ai và rướn cổ nhìn ra, đàn vịt đã thấy làn nước chảy vui vui trước mặt. Đàn vịt đã mắc mẹo Dền.
Cả đàn vịt à xuống suối. Vịt ăn lần lên lần xuống theo hai bên bờ. Có những lúc đùa nhau, đuổi nhau, lắc đuôi, hụp xuống nước. Mà vẫn trông thấy cả con vịt lặn ve vé trong nước. Vịt lên bờ, rỉa lông rỉa cánh, kỳ cọ rồi nằm im thành một bọn chồng đống giữa bãi cỏ. Nhưng hễ động cái lá rụng, một lũ mắt vịt lại ti hí mở. Tuy thế, cũng là lúc vịt nghỉ ngơi. Lúc ấy, Dền mới lội xuống suối bắt cá. Dền đã xem các anh bắt cá nhiều lần. Hôm nay Dền cũng bắt chước bắt cá suối.
Quãng suối ấy có vực sâu. Mặt nước không một gợn sóng. Dền rón rén bơi đến. Xanh trong, đến đỗi thấy cả một giọt nắng đụng đậy đáy nước. Những con cá măng lượn đi lượn lại, nhấp nhánh, loang loáng rồi biến đâu. Đàn chép lấp lánh đỏ hồng như những vảy nắng, cũng chui vào khe đá. Vực nước vắng tanh, sóng gợn xanh. Cá động nước đã trốn cả.
Nhưng Dền đã trông dõi, biết hết những con cá chui vào hốc đá ấy, chỗ ấy. Màu hồng cá chép thì không lẫn được với bóng đá. Dền nhẹ nhàng lướt đến. Thật nhanh, Dền thò tay vào hốc. Một chú chép băng thoát ra. Tay ngoài, Dền được tóm ngay.
Buổi trưa, Dền dồn vịt về, xách theo một xâu cá.
Có hôm, không đợi anh đi đào mài về. Dền đã mổ cá rồi bắc mảnh chảo xuống. Những con cá rán giòn cong lên. Có khi, anh đã mang về một nắm măng chua. Anh nói:
– Để nấu canh cá. Biết thế nào cũng được cá mà.
Rồi lại nói:
– Mày chăn vịt được đấy! Lại biết bắt cá.
Giỏi rồi.
Dền nói: phải chăn vịt cho béo, bố về ăn rằm tháng bảy.
Nhưng tết tháng bảy rồi mà không thấy bố về. Cả làng chuyến ấy đi phu đồn Sóc Giang cũng chưa ai được về. Cái tết chán ngắt. Không có người bưng bánh tẻ bánh gai đi biếu nhau. Mưa suốt đêm, nước suối tràn hết sang ruộng mía, ruộng lúa hai bên đường. Những người nhà đem gạo lên chợ Sóc trở về, thở dài, bảo: bọn phu này phải đến Tết cả mới được về cũng nên. Tường đồn bây giờ mới đương xây móng.
Tối mười bốn, ba mẹ con ngồi sân sàn trông ra. Trăng tròn đã đứng đầu núi bên kia. Dòng suối giữa cánh đồng, lằn trắng như con đường cái quan thênh thang. Nhưng không một bóng người. Ba mẹ con ngồi đến tận khuya. Như có ý đợi. Ngày tết sắp đến mà còn người vắng nhà thì ai cũng muốn chờ, dù chờ vu vơ. Rồi hai anh em đi ngủ lúc nào. Mẹ đem guồng sợi đánh vải ra ngồi quay trong bóng trăng.
Thế là bố không được về. Tết này mẹ chỉ thổi một đấu xôi nếp “mỡ vịt”(1).
Mẹ bảo:
– Phiên chợ tới chúng mày cứ đem bán đôi vịt to. Bố về thì vịt con đã lớn rồi.
Hôm ấy, phiên chợ Nà Giàng. Bỏ chợ Nậm Nhũng, chợ châu, đợi phiên Nà Giàng. Chợ Nà Giàng, bán vịt được tiền. Anh tính thế.
Hai anh em mang vịt đi chợ. Châu Hà Quảng có chợ Nà Giàng to nhất, hơn cả chợ châu lỵ. Chợ Sóc Giang chỉ được cái lắm người ngoài biên giới đem vào các hàng lạ: bát đĩa, gương to, hũ đựng đậu giống và nhiều thợ làm răng vàng bên kia sang. Chợ Nà Giàng ở giữa châu, thuận đường qua lại – cả dưới phủ Hòa An, ở Nước Hai, tận ngoài tỉnh người buôn cũng kéo lên đợi chợ từ chiều hôm trước.
Dền thấp lũn chũn mà đeo một vai mấy cuộn thừng bo. Từ tháng trước, anh đã chặt cây bo để tước vỏ vặn thừng. Định khi đi chợ, nhân thể đem bán thừng, kiếm thêm vài đồng tiền. Anh xách đôi vịt bỏ trong lồng mới đan. Hai con vịt trắng, chân vàng chóe. Chốc chốc lại thụt nan bu, con vịt cái kêu cạc cạc váng một bên tai.
Gần đến chợ, người càng đông. Từ hai bên triền núi xanh, từng đám người Mèo, người Nùng cõng về chợ những thùng rượu ngô, lại giắt theo con bò lông vàng mỡ. Nhưng mặt người nào cũng bạc xám. Chắc thiếu ăn đã lâu. Những con bò đem bán, bò ăn cỏ tốt trên núi cao, béo bóng lông, có yếm trễ lắc lắc dưới cổ.
Cạnh suối, dưới những bụi mai phấn trắng, đàn ngựa của người buôn ở chợ tỉnh về đã buộc đấy. Có những ngựa con theo mẹ về chợ, đến đây vừa mỏi chân, nghiêng lưng gài vào sườn đá, lim dim hai mắt.
Đầu tiên, Dền thấy những hàng xôi ở đầu dốc. Hai bên, bắc ghế dài cạnh chõng hàng, trên đặt chõ xôi trắng lỗ chỗ hoa hiên, xôi lại nhuộm lá gì đỏ như mào gà. Dền trông thoáng. Nhưng cái ngon mà không được vào miệng, thì chỉ mới nhìn, bụng đã réo ong óc. Dền không nhìn nữa, Dền rảo bước bám theo anh.
Mỗi lúc vào, cái chợ lại đông hơn. Người Dao bán giấy. Người Tày cầm từng xâu những con cá chép đỏ hỏn. Trên hiên, một dãy hàng thổ cẩm sặc sỡ như hoa thuốc phiện. Mấy người Nùng cởi trần ngồi trước cái chân cột đá – những người làm nghề đẽo đá kê cột. Trông mặt hốc hác thì biết người đói, có lẽ cả đời chỉ đi làm chân cột cho nhà người ta, chưa bao giờ được đẽo hòn đá kê chân cột nhà mình.
Người chất đống quanh nơi bán muối. Cạnh chỗ người vào đưa đá để xây đồn, có lính đứng đếm đếm ghi ghi, chốc lại hất ngọn roi lên, gạt người chạy sang chỗ đong muối. Những người khác ồ lại. Bọn lính kéo ra những người mà nó quát là chưa nộp đá lô cốt, không được mua muối. Thế là người xô, người níu lại, tiếng roi vút, người chửi người hét, rống lên, lung tung lên.
Một chốc, có con trâu bồn từ phía dưới tới. Trẻ con trong chợ sợ trèo cả lên cây. Người bảo trâu điên. Nhưng có người kêu: trâu xổ đấy. Bọn cướp đón cướp của đằng kia giết chết cả lái trâu rồi. Thế là cả cái chợ nghiêng ngả, xanh xám đi.
Anh đứng lại, bảo em:
– Vào chợ đông thế này, có khi bị chen mất cả vịt. Mày đứng đây đợi. Tao đến chỗ hàng xén gửi người ta bán hộ chỗ thừng bo này rồi tao ra. Hai đứa cùng đem vịt vào chợ mới được. Nhớ, giữ vịt thế này này…
Anh đặt bu xuống ven đường, bảo Dền ngồi đấy. Anh làm kiểu cho Dền bắt chước, kẹp đầu gối vào hai đầu bu. Tay Dền úp trên mặt bu. Như con gà ấp.
– Thế, ngồi im thế. Ngồi im thế, không nhúc nhích. Ai hỏi không nói, không mở tay ra…
Anh lấy cuộn thừng bo trên vai Dền rồi đi vào đám người đương túi bụi trước mặt. Thấy anh thành thạo thế, Dền cũng đỡ sợ. Nhưng đầu tiên còn trông thấy anh, anh còn quay lại, cười cười. Dền yên tâm. Sau anh đi vào mãi trong, không trông thấy. Dền mới chợt ngơ ngác và cúi mặt.
Người qua lại tăm tắp, lườn lượt. Hai đầu gối Dền càng kẹp chặt cái bu. Hai bàn tay Dền tõe ra, muốn che kín cả mặt bu. Đừng ai trông thấy hai con vịt nhà mình nữa. Nhưng con vịt cái cứ quang quác cái mỏ. Chỉ nhích chân, nó cũng làm loạn xạ lên. Người đi qua, ai cũng nghe tiếng, ai cũng nghé nghiêng xuống. Có người khen: “Vịt nhà mày béo quá, béo quá”. Có người hỏi xấn xổ: “Bán vịt không? Bán vịt không?”. Dền sợ, nhắm mắt lại. Nhưng khi nhắm mắt thì nghe tiếng ồn ào, la thét trong chợ, tiếng bò rống, tiếng gà vịt kêu càng dữ, càng hãi hơn. Dền lại mở mắt. Nhưng không dám ngẩng mặt. Chỉ trông xuống cái bu vịt nhà mình. Thấy những bàn chân đi qua. Bàn chân mọi người đi qua. Chân ai cũng liên liến đi. Thấy chân ai chậm lại, dừng lại, Dền sợ. Người ta đứng nhìn bu vịt của mình. Sao anh đi lâu thế. Càng chờ càng thấy lâu.
Bỗng có hai cái ống chân quấn xà cạp xám sững trước mặt. Dền hé mắt, nhìn lên thấy một người lính đội nón sơn quang dầu vàng nhóng nhánh. Thấy lính, đã trợn. Hôm nọ, lính đã lên nhà, bắt bố mình đi phu đấy. Dền nghĩ: phải cẩn thận mới được.
Người lính hỏi:
– Vịt nhà mày à?
Dền không nói. Bàn tay giữ mặt bu, cựa quạy.
Người lính cúi, đẩy tay Dền, xách bổng cái lồng:
– ạ, hai con vịt béo nhỉ?
Đầu gối Dền bị hẫng ra. Nhưng cả hai tay Dền vẫn bíu đít bu, giằng xuống.
Người lính cau mặt:
– Thằng này hỗn à?
Rồi hất tay Dền đi. Dền hoảng, thằng lính sắp cướp mất con vịt. Thế là, Dền vừa khóc vừa thụi vào bụng người lính. Nhưng nắm tay con con chỉ bằng vỗ bụi cái lưng khố lục, cái vạt áo vải vàng dày kệp mà thôi.
Người lính cười khành khạch rồi lại cau mặt: – Vịt béo thì phải bán cho quan. Tao mang biếu quan hai con vịt của nhà mày. Đứng đấy, rồi tao mang tiền của quan về trả cho.
Vừa nói, người lính xách bu vịt đi liền. Con vịt cái giẫm thụt chân trong nan bu quạc quạc kêu om lên. Người vẫn nhốn nháo đi qua. Dền khóc nức nở. Có người đứng lại. Không ai biết chuyện ra sao cả.
Vừa lúc, anh ở trong chợ chạy ra. Dền trỏ tay:
– Thằng lính lấy mất vịt kia kìa.
Anh nhìn theo tay em. Đằng ấy, lộn xộn người và đằng ấy cũng nhiều lính đương ngổn
ngang đi. Có cả ông quan châu tay cầm cái gậy song. Có cả Tây đồn, đội mũ sùm sụp ngang mắt, hai ria vểnh ngoắt lên. Dưới bụng có khẩu súng đeo trong cái thắt lưng da to. Người ngồi chợ thấy quan đến, giạt ra hai mép đường, chắp tay vái. Cho đến lúc quan cộp cộp bước qua.
Hai anh em Dền quên không biết sợ, vẫn hớt hải chạy lên. Nhưng chẳng thấy người lính xách bu vịt đâu. Chỉ sáng nhoáng những nón chóp đồng, những thắt lưng da, những bắp chân quấn xà cạp xám. Đâu cũng lính, lại lính. Hai anh em vẫn đuổi theo. Không biết đến đâu đi đâu, nhưng cứ đuổi.
Vừa đuổi, vừa kêu. Không ai nghe những tiếng kêu khóc ấy giữa cái chợ ầm ầm cả trăm người gào thét. Dền cũng chẳng trông thấy những hàng xôi hoa hiên, xôi đỏ mào gà, như mời ăn. Không trông thấy những con ngựa từ núi cao xuống đứng vẫy đuôi trong búi mai. Hai tai nghe đặc tiếng vịt kêu và trong con mắt, vẫn thấy đằng trước có thằng lính xách chiếc lồng vịt của nhà mình. Rõ ràng thằng lính đi phía trên, nó chỉ mới qua đây thôi.
Ra tới quãng trống, có người hỏi:
– Cái gì mà các cháu kêu thế?
Anh nói như quát:
– Thằng lính cướp cái lồng vịt!
Dền thút thít:
– Nó bảo đứng đấy nó đem tiền quan ra trả.
Mấy người đứng lại đương thương hại hai anh em cũng không nhịn được tiếng cười, càng thương hại thêm.
Một người hỏi:
– Có nhớ mặt nó không?
Chưa biết trả lời sao thì nhiều người khác đã nhao nhao: “Thôi, cũng bằng gặp quân cướp ngày. Biết mặt hay không cũng chẳng cởi khố nó ra được đâu”. Rồi, thương xót cũng chẳng biết làm thế nào, mỗi người lại tất tả mỗi việc. ạng thì khiêng đá đến nộp cai cơ để được vào đong muối, ông ôm con lợn con vừa mua được. Những ai có bu vịt, tự dưng đâm sợ, lấy cái túi chàm, cái lá dáy, lá chuối che lên mặt bu cho khỏi ai trông thấy.
Anh em Dền vẫn chạy tìm vịt nhà mình. Cái sợ, cái tức, cái tiếc xui chân đi. Chạy đã qua chợ Nà Giàng, lại qua không biết mấy xóm nữa. Dền nghĩ cứ chạy thế này, không thấy thằng lính xách cái bu vịt, đến lúc thấy được cái vực sâu, chui xuống, không phải về trông mặt mẹ nữa cũng được. Dền lại nức nở khóc.
Dưới gốc cây nhãn, cái chõng đặt chõ xôi trắng cao có ngọn, người xúm xít ngồi ăn. Bên cạnh, bà hàng đương xắn tay áo mở cái nút lõi ngô đổ rượu trong hũ ra. Người ngồi xổm uống một bát rồi chùi mép, đứng dậy đi ngay.
Đã mệt, anh em bước lải rải rồi đứng lại. Mấy người ngồi hàng và người uống rượu cũng vừa đứng lên. Họ thì thào gì rồi vào cả trong xóm. Đầu tiên, anh tưởng người ta đi đánh bạc.
ở Sóc Giang, ở Nậm Nhũng, Tổng Gọt, Hàng Thoóng hay Nà Giàng đều có sòng bạc. Nhiều người mất ruộng mất trâu lắm. Anh đương ngao ngán, cứ hỏi bâng quơ, cầu may.
– Các bá ơi! Các bá đi đâu?
Một người nói:
– Vào xem hội đánh cướp.
Hội đánh cướp là cái gì. Nghe lạ tai, và biết đâu lại có thể tìm được vịt ở đấy. Đánh cướp mà. Hai anh em vào ngay.
Giữa xóm, trên khoảng đất trống, nhiều người xúm quanh cái phản gỗ mọi ngày vẫn để bán thịt lợn. Đây mọi khi là nơi chợ đổi vai. Trong làng đem ra bán cho người buôn rồi về. Chỗ này họp chiều trước ngày phiên chính. Nhưng lúc ấy chỉ có người đứng, nhiều đàn ông và những cong rượu to. Đằng kia, một ông chít khăn chàm đương nói. Cái khăn xổ xuống vai, mà ông vẫn nói thật to.
– Bây giờ kẻ cướp mỗi ngày một nhiều.
Làng nào xóm nào ta cũng phải cùng nhau một bụng. Có cướp đến, đánh trống, gõ sàn, gõ nồi rồi ra đánh đuổi cướp đi. Các làng đều có hội đánh cướp, xóm ta vào hội đánh cướp.
Anh chen vào, nói to:
– Các bá ơi! Tôi vừa mất cướp.
Nhiều người trố ra nhìn. Đứa nào ở đâu nghênh ngang vào đây. Nó con nhà ai, sao nói thế, nó mất cướp thế nào!
Những tiếng quát hỏi:
– Mày mất cướp ở đâu?
– Ngoài kia.
– Mất cái gì?
Anh kể:
– Tôi mất hai con vịt ở chợ Nà Giàng.
– Ai lấy của mày?
Dền nói:
– Thằng lính đội cái nón thế này, thắt lưng da thế này, các bá ạ.
Mọi người cười to – cười như mếu. Lại những cái cười thương hại anh em nhà ấy mất vịt. Cũng không ai biết trả lời lại thế nào. Mãi sau mới có người nói: – Các cháu ơi, nó là thằng lính, không phải thằng cướp đâu.
Anh hăng lên:
– Thằng lính đi cướp thì cũng là thằng cướp, hội đánh cướp phải đánh cả thằng lính ăn cướp chứ!
Mấy người đứng gần đẩy anh em Dền ra. Rồi sợ sệt, nói khẽ: “Mày về hỏi hội đánh cướp làng mày. Nói ở đây thế mà xã đoàn nghe tiếng thì phải trói đấy. Chúng tao không biết đâu”.
Hai anh em về. Chợ Nà Giàng nhốn nháo tan tác. Thấy cái nón lính, cái bắp chân xà cạp đi gần, Dền lại giật mình, nắm hai tay. Câu anh hỏi người ta lúc nãy còn vẩn vơ trong đầu Dền. Sao lính đi ăn cướp lại không dám đánh? Không được, nếu bao giờ làng Nà Mạ nhà mình có hội đánh cướp thì không thể tha cái thằng lính cướp lồng vịt.
_
(1) Hát then: Một lối hát thờ. “Khảm hải” là tên một bài hát.

Kim Đồng – Tô Hoài chương 1

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close