Bài văn hay THPTNghị luận văn họcNGỮ VĂN 10Những bài văn hay

Bài phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích cho học sinh giỏi

Bài làm phân tích mẫu cách nghị luận cho học sinh tránh diễn xuôi thơ - Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích

Kiều ở lầu Ngưng Bích là một trong những đoạn thơ hay nhất trong Truyện Kiều, diễn tả cảnh Kiều bị Tú bà giam lỏng ở lầu Ngưng Bích. Đoạn trích cũng thể hiện được tài năng của Nguyễn Du nói riêng và đặc trưng trong bút pháp nghệ thuật tả cảnh ngụ tình nói trung của Văn học trung đại, đã được đưa vào chương trình học Văn khối phổ thông. Văn học trẻ đưa ra 2 bài văn mẫu hay nhất để các bạn tham khảo:

Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích – Bài mẫu 1

Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc là danh nhân văn hóa thế giới. Tên tuổi của ông gắn liền với nhiều tác phẩm nổi tiếng, đặc biệt là Truyện Kiều. Truyền Kiều không những thành công về nội dung mà còn rất thành công về nghệ đặc biệt là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình được thể hiện qua đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích.

Luận điểm 1: Sáu câu thơ đầu là bức tranh lầu Ngưng Bích đẹp nên thơ nhưng rất đượm buồn

“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.”

Đây là những câu thơ thuộc phần thứ 2, gia biến và lưu lạc. Sau khi bán mình chuộc cha, biết mình bị Mã Giám Sinh lừa nên Kiều định tự tử nhưng Tú Bà khuyên can, nàng được đưa ra lầu Ngưng Bích để ở nhưng thực chất là giam lỏng.

Phân tích từ ngữ, hình ảnh  – “Khóa xuân” là khóa tuổi thành xuân là giam lỏng Kiều, câu thơ gợi lên hoàn cảnh éo le, trớ trêu đầy tội nghiệp cho một người con gái tài sắc như Kiều. Cảnh lầu Ngưng Bích đẹp bởi có non xa, trăng gần nhưng có phần nghịch lí bởi núi non vốn ở gần dưới mặt đất thì giờ trở nên xa xôi. Trăng vốn ở trên cao giờ tưởng chừng như có thể với tay tới. Điều đó chứng tỏ Kiều đang ở một vị trí rất cao để ngắm nhìn cảnh vật.

Nhận xét, đánh giá  – Hình ảnh vầng trăng gợi lên thời gian đoàn tụ của mỗi người con xa xứ. Trong khi Kiều lại bị giam lỏng ở một nơi xa xôi nơi đất khách quê người.

Bình luận  – Cảnh đẹp bởi ở đó còn có không gian “Bốn bề bát ngát xa trông”, chỉ có sáu chữ nhưng chữ nào cũng gợi không gian mênh mông rợn ngợp với sắc vàng, đỏ xen lẫn nhau. Và không gian ở lầu Ngưng Bích càng rợn ngợp hơn khi ở đó vắng lặng không một bóng ngư­ời, không âm thanh. Không những vậy, ta còn thấy cảnh vật ở đây rất ngổn ngang với cát vàng, cồn nọ, với những bụi hồng nổi lên mù mịt. Phải chăng sự ngổn ngang của cảnh vật cũng chính là sự ngổn ngang của lòng Kiều. Trong cảnh ngộ như thế, Kiều chỉ còn biết lắng nghe tiếng nói từ sâu thẳm lòng mình. Tâm trạng Kiều trải ra theo cái nhìn cảnh vật. Nhìn lên trên là vầng trăng đơn côi, nhìn xuống mặt đất thì bên là cồn cát mấp nhô lượn sóng, bên là bụi hồng cuốn xa vạn dặm. Kiều như cố tìm cho mình một sự che chở, một mối tâm giao một niềm an ủi nhưng đôi mắt Kiều càng kiếm tìm, càng thất vọng.

Bình luận –  Lầu Ngưng Bích là một chấm nhỏ giữa thiên nhiên trơ trọi, mênh mông. Nó đang giam hãm thân phận một mỹ nhân. Cảnh lầu Bích có thể rất đẹp vì sơn thuỷ hữu tình, có không gian rộng lớn, có cát vàng, có bụi hồng có ánh trăng thơ mộng có mây sớm, đèn khuya … nhưng hoàn cảnh và thân phận của Kiều lúc này làm sao vui được dù cảnh có đẹp nên thơ như Nguyễn Du đã từng viết:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ

Hoàn cảnh đó khiến Kiều cũng thấy xấu hổ, ê chề. Trước hết đó là:

“Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.”

Phân tích nghệ thuật – “Bẽ bàng” là từ láy có sức gợi tả lớn, đó là xấu hổ, tủi thẹn khi phải làm vợ Mã Giám Sinh, khi bị mụ Tú bà chửi rủa. Kiều là người con gái tài sắc đến “sắc đành đòi một tài đành họa hai” mà giờ đây phải sống trong cảnh giam lỏng nên “bẽ bàng” cũng là điều dễ hiểu. Trong hoàn cảnh đó, Kiều chỉ còn biết làm bạn với “mây sớm, đèn khuy”. Tình thì chia li, trắc trở, cảnh thì hoang vắng mênh mông, tất cả điều đó như chia cắt tấm lòng của nàng. Quang cảnh Lầu Ngưng Bích tuy đẹp thật, nên thơ thật nhưng cảnh ấy sao đượm buồn đến man mác lòng người. Buồn bởi cảnh lầu Ngưng Bích yên lặng đến lạ thường, không một chút lay động càng khiến cho cái tình trở nên sầu thảm hơn.

Phân tích nghệ thuật – Chính sự đối lập đến rợn người giữa cái mênh mông hoang vắng và thân phận nhỏ bé càng làm Kiều trở nên cô đơn, trống vắng hơn bao giờ hết.  Kiều chỉ có một mình để tâm sự, để đối diện với chính mình. Trong cái không gian rợn ngợp và thời gian “mây sớm đèn khuya” như một vòng tuần hoàn khép kín kia như giam hãm con người, như khắc sâu thêm nỗi đơn côi khiến Kiều càng thấy “bẽ bàng” chán ngắn, buồn tủi. Sớm và khuya, ngày và đêm Kiểu thui thủi một mình nơi đất khách quê người, nàng chỉ còn biết làm bạn với mây và đèn. Trong nỗi cô đơn tuyệt đối ấy, lòng Kiều dồn tới lớp lớp những chua xót, đắng cay, não nùng. Buồn vì cảnh hoang vu, rợn ngợp và buồn vì ái tình riêng khiến lòng như bị xé: “Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng” cảnh đó, tình đó đã làm cho tâm can Kiều như càng đau đớn hơn. Làm sao không đau đớn, bẽ bàng được khi mối tình đầu vừa chớm nở với chàng Kim nàng đã vội phải chia li không một lời từ biệt, hoàn cảnh đó dù cảnh đẹp cũng không thể khiến nàng vui.

Nhận xét, đánh giá –  Nhà thơ miêu tả khung cảch thiên nhiên nơi lầu Ng­ưng Bích để thể hiện tâm trạng cô đơn của nàng Kiều . Đó là sự thành công trong bút pháp tả cảch ngụ tình của Nguyễn Du.

Luận điểm 2: Tám dòng thơ cuối nhà thơ cuối là bức tranh tâm tình đầy xúc động. Mỗi hình ảnh thiên nhiên là ẩn dụ cho một thân phận, hoàn cảnh của Kiều. Trước hết đó là bức tranh về cuộc đời Kiều

“Buồn trông cửa bể chiều hôm ,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa

Câu thơ mở ra thời gian chiều tà gợi lên cảm giác cô đơn, nhung nhớ của người viến khách. Thời gian chiều hôm gợi lên cảnh sum họp gia đình là chim rừng về tổ là thuyền về bến thế nhưng Kiều vẫn bơ vơ lạc lỏng nơi đất khách quê người. Đôi mắt Kiều như kiếm tìm một mối tâm giao nhưng nàng chỉ thấy:

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa

Tưởng chừng như Kiều đã tìm thấy một mối tâm giao nhưng cánh buồm ấy “thấp thoáng, xa xa” như lúc ẩn, lúc hiện và nhạt nhòa trên biển khơi mênh mông trong buổi chiều hôm càng khiến nàng nhớ nhà, nhớ quê hương hơn bao giờ hết. đánh giá về nghẹ thuật –  Và chính cánh buồm lẻ loi ngoài khơi xa cũng chính là ẩn dụ cho thân phận lênh đênh chìm nổi của Kiều? Cũng giống như­ cánh buồm, nàng cũng lẻ loi cô đơn ở nơi đây. Cánh buồm kia rồi cũng có ngày cập bến, chỉ có nàng biết đến bao giờ mới đ­ược trở về quê hương để gặp lại những ng­ười thân. Càng tủi thân, Kiều càng cố kiếm tìm nhưng tất cả thật phủ phàng.

Bức tranh thứ hai là bức tranh về thân phận của Kiều.

“Buồn trông ngọn cỏ mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trông  nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi . ”

Tác giả đã sử dụng điệp ngữ liên hoàn rất thành công. Từ “Buồn trông ”đứng ở đầu bốn câu thơ, lặp lại bốn lần để nhấn mạnh thêm, khắc sâu thêm tâm trạng buồn của Thuý Kiều. Nỗi buồn ấy dâng lên trùng trùng, điệp điệp, kéo dài theo thời gian, lan toả cả không gian, kết thành một chuỗi buồn kế tiếp nhau không dứt, nỗi buồn này chưa tan nỗi buồn khác đã đến và nỗi buồn sau lớn hơn nỗi buồn trước. Nh­ưng ở mỗi một cặp câu Nguyễn Du lại diễn tả cụ thể nỗi buồn khác nhau của Kiều. Dường như Kiều mong muốn tìm kiếm cho mình một sự chia sẽ, một sự cảm thông, nàng đưa tầm mắt nhìn ra xa thì chỉ thấy:

“Buồn trông cửa bể chiều hôm ,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa ”.

Hình ảnh “chiều hôm” gợi thời gian đoàn tụ là chim về tổ, thuyền về bến, con người trở về đoàn tụ với mỗi gia đình còn Kiều thì bơ vơ nơi đất khách. Trong ánh nắng chiều nhạt nhoà, nàng thấy cửa bể rộng mênh mông, chỉ có một cánh buồm thấp thoáng. Tưởng chừng như Kiều đã tìm thấy một mối tâm giao nhưng cánh buồm ấy “thấp thoáng, xa xa” như lúc ẩn, lúc hiện và nhạt nhòa trên biển khơi mênh mông trong buổi chiều hôm càng khiến nàng nhớ nhà, nhớ quê hương hơn bao giờ hết. Và chính cánh buồm lẻ loi ngoài khơi xa cũng chính là ẩn dụ cho thân phận lênh đênh chìm nổi của Kiều? Cũng giống như­ cánh buồm, nàng cũng lẻ loi cô đơn ở nơi đây. Cánh buồm kia rồi cũng có ngày cập bến, chỉ có nàng biết đến bao giờ mới đ­ược trở về quê hương để gặp lại những ng­ười thân.

Bức tranh thứ hai mà Kiều nhìn thấy đó là

“Buồn trông ngọn cỏ mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu”

ánh mắt của Kiều nhìn gần hơn nàng thấy trên dòng nước đang chảy có cánh hoa trôi. Ngọn nước mới sa là dòng nước đổ ập từ trên xuống tung bọt trắng dữ dội, lênh đênh trôi nỗi giữa dòng nước trắng xoa kia là một cánh hoa trôi. Một câu hỏi da thiết đã được đặt ra trong tâm trí của nàng “Hoa trôi man mác biết là về đâu”. Từ láy “man mác” đã gợi tả cánh hoa trôi nhẹ nhàng, lững lờ, buông xuôi theo dòng nư­ớc chảy đồng thời diễn tả nỗi buồn vời vợi. Nhìn cảnh đó, Thuý Kiều lại càng buồn hơn. Bình luận–  Phải chăng những cánh hoa kia cũng chính là ẩn dụ cho thân phận cuộc đời mình. Kiều cũng chỉ là cánh hoa mỏng manh, yếu ớt, trôi nổi, bị cuộc đời vùi dập không biết đi đâu về đâu. Cuộc đời Kiều giờ đây cũng như cánh hoa trôi phải phụ thuôc vào dòng nước, nàng cũng không thể quyết định được tương lai, số phận của mình, phải phó mặc cho dòng đời. Câu hỏi tu từ cuối câu thơ như xoáy vào tâm can Kiều mà không bao giờ có lời giải đáp .

Hai câu thơ tiếp theo là bức tranh tương lai mịt mờ, vô vọng của Kiều.

“Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”

Cả một nội cỏ trải ra mênh mông nhưng khác với cỏ trong ngày thanh minh “cỏ non xanh tận chân trời”, còn cỏ ở đây “rầu rầu”. Một màu vàng úa gợi tới sự héo tàn, buồn bã. Màu xanh nhàn nhạt trải dài từ mặt đất tới chân mây, đó không phải màu xanh của sự sống của hy vọng mà là màu xanh của vô vọng không biết bao giờ mới kết thúc. Phải chăng Thuý Kiều nhìn đám cỏ ấy, liên t­ưởng đến cuộc đời mình rồi cũng bị lụi tàn, héo hon theo năm tháng ở nơi đây. Cái màu xanh nhạt nhoà của chân mây, mặt đất hay chính là tương lai mờ mịt vô vọng của cuộc đời nàng. Bởi thế, tâm trạng của nàng lại càng chán nản buồn lo. Bỗng tr­ước mắt nàng là cảnh bão tố hiện ra  .

“ Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi . ”

Gió cuốn nổi lên mù mịt, mặt n­ước dâng trào, tiếng sóng biển ầm ầm. Gió cuốn là gió thổi mạnh, từ láy “ầm ầm ”đ­ược đảo lên đầu câu thơ để nhấn mạnh thêm sự gầm gừ, hãi hùng của biển cả. Nh­ưng đó lại không phải là sóng vỗ mà là sóng kêu. Phép nhân hoá không chỉ làm cho câu thơ thêm sinh động mà còn cho thấy đây không chỉ là tiếng sóng của thiên mà còn là tiếng sóng trong lòng của Kiều. Sóng kêu ấy là tiếng sóng lòng sợ hãi của Kiều khi nghĩ tới chặng đ­ường sắp tới của mình. Âm thanh“ầm ầm” kia là hình ảnh ẩn dụ để chỉ những tai hoạ của cuộc đời sắp đổ xuống đời nàng. Câu thơ đã thể hiện đ­ược dự cảm của Thuý Kiều về cuộc đời của mình sẽ phải gặp rất nhiều sóng gió, gian truân.

Bình luận – Như­ vậy, mỗi một hình ảnh thiên nhiên trong câu thơ đều ẩn dụ cho thân phận và tâm trạng của nàng Kiều.

Nhận xét, đánh giá – Cảnh được miêu tả từ xa đến gần, màu sắc từ nhạt đến đậm, âm thanh từ tĩnh đến động. Cảnh ngày một rõ hơn để diễn tả nỗi buồn từ man mác mông lung đến âu lo kinh sợ. Bút pháp tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du đư­ợc sử dụng hết sức độc đáo và rất thành công trong tám câu thơ cuối .

Đoạn trích đã thể hiện tinh thần nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Du…..

Bình luận

Có thể nói, nếu chọn một đoạn tiêu biểu cho bút pháp tả cảnh ngụ tình thì chính “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là đoạn thơ tiêu biểu bậc nhất. Đoạn thơ “Kiều ở lầu Ngư­ng Bích ”quả thật là một bức tranh tâm tình đầy xúc động.Với cách lựa chọn hinh ảnh thiên nhiên giàu sức gợi cảm, ngôn ngữ độc thoại nội tâm và các điển tích, sử dụng điệp ngữ, từ láy, câu hỏi tu từ cùng với bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc, nhà thơ đã diễn tả chân thực, cụ thể, tinh tế, diễn biến tâm trạng của nàng Kiều khi phảỉ sống ở lầu Ngư­ng Bích. Đó là nỗi cô đơn, buồn tủi, thư­ơng nhớ ng­ười thân tha thiết, nỗi buồn lo, hãi hùng. Nhà thơ đã thấu hiểu tâm trạng của Kiều cũng có nghĩa là nhà thơ đồng cảm với nhân vật, cảm thông chia sẻ với nỗi đau của  Kiều. Đó chính là biểu hiện của giá trị nhân văn cao đẹp và tấm lòng nhân đạo sâu sắc. Vì thế đọc đoạn trích này ta thấy Nguyễn Du xứng đáng được tôn vinh là “người có con mắt nhìn thấy sáu cõi có tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”.

Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích – Bài mẫu 2 

Ngoài hình ảnh Trương Chi, ước lệ của các nhà văn xưa là “đẹp người đẹp nết”. Các vị túc nho thuở trước thường là những người am hiểu không chỉ chữ nghĩa của các thánh hiền mà còn cả đến khoa nhìn người đoán số phận (nhân tướng học). Trong “Truyện Kiều“, hình như cụ Nguyễn Du cũng đã dùng hai điều trên để xây dựng nhân vật, trong đó có Thúy Kiều. Kiều đẹp tuyệt trần, tài hoa hiếm thấy, nhưng tài hoa ấy đã phát tiết ra ngoài khi nàng:

Khúc nhà tay lựa nên chương
Một thiên hạc mệnh lại càng não nhân.

Phần đầu của thiên bạc mệnh ấy là oan gia khiến Kiều phải dứt tình. Đời Kiều đang ở phần thứ hai của thiên bạc mệnh: bị Mã Giám Sinh và Tú Bà lừa dối, bị đưa vào lầu xanh ô nhục khiến nàng quyết định chấm dứt đời mình, nhưng lại được cứu sống. Tú Bà đâu phải là thỏ non mà là con cáo già giữa chốn kinh doanh sắc đẹp, mụ đâu thể nào để mất toi mấy trăm lạng vàng. Mụ đã dùng lời ngon ngọt dỗ đành, hứa gả Kiều vào nơi tử tế và đưa Kiều đến lầu Ngưng Bích. Giữa khung cảnh tịch liêu nhưng tuyệt đẹp này, Kiều quay quắt nỗi nhớ, hãi hùng trước bóng tối của tương lai.

Sáu câu thơ đầu mô tả cảnh đẹp và tâm trạng của Kiều trước cảnh đẹp ấy. Với chúng ta, bức tranh ấy có cả nàng Kiều đang bị “khóa xuân”, bị cấm cung, không được ra khỏi nhà, nhưng với Kiều thì bức tranh được vẽ bởi những nét chấm phá đơn sơ, tĩnh nhiều hơn động của hoàng hôn sắp về. Cái khéo của nhà thơ là dùng ngôn ngữ diễn đạt hiện thực của tầm mắt nhìn chứ không miêu tả hiện thực của sự vật ở trong tranh. Trước mắt Kiều:

Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung.
Hồn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia.

Bức tranh không có nhiều chi tiết, màu sắc không tươi, không sinh động như bức tranh chị em Kiều đi du xuân và hình như màu xanh của núi, ánh vàng của trăng, màu của cát… pha chút sắc đen buồn lắng của đất biển về chiều. Kiều không phải vừa mới đến, ít nhất là nàng đến từ hôm qua mới có thể cô đơn, chán ngán, buồn tủi với “mây sấm, đèn khuya”. Bây giờ, chiều đang dần rơi, một mình buồn dạo lầu không mới phát hiện ra cảnh đẹp của trời đất để rồi cảm thấy mình:

Nửa tình, nửa cảnh như chia tấm lòng

Nhưng trước cảnh đẹp ấy, tình đã có phần nặng hơn. Cảnh đẹp trước mắt chìm dần vào nỗi nhớ… Trước hết, Kiều:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày trông mai chờ.

Nàng đang nhớ đến chàng Kim, nhớ đến người hôm ấy.

Vừng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai miệng một lời song song.

Có thể lúc này Kim Trọng đã trở lại nhà xưa và đang ngày ngày ngóng trông tin nàng, còn nàng thì đang góc biển bơ vơ đang buồn tủi, hổ thẹn với lòng chung thủy của chàng, của người con gái như nàng. Nỗi nhớ ấy chưa qua, nỗi nhớ khác iại đến. Kiều lại:

Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.

Bốn câu thơ dựa vào ý của lời xưa, điển cũ khó hiểu nhưng súc tích. Mẹ thường tựa cửa chờ con, hình ảnh ấy luôn ghi khắc trong tim của đàn con nhỏ. cha – Mẹ nóng nực vào mùa hè thì con quạt, lạnh lẽo vào mùa đông thì con phải sưởi ấm. “Quạt nồng ấp lạnh” mượn nghĩa trong kinh lễ: “Đông ôn nhi hạ lãnh”. Sự thương cha nhớ mẹ của Kiều còn được diễn đạt bằng điển tích “Lão Lai tuổi đã ngoài bảy mươi vẫn mặc áo sặc sỡ, chơi trò trẻ nhỏ giả bộ té, khóc để cha mẹ vui trong tuổi già…” Nhìn về phía non xa… Kiều nhớ thương người yêu, cha mẹ. Càng nhớ thương càng buồn. Giờ đây thì Kiều:

Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa ?

Không có chữ “buồn trông’’, thì hai câu thơ vẫn mang giọng điệu buồn, nhờ của Kiều. “Cửa hể chiều hôm’’, một hình ảnh mà người yêu thơ, yêu hội họa không cần tường tượng nhiều mới thấy hết cái nên thơ, huyền ảo của nó. Dĩ nhiên người đọc sẽ tự hói: “Ai buồn, ai trông?”. Và lúc ấy, người đọc hiểu ngay trong cái đẹp, cái nên thơ huyền ảo kia bàng bạc những buồn! Sau giây phút đơn đau khôn lường của đứai con gái, sau lần tự tử hụt, Kiều đang ngồi nơi đây, một mình. Nàng làm bạn với ai? Tất cả những kẻ kia chỉ là bọn giả nhân giả nghĩa. Chỉ còn có thiên nhiên. Nàng chợt nhận ra ở ngoài khơi “thuyền ai thấp thoáng”. Cái hình ảnh di động đưa ngươi đi. ngươi về như đồng cảm với tâm trạng của Kiều. Hình ảnh lúc ẩn hiện của cánh buồm kia đã chập chờn lại cô đơn, cô đơn như Kiều đã vơ võ ở lầu Ngưng Bích. Nhưng thuyền sẽ về vơi bến, còn Kiều thì biết về nơi đâu

Hai câu thơ mang hình ảnh buổi chiều đẹp, thanh vắng nhưng lại đượm buồn bởi tâm trạng của con người. Nỗi buồn của Kiều không dừng lại ở đó, nó như con nước xoáy quyện sâu vào tâm tư của nàng. Tố Như viết tiếp:

Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Nhà thơ đã mượn hình ảnh bên ngoài đễ diễn đạt nội tâm của Kiều. Nhìn thấy “hoa trôi”, Kiều lo buồn cho tương Ịai, thân phận đen tối của nàng. Thân tình làm sao ở cách chọn từ cho hợp vân, trọn nghĩa!. Thoáng hình ảnh “xa xa” thì đã thấy “ngọn nước mất sa”, một hình ảnh gần. Một hình ảnh tình cờ như báo hiệu cho người đọc chú ý đến một chi tiết, một hình ảnh khác trong một hình ảnh “ngọn nước mới sa” ấy. Và điều ấy đã đến. Hình như hoa cũng biết “man mác” buồn như thân phận của mình. Nhìn hoa bị sóng dập, cát vùi Kiều không thể không liên tương đến hoàn cảnh hiện tại và tương lai của nàng. Mới hôm nào đó, Kiều sống trong hoàn cảnh:

Êm đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.

thì bây giờ đã phải sống một mình cô đơn cùng với nỗi đau bị Mã Giám Sinh, Tú Bà lừa, hành hạ. về đâu, tương lai của Kiều. Chỉ một hình ảnh “hoa trôi” trong nước, cụ Tố Như đã tiên đoán số phận bọt bèo của nhân vật. Nhớ gia đình, người yêu, nghĩ đến thân phận đen tối của mình từ những hình ảnh trên biển, Kiều lo sợ, muốn tránh những hình ảnh gợi buồn kia. Nhưng…

Buồn trông nội cỏ dầu dầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

Kiều ở lầu Ngưng Bích trong buổi quá nửa chiều qua ngòi bút miêu tả của nhà thư ở bốn câu trên đã buồn, thêm vào hai câu này lại càng buồn, càng quạnh quẽ hơn. Kiều trông xa rồi lại trông gần. Tròng vời cửa bể; trông ngọn nước liếm bờ, nay Kiều lại trông vào “nội cỏ” vọng nhớ quê nhà vời vợi nghìn trùng. Nếu chỉ có “nội cỏ” thì chưa có gì đáng nói nhưng khi có thêm định tố “dầu dầụ” thì hình ảnh “nội cỏ” trở nên nặng nề, héo úa. cỏ mà “dầu dầu”? Đúng là nghệ thuật nhân hóa tạo tình của Nguyễn Du. Dường như cả biển cỏ cây sắp úa tàn vì nắng hạn kia đang khắc khoải cũng như Kiều đang bị tách rời khỏi quê nhà yêu dâu, sống vò võ một mình cùng với quá khứ hãi hùng. Nhà thơ đã gắn thiên nhiên vơi tâm trạng của nhân vật: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, một trong những đặc điểm miêu tả cảnh cửa Nguyễn Du trong Truyện Kiều.

Câu “chân mây…” có âm hương nhè nhẹ với thanh bằng ngang chiếm ưu thế nhưng không để diễn tả một tâm trạng đã qua rồi âu lo mà còn làm tăng thêm bơi hai từ “một màu”. Tất cả như mở ra một không gian bao la hiu quạnh và không một đổi thay, chẳng thấy bóng người. Một màu “xanh xanh” kia chừng như là hoàng hôn lạnh vắng, hoàng hôn phủ kín đường về, một hoàng hôn đời Kiều không lối thoát. Hoàng hôn trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan cũng man mác buồn, nhưng dù sao vẫn còn:

Tiếng ếch xa đưa vẳng trống dồn,
Gác mái ngư ông về viễn phố.

Nghĩa là còn bóng người, còn âm thanh… vẫn còn hương mơ, vẫn còn sự sống chứ không chết, bế tắc như hoàng hôn của cuộc đời Kiều. Sống giữa bức tranh thê lương, âm thầm đó làm sao Kiều không lo sợ? Kịp khi:

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

Thì đúng là Kiều đang hãi hùng lo sợ cho một hiện tại hàm chứa tương lai đen tối, não nề. Ai đã từng ơ biển ắt sẽ nhận ra sức gió hoàng hôn.. “Gió cuốn mặt duềnh” nào ai thấy được nếu không có con sóng bạc đầu vươn dậy từ mặt biển bao la lăn dài vào bờ cát đá. Các giác quan của nhà thơ quả là vô cùng tinh tế! Lại càng tinh tế hơn khi liên tưởng đến nàng Kiều. Gió cuốn, sóng gào thét dữ dội đến đâu cũng là hiện tượng tự nhiên vô tri, vô giác. Nhưng khi có sự hiện diện của con người thì giơ và sóng như có tâm hồn, nghĩa là giơ và sóng có ý nghĩa hẳn lên. Kiều đang trong tâm trạng buồn lo. Tâm trạng ấy tăng theo thời gian cũng như gió và sóng, càng gần hoàng hôn, gió sóng càng mạnh cũng như Kiều càng gần hoàng hôn càng cảm thấy cô đơn, quạnh quẽ, buồn lo. Cả hai nào có kém gì! Tiếng sóng ầm ầm tự nhiên đã ập vào lòng Kiều, bao quanh như chực cuốn Kiều vào vùng xoáy… Tiếng sóng ấy đã đưa Kiều về với thực tại, một thực tại hãi hùng đến lột đinh nàng mới mắc mưu Tú Bà mà đi theo Sở Khanh… bước vào nỗi truân chuyên khác càng thảm khốc và tồi tệ hơn nhiều!

Đoạn thơ như lời dự báo số mệnh lênh đênh, cực nhọc của người con gái tài sắc vẹn toàn. Ca tám câu thơ cuối, từng cặp đều sử dụng điệp từ nhuần nhị. Ngữ điệu buồn ở sáu câu đầu nhưng ở hai câu sau lại vào tiết tâu mạnh thật phù hợp vói tâm trạng của con người bị giam lỏng trong hoàng hôn.

Nguyễn Du là nhà thơ tài hoa nhất trong nghệ thuật tả cảnh lồng tình, tình và canh trong đoạn thơ trên như chan hòa làm một, khiến người đọc càng xót xa cho thân phận của Kiều. Cuộc đời như “Kiều” thì thời nào cũng có nhưng rõ ràng nguyên nhân mở đầu chuỗi ngày truân chuyên thì đã khác xa Kiều, vấn đề còn lại ấy là những phụ nữ đang chìm trong bóng tối có nghị lực vươn tìm ánh sáng. Cảm ơn cụ Nguyễn Du đã cho chúng ta được thường thức những dòng thơ hay. Khi đọc những dòng thơ ấy, chắc ai cũng rung động như nhà thơ Tố Hữu:

Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như đất nước vọng lời ngàn thu

Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích Bài phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích cho học sinh giỏi
Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích. Ảnh minh họa từ Pinterest

Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích – Bài mẫu 3

Truyện Kiều là một kiệt tác văn học nên đã có rất nhiều người yêu thích, sáng tác những tác phẩm văn thơ vịnh về Truyện Kiều. Trong đó có những câu thơ rất hay vịnh về nàng Kiều khi ở lầu Ngưng Bích.

Một mình đối diện với mình
Mênh mông trăng gió vô tình thoảng qua
Mong manh như một nhành hoa
Ầm ầm tiếng sóng biết là về đâu?
Chưa đi đến thuở bạc đầu
Mà sao như đã nhuốm màu hư vô?

Đó là những câu thơ người ta vịnh về tâm trạng của nàng Kiều khi Nguyễn Du miêu tả cảnh nàng bị Tú Bà giam lỏng ở lầu Ngưng Bích.

Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” nằm ở phần thứ hai “Gia biến và lưu lạc” của “Truyện Kiều”. Sau khi bán mình cho Mã Giám Sinh, Kiều “thất thân” với hắn “đuốc hoa để đó mặc nàng nằm trơ”, nàng bị hắn bán vào lầu xanh. Biết mình bị lừa và phải làm nghề dơ bẩn, Kiều uất ức, rút dao định tự vẫn. Tú Bà sợ hãi “Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma”, nhanh trí, mụ liền vờ hứa hẹn đợi Kiều bình phục sẽ gả chồng cho nàng vào nơi tử tế, rồi đưa Kiều ra giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, đợi thực hiện âm mưu mới. Vì thế đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” dựng lên cảnh ngộ cô đơn, buồn tủi và tấm lòng thủy chung, hiếu thảo của Thúy Kiều một mình bơ vơ nơi xứ người, đồng thời qua đoạn trích, người đọc thấy được bút pháp “tả cảnh ngụ tình” độc đáo, đạt tới trình độ điêu luyện bậc thầy của thiên tài văn học Nguyễn Du.

Trước hết là sáu câu thơ đầu, tác giả nêu lên hoàn cảnh sống và nỗi niềm cô đơn, tội nghiệp của nàng Kiều. Ngay câu thơ mở đầu: “Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân”, Nguyễn Du đã nêu bật lên cảnh ngộ đáng thương của Kiều. “Khóa xuân” tức khóa kín tuổi xuân và ở đây ý nói về việc Kiều đang bị giam lỏng. Vậy là tuổi thanh xuân của nàng Kiều bị giam hãm, khóa kín trong cấm cung và không được giao tiếp với bên ngoài. Vì thế, lầu Ngưng Bích như là nhà tù giam lỏng cuộc đời Kiều, nó cho thấy tình cảnh đáng thương, xót xa mà nàng Kiều phải chịu đựng.

Những câu thơ tiếp theo, tái hiện quang cảnh xung quanh lầu Ngưng Bích rộng lớn, mênh mông được nhìn dưới con mắt đầy tâm trạng của Kiều:

Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.

Nguyễn Du đã đặt Kiều trong một cảnh ngộ rất đặc biệt: một mình, cô đơn, trơ trọi giữa một không gian rộng lớn, mênh mông: “bốn bề bát ngát”. Đứng trên lầu mà ngước mắt lên trời cao, Kiều chỉ thấy “non xa” và “tấm trăng gần”. Nhìn xuống mặt đất chỉ thấy khoảng không trống vắng, xa xa là những con sóng lượn, những bãi cát dài phẳng lặng nối tiếp nhau, dưới ánh nắng của buổi chiều tà, bãi cát như trở nên lấp lánh giống như những bụi hồng. Cảnh thật đẹp, thơ mộng, lãng mạn nhưng đượm buồn. Bởi xung quanh Kiều, không hề có một chút bóng dáng sự sống của con người. Vì thế, từ “xa trông” như miêu tả cái nhìn xa xăm của Kiều, nàng đang cố gắng kiếm tìm một chút bóng dáng, sự sống xung quanh. Nhưng tuyệt nhiên chỉ là một không gian vắng lặng, tĩnh tại, không có chút động nhỏ bé nào đó xung quanh mình. Sau này trong bài thơ “Tràng Giang“, Huy Cận cũng từng có câu thơ:

Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

Vì thế, ẩn sau ánh mắt nhìn “xa trông” như đang trông mong, ngóng chờ ấy là niềm mong mỏi, khát khao, đợi chờ một tương lai hạnh phúc phía trước nhưng trước không gian trống trải, hoang vắng ấy thì chắc chắn chỉ làm cho Kiều trở nên thất vọng, cô đơn hơn mà thôi.

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.

Tính từ “bẽ bàng” gợi lên sự xấu hổ và tủi thẹn của Kiều khi nghĩ đến thân phận và duyên phận của mình. Có lẽ, nàng cảm thấy xấu hổ là vì bị Mã Giám Sinh lừa vào lầu xanh, còn nàng cảm thấy tủi thẹn là vì cảm thấy không còn xứng đáng với tình cảm mà Kim Trọng mong chờ. Cụm từ “mây sớm đèn khuya” gợi nên vòng tuần hoàn thời gian khép kín và ẩn sau đó là sự cô đơn, đơn điệu, nhàm chán khi mà ở đó Kiều chỉ có một thân một mình đối diện với chính mình, sớm thì làm bạn với mây, tối thì lại chỉ biết trò chuyện với bóng đèn. Vì thế tâm trạng của Kiều mới chia đôi thành hai ngả: “nửa tình – nửa cảnh như chia tấm lòng”. Cảnh có đẹp đến bao nhiêu đi chăng nữa cũng không thể nào khỏa lấp đi tâm trạng “bẽ bàng” của nàng.

Bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình, kết hợp với những từ ngữ giàu tính tạo hình và biểu cảm, Nguyễn Du đã phác họa được khung cảnh lầu Ngưng Bích rất rộng lớn, mênh mông và tuyệt nhiêu không có sự sống của con người. Đồng thời qua đó, tác giả còn cho thấy được tâm trạng cô đơn, tủi hổ, bẽ bàng của Kiều khi bị giam lỏng trong lầu Ngưng Bích.

Trong nỗi cô đơn cố hữu đang bủa vây quanh mình, khi một mình Kiều phải bơ vơ dưới góc bể chân trời ở lầu Ngưng Bích thì nối nhớ gia đình, nỗi nhớ người yêu đến như một lẽ tất yếu, rất phù hợp với quy luật tâm lí của con người xa quê. Tám câu thơ tiếp là nỗi niềm thương nhớ Kim Trọng và cha mẹ của Kiều. Đến đây, chúng ta thấy được cách dùng từ rất đắc địa, khéo léo của nhà thơ. Để diễn tả nỗi nhớ của Kiều dành cho chàng Kim, tác giả đã dùng động từ “Tưởng”. Tưởng là nhớ tới mức hình dung ra Kim Trọng đang ở trước mắt trò chuyện với Kiều. Kiều nhớ đến đêm chăng thề nguyện, hai người cùng uống chén rượu thủy chung, hứa sẽ bên nhau trọn đời. Nhưng bây giờ nàng đang phải lạc lõng nơi đất khách, nên nàng tưởng Kim Trọng đang đợi tin tức của mình, còn mình thì bặt vô âm tín:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sướng luống những rày trông mai chờ
Rồi nàng băn khoăn tự hỏi:
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.

Câu thơ có hai cách hiểu: Cách hiểu thứ nhất: Câu thơ như một lời khẳng định về tấm lòng son sắt, thủy chung của Kiều đối với Kim Trọng dù trên bước đường đời có phải trải qua bao sóng gió thì tấm lòng son ấy mãi vẹn nguyên. Cách hiểu thứ hai: câu thơ như một lời tự vấn lương tâm của Kiều, Kiều cho rằng tấm lòng son sắt của mình với Kim Trọng đã bị hen ố, đã bị dập vùi khi Kiều đã thất thân với Mã Giám Sinh nên không biết bao giờ mới gột rửa cho sạch được vết nhơ nhuốc ấy. Như vậy, trong nỗi nhớ chằng Kim, Thúy Kiều không chỉ bộc lộ nỗi niềm mong ngóng khắc khoải mà còn bộc lộ cả nỗi đau đớn, cùng cực, tủi hổ đến xe tâm can. Qua đó cho thấy được tấm lòng thủy chung, son sắt của Kiều dành cho Kim Trọng.

Sau nỗi nhớ người yêu, Kiều tiếp tục nhớ tới cha mẹ – người thân yêu ruột thịt của mình:

Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt lồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.

Nếu như khi diễn tả nỗi nhớ chàng Kim của Kiều, Nguyễn Du dùng động từ “tưởng” thì khi diễn tả tấm lòng hiếu lễ với cha mẹ của Kiều, tác giả lại sử dụng tính từ “Xót”. Xót nghĩa là thương, thương đến mức xót xa trong lòng. Không xót xa sao được khi một đứa con hiếu thảo như Kiều lại cứ nghĩ đến hình ảnh cha mẹ đang tựa cửa ngóng trờ con trở về, còn con thì vẫn bóng chim tăm cá, không thấy đâu. Nàng còn lo lắng cho cha mẹ khi mà đã tuổi cao sức yếu không biết có ai chăm sóc cho không, hai em có làm tốt nghĩa vụ và trách nhiệm của phận làm con hay không. Cụm từ “cách mấy nắng mưa” có tính chất gợi tả thời gian, cho thấy sự xa cách của biết bao ngày mưa nắng nhưng cũng đồng thời gợi đến khoảng cách về không gian địa lí, sự xa xôi cách trở giữa nàng với cha mẹ biết bao giờ được gặp lại để làm tròn bổn phận làm con. Qua tâm trạng xót xa, buồn tủi và lo lắng khi nhớ về cha mẹ, gia đình của Kiều, chúng ta thấy được tấm lòng thảo thơm, hiếu nghĩa của Kiều dành cho cha mẹ rất là lớn lao, cao cả và thiêng liêng.

Tuy nhiên, một nàng Kiều hiếu thảo với cha mẹ như thế, tại sao Kiều lại nhớ người yêu trước, sau đó mới nhớ đến cha mẹ của mình. Có được điều này là một dụng ý nghệ thuật độc đáo của tác giả. Bởi hình ảnh ánh trăng đang bắt đầu nhô lên nơi cửa ải xa xa kia khiến Kiều tức cảnh mà sinh tình, nhớ tới đêm trăng thanh thề nguyền giữa mình với Kim Trọng. Hơn thế, Kiều lại là một cô gái trẻ, Kim Trọng là mối tình đầu của nàng, mà mối tình đầu của một cô gái bao giờ cũng rất mãnh liệt. Chính vì vậy, Kiều luôn luôn nhớ tới Kim Trọng, hình ảnh Kim Trọng luôn thường trực trong lòng Kiều. Đặc biệt, Kiều đã bán mình chuộc cha và em, giúp gia đình thoát khỏi cơn tai biến thế là coi như Kiều đã tạm làm tròn bổn phận làm con đối với bậc sinh thanh; còn với Kim Trọng thì Kiều vẫn cảm thấy mình là một kẻ phụ tình và không còn trinh tiết, không còn xứng đáng với chàng Kim nữa. Đó là sự cắn rứt, đang dày vò trong trái tim nàng. Chính những lí do đó mà Nguyễn Du đã miêu tả nỗi nhớ của Kiều dành cho chàng Kim trước. Điều đó chứng tỏ Nguyễn Du là một thi sĩ rất am hiểu diễn biến tâm lí nhân vật. Sự am hiểu tâm lí ấy xuất phát từ tấm lòng yêu thương, trân trọng và ngợi ca con người của một nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa.

Bài thơ khép lại với tám câu thơ cuối thể hiện tâm trạng đau buồn, lo âu của Kiều qua cách nhìn cảnh vật.

Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

Điệp ngữ “buồn trông” được lặp đi lặp lại bốn lần. Đây là điệp ngữ liên hoàn và đồng thời cũng là điệp khúc của tâm trạng. Kiều buồn nên Kiều mới trông cảnh vật, khác với đoạn trước, Kiều trông mới thấy buồn. Ở đây, vì buồn nên trông, mà càng trông thì Kiều lại càng buồn. Nỗi buồn cứ thế điệp đi điệp lại dâng lên thành lớp lớp sóng trào, cứ cuộn xoáy trong tâm khảm của Kiều mà trở thành gánh nặng tâm tư.

Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Chiều hôm là khoảng thời gian của buổi chiều hoàng hôn, khi mà mặt trời đã dần dần ngả về tây, bóng tối bắt đầu xâm lấn. Xa xa là hình ảnh của một chiếc thuyền nhỏ bé, cô đơn thoát ẩn, thoát hiện thấp thoáng trên cửa biển; một cánh hoa đang trôi bất định trên dòng nước mà không biết đi về đâu. Hình ảnh chiếc thuyền, cánh hoa được đặt trong thế tương phản đối lập với vũ trụ không cùng của trời đất mênh mang càng tô đậm hơn sự nhỏ bé, đơn độc, đáng thương và tội nghiệp. Đây là hình ảnh ẩn dụ cho thân phận của Kiều lênh đênh, chìm nổi giữa dòng đời mà không biết trôi dạt về đâu. Và đứng trước một không gian bao la của trời đất, của buổi chiều hoàng hôn sắp tắt, nỗi nhớ nhà, nhớ người thân đến như một lẽ tất yếu trong lòng Kiều. Nhưng trong tình cảnh “bốn bề góc bể trơ vơ” thì Kiều biết bao giờ mới được sum họp, đoàn viên cùng với gia đình, người yêu. Vì thế câu hỏi tu từ cứ réo rắc, khắc khoải trong lòng của Kiều, dấy lên niềm khao khát được trở về nhà, trở về quê hương nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

Ngước mắt trông về phía xa của cửa biển Kiều chỉ càng cảm thấy rộng trống, cơ đơn, buồn tủi. Kiều quay trở về nhìn xuống mặt đất quanh mình để tìm kiếm sự sống của cảnh vật xung quanh thì lại chỉ thấy những đám cỏ xanh héo úa, lụi tàn. Hình ảnh “nội cỏ rầu rầu” là một hình ảnh nhân hóa, biểu hiện tâm trạng của con người. Lòng người buồn nên nhìn đâu cũng thấy buồn; nỗi buồn của Kiều như thấm vào cảnh vật khiến cho cảnh vật cũng nhuốm màu tâm trạng. Trong văn học từ xưa tới nay, màu sắc xanh thường khiến chúng ta nghĩ tới màu của sự sống, của sự sinh sôi bất diệt. Nhưng cũng có trường hợp, màu xanh có khi trở thành màu sắc của bi kịch con người. Bài thơ “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn đã diễn tả nỗi nhớ của người chinh phụ đối với người chồng của mình nơi biên ải qua màu xanh ngắt của cỏ lá:

“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiết ai sầu hơn ai?”

Như vậy, màu xanh ngắt, xanh xanh của cỏ lá đã trở thành màu của sự xa cách, sự li biệt và nhạt nhòa. Nay từ “xanh xanh” lại xuất hiện trong câu thơ của Nguyễn Du nên màu sắc ấy biểu trưng cho sự nhạt nhòa, sự chán nản, vô vọng của Kiều trước một khung cảnh thiếu vắng sự sống, cô đơn, và tẻ nhạt.

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

Nếu như những bức tranh thiên nhiên bên trên đều được tái hiện trong trạng thái tĩnh thì khép lại bài thơ, bức tranh thiên nhiên được miêu tả trong trạng thái động. Đó là âm thanh dữ dội của gió, của sóng; gió làm cho mặt biển tung lên những con sóng ồ ạt đập vào bờ mà phát ra tiếng kêu. Nhưng quan trọng, tiếng sóng ấy không đơn thuần là những con sóng thực ở ngoài biển khơi mà đó còn là con sóng lòng của tâm trạng. Diệp khúc “buồn trông” ở những câu thơ trên kết đọng, tích tụ rồi dồn đẩy xuống câu thơ cuối khiến cho nỗi buồn ngày càng trở nên chồng chất như lớp lớp sóng trào. Đồng thời, tiếng sóng “ầm ầm” dữ dội ấy cũng chính hình ảnh ẩn dụ cho cuộc đời phong ba bão táp đã và đang đổ ập xuống đời Kiều, đổ ập xuống đôi vai gầy yếu của một cô gái trẻ đáng thương và tội nghiệp. Vì thế lúc này Kiều không chỉ buồn mà còn lo lắng, sợ hãi như đang rơi vào vực thẳm một cách bất lực.

Qua tám câu thơ cuối, Nguyễn Du đã sử dụng thật tài tình bút pháp “tả cảnh ngụ tình” của văn học cổ điển để diễn tả tâm trạng “tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này” của Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích. Mỗi câu thơ là một bức tranh thực cảnh cũng chính là thực tình của một con người mang trong mình nỗi buồn đau chồng chất. Đó là nỗi đau đớn, xót xa, lo lắng và khắc khoải của một kiếp má đào, trôi nổi, vô định, mong manh và bế tắc không biết đi về nơi đâu. Vì thế, dù nàng “Thông minh vốn sẵn tính trời” nhưng đang đứng trước sự ptuyệt vọng, yếu đuối của bản thân, Kiều đã bị Sở Khanh lừa gạt để rồi dấn thân vào một cuộc đời đầy sóng gió, truân chuyên “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”.

Qua việc phân tích ở trên, chúng ta thấy đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một trong những đoạn thơ hay, đặc sắc và thành công nhất trong Truyện Kiều về nghệ thuật miêu tả, khắc họa thế giới nội tâm nhân vật và nghệ thuật “tả cảnh ngụ tình”. Qua đoạn thơ chúng ta thấy được cảnh ngộ cô đơn, đáng thương , tội nghiệp và tấm lòng thủy chung son sắt với người yêu, hiếu thảo với cha mẹ của nàng Kiều, một con người tài hoa mà bạc mệnh!

 

Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích với 3 mẫu mà Văn học trẻ vừa đưa ra, mong rằng sẽ giúp các bạn học sinh hiểu sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về đoạn trích này và cách làm bài nghị luận văn học chuẩn xác. Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích 

Tags
Show More

Related Articles

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close