TẢN VĂN
Kỉ niệm về ông ngoại
Kỉ niệm về ông ngoại
Nhà ông ngoại có một cái sân rộng. Trước sân, ông trồng hai cây bưởi, tán lá bưởi xanh che kín mặt sân. Chúng tôi, nhưng đứa trẻ nương tuổi thơ mình bên tán bưởi già như mái nhà thứ hai của tuổi ấu thơ mưa nắng. Ông ngoại như ông tiên với bộ râu dài, trắng như cước. Ông hay ngồi bên hiên, kể những câu chuyện nơi ông từng qua, tai ông từng nghe, mắt ông từng thấy. Bên hiên bóng mát phủ kín sân, hương bưởi đưa thoang thoảng dấu thơm nơi khứu giác ngọt ngào.
Ông ngoại có đôi dép cao su màu đen. Ông đi từ hồi còn chiến khu trở về. Đôi dép mòn vẹt dấu thời gian. Ông lấy những sợi dây đồng nhỏ buộc cố định những chỗ đứt dời. Dây đồng váng óng che khuất cả màu đen của đôi dép. Bọn trẻ con chúng tôi hay nói đùa với ông rằng: “Hôm nào bọn con đổi kẹo kéo ông cho con tháo dây đồng ra nhé!” Ông cười sảng khoái xoa đầu mấy đứa chúng tôi. Nghe bên hiên ánh nắng xuyên qua tán lá bưởi non. Lá đùa gió vẫy vẫy như chiếc quạt. Mùa hè, câu chuyện ông cháu nồng nàn, rộn rã. Như chính cái nóng mùa hè bỏng rát, như nỗi niềm kỷ niệm cháy bỏng khôn nguôi.
Ông có một chiếc váo măng tô được may từ vải Ga-ba-đin, màu gụ, dài ngang gối. Ông quý chiếc áo ấy lắm. Nhà nghèo không có tủ nên ông treo gọn gàng trên chiếc móc sắt. Khi nào có cuộc sinh hoạt chi bộ hay sự kiện gì quan trọng ông mới mặc nó. Ngay cả những ngày đông lạnh giá, ông thường mặc những chiếc áo khác giữ ấm chứ nhất định không chịu mặc chiếc áo măng tô. Mấy chị em chúng tôi nghịch ngợm. Một lần ông đi vắng, tôi lấy chiếc áo của ông mặc vào. Chiếc áo dài quá chân, quết đất thướt tha như nàng công chúa. Vết bẩn lấm lem chiếc áo, sự vô tư của trẻ con nên chẳng làm chúng tôi bận tâm. Chiếc đinh sắt từ cánh cửa vô tình làm rách áo một vệt dài. Chúng tôi treo lại chiếc áo lên chỗ cũ như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Buổi trưa ông trở về từ cuộc họp, thấy chiếc áo lấm bẩn rồi bị rách. Ông không mắng chúng tôi một câu nào, nhưng đôi mắt ông buồn lắm! Ông phủi thật sạch những vết bụi. Bụi theo tay ông mà bay ra như làn khói mờ. Vết rách dài bằng một gang tay ông nhờ bà khâu hộ. Chúng tôi hối lỗi cúi gằm mặt xuống, nỗi buồn chẳng thể òa khóc. Thà ông cứ đánh đòn để chúng tôi có lý do ăn vạ, khóc than. Đôi khi sự im lặng mới chính là sự trừng phạt đầy day dứt. Chiếc áo ấy, tay bà ngoại khâu lại rất khéo. Mỗi lúc nhìn vào vết sẹo của nó, chúng tôi lại thấy đau. Nhưng ông thì không, ông đã tha thứ cho chúng tôi lâu rồi. Tôi biết từ lúc phủi bụi trên chiếc áo ấy, trong lòng ông chứa đầy sự bao dung.
Làng quê tôi nghèo vật chất nhưng giàu tình người. Mỗi buổi chiều khi mặt trời khuất dần sau đám mây trắng từ phía chân trời. Từng chiếc xe trâu chở những đụm cỏ to đùng, kẽo kẹt, như chở cả buổi chiều trôi chầm chậm theo từng vòng quay bánh xe. Ông tôi vót thật đẹp những chiếc nan tre màu trắng để đan rổ, rá, đòn gáng, quang trành, quang chạc… Đó là những sản phẩm phục vụ đời sống và nông nghiệp ở các làng quê xưa. Mỗi buổi chợ phiên, bà ngoại và bác gái tôi lại quẩy những thứ đó trên vai mang đi bán. Đồ đạc thì nhẹ nhưng lồng cồng. Họ gánh đi khuất sau ngõ vắng, trông xa xa như những bông hoa bằng nan tre đang di chuyển. Cả làng tôi làm nghề đan nan tre, nên mỗi buổi chợ phiên, nhà nào cũng gồng gánh nối đuôi nhau lên chợ. Chẳng biết họ có bán được hết hàng không, nhưng bọn trẻ chúng tôi thấy hình ảnh đó thật đẹp mắt.
Ông vót nan tre, uốn cho tôi một đôi quang gánh nhỏ xíu. Tôi cùng chị lớn ra đồng cắt cỏ, ấn trên đôi quanh gánh nhỏ những đụm cỏ con con. Theo chị gánh về qua bờ mương lộng gió. Những đụm cỏ thơm lừng mùi nhựa mới. Tôi thấy mình như có cả cánh đồng ngào ngạt vây quanh mùi đồng nội. Thầm biết ơn ông vì yêu cô cháu gái bé bỏng mà mất cả một buổi chiều làm thứ đồ chơi tuổi thơ đẹp hơn cổ tích. Tôi yêu đôi quang gánh nhỏ như bà, như ông yêu đồng lúa, yêu tre, yêu quê hương.
Ông tôi còn có một kho truyện cổ tích. Tôi thích nhất mỗi đêm được sờ vào cái nốt ruồi thịt màu hồng sau lưng của ông. Nghe ông kể chuyện cổ tích Núi Thiên Thai miền Kinh Bắc quê mình. Chàng trai đi kiếm củi về nấu cơm cho mẹ, bị lạc vào cõi Thiên Thai không thấy đường về. Chàng trai không biết rằng một ngày trên trời bằng trăm năm dưới hạ giới. Đã ba tháng trôi qua, chàng nhớ nhà, nhớ mẹ già đang đợi. Cõi Thiên Thai đủ đầy cũng chẳng níu nổi bước chân chàng ở lại. Nàng tiên xinh đẹp dâng biếu chàng hai trái đào tiên. Chàng trở về quê xưa. Cảnh cũ, người xưa không còn ai. Nỗi nhớ xen lẫn nỗi lạc lõng nhân tình thế thái, chàng trai đến bên núi tựa lưng và khóc. Núi Thiên Thai có tên từ dạo đó. Nơi đây có những gốc hồng gọi là hồng đào tuyệt ngon và tuyệt đẹp mọc trên đỉnh núi. Câu chuyện ông kể như thời gian quá khứ hiện tại đan xen nhau. Tôi còn quá nhỏ để nhớ hết chi tiết, ông thì chẳng còn để tôi hỏi lại. Chỉ biết rằng mỗi khi nhắc đến ngọn núi Thiên Thai tôi lại nhớ ông theo từng lời kể phảng phất như sương như khói của tuổi thơ đã trôi xa rồi.
Một buổi sáng mùa thu năm tôi mười bảy tuổi. Ông ra đi sau một thời gian căn bệnh lao phổi hoành hành. Tôi nắm lấy bàn tay gầy guộc của ông lần cuối, nước mắt lã chã rơi. Ông được cậu tôi mặc lại chiếc áo măng tô yêu quý. Chiếc áo vẫn nguyên vết khâu của bà năm xưa. Lòng tôi xót xa, quặn thắt. Dẫu biết cuộc đời không qua khỏi vòng tuần hoàn: thành, bại, sinh, diệt. Nhưng trước cảnh chia ly, những yêu thương trào dâng nơi đáy tim không sao nín được. Rất đông người tiễn ông đi ngày cuối thu hôm ấy. Cánh đồng lúa chiêm đang vào vụ gặt. Lúa mới thơm cả cánh đồng nơi ông qua. Tôi nhìn lên trời nghe vi vu trong gió sớm, lòng thầm mong ở nơi nào rồi ông cũng sẽ an yên.
Cả nhà ngồi lại bên nhau sau đoạn đường tiễn đưa ông lần cuối, lật giở chiếc hộp cũ của ông cất trong ngăn tủ. Những chiếc huân chương màu đỏ chói có gắn ngôi sao vàng lấp lánh. Cả một đời lính ghi biết bao chiến công nay về với đất mẹ. Chiếc thẻ hội viên bạn nghe đài ông chụp ảnh còn mỉm cười bên hàng râu dài, trắng như cước. Mắt ông vẫn nheo nhìn ánh lên niềm hạnh phúc trong mắt. Kỷ vật sống động mà người đã xa.
Tôi bước ra khoảng sân rộng trước nhà. Vẫn cây bưởi ông trồng bóng mát phủ kín sân. Những trái bưởi chín vàng óng ả. Tôi chợt nhận ra những chuyển hóa của luân hồi. Ông chẳng mất đi đâu mà ở ngay bên cạnh. Khắp mọi không gian đều chất chứa những gì thuộc về ông. Bên hiên nhà, bên giếng nước và khoảng sân. Ông cười hiền từ như ông tiên trong câu chuyện cổ tích, hạnh phúc nào dẫn lối ta qua, bên trời thu in sắc vàng trong suốt. Ngày ông ra đi, một ngày bình yên như cỏ, thơm tho dệt kỷ niệm vọng về.
Xem thêm bài văn hay cùng tác giả trên trang Văn học trẻ:
Lời của BTV chọn tản văn “Kỉ niệm về ông ngoại“
Kỉ niệm về ông ngoại – đề tài quen thuộc thậm chí đã cũ nhưng tản văn này vẫn chứa một sức hấp dẫn, đáng đọc.
Thanh Nga đã dồn những tình cảm chân thành, nỗi nhớ da diết cháy bỏng vào trong câu chữ, trong mỗi bạn đọc hiện lên hình ảnh của người ông – người chiến sĩ già đã từng chiến đấu vì đất nước, người ông hiền từ, yêu thương các cháu, một con người đáng kính, đáng mến đã nâng đỡ tuổi thơ của tác giả. Người ông được nhắc tới có lẽ giống như bao người ông khác càng làm tăng thêm sự đồng cảm trong mỗi chúng ta. Ai cũng có một người ông như vậy – giống như ông Bụt râu trắng, hoàn thành tâm nguyện cổ tích, giúp đỡ khi ta gặp khó khăn, ít nhất về mặt tinh thần. Từng hành động, từng kỉ niệm ghi lại đều khiến tôi rưng rưng xúc động.
Kỉ niệm về ông ngoại, như đưa tôi lạc về miền tuổi thơ của chính mình, đồng thời ngưỡng mộ niềm tin yêu tha thiết gắn bó của tác giả với người ông của chị.