TRUYỆN NGẮNVăn học Tuổi trẻ

Tấm lòng người mẹ

Tấm lòng người mẹ

Lão Hùng chết tiệt! Lão chết dấm chết dúi chết bờ chết bụi ở đâu mà trưa trờ trưa trật rồi vẫn còn chưa chịu vác mặt về thế này? Ôi giời ơi cái thân tôi! Người ta lấy chồng thì ăn sung mặc sướng! Đằng này lấy phải cái loại vô dụng, chỉ tổ làm khổ vợ khổ con!

Thoáng thấy bóng lão chồng tay xách xị rượu, chân nam đá chân chiêu loạng quạng đi vào từ đầu ngõ, mụ Hoa đã chống nạnh, rướn người lên chửi vống ra. Miệng lưỡi mụ cứ trơn tuồn tuột.

Người dân trong xóm Nghèo đã nghe tiếng đay nghiến chồng con của mụ Hoa đến mòn cả tai rồi.

Lão Hùng với mụ Hoa, cũng xem như nồi nào úp vung nấy. Lão bợm rượu xứng đôi với mụ đàn bà đanh đá, ghê gớm chua ngoa nhất cái xứ này. Hồi đầu, lão Hùng uống say về đánh vợ đánh con, bà con làng xóm còn lên tiếng can ngăn. Sau này người ta biết mụ vợ lão cũng chẳng vừa, hai vợ chồng nhà lão người đánh người chửi, còn chửi lây cả sang người can là chõ mõm vào chuyện thiên hạ. Thành thử ra, chẳng có ai muốn xía vào chuyện nhà ấy nữa.

Chỉ khổ cho ba đứa trẻ con. Hai vợ chồng về ở với nhau, đẻ tằng tằng ba đứa con gái. Lão Hùng bị họ hàng chế nhạo là đẻ con một bề, hội hè gì cũng phải ngồi chiếu dưới. Lão căm lắm, nhưng chính quyền người ta vận động kế hoạch hóa gia đình, vả lại nhà nghèo, đẻ thêm nữa thì lấy gì nuôi.

– Con… Con Liên… con Hạnh… con Hà đâu… chúng nó… ợ… đi đâu cả rồi?

Cả người lão Hùng nồng nặc mùi rượu, giọng lão lè nhè, nói được hai ba từ lại ợ ra, toàn hơi rượu. Cái bộ dạng này của lão, đi ngoài đường chắc chắn ai nấy đều sẽ bịt mũi tránh ra xa. Nhưng mụ Hoa thì không tránh được, vì mụ là vợ của lão, đây là nhà của lão.

Bọn chúng nó đi học cả rồi, ở nhà đâu mà gọi! – mụ Hoa cấm cảu – Suốt ngày chỉ biết rượu chè be bét chén chú chén anh! Nhà hết gạo có thằng chú thằng anh nào giúp cho một đồng hào cắc bạc nào không?

Mặt lão Hùng đỏ gay. Lão trợn đôi mắt trắng dã lờ đờ, nhìn chằm chằm về phía mụ vợ. A, con mụ này được lắm! Con mụ này hôm này còn dám giở giọng cãi ông mày! Ông phải cho mày biết ai là chủ cái nhà này mới được!

Hơi men xộc thẳng lên não. Lão đã say rồi, mà người say thì không cần nói lý. Lão cầm xị rượu trên tay, đi thẳng về phía mụ vợ.

Con Hoa… ợ… mày vừa nói cái gì? Láo này! Láo với ông này!

Lão tiện tay vớ lấy cái điếu cày, mỗi câu “Láo này!” lại phang một phát xuống người mụ vợ. Mụ Hoa thường ngày đanh đá chua ngoa, nhưng chỉ được cái mồm mép, còn sức lực làm sao so được với đàn ông sức dài vai rộng. Mụ bị đánh đau, lại càng to mồm hơn, cố sức gào lên như muốn cho cả làng trên xóm dưới đều nghe thấy.

– Ối giời ơi là giời ơi! Làng nước ơi ra đây mà xem… Nó giết tôi rồi! Thằng bợm rượu nó giết tôi!

Mụ gào váng cả làng lên. Làng nước đã sớm quen rồi, mấy nhà xung quanh đóng cửa im ỉm, chẳng có ai buồn liếc mắt nhìn sang nhà mụ.

Tiếng gào của mụ càng ngày càng nhỏ, cơn đau ê ẩm khắp mình mẩy khiến sức lực toàn thân như bị rút sạch, mụ chẳng còn sức đâu mà kêu với gào, chỉ có thể rên lên ư ử như con chó con mèo sắp chết.

Thấy tiếng chửi rủa đã tắt, lão Hùng quăng cái điếu cày, chỉ tay thẳng vào mặt mụ vợ:

– Ông cảnh cáo mày… đừng có láo với ông! Cả đám con Liên… con Hạnh… con Hà… học gì mà học! Mai ở nhà ông gả chồng cho hết! Rặt một lũ vịt giời… nuôi lớn rồi bay đi sạch chứ làm được cái gì? Học hành gì? Nghỉ hết cho ông! Làng bên có thằng Bương đang hỏi cưới, con nào cũng được… ông phải gả nó đi!

Không biết lão Hùng nghe ai xúi bậy, gần đây cứ đòi gả chồng cho ba đứa con. Ngặt nỗi đứa lớn nhất là con Liên mới lên mười bốn, còn đang tuổi ăn tuổi lớn. Đừng nói đến chuyện chúng nó có chịu lấy chồng không, có chết mụ Hoa cũng không cho.

Mọi khi, sau trận đòn nhừ tử của lão chồng, mụ Hoa sẽ nằm im đợi lão ngủ, rồi tự bấm số gọi em dì đến đưa đi trạm xá. Lão uống say, lão đánh vợ chửi con, mụ có thể chịu được. Cái thân đàn bà phải tội lấy lão chồng chẳng ra gì, âu cũng là kiếp số. Nhưng hôm nay, lão nhất quyết đòi gả chồng cho mấy đứa con, thì mụ nhất định không nhịn.

Mụ lần mò trong túi quần túi áo, lôi con điện thoại cũ ra, gọi cho em dì:

– Mày sang nhà chị đi! Thằng bợm rượu nó đòi gả chồng cho cháu mày! Mày gọi hết anh em họ hàng sang đây cho chị, chị phải bỏ nó! Bỏ, bỏ ngay!

Đầu dây bên kia, em dì chậc lưỡi:

– Gớm, bà bỏ được cái thằng cha đấy đã may phước bảy mươi đời!

Nói thì nói thế, nhưng em dì vẫn tất tả chạy sang. Lão Hùng ngủ say như con lợn chết ở trong nhà, mụ Hoa nằm ngoài hiên, người bầm tím đầy vết ống điếu vụt vào.

Trước lúc lịm đi, mụ vẫn thì thào:

– Phải bỏ nó… phải bỏ lão Hùng… không được để nó bắt con tao nghỉ học… đi lấy chồng… đời con tao không được khổ như cái đời tao…

 

Tác giả Nguyên

Xem thêm truyện ngắn cùng tác giả:

Truyện ngắn Tấm lòng người mẹ - tác giả Nguyên Tấm lòng người mẹ
Truyện ngắn Tấm lòng người mẹ – tác giả Nguyên

Lời bàn truyện ngắn “Tấm lòng người mẹ”

Một câu chuyện hết sức ngắn gọn song lại nói lên nhiều điều về cuộc sống. Dù người mẹ có ra sao, đanh đá, chua ngoa, sống một cuộc sống tệ hại cùng một ông chồng vô dụng suốt ngày rượu chè, chịu đựng cơn đòn roi như cơm bữa, song, con cái lại chính là giới hạn cuối cùng. Người phụ nữ có thể chịu đựng tất cả những điều không vui, không may tới với mình, chịu đựng ánh nhìn không mấy thương cảm mà đồng loại dành cho mình, nhưng đâu quan trọng bằng cuộc sống những đứa con. Khi lão chồng đòi gả con gái không cho nó học hành, sự nhẫn nhịn mười mấy năm của người phụ nữ cũng kết thúc. Ta chợt thấy bóng dáng những người phụ nữ quanh ta lẩn khuất trong bóng dáng người phụ nữ này.

Xã hội đối với mỗi người phụ nữ đặc biệt không nhiều bênh vực, nhất là với những người “đanh đá”, chua ngoa như mụ Hoa, người ta cũng quen với sự bạo hành mà không hề có sự thương xót bênh vực nào vì suy cho cùng “nồi nào úp vung nấy”, “không có lửa làm sao có khói”, người ta coi những đòn roi trời giáng từ người chồng cho mụ là đáng đời, đã bao giờ mỗi người tự nhìn nhận vì sao mụ ta lại chịu đựng điều đó? Có phải vì ăn đòn mãi cũng quen, cũng chai lì rồi không? Tấm lòng người mẹ, càng vì thế mà cao cả hơn nhiều.

Nguyên với văn phong quen thuộc: kể chuyện không kể lể, những nhân vật dưới ngòi bút của Nguyên không phải là hoàn hảo nhưng vô cùng sống động. Không phải là anh hùng cao siêu nhưng chắc chắn trong mắt những đứa con, mụ Hoa là bầu trời xuân hiền hòa nhất.

Tấm lòng người mẹ” – truyện ngắn hay mang đến cho bạn đọc một góc cuộc sống ở đâu đó trên đất nước này. Người phụ nữ đậm chất Việt Nam với những nét hi sinh, nhẫn nhịn, vun vén cho gia đình, cho cuộc sống, nhưng cũng đủ kiên cường, quyết đoán. Người đàn ông nát rượu, gia trưởng cũng là một hình bóng không hiếm gặp. Sự thật đáng buồn vẫn còn tồn tại trong xã hội hiện đại ngày nay của một lớp người cũ trở thành một cái gai nhức nhối. Dù không mong muốn nhưng ta không thể phủ nhận rằng đó là căn bệnh khó trị. Có thể thấy, con mắt quan sát của Nguyên sâu sắc tới mức nào.

Bạn nghĩ gì về “Tấm lòng người mẹ“, hãy để lại bình luận tại đây để ủng hộ Văn học trẻ và tác giả Nguyên nhé.

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close