Bài văn hay THPTNghị luận xã hội

Trách nhiệm của bản thân trong cuộc sống

Trình bày suy nghĩ của bạn về trách nhiệm của bản thân trong cuộc sống - bài văn mẫu nghị luận xã hội hay nhất, mới nhất do VHT biên soạn

Trách nhiệm của bản thân trong cuộc sống.

Trách nhiệm – 2 từ cần thiết gắn liền với mỗi con người trong suốt cuộc đời. Chúng ta có thể khác nhau về địa vị, tiền bạc, ngành nghề, giới tính… nhưng nếu như ai hiểu được, làm được đúng với trách nhiệm của bản thân họ với cá nhân, gia đình, xã hội, thì đều đáng được tôn vinh, kính trọng.

Trách nhiệm là gì? Đó là việc mà mỗi người phải làm và phải có ý thức với những việc làm đó. Trách nhiệm luôn là một gánh nặng nhưng nó sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong quá trình phát triển. Trách nhiệm được phân thành các cấp từ thấp tới cao, đầu tiên là trách nhiệm với chính bản thân, sau đó là trách nhiệm với gia đình, xã hội, đất nước, cao hơn là trách nhiệm với Trái đất này. Nói những điều lớn lao như trách nhiệm với Trái đất có thể sẽ khiến bạn cảm thấy nó quá vĩ đại, không cần thiết tới một cá nhân nhỏ bé như bạn quan tâm. Nhưng, những hành động nhỏ nhất của bạn cũng đã thể hiện được trách nhiệm của bạn rồi.

Đầu tiên là trách nhiệm cá nhân. Chịu trách nhiệm với chính bản thân mình thế nào? Đó là tận dụng mọi khoảnh khắc hôm nay để tìm kiếm tri thức, tìm kiếm trải nghiệm phù hợp với bản thân, giữ gìn sức khỏe. Tránh những việc tổn hại tới sức khỏe như đua đòi hút thuốc, sử dụng chất cấm, thức thâu đêm để xem bộ phim mình thích, chơi game bất kể đôi mắt mỏi nhừ… Khi bạn còn trẻ, sức khỏe của bạn chịu đựng được sự tàn phá ấy, nhưng khi có tuổi, bạn sẽ thấy ân hận, bạn sẽ ước về thời gian ngày trước để ngăn mình làm những điều ngu ngốc, để cố gắng học thêm những thứ mà hiện tại bạn cần. Hãy sống sao để chính bạn sau này không phủ nhận chính bạn, và tự hài lòng về mình trong quá khứ: Tôi đã từng nỗ lực như thế. Hoặc chí ít thì, hãy dùng thanh xuân của bạn để đi đâu đó, có một mối tình đẹp, làm những việc giúp chính bản thân bạn có những cảm xúc khác nhau để nhớ lại sự đẹp đẽ ấy.

Thực ra, khi bạn có trách nhiệm với chính bản thân bạn, bạn đã thực hiện một phần trách nhiệm với gia đình và xã hội rồi. Lúc bạn ý thức được mình nên sống để không phung phí tuổi trẻ, không phung phí sức khỏe để tương lai bạn có một công việc đem lại giá trị cho bạn và gia đình, góp phần cống hiến tài năng mà bạn đã rèn giũa để làm giàu đẹp thêm đất nước thì cũng là lúc bạn thể hiện trách nhiệm với đất nước. Bạn là một học sinh, bạn cần hiểu trách nhiệm rèn luyện kĩ năng, học tập kiến thức và trau dồi những phẩm hạnh tốt đẹp. Khi bạn là một giáo viên, bạn có trách nhiệm truyền đạt giúp cho những em học sinh của mình không chỉ có thêm được kiến thức môn học, cuộc sống và còn bồi đắp tình yêu mến con người – con người, yêu thêm người đã nuôi dưỡng các em, yêu Tổ quốc này hơn… Nếu bạn là một công nhân, bạn hãy thực hiện đúng trách nhiệm đi làm đúng giờ, đảm bảo kĩ thuật công việc, đảm bảo chất lượng quy trình… Hai từ trách nhiệm, nói cụ thể nhất là hãy hành động một cách tích cực, dù có thể bạn không đủ năng lực để làm điều lớn lao như sáng chế ra một thứ gì đó giúp ích cho nhân loại, không có năng lực siêu nhiên để đánh bại kẻ xấu xa, cứu giúp được những người đau khổ, nghèo khó, bạn không phải anh hùng nhưng bạn luôn hành động đem lại giá trị tốt đẹp. Trồng một cái cây, bạn đang thực hiện trách nhiệm với Trái đất này, sống đẹp mỗi ngày, bạn đang thực hiện trách nhiệm của một công dân.

Vậy tại sao, sống có trách nhiệm đem lại nhiều điều có ích như thế, nhưng rất nhiều người lại trốn tránh trách nhiệm của mình? Bởi vì, sống có trách nhiệm, bạn phải tốn thời gian, công sức – làm một học sinh chăm chỉ, một bác sĩ tận tâm, một công nhân gương mẫu… khó hơn nhiều so với trốn học ở nhà ngủ hết chiều, làm cho đủ công. Sống trách nhiệm, bạn phải gánh trên vai nhiều công việc, nhiều chi phí hơn thế. Khi cha mẹ về già, con cái có trách nhiệm phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ, nhưng chăm sóc ấy cũng cần sự nhẫn nại, chi thêm một phần lương đồng nghĩa bạn phải để lại sau lưng nhiều cuộc chơi và bớt giảm đi nhiều chuyến du lịch. Những người vứt bỏ cha mẹ không màng, liệu có từng nghĩ tới cha mẹ mình trước đây cũng đã vất vả bao nhiêu, chi bao nhiêu, mất bao nhiêu sức khỏe, thời gian chăm sóc khi bạn đau ốm? Liệu có nghĩ tới tấm gương của bạn lại in hằn vào trong nhận thức con cái bạn, để về sau, chính bạn lại bị vứt bỏ? Thực hiện trách nhiệm người làm con cũng đồng thời bạn có được sự tôn trọng từ con cái bạn. Rồi những người trẻ không may để đứa trẻ tới với thế giới trong sự không hiểu biết, sự sai lầm của chính bản thân rồi lại vứt bỏ đứa bé ấy đi vì không dám nhận trách nhiệm của người làm cha mẹ. Bởi khi nuôi đứa trẻ ấy, bạn không còn được lao vào cuộc yêu đương, không còn rảnh rang làm đẹp, vui vẻ mỗi ngày mà phải nghĩ cách chăm sóc cho đứa bé ấy trưởng thành, chi rất nhiều thời gian cho đứa bé. Trách nhiệm ấy gắn liền với công lao như biển cả, không dễ gì gánh vác. Làm một giáo viên, giảng dạy trên trường bước ra khỏi cổng trường bỗng thấy học sinh của mình nói bậy, đi tụ tập với đám thanh niên đi đánh nhau, bạn có thể bỏ qua, nhưng trách nhiệm của một giáo viên lại khiến bạn theo dõi biểu hiện thay đổi của em học sinh ấy, liên lạc với gia đình và uốn nắn em ấy trở về con đường chính đạo. Một sự ngó lơ, người giáo viên ấy về hưởng thụ sau ngày làm việc, có thể góp phần tạo ra những thành phần xấu cho xã hội. Hoặc đơn giản nhất là khi các bạn nhận nuôi một chú mèo hoang, bạn phải có trách nhiệm cho nó ăn, uống, nuôi nấng nó, chứ không phải thích thì nuôi, thấy nó phiền, nó ị bậy liền vứt nó ra đường lần nữa. Và còn rất nhiều biểu hiện khác về sự vô trách nhiệm khi: không nhường đường cho xe cứu thương, thờ ơ với người gặp khó khăn, xả rác bừa bãi, không lên tiếng khi thấy hành vi xấu (Dù bạn không làm điều xấu nhưng đứng trước hành vi xấu mà bạn không lên tiếng cũng là một hành động tiếp tay cho cái xấu phát triển)….

Khi trách nhiệm không được làm tròn, một loạt những điều xấu được nảy sinh, xã hội thêm phần hỗn loạn. Chối bỏ trách nhiệm nhiều sẽ thành thói quen, và khi thành thói quen không gánh vác được chuyện nhỏ, bạn nghĩ bạn có thể làm những điều lớn ư? Mãi mãi, bạn chỉ là người thất bại. Nếu bạn không dám nhận một trách nhiệm nào về mình, bạn chỉ là kẻ bỏ đi trong xã hội này.

Người Việt Nam chúng ta còn thiếu thói quen nhận trách nhiệm. Dù nhiều việc không phải chuyện chúng ta có thể nắm trong lòng bàn tay, ai cũng có lúc sơ sẩy, song nhận trách nhiệm về mình thay vì đùn đẩy sẽ giúp chúng ta rút ra được kinh nghiệm tránh để sơ sót lần sau tiếp diễn, tạo nên tấm gương cộng đồng về biết nhận trách nhiệm hơn để xã hội này, đất nước này ngày càng thêm phát triển, chặt chẽ hơn. Nơi tôi đang ở, người dân phản ánh nước sinh hoạt đang ngày càng ô nhiễm, cần thiết phải có phương án giải quyết, nhưng chẳng ai nhận trách nhiệm thuộc phận sự mình cần giải quyết. Đến khi VTV về làm phóng sự thì các lãnh đạo địa phương lại đùn đẩy trách nhiệm, không lo lắng cho dân, không hề có ý nhận thức rằng: Tôi sẽ không để vấn đề này ảnh hưởng nghiêm trọng thêm. Nhận trách nhiệm, không phải sẽ khiến bạn bị người khác khinh thường, mà đôi khi với trường hợp này, sẽ khiến bao người dân nơi tôi sống cảm thấy an lòng hơn, tin vào chính quyền hơn. Nhưng chỉ vì một câu chối bỏ, tôi nghĩ, sự tôn trọng của tất cả người dân nơi tôi sống đã không còn.

Làm đúng trách nhiệm là rất khó, nhưng bù lại, thứ chúng ta nhận về lại nhiều hơn thế, đó là một công việc ổn định, sếp và đồng nghiệp yêu mến, gia đình hạnh phúc, đem lại cảm giác thành tựu cho bản thân và sống luôn ngẩng cao đầu.

Và tôi, mỗi ngày đều gắng sức làm những điều mình có thể theo hướng tích cực ấy, để ít nhất không làm được những điều to lớn cũng góp phần giúp quê hương tốt đẹp từ những điều nhỏ. Các bạn ơi, hãy hiểu hơn về trách nhiệm của bản thân mình để sống không hoài phí bạn nhé.

Trách nhiệm của bản thân trong cuộc sống Trách nhiệm của bản thân trong cuộc sống
Trách nhiệm của bản thân trong cuộc sống – Bài văn nghị luận xã hội hay

Xem thêm bài nghị luận xã hội hay trên Văn học trẻ:

Bạn đã và đang thực hiện trách nhiệm của bản thân với cuộc sống thế nào? Hãy để lại bình luận cho chúng mình biết nhé.

Tags
Show More

Related Articles

2 thoughts on “Trách nhiệm của bản thân trong cuộc sống”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close