Cuộc thi viết vănTRUYỆN NGẮN
Mùa hoa bưởi trên sông
Chiều một ngày sau tết.
Sau khi đã sắp đầy đủ mâm cỗ cúng hóa vàng năm mới cho bố mẹ xong, Hoa lững thững thả bước ra bến sông. Cô đi dạo dọc theo triền sông, vươn mình đón cơn gió từ ngoài sông thổi vào lồng lộng. Những cơn gió vờn đùa trên sóng nước, lướt qua những ngọn cỏ ven bờ, xõa tung mái tóc buông lửng bờ vai của Hoa, những sợi tóc lòa xòa đùa nhau trên khuôn mặt bầu bĩnh của Hoa.
Bên dưới bến sông những con thuyền nhỏ thả mình lững lờ trôi theo dòng nước, những người dân chài lưới lại đã bắt đầu cuộc sống mưu sinh sau mấy ngày tết. Cùng với đó những con tàu hút cát nằm im lìm giữa dòng đang chờ những người thợ đến khởi động chuẩn bị cho công cuộc nạo vét tài nguyên từ lòng sông, chính những con tàu đó đã làm cho bờ sông bên lở Hoa đang đứng ngày càng một lở thêm, ngày càng trồi thụt bấp bênh, mấp mô, loang lổ như kẻ lở cùi càng gãi càng tróc hết da thịt ra một cách xấu xí đến tột cùng. Cũng chính nó là nguyên nhân làm cho vườn bưởi nơi ven sông này ngày một thu hẹp lại, đã có những cây bưởi lâu năm bị dòng sông nuốt chửng khi những mảng đất ven sông trượt dài chui tọt xuống sông bỏ lại sau nó một bờ vực sâu.
Làng Hoa là làng chuyên trồng bưởi có tiếng của đất Đoan Hùng, đã bao năm nay những trái bưởi đã vươn đi khắp mọi miền nhờ vào mảnh đất này, cây bưởi hợp với thổ nhưỡng nơi đây nên cho ra những quả bưởi tròn căng và ngọt lịm. Trước mặt Hoa là vườn bưởi ven sông giờ đây đang bắt đầu bung ra những nụ hoa trắng muốt tỏa hương thơm ngào ngạt quyến rũ đến lạ kỳ. Hoa có cảm giác như mình say cái hương hoa quen thuộc này mất rồi.
Nhìn những cành bưởi rung rinh trong gió chiều, hít căng lồng ngực hương bưởi đầu mùa Hoa chợt thấy nhớ anh đến da diết. Cảm giác buồn buồn ở đâu đó dù đã giấu kín nó lại chợt ùa về. Anh bảo tết này anh về sẽ cùng Hoa đi dạo chợ hoa ngày tết, đi xem bắn pháo hoa đêm giao thừa, sẽ đưa Hoa đi chơi những ngày tết cho thỏa nỗi nhớ mong. Vậy mà Hoa càng chờ, càng ngóng tin anh thì anh càng bằn bặt, không một cuộc gọi, không một tin nhắn, không một lời nhắn nhủ hay thông báo. Chưa bao giờ anh như thế cả. Trước tết Hoa đã nóng hết cả ruột gan khi không thấy anh về như đã hẹn, không biết anh có vấn đề gì hay không?
Có lúc Hoa tự hỏi hay là anh đã thay lòng, đã quên mất cô gái đất bưởi này rồi, như những người đàn ông khác đã từng đến và đi. Nhưng rồi Hoa lại gạt ngay cái ý nghĩ đó đi. Hoa không cho rằng anh là người như thế sau bao nhiêu ngày quen biết nhau. Vậy chắc chắn là anh có vấn đề gì đó mà Hoa chưa biết được.
Suốt mấy ngày tết Hoa cứ đi ra đi vào, ăn miếng ăn cũng không thấy ngon, uống miếng nước cũng không thấy trôi, đến nỗi thằng em trai phải trêu “ Chị làm gì mà cứ lượn như cù thế, chóng hết cả mặt..”. Mỗi lúc như vậy Hoa lại lững thững đi ra vườn bưởi bờ sông ngóng lên con đê mong chờ hình bóng của anh.
********
*****
Cũng tại ven sông này, vườn bưởi này, vào một mùa hoa nở rộ thơm ngát khắp triền sông Hoa đã quen anh, một người lính công binh.
Hôm ấy được nghỉ làm, Hoa theo thói quen ra bờ sông ngồi ngắm những bông bưởi rung rinh trong gió, ngắm những người dân cần mẫn mưu sinh trên sông, nơi quê hương đã sinh ra và nuôi dưỡng Hoa lớn lên thành người. Đang mải ngắm nhìn mấy con chim sâu đùa đuổi nhau trên lá thì bất chợt nghe thấy những tiếng trêu đùa tán tỉnh từ phía dưới sát mép nước vọng lên:
– Em ơi làm người yêu anh nhá, xinh thế kia mà ngóng trông ai một mình thế.
– Tao thách chúng mày tán đổ em í đấy. Mất gì cũng chơi…vv…vv…
Nhìn xuống thấy một toán lính trẻ đang đùa nhau trêu chọc Hoa ở bên trên, trong đám ấy chắc có những đứa chỉ trạc tuổi em Hoa. Nhìn cánh lính trẻ nhí nhảnh khen mình xinh bất chợt Hoa cảm thấy cũng vui vui.
Bất chợt có tiếng hô quát, đám lính trẻ ấy liền im bặt và một bóng người rảo bước đi lên, đến gần Hoa nhận thấy đó là một sĩ quan mang quân hàm thượng úy dáng người tầm thước, khuôn mặt rạm nắng, rắn rỏi, đôi mắt sáng và cương nghị.
– Xin lỗi cô, anh em lính trẻ chúng có quá lời tôi xin thay mặt chỉ huy đơn vị xin lỗi cô. Anh ấy nhìn Hoa rồi nói.
– Không có gì đâu anh ạ. Trả lời anh mà Hoa không dám nhìn thẳng vào mắt anh. Các anh hành quân đi qua đây ạ? Hoa hỏi.
– Không, chúng tôi nhận nhiệm vụ về đây rà phá bom mìn còn sót lại trong chiến tranh, chuẩn bị cho dự án kè bờ sông nơi đây. Tôi tự giới thiệu tôi tên là Trường, là chỉ huy của đơn vị sắp tới làm ở đây, bữa nay chúng tôi đang đi khảo sát khu vực để làm.
À ra thế, dự án cải tạo và kè bờ sông Hoa đã nghe nói, bữa nay chắc mới bắt đầu triển khai thực hiện giai đoạn đầu. Đang định dợm bước quay về Hoa chợt nghe Trường hỏi:
– Cô gì ơi cho tôi hỏi gần đây có khu dân cư nào không, anh em chúng tôi muốn xin ở nhờ ít hôm trong quá trình làm nhiệm vụ.
– Em là Hoa. Làng em ở ngay trong đê đây thôi, có gì các anh có thể vào liên hệ xem.
– Phiền cô dẫn đường hộ tôi được không. Trường hỏi rồi ngoái lại gọi to: Nam ơi, ở đấy cho anh em làm đi nhé, anh đi liên hệ nhà ở.
Chỉ nghe đồng thời cả tiếng ở dưới vọng lên và tiếng của Hoa: “Vâng”.
Hoa dẫn Trường theo con đường nhỏ vào làng mình, vừa đi Trường vừa hỏi Hoa về tình hình người dân trong làng, tình hình an ninh trật tự, các phong tục tập quán riêng biệt, những đặc điểm của làng.
– Làng em gọi là làng Đám, bà con rất thân thiện nhất là với bộ đội vì thi thoảng cũng có bộ đội về đây giúp dân, tình hình an ninh trật tự tốt lắm anh ạ, không vấn đề gì đâu. Vừa đi Hoa vừa trả lời những điều Trường hỏi thăm, thi thoảng lại len lén liếc nhìn Trường đang đi bên cạnh. Đã lâu rồi không có người con trai nào đi bên Hoa như thế.
Khi Trường hỏi thăm về nhà Trưởng thôn để liên hệ trước thì Hoa dẫn Trường về thẳng nhà mình rồi gọi to từ ngõ:
– Bố ơi ra có khách này.
Khi bố ra, giới thiệu nhau xong Hoa chạy đi pha nước, còn Trường vào nhà cùng bố của Hoa. Bố của Hoa cũng là bộ đội về hưu, được bầu làm trưởng thôn. Trường vào đặt vấn đề xin cho bộ đội ở nhờ ít hôm trong quá trình làm nhiệm vụ ở đây được ông hết sức ủng hộ, còn nói tí nữa sẽ đi cùng Trường đến các nhà vận động bà con cho bộ đội ở nhờ. Xong ông bảo Trường:
– Cậu thì cứ ở nhà tôi cũng được, nhà có mỗi hai ông bà già với con bé nó làm ở thị trấn. Thằng cu em nó thì đi làm xa, năm thì mười họa mới về. Cậu ngủ ở giường nó ấy cũng được.
Như được cởi tấm lòng, Trường mừng lắm. Uống nước xong bèn cùng bố Hoa đi liên hệ từng nhà cho bộ đội ở, nhân dân ở đây thân thiện và cũng quen với việc bộ đội về ở làng rồi nên công việc nhanh chóng được thực hiện trôi chảy. Còn Hoa khi biết bố bảo Trường ở lại nhà mình bất chợt cảm thấy có gì đó vui vui, mới lạ và thi thoảng lại ngóng bố và Trường đi về mà không hiểu sao con tim cứ đập rộn ràng một cách khó hiểu…
Một lúc sau một chiếc xe ô tô chở lỉnh kỉnh đồ đạc cùng bộ đội lừ lừ đi vào làng. Hoa cứ đừng nhìn Trường chỉ đạo, điều hành mọi việc, từ việc phân chia bộ đội về các nhà ở, xếp đặt vật chất, bố trí bếp nấu ăn cho đơn vị, nhắc nhở bộ đội chấp hành kỷ luật dân vận đến việc ăn ở giữ gìn mối quan hệ quân dân, giúp đỡ nhân dân trong quá trình ở làng. Hoa cảm nhận thấy ở Trường một sự quyết đoán, nhanh nhẹn, chặt chẽ và tỉ mỉ từ những chuyện rất nhỏ.
Sau khi đã xếp sắp xong mọi việc, Trường mới mang một chiếc ba lô trở lại nhà Hoa. Nhìn Trường gấp vuốt chiếc chăn vuông vắn đặt lên đầu giường thằng cu em, chiếc ba lô gói buộc gọn gàng đặt ở cuối giường Hoa mới thấy những điều mình được nghe về người lính không phải là cái gì đó được thổi phồng lên như cô vẫn hay nghĩ.
Rồi Trường ra tiếp chuyện với bố Hoa, giữa hai thế hệ lính đều có những sự đồng cảm và có chuyện hợp nhau để nói, trong quá trình giúp mẹ nấu cơm dưới bếp, qua câu chuyện của hai người đàn ông ở nhà trên Hoa bập bõm biết được Trường hơn mình hai tuổi, là cán bộ đại đội của một đơn vị Công binh của Quân khu đóng cách nhà Hoa chừng gần trăm cây số và thường xuyên phải đi thực hiện nhiệm vụ nay đây mai đó.
Những ngày sau đó Hoa âm thầm quan sát Trường qua những công việc hằng ngày, một sự quan sát âm thầm, lẳng lặng từ xa. Không hiểu sao Hoa nhận thấy ở Trường có một sức cuốn hút lạ kỳ.
Cứ mỗi sáng thức dậy chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả nhà là Hoa đã thấy chiếc giường Trường nằm đã gọn gàng, ngăn nắp, chiếc chăn vuông vắn gập để đầu giường tự khi nào. Hoa để ý thấy Trường như chiếc đồng hồ, cứ đúng 5 giờ sáng dù cho trời còn se se lạnh anh vẫn lặng lẽ dậy một cách nhẹ nhàng không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của cả nhà, tập vài động tác thể dục, làm vệ sinh cá nhân xong bắt đầu đi các nhà có bộ đội ở để kiểm tra, đôn đốc, kiếm tra bếp ăn của đơn vị xem cơm nước ra sao, rồi về nhà Hoa lấy chổi quét nhà, quét ngõ, mang ấm chén đi rửa, dọn dẹp nhà cửa, cũng có khi phụ giúp bố mẹ Hoa những công việc lặt vặt trong nhà còn hơn cả một đứa con trong gia đình. Hoa cứ thầm so sánh với thằng em trai của mình, về nhà thì ngủ nướng, ăn ở thì luộm thuộm, cũng ít khi thấy phụ giúp bố mẹ gia đình những công việc tưởng chừng đơn thuần.
Rồi đến giờ Trường ra bếp ăn cơm cùng với bộ đội, bố Hoa bảo Trường hay ăn cơm chung với cả nhà, nhưng Trường từ chối, chỉ thi thoảng ngày nghỉ ngồi với bố Hoa nhâm nhi đôi ba ly rượu thuốc ở nhà bên mâm cơm đạm bạc. Trường bảo “Cháu ăn cơm cùng bộ đội cho nó gần gũi cán binh, cũng là xem anh em chiến sĩ ăn uống như thế nào còn biết đường điều chỉnh, anh em đi làm về vất vả cố gắng phải có miếng ăn ngon và ăn hết bác ạ…Cháu ăn cùng gia đình anh em lại cho là xa lánh chiến sĩ không hòa đồng”.
Đến giờ đi thực hiện nhiệm vụ Trường lại đi đôn đốc bộ đội mang theo đủ thứ dụng cụ chuyện ngành hành quân bộ ra bến sông. Có những hôm đi làm về Hoa vẫn thấy Trường cùng bộ đội cần mẫn, tỉ mỉ làm việc ở ven sông, có bữa Hoa dừng xe đứng bên trên bờ đê ngồi đón những cơn gió mát lành từ dòng Lô giang và quan sát bộ đội làm. Cô thấy các anh căng dây khoanh vùng từng khu đất, những người lính mang theo máy dò mìn cẩn thận dò từng thước đất một, được đến đâu lại đánh dấu đến đó, khi các anh phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ lại sử dụng cuốc xẻng đào bới, có những lúc đào lên được những quả mìn còn sót lại trong cuộc chiến tranh nằm im lìm trong lòng đất được các anh cẩn thận tập kết lại rồi tiến hành nổ hủy. Có những lúc Hoa nghe thấy những tiếng nổ ì ùng ở bến sông xa, sau này Trường bảo đấy là anh em bộ đội nổ hủy những quả mìn thu gom được. Có bữa đang mải quan sát các anh làm Hoa thấy bóng Trường ngẩng lên lau mồ hôi rồi nhìn về hướng cô vẫy vẫy tay, dường như anh nhận ra Hoa trên bờ đê đang nhìn mình. Cô lại ngượng ngập quay đi…
Những buổi chiều về, sau khi kiểm tra bộ đội xong Trường quay về nhà Hoa giúp bố Hoa bổ củi hay giúp mẹ Hoa cuốc đất trồng rau sau vườn, rồi rào lại mảng vườn, bờ dậu…mỗi lần bố mẹ Hoa bảo Trường không phải làm, cứ để đấy nhưng anh đều giành làm bằng được, anh bảo giúp nhân dân cũng là một nhiệm vụ của người lính. Kể cả những người lính ở các nhà khác cũng vậy. Hầu như anh không nề hà bất cứ công việc gì, từ những việc hết sức nhỏ nhặt, nhẹ nhàng đến những việc nặng nhọc, nhiều lúc thấy những giọt mồ hôi của Trường tí tách chảy trên trán, trên khuôn mặt vuông vức điển trai ấy Hoa cũng muốn mang cho anh chiếc khăn để lau, nhưng cô cứ cảm thấy ngại ngùng, không dám mạnh dạn thực hiện những điều là đầu mình suy nghĩ.
Có những buổi ngồi nấu cơm trong bếp Hoa lại len lén nhìn ra ngoài giếng nơi Trường đang múc những gầu nước trong veo, mát lạnh dội ào ào lên người, một cơ thể có phần săn chắc, rạm nắng ánh lên dưới ánh chiều tà, những giọt nước giếng khơi lấp lánh bám lên làn da nâu. Hoa chỉ dám len lén liếc nhìn vì sợ anh bắt gặp xong rồi chợt thấy mặt mình nóng bừng lên mỗi khi ánh mắt chạm vào khuôn ngực vạm vỡ của anh, không biết bởi ánh lửa hồng trong bếp hay bởi một điều gì khác.
Những buổi tối Hoa thường thấy Trường tắt điện đi ngủ muộn, sau khi đi đôn đốc kiểm tra bộ đội ngủ nghỉ ở các nhà xong, về anh lại hí húi lấy sổ sách ra ghi chép, có hôm lại thấy anh cặm cụi đọc sách, khi thì là cuốn sách chuyên nghành Công binh, khi thì là quyển sách truyện, có bữa cô thấy đọc một quyển sách dày mà lướt qua tựa đề cô thấy là cuốn “Hồi ức lính” của Vũ Công Chiến. Hoa nhủ thầm anh đúng là một con người ham học hỏi, ham đọc, một sự đồng điệu nổi lên, bởi Hoa cũng rất thích đọc sách, khi rảnh cô có thể đọc bất cứ loại sách gì mình có, từ những trang sách đã mở ra cho Hoa nhiều điều, nhiều chân trời mới về tri thức, về cách sống, cách làm người, hiểu biết thêm về nhiều miền đất, về lịch sử, về con người…Sau cái hôm thấy anh gấp trang sách cuối cùng quyển “Hồi ức lính” cô đã mạnh dạn hỏi mượn anh rồi ngấu nghiến đọc, nó như làm cho Hoa hiểu thêm hơn về cuộc sống của những người lính trong chiến tranh, những điều rất thật của người lính được tác giả mô tả sinh động, chân thực.
Những ngày ở nhà Hoa cô cảm thấy anh không vồ vập trò chuyện với cô như bao người đàn ông khác mà cô đã từng biết, Hoa cảm thấy anh luôn giữ một khoảng cách nhất định với cô, thi thoảng cũng giúp cô những việc nhỏ như múc nước cô giặt quần áo, vác cho cô bó củi nấu cơm, trao đổi, hỏi thăm nhau những việc thường ngày, khi biết Hoa có một giá sách trong nhà anh đã xin hỏi mượn đọc những khi rảnh rỗi. Nhiều lúc Hoa muốn cùng anh ngồi nói chuyện tâm sự về cuộc sống, về những ước mơ, về gia đình, nhưng bản tính ngại ngùng con gái đã không cho Hoa làm được điều ấy. Còn Trường vẫn cứ giữ một khoảng cách nhất định với Hoa. Có lẽ anh cũng ngại chăng?
Một chiều ngày cuối tuần, Hoa thấy Trường cho bộ đội nghỉ làm và tổ chức giúp nhân dân trong làng dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, chặt cây tỉa cành…
Chẳng có việc gì làm Hoa lại thả bước ra bờ sông, bước dọc trên đê Hoa đã thấy thoảng thoảng hương hoa bưởi từ vườn bưởi dưới triền sông quấn quýt bên mình, Hoa hít căng lồng ngực cái hương vị ngọt ngào, man mát ấy, nhắm mắt tận hưởng hương vị ngọt ngào của quê hương. Vượt qua con đê đi về hướng bờ sông nơi có vườn bưởi của làng đang rung rinh lá trong gió chiều, những cành bưởi trĩu hoa báo hiệu cho một mùa sai trái, những bông hoa trắng muốt nở bung khoe những nhụy vàng óng ả, sau mỗi cơn gió từ dòng sông Lô thổi lên, một vài bông hoa xào xạc rụng rơi xuống gốc.
Những ngày còn bé Hoa hay cùng đám bạn trong xóm ra đây chơi, luồn lách chạy nhảy chơi đùa dưới những gốc cây bưởi, cùng nhau nhặt những bông bưởi trắng xâu thành vòng đeo lên cổ hay kết chúng thành vương miện đội lên đầu rồi chơi trò cô dâu chú rể, đùa nhau cười khanh khách vang vọng bên bến sông. Lớn lên khi mái tóc đã dài buông xõa bờ vai mẹ hay ra hái những chiếc lá bưởi về nấu cùng bồ kết, hương nhu và một số loại lá khác gội đầu cho Hoa. Mẹ bảo như thế tóc con gái mẹ mới mượt mà và đẹp. Mùi hương nhẹ nhàng thoang thoảng cùng cái mượt mà tinh khiết của dầu bưởi đan vào từng sợi tóc của Hoa. Trong những ngày rằm, mùng 1 mẹ hay ra hái một chùm hoa bưởi còn ngậm sương mai về trân trọng đặt lên ban thờ. Cho đến bây giờ Hoa vẫn thích gội đầu bằng lá bưởi, có khi là vỏ bưởi, mái tóc của Hoa vẫn luôn mượt mà, mềm mại và luôn vương vấn trên mình mùi hương thơm của tinh dầu bưởi.
Càng đến gần vườn bưởi Hoa càng cảm nhận thấy hương bưởi nồng đậm hơn bất chợt làm Hoa nhớ lại mấy câu thơ trong bài “Hương thầm”:
“Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối
Anh không dám xin,
Cô gái chẳng dám trao
Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao
Không dấu được cứ bay dịu nhẹ”
Ừ nhỉ? Sao mỗi lần gần bên Trường lòng mình lại cứ thấy bối rối đến như vậy. Hoa nhủ thầm khi chợt nghĩ về Trường. Giữa mình và anh có gì đó rất đồng điệu, anh cũng rất dễ mến, dễ gần. Lính của anh, bà con trong làng, cả bố mẹ Hoa cũng rất quý anh, gần gũi chuyện trò cởi mở với anh, vậy mà tại sao với mình anh ấy cứ như có gì đó rất chừng mực. Hay tại mình chưa cởi mở lòng mình với anh. Hay là một điều gì khác nữa mà Hoa không nhận ra.
Hoa thả mình ngồi xuống đám cỏ mượt mà, đưa tay ngắt một bông cỏ may đang dập dờn theo gió, lơ đãng ngắm dòng Lô lững lờ trôi, thấp thoáng phía xa xa là tượng đài chiến thắng sông Lô hiện lên trong ráng chiều, những ánh mặt trời lấp loáng trên mặt nước, bên kia sông những mái nhà ẩn hiện bên dưới những hàng cây xanh mướt. Hoa cảm giác như trước mắt là một bức tranh thủy mặc đang hiện ra.
Hoa như hòa mình vào thiên nhiên nơi đây thì bất chợt giật mình bởi tiếng Trường phía sau:
– Cô Hoa có vẻ thích hay ra đây ngồi ngắm cảnh nhỉ? Cảnh ở đây cũng đẹp thật đấy. Hồi ở quê tôi cũng hay thích ra ngắm cảnh hoàng hôn mặt trời lặn trên núi lắm.
Ngoảnh lại Hoa thấy Trường đang đứng phía sau mình tự khi nào, đang dõi mắt ngắm cảnh sông nước buổi hoàng hôn, Hoa chợt thấy anh cũng đang hít sâu hơi thở, nhắm mắt tận hưởng hương thơm của vườn bưởi kế bên.
– Anh cũng thích hương bưởi sao? Hoa giấu đi vẻ bối rối bằng câu hỏi đối với Trường.
– Vâng, trong vườn nhà tôi có một cây bưởi, khi tôi lớn lên nó đã có ở đó rồi, mẹ tôi bảo là bố cất công mang ở tận đây về để trồng khi ông có dịp công tác ở đây, mỗi dịp tháng Giêng, tháng Hai sau tết nó nở hoa thơm ngát cả mảnh vườn. Nhưng có lẽ do thổ nhưỡng nên quả của nó không ngon bằng ở đây.
Vừa nhẹ nhàng ngồi xuống bên Hoa, Trường vừa kể.
– Thế anh cũng giống em, em rất thích mỗi lần rảnh rỗi vào mùa hoa ra đây chỉ cần ngồi ngắm hoa, thưởng thức hương hoa thôi cũng đủ rồi, không hiểu sao mà em dù đi đâu cũng vẫn nhớ về cái hương vị ấy. À, mà anh Trường có vẻ cũng thích đọc sách nhỉ? Hoa chợt chuyển đề tài.
– Vâng. Tôi thích đọc sách từ bé, ngày bé bố tôi hay mua sách thiếu nhi cho tôi đọc, sau dần thành quen, lớn lên đọc đủ thứ loại, cứ rảnh là tôi đọc, nó cũng giúp cho mình thêm hiểu biết hơn. Mà cô Hoa cũng cũng thích đọc sách phải không? Tôi cũng thấy cô hay đọc sách, cũng thấy cô rất hay thích ra bến sông này thì phải.
– Vâng. Chẳng hiểu sao mỗi lần đi làm về căng thẳng, mệt mỏi em hay ra đây, xong rồi thấy mình nhẹ nhõm hơn, đỡ mệt mỏi hơn, tinh thần tốt hơn anh ạ.
Câu chuyện của hai người cứ tự nhiên cuốn đi với những sở thích giống nhau đến lạ kỳ, với những sự cảm nhận giống nhau về cuộc sống, con người…
Thông qua những gì Trường kể đã làm cho Hoa hiểu thêm về trường Hơn.
Trường kể, nhà anh ở tận vùng miền núi trong tỉnh, nghèo lắm. Lớn lên anh làm bạn với núi rừng, bố đi công tác xa thường xuyên, công việc ở nhà một mình mẹ cáng đáng nuôi anh em Trường lớn lên. Biết vậy nên anh em Trường cố gắng học hành để bố mẹ đỡ vất vả. Thường ngày mỗi khi đi học về Trường thường hay lên núi, vào rừng kiếm củi, kiếm rau về giúp mẹ. Những ngày ấy giúp anh thêm yêu núi rừng quê mình hơn.
Ngày thi Đại học, biết chừng gia đình sẽ khó khăn nếu thi vào các trường dân sự, Trường đăng ký thi vào trường Sỹ quan Công binh để giám bớt gánh nặng trên vai bố mẹ. Ngày ra trường được điều về Quân khu công tác, Trường đã tích cực học tập nghiên cứu thường xuyên hoàn thành tốt nhiệm vụ nên thường được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ, nhất là các nhiệm vụ quan trọng.
Trường thường đi thực hiện nhiệm vụ nay đây mai đó, khi thì đi rà phá bom mìn phục vụ các công trình kinh tế- xã hội, khi thì vì nhiệm vụ quốc phòng; khi thì đi xây dựng các công trình chiến đấu; khi thì đi xây dựng đường tuần tra biên giới…Nhưng anh bảo vất vả và nguy hiểm nhất vẫn là đi rà phá bom mìn. Nếu không cẩn thận sẽ nguy hiểm đến tính mạng như chơi, đã có những người lính vì sơ sẩy một chút mà phải trả giá cả mạng sống của mình. Anh thường xuyên phải xa nhà và cũng ít khi ở đơn vị. Nhiều khi chưa hết việc nọ thì việc kia lại kéo đến. Có lẽ chính vì lẽ đó mà đã gần ba mươi tuổi rồi anh chưa dám ngỏ lời yêu ai hay có ý định xây dựng gia đình, mặc dù bố mẹ ở nhà cũng đã có ý giục và dấm cho mấy đám ở nhà.
Trường bảo anh sợ rằng khi gắn bó với một ai đó chỉ sợ rằng người ấy sẽ phải chịu thiệt thòi và vất vả vì mình, anh muốn người phụ nữ mà mình yêu thương phải được hạnh phúc chứ không phải suốt ngày chờ mong và nơm nớp lo sợ cho mình mỗi khi đi thực hiện nhiệm vụ mà nhiều khi không biết sự sống chết sẽ ra sao, cho dù đang trong thời bình. Bom mìn không có mắt và nó không chừa một ai cả. Vì lẽ đó mà Trường không dám nhận lời yêu ai cho dù biết rằng có người rất quý mình. Hoặc nhiều khi yêu một ai đó mà không dám thổ lộ lòng mình. Trường bảo đợi một thời gian nữa khi ổn định hơn mới tính đến chuyện xây dựng gia đình.
Giờ thì Hoa đã hiểu vì sao Trường rất quan tâm đến Hoa, hiểu những sở thích của cô nhưng vẫn giữ một khoảng cách nhất định với mình. Hoa càng trân trọng hơn đối với Trường và một niềm thương cảm bất chợt dâng lên. Sau những gì chứng kiến ở Trường, Hoa cảm thấy anh thật gần gũi, đáng mến.
Hoa cũng đã kể cho Trường về cuộc sống của mình, về một vài cuộc tình đã qua của mình nhưng rồi cũng chả đi đến đâu khi những người đàn ông đến với cô đầy thực dụng và toan tính, từ đấy cô mất dần niềm tim vào đàn ông. Hoa chỉ mong có một gia đình yên ổn, cho dù vất vả khó khăn, nhưng người đi cùng với Hoa đến hết cuộc đời phải là người đủ để cho Hoa tin tưởng, làm chỗ dựa về tinh thần cho Hoa suốt những chặng đường còn lại của cuộc đời. Tính Hoa giản dị, không cầu kỳ hoa mỹ, không ước mong những điều cao xa…
Mải chuyện trò mặt trời đã khuất dần sau những rặng tre. Hai người đã hiểu về nhau nhiều hơn, có sự gần gũi nhau hơn, như phần nào xóa nhòa đi khoảng cách mà Trường tự tạo ra giữa hai người.
Khi hai người sánh vai nhau đi về Hoa đi ngang với Trường chợt cảm thấy vui vui. Ánh mắt lấp lánh trong bóng hoàng hôn.
Những ngày sau đó Trường có vẻ gần gũi tâm sự chuyện trò với Hoa nhiều hơn, thi thoảng ngồi với Hoa bên bếp lửa bập bùng ấm áp hai ánh mắt nhìn nhau lấp lánh ánh lửa hồng.
Khi Trường hoàn thành nhiệm vụ ở đây, ngày chia tay thật là bịn rịn, những người dân lưu luyến các chú bộ đội, một số cháu nhỏ bám ống quần những người lính khóc ngon lành không muốn chia tay. Hoa nhìn Trường lên xe lưu luyến quay đi gạt những giọt nước mắt cứ tự lăn dài trên má. Trường đi chỉ bảo với Hoa rằng “Mình thường xuyên giữ lạc em nhé, có dịp anh sẽ quay lại nơi đây”.
Từ đó hai người chỉ liên lạc với nhau qua điện thoại là chính. Đôi ba bữa Trường có chút thời gian rảnh lại tạt về thăm Hoa, cùng Hoa dạo bước trên bờ sông lộng gió, công trình kè bờ sông đã bắt đầu được tiến hành. Hoa mong nó sớm hoàn thành để bờ sông bên lở này không bị lở thêm nữa, cho nhưng cây bưởi không phải lo bị con nước cuốn xuống lòng sông nữa, cũng như mong muốn mối quan hệ của cô và Trường có thêm nhiều tiến triển.
Trong một lần như thế, khi ngồi bên nhau Trường đã bất chợt nhìn sâu vào mắt Hoa với ánh mắt chân thành, hai tay với nắm tay Hoa rồi mạnh dạn, dứt khoát như tác phong người lính anh bảo:
– Hoa, em làm người yêu của anh nhé. Anh yêu em!
Hoa đã muốn nghe câu nói này từ anh lâu lắm rồi, cô chỉ trả lời nhè nhẹ “Vâng”, rồi ngả đầu vào lòng anh, mùi hương bưởi từ tóc Hoa vương vít đâu đây, mặc dù bây giờ không còn hoa bưởi nữa, những trái bưởi như những trái cam đang lúc lỉu đu đưa trong gió. Niềm hạnh phúc đang vỡ òa lên trong Hoa.
Trường cúi xuống đặt nhẹ lên môi Hoa nụ hôn, nụ hôn dầu đời của người lính Công binh với người con gái đất bưởi thật ngọt ngào, Hoa vươn mình đón nhận nụ hôn của anh, họ cứ ngồi im tận hưởng vị ngọt của cuộc tình mới chớm nở. Không ai nói cấu gì, lúc này tất cả những lời nói đều vô nghĩa cả.
********
*****
Hoa đang thẫn thờ ngồi nhìn dòng nước lững lờ trôi không biết rồi nó chảy đến tận nơi đâu, không biết anh giờ này ở phương trời nào, có còn nhớ đến lời hứa trước tết với Hoa hay không. Gần đây nhất chỉ thấy anh bảo đi dò mìn tận Vị Xuyên, Hà Giang chuẩn bị cho dự án kinh tế trên đó. Hoa cũng không biết tìm thông tin của anh nơi đâu nữa. Hoa không còn tâm trạng đâu thưởng thức cảnh đẹp của mùa xuân, hương thơm của hoa bưởi nữa.
Bất chợt Hoa thấy mắt mình tối sầm lại. Một bàn tay ai đó bịt chặt lấy mắt Hoa, cảm nhận thấy hơi thở nồng nàn ở sau gáy, một giọng nói quen thuộc phả vào vành tai Hoa nhồn nhột:
– Đang nhớ anh phải không. Đang giận anh chứ gì? Anh về rồi đây.
Bất chợt Hoa òa lên khóc nức nở như một đứa con nít phải chịu một điều gì ấm ức lắm, hai tay đấm thùm thụp vào ngực Trường ở phía sau:
– Sao anh không đi luôn đi, vẫn còn nhớ đến em mà về đây sao, anh là đồ thất hứa, em…em…em không chơi với anh nữa đâu.
Bất chợt Trường ngã lăn thảm cỏ mềm mịn, hay ôm ngực nhăn nhó:
– Ấy đau anh…
Hoa ngừng khóc, thôi đấm anh, dựng Trường dậy rối rít hỏi:
– Anh… anh… làm sao thế?
Trường kéo Hoa ngồi xuống bên cạnh mình, mặt vẫn còn vẻ nhăn nhó, tay anh đan vào mái tóc buông xõa của Hoa hít hà mùi hương thơm trên mái tóc, rồi bảo:
– Anh không sao, chỉ là nhớ em thôi.
– Anh lại giấu em điều gì phải không? Để em xem nào. Hoa nói xong định kéo áo Trường ra, trường bèn giữ tay Hoa lại, ôm Hoa vào lòng bảo:
– Thôi được rồi, anh kể. Là vừa rồi anh tham gia rà phá bom mìn ở Hà Giang, đúng hôm cuối cùng chuẩn bị xong thì phát hiện một quả mìn đè nổ, bên dưới lại còn gài một quả lựu đạn đã tháo chốt, nếu không cẩn thận thì sẽ phát nổ cả hai. Khi anh đến để tìm cách khắc phục thì không hiểu sao thằng lính của anh nó để quả lựu đạn phát nổ, cũng may là quả mìn bên trên không bị kích nổ, nó lại làm cho mảnh lựu đạn không văng phạm vị lớn, anh bị mấy mảnh găm vào người, hôm ấy thế nào anh lại đúc cái điện thoại ở ngực trái, một mảnh văng vào làm vỡ cái điện thoại, chứ không chắc toi, thằng cu lính của anh dính nặng hơn. Bọn anh được đưa đi nằm viện điều trị, giờ đỡ rồi mới được cho về với em đấy.
– Sao anh không cho em biết, làm em ở nhà cứ lo nghĩ rồi suy đoán linh tinh. Hoa ngước nhìn Trường, đôi mắt ầng ậng nước, bàn tay lần xoa mấy vết thương trên người Trường.
– Anh không muốn làm cho em phải lo lắng, nhất là sắp đến tết rồi. Cả bố mẹ anh anh cũng không báo tin, chỉ sợ ông bà lo. Với lại cái điện thoại của anh hỏng chả biết lúc đưa anh đi cấp cứu nó rớt đâu, nói ra xấu hổ, anh cũng chả nhớ số điện thoại của em để mà gọi nữa, lưu vào máy mỗi lần gọi lại lấy trong máy ra nên cũng không nhớ số. Thôi, anh cũng đã không sao về đây với em rồi đây mà.
Vừa lau những giọt nước mắt đang lăn dài trên má Hoa, Trường vừa an ủi Hoa:
– Sau đợt này chắc anh được ở lại đơn vị thực hiện các nhiệm vụ khác nó nhẹ nhàng hơn một chút. Em yên trí đi.
– Nhưng em vẫn lo lắm, nếu như anh có vấn đề gì, em biết làm sao. Mà lần sau có gì anh cũng phải cho biết với đấy, em biết để còn chia sẻ với anh. Anh cứ cho em ra rìa thế làm như em là người thừa ý, chứ không phải là người yêu của anh nữa.
– Ừ, anh biết rồi.
– Thôi mình về báo tin cho bố mẹ em biết đi, bố mẹ cũng mong tin anh lắm đấy. Chắc giờ này các cụ cũng cúng xong rồi.
Hai người đứng dậy, vừa rảo bước về nhà Hoa vừa tíu tít chuyện trò, Hoa níu tay anh thật dịu dàng, ngả đầu vào vai anh thả bước chầm chậm.
Hương hoa bưởi đầu mùa bữa nay thơm đến lạ. Hoa nhận thấy thế. Hình như đâu đó trong đám hoa sớm ấy đã đậu thành những trái bưởi con con nhỏ xíu ẩn khuất trong đám hoa trắng muốt.
Tác giả: Công Đức – Truyện ngắn đạt giải tuần cuộc thi viết “Mùa yêu đầu”