TRUYỆN NGẮN
Đợi mẹ về
Đợi mẹ về
Xôi vò vừa mềm vừa dẻo, thịt gà luộc chặt miếng vuông vắn rắc lá chanh thái sợi, thịt đông có lớp nước dùng đã đặc lại trong veo óng ánh xen kẽ thịt và mộc nhĩ ninh nhừ, sườn xào chua ngọt vàng ruộm, canh măng mọc thơm phưng phức…
Hai con mắt đói ăn của thị hau háu nhìn mâm cơm cúng trên bàn. Phải chi lúc nữa nhà chồng cũ mời thị ở lại ăn cơm thì tốt nhỉ? Thị sẽ ăn cho no ễnh bụng ra mới thôi. Mà không mời cũng chẳng sao, không mời thị cũng mặt dày ở lại cho bằng được. Cái dòng quan cách như nhà họ sẽ chẳng mở mồm đuổi thị đi được đâu.
Nhìn cái mâm cơm cơ man là món ngon, tự nhiên thị lại nghĩ đến cái chum gạo ở nhà. Gạo đã sớm cạn, cúi đầu nhìn thấy cả đáy chum. Thị cũng đã cạn tiền, chẳng còn xu nào dính túi để mà mua gạo đổ vào nữa. Nếu hôm nay nhà chồng cũ không gọi đến, thị sẽ ôm bụng đói nằm trên giường ngủ cho qua ngày.
Nghĩ đi nghĩ lại, thị cúi đầu, buông một tiếng thở dài thườn thượt. Ai cũng nghĩ thị đang cám cảnh cho cái phận đàn bà bị đứa con mình rứt ruột đẻ ra hắt hủi, chẳng ai có thể ngờ thị đang thầm hối hận vì ban nãy không ôm luôn đứa con mới bốn tuổi đi theo. Nó còn bé lắm, người ta có lườm nguýt kì thị hay ghét bỏ nó cũng chẳng hiểu được. Mang đi theo, có ăn là tốt rồi.
“Mẹ ơi, con đi lên nhà đây…” Con bé nãy giờ ngồi trong góc phòng nhìn trừng trừng thị mở miệng.
Thị khựng lại, cái cổ cứng ngắc quay sang nhìn nó, chợt nhận ra câu vừa rồi nó nói với người đàn bà mặc cái váy xanh nhạt thướt tha, chứ chẳng phải nói với mình. Thị lại cúi đầu, bàn tay đầy vết chai vân vê vạt áo. Tay thị thô ráp, móng tay đen sì, đầy những vết cáu bẩn lâu ngày không rửa sạch, két cả lại. Thị nhìn bàn tay mình, lại len lén liếc người đàn bà vừa gật đầu cho phép đứa con gái đi lên phòng. Thị cúi đầu càng sâu hơn, như thể muốn chúi xuống đất.
Cách chừng ba mươi phút, khi thị mới bước chân vào nhà chồng cũ, tiếng nói chuyện ồn ã phút chốc im bặt. Cả loạt ánh mắt ném về phía thị, khinh miệt có, ghét bỏ có, thương hại cũng có. Thị không hề cảm thấy gì, thị đã sớm quen rồi. Cái thân đàn bà bị cuộc đời giày xéo, đã sớm quen với cách đối xử tệ bạc của người đời.
Chẳng nói đâu xa, chính nhà chồng cũ đây, hồi thị còn làm dâu cũng đối xử với thị tử tế gì cho cam. Mẹ chồng ra lườm vào nguýt, làm gì cũng không vừa mắt. Mới đầu, thị cứ tưởng do mình không đẻ được cháu đích tôn nối dõi, nên bà nội không ưng. Mãi về sau mới biết, mẹ chồng ghét con dâu vì phát hiện ra thị bòn mấy đồng tiền chợ dấm dúi mang về cho nhà ngoại. Còn con dâu kế của bà, chẳng đẻ mụn con nào, nhưng môn đăng hộ đối, lúc nào cũng quần là áo lượt, bà ưng lắm.
Cái sự nghèo nó làm khổ đời bố mẹ thị, làm khổ cả đời thị. Sau này, nó còn làm khổ cả con cái của thị nữa.
Bây giờ, mẹ chồng cũ cũng đã quy tiên. Giỗ đầu đáng ra không có phần của thị, nhưng vợ kế của chồng cũ lên tiếng bảo gọi thị đến gặp con gái cho phải nhẽ, chứ chẳng lẽ lại để mẹ con cả mấy năm chẳng gặp lần nào. Ngày trước mẹ chồng còn sống, bà cấm cửa, không cho thị bén mảng đến gần cháu nội của bà, giờ bà mất rồi cũng nên để mẹ con qua lại với nhau. Còn tại sao bà đã mất cả năm mà giờ mới nhớ ra gọi thị, thì có giời mới biết.
Thị ngồi thu lu một đống giữa nhà chồng cũ, ngồi được chừng năm phút thì nghe thấy tiếng quát khẽ sau cánh cửa.
“Kim Ngân!”
Thị giật thót, quay sang, chỉ thấy một tà váy lụa phất phơ màu xanh nhạt, cái màu mà suốt hơn ba chục năm cuộc đời thị chẳng dám rớ vào vì sợ bẩn lại tốn xà phòng giặt. Sau đó, vẫn là chất giọng đó, nhưng ngữ điệu đã nhẹ nhàng hơn: “Kim Ngân nghe lời mẹ nào, vào chào mẹ con một câu. Dù sao đó cũng là người sinh ra con, đã lặn lội đến gặp con, dù ít dù nhiều cũng phải chào hỏi một câu chứ…”
Không đợi người phụ nữ nói hết, con bé đã vùng vằng: “Con biết bà ấy là ai mà chào với hỏi!” Chân còn giậm xuống đất một cái rõ mạnh.
Người phụ nữ khẽ quát: “Không được nói hỗn!” Rồi dắt tay con bé, đi thẳng vào trong nhà, đến trước mặt thị: “Chào mẹ con đi!”
Con bé ngoảnh đầu nhìn thị một cái rồi trề môi, thấy bàn tay đang nắm tay mình lặng lẽ siết chặt mới chẳng tình nguyện chút nào mở miệng: “Chào.”
Một tiếng chào cộc cằn, không đầu không đuôi, cũng chẳng có chủ ngữ vị ngữ gì sất. Thị sượng sùng vân vê vạt áo, đáp cũng không được mà không nói gì cũng chẳng xong.
“Chị thông cảm, con bé được chiều quá đâm hư, để tôi về dạy lại nó…” Người phụ nữ nói chưa hết câu đã ngập ngừng, chắc cũng ngại vì người trước mặt mới là mẹ đẻ ra con bé, còn mình chỉ là mẹ kế. Mẹ kế lại đứng trước mẹ đẻ, sắm vai người lớn trong nhà cam đoan sẽ dạy bảo con bé tử tế, đúng là một chuyện cười.
Con bé Kim Ngân kéo tay mẹ kế nó: “Mẹ, con yêu mẹ nhất. Mẹ ra đây với con đi…” Kéo người mẹ kế đang bất đắc dĩ và khó xử vô cùng đi về một góc khác trong phòng, không quan tâm đến người sinh ra nó nữa.
Còn thị lại dồn sự chú ý vào mâm cơm cúng trên bàn. Bụng thị kêu rột rột, rồi im một lúc, xong lại kêu rột rột. Cơn đói cồn cào trong bụng khiến thị chẳng còn hơi sức đâu mà quan tâm đến thái độ của đứa con đã bị tòa phán là theo chồng cũ, không còn quan hệ gì với thị nữa.
“Cúng xong rồi, để anh Hùng đi đốt mã, chị ngồi xuống bàn ăn bữa cơm rồi ngồi chơi xơi nước một lúc hẵng về.” Vợ mới của chồng cũ thị làm rất tròn vai trò của nữ chủ nhân, sắp xếp đâu ra đấy, đến cả vợ cũ của chồng như thị cũng mời ăn mời uống đàng hoàng.
Thị chỉ mong được ngồi xuống ăn cơm, nay có cái cớ, không nề gì đối phương thật lòng hay mời rơi mời vãi, thị ngồi xuống mâm ngay. Cả mâm toàn người trong khu, cũng chẳng xa lạ gì với thị. Thị đợi người ta động đũa rồi cũng bắt đầu ăn, ăn một hơi hai miếng bánh chưng, hai bát miến, thấy chưa đã thèm còn đánh thêm lưng cơm với mấy miếng thịt gà.
“Gớm, ăn gì mà ăn như chết đói thế kia không biết nữa! Sao nhà ông Hùng có tiền có của, hai vợ chồng cũng đều học cao hiểu rộng mà lại có loại khách vô văn hóa thế nhỉ?” Bàn bên có tiếng xì xào.
Ngay lập tức có người đáp lời: “Suỵt, nói khẽ thôi! Vợ cũ của ông Hùng đấy, nghe đâu lấy nhau được hai năm, đẻ ra con Kim Ngân rồi bỏ chồng đi theo trai. Chẳng hiểu sao giờ lại mò mặt về nữa.”
Miếng thịt gà vừa mới ăn hình như vẫn chưa kịp trôi xuống họng, nghẹn lại trong cổ thị. Thị cúi gằm mặt xuống, hai tai ù đi, không nghe thấy gì nữa, sống mũi lại cay cay.
Một người hàng xóm chép miệng một cái, đứng lên. Người khác thấy vậy cũng ném cho thị một ánh nhìn chẳng rõ nghĩa, đứng lên theo. Vài phút ngắn ngủi, bàn sáu người chỉ còn mình thị, với mấy đĩa thịt chỉ còn vài miếng, đĩa bánh chưng tám miếng còn lại sáu, và đĩa hoa quả còn nguyên chưa ai đụng vào.
“Đúng là không biết nhục! Cả mâm đã đứng lên rồi mà còn cố ngồi ăn!” Không biết ai nhìn sang bàn thị, buông một câu như thế.
Thói đời, chẳng ai để tâm đến nỗi khổ của người khác, lúc nào cũng chỉ để ý cái mình nghĩ, thấy người ta không theo ý mình thì nói vài câu cho sướng miệng. Chứ làm gì có ai rảnh rỗi quan tâm đầu đuôi câu chuyện thế nào.
Cánh tay thị cứng ngắc, vươn ra cầm lấy một quả quýt trong cái đĩa sứ ở xa nhất. Móng tay cái đen đúa cắm vào phía dưới quả quýt, mùi tinh dầu bay ra. Thị bóc thật nhanh, rồi cho cả nửa quả vào miệng nhai, nhai ngấu nghiến. Vị chua ập vào khoang miệng, xộc thẳng lên óc.
“Quýt chua quá!” Thị vừa mếu máo nói vừa ăn ngon lành. Phải rồi, quýt chua thế này thì ai mà nuốt được chứ! Nhất định là mụ vợ mới của chồng thị mua quýt chua thay cho quýt ngọt để bòn ít tiền mang về nhà mẹ! Thị nghĩ vậy, phải nghĩ vậy thì trong lòng thị mới dễ chịu hơn một chút.
Mấy bàn xung quanh cũng lục tục đứng lên. Ai nấy đều nhìn vợ cũ của chủ nhà như nhìn một con mụ vừa nhà quê vừa nghèo lại vừa bị dở hơi, nhưng chẳng ai rảnh rỗi mà bàn tán về mụ nữa.
Bỗng nhiên, có tiếng nói vang lên, thu hút sự chú ý của thị: “Cô ơi, cô còn ăn nữa không? Cô không ăn nữa thì đứng lên đi để bọn cháu còn dọn bàn!”
Thì ra người ta đã dọn bàn rồi. Những người được thuê đang cầm túi bóng dồn từng đĩa thức ăn dang dở vào, để cất trong tủ lạnh. Bát đũa của mấy bàn xung quanh cũng đã được xếp gọn thành chồng. Thị ngơ ngác một hồi rồi sờ sờ xuống bụng. Bụng thị căng phồng, hơi tưng tức, đã lâu không ăn một bữa no như thế này.
Cô gái trẻ vẫn đang nhìn chằm chằm chờ thị trả lời. Thị đứng dậy, gật đầu: “Dọn đi!” Giọng nghiễm nhiên ra lệnh như hồi thị còn là nữ chủ nhân của nhà này.
Đứng dậy xong, thị vẫn chưa vội về mà lân la xuống bếp. Cỗ bàn đám giỗ còn thừa nhiều quá, thị thấy người ta dồn cả vào túi mà ham. Thị xuống bếp, ngó nghiêng một hồi rồi mới đi đến gần cái bàn để cả xấp túi nilon trắng mới tinh và chục cái túi đầy thức ăn thừa xếp ngang hàng thẳng lối.
“Không được, cái túi này bé quá!” Thị nhìn mấy cái túi nilon trắng cỡ nhỡ trên bàn, bĩu môi, hai mắt lại dáo dác nhìn quanh xem có cái túi nào to hơn không.
Đây rồi! Ngay dưới nền gạch hoa có mấy cái túi xanh to, không biết trước đấy dùng để đựng cái gì, thị cũng thây kệ, qua mấy lượt túi chẳng bẩn được vào thức ăn đâu mà sợ. Thị nhặt hai cái túi dưới đất lên, lại ngó ra bên ngoài, nhân lúc không ai để ý mà nhanh tay vơ mấy túi thịt trên bàn vào đầy hai cái túi đang cầm trên tay. Thịt bò thịt lợn thịt gà xương sườn… cái gì cũng được, trong tầm tay thị là thị vơ cho bằng sạch.
Ăn no uống đẫy, thêm hai bọc mang về, thị mới nhanh nhanh chóng chóng lủi đi. Giỏ của cái xe đạp cọc cạch oằn mình chứa hai cái túi xanh to dễ phải đến bốn năm cân, thị vừa đạp xe về vừa hớn hở cười.
Trước bậu cửa căn nhà gỗ đơn sơ trong xóm nhỏ, đứa bé con nhỏ thó đen đúa đang ngồi cắn móng tay, đôi mắt to tròn nhìn chăm chăm ra ngoài đầu ngõ. Trên người nó tròng một bộ quần áo cũ, giặt đi giặt lại đến sờn cả vải.
“Mày ngồi đây làm gì đấy? Mẹ mày đâu?” Bà hàng xóm đi qua, tiện miệng hỏi một câu.
Kì thực, bà hàng xóm cũng chỉ hỏi cho có câu chuyện, chứ ai quan tâm mẹ con nhà nó thế nào. Nhà nó nghèo mạt rệp, thuộc dạng nghèo nhất ở cái xứ nghèo này. Nhắc đến cái sự nghèo của nhà nó, bà lại chỉ có thể phun ra hai chữ “đáng đời”, vì con mẹ nó ngu quá. Ngày xưa còn son sắc, lấy được thằng chồng nhà cao cửa rộng, chẳng biết đường vun vén cho nhà ngoại. Rồi sau bị nhà chồng đuổi ra khỏi nhà, về đây góp gạo thổi cơm chung với thằng bợm rượu, được vài ba năm thằng chồng hờ lại bỏ đi mất hút, để lại mẹ nó bụng mang dạ chửa, chẳng có đồng nào dằn túi mà làm ăn. Hàng xóm láng giềng có thương cũng chỉ thương trên mồm trên miệng, ốc còn chẳng mang nổi mình ốc, đóng thế nào được cọc cho rêu.
Thế mới nói mẹ của con bé ngu quá! Ngày xưa lấy của nhà chồng cũ ít tiền, có phải giờ ấm cái thân mình không?
“Mẹ con đi vắng rồi.” Con bé vẫn nhìn đăm đăm ra ngoài: “Con đang đợi mẹ về.” Bụng nó đã sôi ùng ục từ nửa buổi sáng, qua mấy tiếng đồng hồ, da bụng như dán cả vào da lưng, mà mẹ nó vẫn chưa về.
Bà hàng xóm chép miệng: “Mẹ mày đi lâu chưa? Hay là mẹ mày…” Bà bỏ lửng câu, không nói đoạn sau. Vốn định bảo hay mẹ mày cũng bỏ xứ mà đi rồi, nhưng ngẫm lại nói thế với con bé mới bốn năm tuổi đầu chắc gì nó đã hiểu được. Mà nếu là thật thì khổ cho nó quá.
Bà hàng xóm về rồi. Con bé con mới bốn tuổi vẫn nhìn ra ngoài cổng, chờ tiếng xe đạp cọc cạch quen thuộc của mẹ nó.
Giống như gần chục năm về trước, chị gái cùng mẹ khác cha của nó từng ngồi ngoài cửa căn nhà to nhất huyện, giương mắt đau đáu nhìn ra ngoài cổng, đợi mẹ về nhà.
Lời bàn:
– Nhân vật chính trong Đợi mẹ về là một người đàn bà đáng thương cũng là một kẻ đáng giận. Thị từng được gả vào nhà giàu có, có cuộc sống bình thường, đàng hoàng như bao người, nhưng thị lại “đi trai”, chồng bỏ, người tình bỏ khi bụng mang dạ chửa, sống đời đói hèn mạt rệp. Tác giả sử dụng những câu nhanh, khéo léo dùng những chi tiết để thể hiện cái bần cùng và tính cách của thị. Thị nghèo tới mức gạo trong nhà cũng hết, cái đói khiến thị xấu xa ư? Không, mà đó có thể là do vòng tròn lặp lại từ thế hệ đi trước, những nghèo đói, ngóng trông mẹ về của thị, tư tưởng mà mẹ đẻ thị tiêm nhiễm cho thị từ bé: lấy chồng phải vun vén về nhà mẹ đẻ, thay vì vun vén tổ ấm và nuôi dạy con cái cho tốt. Đó là sự lệch lạc của cả một thế hệ, mẹ thị, thị mà có khi cả đứa con bốn tuổi đang đói meo ngồi trước cửa đợi thị. Nếu dùng cái hoàn cảnh ấy để bao biện thì thị cũng là kẻ đáng thương thật, nhưng cuộc đời, chẳng ai có thể lấy hoàn cảnh để làm lí do cho thói hư tật xấu của mình. Suy cho cùng, thị cũng chỉ là xấu xí chứ không ác. Thị vẫn đẻ đứa con bỏ rơi trong bụng ra, vẫn nhẫn nhịn nuôi đứa bé, vẫn biết xấu hổ, vẫn biết tự bao biện cho mình để còn sống tiếp một cách quang minh chính đại. Cái xấu, cái tốt thực sự khó nói, có những thân phận như mẹ con thị , một vòng lẩn quẩn từ thế hệ này qua thế hệ khác, để lại một màu xám u ám không thấy ánh sáng cho cuộc đời thị và đứa bé. Câu chuyện của Nguyên để lại nhiều suy tư và nhức nhối trong lòng độc giả.
Song có điều tôi chưa hài lòng, đó là bối cảnh của tác phẩm. Với bối cảnh tác giả viết ra, và cách gọi “thị” (từ cũ), khiến người đọc có cảm giác như câu chuyện đang là những năm Pháp thuộc, lớp người địa chủ giàu sang với phong thái thong dong (giống như nữ chủ nhân) và lớp người nông dân nghèo đói, không được học hành tử tế, nhưng những chi tiết về sàn lát đá hoa, li dị… lại mang tính chất hiện đại khiến bạn đọc khó hình dung ra câu chuyện này đang được nhắc tới ở thời kì nào trong dòng chảy lịch sử Việt Nam. Dù sao, đây là một truyện ngắn thú vị. Nếu bạn đồng ý/ không đồng ý với tôi, hãy để lại bình luận cho Nguyên và Văn học trẻ thấy nhé.
Đợi mẹ về