Bài văn hay THCSNgữ Văn 9
Vẻ đẹp của tình đồng chí ở những người lính cách mạng được biểu hiện trong bài thơ “Đồng chí”
Vẻ đẹp của tình đồng chí
Trong khói lửa ngút trời của chiến tranh vệ quốc, anh bộ đội cụ Hồ là niềm tin, là sức mạnh của dân tộc. Bởi vậy, hình ảnh của các anh đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận do thơ ca nhạc họa. Rất nhiều nhà thơ khi viết về đề tài này đã thành công, Chính Hữu là một trong những nhà thơ đó. “Đồng chí” – bài thơ viết ra bằng sự trải nghiệm của người trong cuộc, nhà thơ – người chiến sĩ cách mạng. Chính vì thế, nó đã diễn đạt thật sâu đậm tình đồng đội, đồng chí gắn bó keo sơn của anh bộ đội trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ trường kì.
Bài thơ là cảm xúc, là trải nghiệm của con người trong cuộc nên nó chân thực và có sức lay động mãnh liệt đến tâm hồn người đọc. Viết về tình đồng chí, đồng đội là một tình cảm cách mạng mới mẻ nhưng Chính Hữu không cầu kì, không gọt dũa trong ngôn ngữ, chi tiết, hình ảnh thơ lại chân thực như những gì vốn có của cuộc sống người lính lúc bấy giờ. Có lẽ, vì vậy mà bài thơ vừa ra đời đã nhận được sự đồng tình của độc giả, nhất là những người lính. Vẻ đẹp của người lính cách mạng tập trung chủ yếu ở tình đồng chí gắn bó keo sơn. Đó là tình cảm cao đẹp tuyệt vời.
Bài thơ được mở đầu với những lời tâm sự của hai người bạn, hai người nông dân cùng vào bộ đội:
“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”
Giọng điệu thủ thỉ, tâm tình như lời kể chuyện, tâm sự của hai người đồng đội nhớ lại kỉ niệm về những ngày đầu tiên gặp gỡ. Họ đều là con em của những vùng quê nghèo khó, là những nông dân ở nơi “nước mặn đồng chua” hoặc ở chốn “đất cày lên sỏi đá”. Hình ảnh “quê hương anh” và “làng tôi” hiện lên với biết bao nỗi gian lao vất vả, mặc dù nhà thơ không chú ý miêu tả. Nhưng chính điều đó lại làm cho hình ảnh vốn chỉ là danh từ chung chung kia trở nên cụ thể đến mức có thể nhìn thấy được, nhất là dưới con mắt của những người con làng quê Việt Nam. Thành ngữ dân gian được tác giả vận dụng rất tự nhiên, nhuần nhuỵ khiến người đọc có thể dễ dàng hình dung được những miền quê nghèo khổ, nơi sinh ra những người lính. Khi nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, họ sẵn sàng ra đi và nhanh chóng có mặt trong đoàn quân chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc. Hai câu thơ đầu theo cấu trúc sóng đôi, đối ứng: “Quê anh – làng tôi” đã diễn tả sự tương đồng về cảnh ngộ. Và chính sự tương đồng về cảnh ngộ ấy đã trở thành niềm đồng cảm giai cấp, là cơ sở cho tình đồng chí, đồng đội của người lính.
Họ đồng hành bởi họ cùng chung mục đích sống, một lí tưởng sống, cùng sát cánh bên nhau trong chiến đấu, trong sinh hoạt đời thường:
“Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.”
Câu thơ vừa miêu tả thực vừa mang ý nghĩa tượng trưng cho lí tưởng và tình cảm người chiến sĩ. Súng” và “đầu” là hình ảnh đẹp, mang ý nghĩa tượng trưng cho nhiệm vụ chiến đấu và lý tưởng cao đẹp. Điệp từ “súng” và “đầu” được nhắc lại hai lần như nhấn mạnh tình cảm gắn bó trong chiến đấu của người đồng chí. Chính vì cùng chung hoàn cảnh xuất thân, chung lí tưởng sống nên những con người xa lạ ấy cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, cùng nhay chịu đựng “Đêm rét chung chăn” và đã trở thành người bạn “tri kỉ”. Đó vừa là sự phát triển vừa là sự kết thúc để diễn tả một tình cảm cao đẹp: “Đồng chí!”
Từ trong tâm khảm họ, bỗng bật thốt lên hai từ “Đồng chí”. Từ “Đồng chí” được đặt thành cả một dòng thơ ngắn gọn mà ngân vang, giản dị mà thiêng liêng. Từ “đồng chí’ với dấu chấm cảm như một nốt nhấn đặc biệt mang những sắc thái biểu cảm khác nhau, nhấn mạnh sự thiêng liêng cao cả trong tình cảm mới mẻ này. Đồng chí là cùng chí hướng, cùng mục đích. Nhưng trong tình cảm ấy một khi có cái lõi bên trong là “tình tri kỉ” lại được thử thách, được tôi rèn trong gian khổ thì mới thực sự vững bền. Không còn anh, cũng chẳng còn tôi, họ đã trở thành một khối đoàn kết, thống nhất gắn bó. Như vậy, trong tình đồng chí có tình cảm giai cấp (xuất thân từ nông dân), có tình bạn bè tri kỉ và có sự gắn bó giữa con người cùng chung lí tưởng, chung mục đích chiến đấu. Và khi họ gọi nhau bằng tiếng “đồng chí”, họ không chỉ còn là người nông dân nghèo đói lam lũ, mà họ đã trở thành anh em trong cả một cộng đồng với một lý tưởng cao cả vì đất nước quên thân để tạo nên sự hồi sinh cho quê hương, cho dân tộc. Câu thơ vẻn vẹn có 2 chữ như chất chứa, dồn nén bao cảm xúc sâu xa từ sáu câu thơ trước và khởi đầu cho những suy nghĩ tiếp theo. Quả thật ngôn từ Chính Hữu thật là hàm súc.
Đồng chí, đó là sự cảm thông sâu xa những hoàn cảnh, tâm tư, nỗi niềm sâu kín của nhau:
“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”
Biểu hiện đầu tiên của tình đồng chí cao đẹp ấy là sự cảm thông sâu xa tâm tư, nỗi lòng đồng cảm của nhau. Nghe theo tiếng gọi Tổ quốc, họ ra đi để lại quê hương bao người thân thương, gửi lại ruộng nương cho “bạn thân cày” và “gian nhà không mặc kệ gió lung lay”. Lên đường đi chiến đấu, người lính chấp nhận sự hi sinh, tạm gạt sang một bên những tính toán riêng tư. Hai chữ “mặc kệ” đã nói lên được cái kiên quyết dứt khoát mạnh mẽ của người ra đi khi lí tưởng đã rõ ràng, khi mục đích đã lựa chọn. Song dù dứt khoát, mạnh mẽ ra đi nhưng những người lính nông dân hiền lành chân thật ấy vẫn nặng lòng với quê hương. Chính thái độ gồng mình lên ấy lại cho ta hiểu rằng những người lính càng cố gắng kiềm chế tình cảm bao nhiêu thì tình cảm ấy càng trở nên bỏng cháy bấy nhiêu. Nếu không đã chẳng thể cảm nhận được tính nhớ nhung của hậu phương “giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”. Hình ảnh thơ hoán dụ mang tính nhân hoá này càng tô đậm sự gắn bó yêu thương của người lính đối với quê nhà, nó giúp người lính diễn tả một cách hồn nhiên và tinh tế tâm hồn mình. Giếng nước gốc đa kia nhớ người ra lính hay chính tấm lòng người ra lính không nguôi nhớ quê hương và đã tạo cho giếng nước gốc đa một tâm hồn? Quả thực giữa người chiến sĩ và quê hương anh đã có một mối giao cảm vô cùng sâu sắc đậm đà. Tác giả đã gợi nên hai tâm tình như đang soi rọi vào nhau đến tận cùng. Ba câu thơ với hình ảnh: ruộng nương, gian nhà, giếng nước, gốc đa, hình ảnh nào cũng thân thương, cũng ăm ắp một tình quê, một nỗi nhớ thương vơi đầy. Nhắc tới nỗi nhớ da diết này, Chính Hữu đã nói đến sự hi sinh không mấy dễ dàng của người lính. Tâm tư ấy, nỗi nhớ nhung ấy của “anh” và cũng là của “tôi”, là đồng chí họ thấu hiểu và chia sẻ cùng nhau. Tình đồng chí đã được tiếp thêm sức mạnh bởi tình yêu quê hương đất nước ấy. Tình đồng chí cao đẹp và thiêng liêng là như vậy. Nó chỉ càng đẹo hơn trong sự chia sẻ những gian khổ của cuộc đời người chiến sĩ. Và những gian khổ đó, nhà thơ miêu tả một cách cụ thể, chi tiết qua các câu thơ:
“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.”
Xem thêm một số bài viết liên quan tói chủ đề: Vẻ đẹp của tình đồng chí:
- Thơ là thơ nhưng đồng thời là họa là nhạc là chạm khắc theo một cách riêng. Sáng tỏ ý kiến qua bài Đoàn thuyền đánh cá – Huy Cận
- Bàn về thơ có ý kiến: Bài thơ hay là bữa tiệc ngôn từ. Trong khi đó lại có ý kiến cho rằng: Gốc của thơ là tình cảm. Hãy bình luận và làm sáng tỏ những nhận định trên qua bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”
- Chuyên đề thơ hiện đại Văn 9
Những người lính cùng chịu bệnh tật – những cơn sốt rét rừng ghê gớm, cùng thiếu, cùng rách. Đây là hoàn cảnh chung của bộ đội ta những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Họ nhìn thấu và thương nhau từ những chi tiết nhỏ của đời sống. Những cặp câu thơ sóng đôi, đối ứng nhau (từng cặp hoặc trong từng câu) góp phần diễn tả sự sẻ chia, giống nhau trong mọi cảnh ngộ của người lính. Chữ “anh” và “tôi” đến đây lại cùng xuất hiện, để cùng gánh vác, sẻ chia, không ai giành lấy cho mình sự ưu ái hơn. Tình đồng chí cho họ sức mạnh để vượt lên buốt giá – “miệng cười buốt giá” và ấm áp giữa buốt giá: “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”, nắm lấy bàn tay nhau để ấm đôi bàn chân, để vượt lên gian khó. Những bàn tay như biết nói. Họ gắn bó với nhau để có thêm sức mạnh, niềm tin, hướng tới lí tưởng cao đẹp. Và đó là tình gắn bó sâu dày suốt trường kì kháng chiến.
Nhiệm vụ chủ yếu của người lính là đánh giặc, vì vậy tình đồng chí cao đẹp nhất là tình gắn bó thiêng liêng nơi tuyến đầu chống giặc, nơi sự sống và cái chết kề nhau trong tích tắc. Tình đồng chí đã được tôi luyện trong thử thách gian lao và đây là thử thách lớn nhất.
“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo”
Ba câu thơ tả một đêm phục kích giặc. Nền bức tranh là đêm – “rừng hoang sương muối” gợi ra một cảnh tượng âm u, hoang vắng và lạnh lẽo. Không chỉ cái giá, cái rét cứ theo đuổi mà còn bao nguy hiểm đang rình rập người chiến sĩ. Nổi bật trên nền hiện thực khắc nghiệt ấy là những người lính đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới trong cái nơi mà sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Từ “chờ” cũng đã nói rõ cái tư thế, cái tinh thần chủ động đánh giặc của họ. Rõ ràng khi những người lính đứng cạnh bên nhau vững chãi, truyền cho nhau hơi ấm thì tình đồng chí đã trở thành ngọn lửa sưởi ấm họ để họ có sức mạnh vượt qua cái cái gian khổ, ác liệt, giá rét ấy… Tầm vóc của những người lính bỗng trở nên lớn lao anh hùng. Câu thơ cuối là một hình ảnh đẹp được nhận ra từ những đêm hành quân phục kích giặc của chính người lính. Đêm khuya, trăng trên vòm trời cao đã sà xuống thấp dần, ở vào một vị trí và tầm nhìn nào đó, vầng trăng như treo trên đầu mũi súng của người chiến sĩ đang phục kích chờ giặc. Rõ ràng, tình cảm đồng chí ấm áp, thiêng liêng đã mang đến cho người lính nét lãng mạn, cảm hứng thi sĩ trong hiện thực đầy khắc nghiệt qua hình ảnh “Đầu súng trăng treo”. Trong hoàn cảnh hết sức gian khổ khốc liệt: đêm đông giá lạnh, rừng hoang sương muối, cái chết cận kề, tâm hồn nhậy cảm của người chiến sĩ vẫn tìm thấy chất thơ bay bổng trong vẻ đẹp bất ngờ của trăng. Bốn chữ “Đầu súng trăng treo” chia làm hai vế làm nhịp thơ đột ngột thay đổi, dồn nén, như nhịp lắc của một cái gì đó chông chênh, trong bát ngát…gây sự chú ý cho người đọc. Từ “treo” đã tạo nên một mối quan hệ bất ngờ độc đáo, nối hai sự vật ở cách xa nhau – mặt đất và bầu trời, gợi những liên tưởng thú vị, bất ngờ. “Súng” là biểu tượng của chiến đấu, “trăng” là biểu tượng của cái đẹp, cho niềm vui lạc quan, cho sự bình yên của cuộc sống. Súng và trăng là hư và thực, là chiến sĩ và thi sĩ, là “một cặp đồng chí” tô đậm vẻ đẹp của những cặp đồng chí đang đứng cạnh bên nhau. Chính tình đồng chí đã làm cho người chiến sĩ cảm thấy cuộc đời vẫn đẹp, vẫn thơ mộng, tạo cho họ sức mạnh chiến đấu và chiến thắng. Hiếm thấy một hình tượng thơ nào vừa đẹp vừa mang đầy ý nghĩa như “Đầu súng trăng treo”. Đây là một sáng tạo đầy bất ngờ góp phần nâng cao giá trị bài thơ, tạo được những dư vang sâu lắng trong lòng người đọc.
Với cảm xúc chân thực của những người trong cuộc, với cách khai thác chất thơ từ những điều bình dị của cuộc đời người chiến sĩ, cùng với ngôn ngữ mộc mạc và hàm súc, Chính Hữu đã khắc một bức tượng đài tuyệt đẹp về người chiến sĩ trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp gian khổ trường kì. Chính điều ấy đã giúp “Đồng chí” của Chính Hữu trở thành một trong những bài thơ hay nhất trong đời sống và chiến đấu của những con người Việt Nam.
Vẻ đẹp của tình đồng chí – Tác giả: ThS Trần Thị Ngọc
Xichal