Chưa được phân loại

Chuyên đề thơ trung đại

Chuyên đề thơ trung đại trong chương trình học lớp 7 - tìm hiểu khái quát và cụ thể qua một số tác phẩm tiêu biểu

Chuyên đề thơ trung đại 

Chủ đề 1: Cảm hứng yêu nước, tự hào dân tộc trong các tác phẩm văn học trung đại

  1. Cảm hứng yêu nước bao gồm:

+ Tinh thần đoàn kết gắn bó, quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược.

+ Ý thức xây dựng đất nước giàu đẹp.

+ Tự hào về truyền thống văn hóa lịch sử của dân tộc.

+ Căm thù giặc ngoại xâm.

+ Yêu những gì thân thuộc nhất như nhà cửa, gia đình…

– Là tình cảm chủ đạo bao trùm toàn bộ thời kỳ văn học trung đại.

+ Tinh thần yêu nước gắn với lý tưởng trung quân, yêu nước.

+ Hào khí Đông A thời Trần.

+ Thể hiện khí phách hào hùng bằng cách chiến công vang dội, bằng lời hịch thiết tha, cảm hứng yêu nước và tự hào dân tộc.

Từ đầu thế kỳ X đến thế kỷ XIV nước ta tồn tại dưới các triều đại phong kiến khác nhau từ hưng thịnh đến suy vong. VH trung đại chủ yếu thể hiện rõ nhất 2 cảm hứng yêu nước và nhân đạo.

2. Cảm hứng yêu nước được thể hiện rõ nhất qua bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc “Sông núi nước Nam” (Tương truyền của Lý Thường Kiệt).

a. Tác giả:

– LTK (1019 – 1105), tên thật là Ngô Tuấn, tự là Thường Kiệt, sau được mang họ vua nên gọi là LTK. – Ông là vị tướng tài ba lỗi lạc, có tài thơ văn.

b. Tác phẩm.

– Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt, gắn với truyền thuyết cuộc chiến đấu giữa quân – dân Đại Việt với quân Tống trên phong tuyến sông Như Nguyệt đã mở ra một giai đoạn hết sức gay go. Bài thơ được ngân lên lần đầu trong đền thờ 2 vị thần sông Như Nguyệt Trương Hống và Trương Hát. Lời thơ hào hùng rắn rỏi làm khiếp vía kẻ thù và nâng cao tinh thần quân sĩ khiến cuộc kháng chiến thắng lợi rực rỡ. Bài thơ đậm chất huyền thoại uy nghiêm. Đó không chỉ là tiếng nói của con người mà còn là âm vang thánh thần; không còn là suy ngẫm của một người mà còn là trí tuệ, tâm hồn của cả dân tộc Đại Việt xưa và nay.

c. Giá trị nội dung và nghệ thuật.

* Lời khẳng định chủ quyền lãnh thổ.

– Nhịp thơ 4/3 tạo nên nhịp điệu thanh thoát, mạnh mẽ, đanh thép, hùng hồn.

– Lối xưng “đế” trong lời thơ “Nam đế cư” đã thể hiện một tư thế ngẩng cao đầu, tự tin đứng ngang hàng với một nước lớn như Trung Hoa. Tác giả bài thơ đã nêu cao chân lí lớn lao, thiêng liêng nhất: nước Nam là của người Nam. Thể hiện tình yêu đất nước, niềm tự hào dân tộc, trân trọng và kính yêu vua, khẳng định vị thế của nước ta ngang hàng với các cường quốc phương Bắc.

– Sức mạnh của chân lý thêm phần thuyết phục ở câu thơ thứ 2 mang âm hưởng trầm hùng rắn chắc như một lời khẳng định dứt khoát. Hai chữ “thiên thư” (sách trời) đã phân định rõ ràng quyền làm chủ đất đai của người Nam là lẽ đương nhiên, là chân lý, là lẽ phải hiển nhiên không hề thay đổi. Đây chính là tuyên ngôn khẳng định chủ quyền lãnh thổ và nền độc lập dân tộc. Lời thơ đã khơi dậy trong mỗi chúng ta niềm tự hào dân tộc vì nó cho thấy nước ta tuy nhỏ bé nhưng không chịu khuất phục trước quân giặc phương Bắc lớn mạnh.

* Lời thơ khẳng định sức mạnh ý chí chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

– Câu thơ thứ 3 là lời hỏi tội kẻ thù và khẳng định chính nghĩa luôn chiến thắng.

– Câu thơ cuối là lời cảnh báo đập tan kẻ thù xâm lược đồng thời bày tỏ ý chí quyết tâm chiến đấu bảo vệ nước nhà.

=> Bài thơ là tiếng nói ý thức, là tình cảm của cả dân tộc Việt Nam được thể hiện trong thời đại lịch sử lúc bấy giờ. Qua bai thơ chúng ta cảm nhận được tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc của tác giả nói riêng và cả dân tộc ta nói chung.

3. Cảm hứng yêu nước được thể hiện ở khát vọng hòa bình, ý thức giữ gìn và bảo vệ đất nước sau hòa bình qua bài thơ “Phò giá về kinh”. (Tụng giá hoàn kinh sư – Trần Quang Khải)

a. Tác giả: Trần Quang Khải (1241 – 1294), con trai thứ ba của vua Trần Thái Tông. Ông là một võ tướng kiệt xuất, đồng thời cũng là một thi nhân có những vần thơ sâu xa lý thú.

b. Tác phẩm:

– Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được làm lúc Trần Quang Khải đi đón Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông về Thăng Long sau chiến thắng Chương Dương, Hàm Tử và giải phóng kinh đô năm 1285.  Bài thơ là khúc khải hoàn thể hiện hào khí chiến thắng oanh liệt và khát vọng thái bình thịnh trị của dân tộc Đại Việt.

c. Giá trị nội dung và nghệ thuật.

* Hai câu thơ đầu: Với cầu trúc đối hoàn hảo đã tạo dựng bức tranh toàn cảnh cuộc chiến đấu chống quân Mông – Nguyên xâm lược và thể hiện cảm hứng tự hào, niềm vui chiến thắng kẻ thù của quân – dân Đại Việt:

Đoạt sáo……….. quan…

– Việc sử dụng các động từ “đoạt”, “cầm” ở đầu mỗi dòng thơ nhằm khắc họa người anh hùng thời Trần với sức mạnh “Sát Thát”. Đó là những dũng sĩ anh hùng giành lại nền độc lập, bắt kẻ thù xâm lược phải quy thuận, trả lại non sông đất nước cho ta. Đó là lời ca ngợi hành động chính nghĩa, dũng cảm của quân và dân ta.

– Việc lựa chọn hai trận đánh tiêu biểu để phác họa toàn cảnh cuộc chiến đấu chống quân Mông – Nguyên là cách đề khơi gợi khí thế hào hùng của dân tộc bởi đây là hai trận đánh tiêu biểu nhất làm cho quân giặc kinh hồn bạt vía. Hai địa danh vừa có ý nghĩa khái quát vừa tiêu biểu cho một thời đại hào hùng trong lịch sử dân tộc.

– Cách sắp xếp các trận đánh có phần đặc biệt. Trận Chương Dương xảy ra sau nhưng lại được đặt trước, điều này phù hợp với diễn biến của bài thơ. Trận sau vừa mới xảy ra còn nóng hổi, nào nức lòng người và nhà thơ là người có vai trò to lớn trong chiến công này.

-> Những câu thơ ngắn gọn như bản tin chiến sự có sức ngân vang với những lời thơ hàm súc, đĩnh đạc và hào hùng. Với phép liên tưởng độc đáo, đọc thơ ta có cảm giác như vị thượng tướng Trần Quang Khải vừa đi giữa đoàn quân chiến thắng vừa cất tiếng ngâm bài thơ. Tiếng ngâm ấy lan truyền, được ba quân hưởng ứng nối tiếp trở thành khúc ca hào hùng vang động núi sống. Lời thơ ngắn gọn, chắc nịch, đanh thép bày tỏ niềm tự hào về chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

* Hai câu thơ cuối là lời động viên xây dựng và phát triển đất nước trong hòa bình và lòng tin sắt đá vào sự bền vững lâu đời của dân tộc Đại Việt.

– Câu thơ thứ 3 với nhịp 2/3, cách nói chắc nịch, xúc tích, cô đọng, không hình ảnh, không hoa mĩ, câu thơ là lời tự nhủ vủa vị thượng tướng về ngày mai của đất nước cũng là nhắn nhủ với thế hệ mai sau. Với TQK, đất nước thái bình không chỉ chấm dứt chiến tranh mà còn phải xây dựng đất nước mãi mãi vững bền, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.

– Thi nhân tiếp tục sử dụng phép lỉnh lược để khẳng định việc gìn giữ thái bình của đất nước không phải của riêng ai mà cần sự đồng lòng, rèn luyện, tu dưỡng tài năng, sức lực của tất cả người dân Đại Việt. Điều đó có nghĩa là cả dân tộc phải gắng sức bảo vệ thành quả công cuộc kháng chiến, không được phép ngủ quên trong chiến thắng.

– Câu thơ cuối thể hiện khát vọng mãnh liệt của cả dân tộc, đó là xây dựng một đất nước vững bền ngàn năm. Có thể nói, TQK đã không dừng lại ở niềm vui chiến thắng, không nghĩ đến việc nghỉ ngơi hưởng lạc. Ngay trong chiến thắng ông nghĩ đến kế sách lâu dài với tinh thần trách nhiệm và tầm nhìn xa trông rộng. Có thể khẳng định rằng nhãn quan chính trị của TQK vô cùng sáng suốt. Lời thơ là lời tự nhủ hòa với niềm tin, hi vọng, đồng thời là tiếng nói nhắn nhủ thế hệ mai sau về trách nhiệm đối với vận mệnh của đất nước, của dân tộc.

=> Nếu 2 câu đầu ta bắt gặp vẻ đẹp của một vị tướng thì 2 câu sau ta cảm nhận được nét đẹp trong trí tuệ và đạo đức của nhà thơ TQK. Có lẽ vì thế mà vua Trần Thái Tông đã từng nói:

Nhất đại công danh thiên hạ hữu

Lưỡng triều trung hiếu thế gian vô.

Trần Quang Khải hoàn toàn xứng đáng với 2 câu thơ ca ngợi ấy, đặc biệt với bài thơ “Tụng giá hoàn kinh sư” – viên ngọc sáng trong văn chương thời trung đại, đủ để xác lập vị trí trong dòng văn thơ yêu nước của dân tộc.

Chuyên đề thơ trung đại Việt Nam Chuyên đề thơ trung đại
một số bài thơ trung đại Việt Nam: Nam quốc sơn hà, Tụng giá hoàn kinh sư, Bánh trôi nước, Qua đèo Ngang, Bạn đến chơi nhà.

Chủ đề 2: Hình ảnh người phụ nữ trong văn học trung đại qua bài Bánh trôi nước (Hồ Xuân Hương)

Luận điểm 1: Vẻ đẹp ngoại hình, nhan sắc của người phụ nữ xưa qua hình ảnh bánh trôi nước dân dã mà giản dị.

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

– Lời thơ mở đầu bằng cụm từ “thân em” rất quen thuộc, nghe sao mà dịu dàng khiêm tốn. (Các câu Ca Dao than thân cũng thường bắt đầu bằng cụm từ này). Qua ngòi bút điêu luyện của nữ sĩ, đó là lời giới thiệu, niềm tự hào của người phụ nữ xưa với vẻ đẹp hoàn mĩ.

– Việc miêu tả chiếc bánh trôi nước làm bằng bột nếp trắng tinh, dáng bánh tròn xinh xắn, nhân làm bằng đường phên chính là để làm toát lên nhan sắc, phẩm hạnh của người phụ nữ.

– Hai từ “trắng”, “tròn” nhấn mạnh vẻ đẹp toàn diện của họ từ ngoại hình đến tâm hồn.

Luận điểm 2: Số phận vất vả bấp bênh, bị phụ thuộc của người phụ nữ:

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

– Câu thơ mang yếu tố tả thực quá trình luộc bánh: khi bánh sống sẽ chìm, chín sẽ nổi lên mặt nước.

– Bằng ngòi bút điêu luyện của mình, nữ sĩ đã mượn việc luộc bánh để diễn tả số phận long đong lận đận của người phụ nữ. Thành ngữ “ba chìm bảy nổi” được vận dụng sáng tạo thành “bảy nổi ba chìm” gợi cuộc sống bấp bênh chìm nổi, vất vả, không tự quyết định cho tương lai, cho số phận của người phụ nữ. Việc đảo thành ngữ lên đầu câu thơ khiến cho ý thơ càng thêm nhấn mạnh.

– Phép tương phản qua hai từ “rắn”, “nát” không chỉ nói về việc bánh ngon hay dở phụ thuộc tay kẻ nặn mà còn gợi số phận phụ thuộc của người phụ nữ. Số phận họ hạnh phúc hay khổ đau đều tùy thuộc vào tay kẻ khác, họ bị tước đoạt quyền tự do, không có quyền tự quyết định cho tương lai, cho hạnh phúc của mình.

Luận điểm 3: Lời khẳng định tấm lòng thuỷ chung son sắt của người phụ nữ:

Mà em vẫn giữ tấm lòng son

– Câu thơ cuối đã khẳng định vẻ đẹp thuỷ chung của người phụ nữ với thái độ đầy tự tin, tự hào qua cách diễn đạt bằng cặp quan hệ từ đối lập: mặc dầu… mà. Có thể nói, dù hoàn cảnh, số phận người phụ nữ có long đong, lận đận, dù phải sống với thân phận phụ thuộc nhưng mẫu số chung vững bền ở họ là tấm lòng thuỷ chung sáng ngời.

– Gần như cứ qua mỗi câu thơ, nhà thơ lại mở ra cho chúng ta thấy được một vẻ đẹp khác của người phụ nữ, mà lại rất đặc trưng cho vẻ đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Qua hình ảnh ẩn dụ là bánh trôi nước, từng vẻ đẹp của người phụ nữ được khơi gợi thật tinh tế.

Nhìn về vẻ đẹp của người phụ nữ, Hồ Xuân Hương đã ca ngợi, khẳng định ở cả vẻ đẹp hình thức lẫn vẻ đẹp phẩm chất, tâm hồn, tạo cho độc giả có một cái nhìn về một vẻ đẹp hoàn mỹ của người phụ nữ Việt Nam. Đề cao vẻ đẹp của người phụ nữ với một thái độ khẳng định đầy tự tin chính là cốt lõi nhân văn, là bản lĩnh và cũng là phong cách thơ Hồ Xuân Hương.

Chủ đề 3: Tình yêu thiên nhiên hòa quyện với tình yêu quê hương đất nước

Văn bản QUA ĐÈO NGANG – Bà Huyện Thanh Quan

  1. Vài nét về cuộc đời và sự nghiệp:

a. Cuộc đời: Bà huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh, sống ở thế kỷ XIX

– Quê: Làng Nghi Tàm, nay thuộc Tây Hồ (Hà Nội)

– Xuất thân: gia đình quan lại, có học thức, có nhan sắc, có tài thơ Nôm, giỏi nữ công gia chánh.

– Chồng bà là Lưu Nghi, làm quan tri huyện Thanh Quan (Thái Bình). Bà thường hay giúp chồng trong công việc nơi phủ quan nên người đời yêu mến gọi bà là Bà HTQ.

– Bà được vua Minh Mạng vời vào kinh đô Phú Xuân (Huế) làm chức “Cung trung giáo tập”, dạy học cho các công chúa và cung nữ trong cung.

b. Sự nghiệp: Bà để lại có 6 bài thơ Nôn thất ngôn bát cú đường luật nhưng bài nào cũng hay, cũng giá trị. Bao gồm: Qua Đèo Ngang, Chiều hôm nhớ nhà, Thăng Long thành hoài cổ, Chùa Trấn Quốc, Chơi đài Khán xuân Trấn Võ, Tức cảnh chiều thu.

c. Nhận xét:

– Những bài thơ Nôm của bà phần nhiều là tả cảnh ngụ tình, bài nào cũng hay, chứng tỏ bà là người phụ nữ đoan chính, thanh tao, một người có học thức thường hay nghĩ ngợi đến nước nhà. Lời thơ trang nhã, điêu luyện (GS Dương Quảng Hà)

– Thơ Bà huyện Thanh Quan đầy chất thơ, lời thơ của bà điêu luyện, gọt giũa như một bức tranh cổ (GS Thanh Lãng)

– Nghệ thuật: chữ dùng khéo léo, chọn lọc thích đáng, đối rất chỉnh, rất tài tình, ý hàm xúc, lời chau truốt, gọn đẹp… cho nên thơ bà rất được các nho gia xưa yêu chuộng, ngâm nga.

– Thơ Hồ Xuân Hương thiên về nôm na bóng bẩy duyên dáng, thơ Bà huyện Thanh Quan thiên về Hán mà thanh thoát nhẹ nhàng. HXH là đại biểu cho cái tinh thần trào phúng bình dân vươn lên thể hiện một hình thức bác học, Bà huyện Thanh Quan là đại biểu cho cái tinh thần tao nha nho sĩ kết tinh cùng với tinh túy của Đường thi (GS Phạm Thế Ngũ)

-> Thơ bà huyện Thanh Quan hay viết về thiên nhiên lúc hoàng hôn, man mác buồn du dương, ngôn ngữ trang nhã, hồn thơ đẹp, điêu luyện, tả cảnh ngụ tình đặc sắc.

2.Tác phẩm “Qua đèo Ngang“:

a. Thể thơ: Thất ngôn bát cú Đường luật.

b. Xuất xứ và chủ đề: Bài thơ “Qua Đèo Ngang” được bà Huyện thanh quan viết khi trên đường thiên lý vào kinh, lần đầu qua Đèo Ngang vào buổi chiều tà.

– Chủ đề: Bài thơ tả cảnh Đèo Ngang lúc chiều tà và nói lên nỗi buồn cô đơn, nỗi nhớ nhà của người lữ khách, chính là nữ sĩ Bà Huyện Thanh Quan.

-> Bức tranh vịnh cảnh ngụ tình kín đáo mà sâu sắc của nhà thơ.

c. Cảm nhận chi tiết:
  • Hai câu đề mở ra một khung cảnh đèo hoang sơ, rậm rạp:

– Thời gian nghệ thuật: bóng xế tà. Câu thơ đã giới thiệu không gian thời gian để bắt đầu bước vào thế giới tâm hồn của chính nhà thơ, có lẽ không phải ngẫu nhiên Bà HTQ tả cảnh ĐN vào lúc chiều tà bóng xế, ta có thể bắt gặp thời điểm đó trong nhiều tác phẩm khác của bà như bóng tịch dương trong Thăng Long thành hoài cổ hay bóng hoàng hôn trong Chiều hôm nhớ nhà. Hơn nữa, âm tà cũng gợi nỗi buồn thấm thía. Dường như cái khoảnh khắc chuyển giao giữa ngày và đêm ấy thường gieo vào lòng người cảm giác man mác buồn, nhất là người phụ nữ lần đầu xa nhà dừng chân nơi đất khách quê người như Bà HTQ. Có lẽ nỗi buồn trước sự đời đổi thay của xã hội đã mang lại cho bức tranh ĐN một vẻ đẹp riêng biệt trong câu thơ của Bà HTQ, đúng như đại thi hào Nguyễn Du dã viết:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

– Trước cái thực tại ấy nhà thơ miêu tả toàn cảnh ĐN đang hiện ra trước tầm mắt: “Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”. Với cách sử dụng điệp ngữ và hiệp vần trong lối nhân hóa vô cùng đặc sắc “cỏ”, “cây”, “đá”, “lá” và “hoa” chen nhau trên mảnh đất ĐN giúp cho người đọc hình dung khung cảnh hoang vu, rậm rạp của vùng núi non hiểm trở. Cỏ cây hoa lá phải chen chúc với đá thì mới tồn tại được. Cảnh vật hoang sơ, cằn cỗi đến nao lòng. Như vậy, 2 câu mở đầu đã mở ra một thế giới thực tại và một thế giới tâm tưởng. Thế giới thực tại là thế giới hoang dã, hiu hắt dù đầy sức sống. Thế giới tâm tưởng là nỗi buồn và sự cô đơn trong lòng nữ sĩ.

  • Hai câu thực đã tái hiện cuộc sống của con người nơi Đèo Ngang:

Lom khom… mấy nhà.

Sang 2 câu thơ này vị trí, điểm nhìn đã thay đổi. Thi sĩ đứng trên đỉnh ĐN nhìn xuống dưới và nhìn ra xa. Các từ chỉ số ít vài, mấy, các từ tượng hình “lom khom, lác đác” gợi khung cảnh thiên nhiên, cảnh vật ĐN không chỉ có cỏ cây, hoa lá và đá núi mà đã xuất hiện hình ảnh con ng­ười. Nhưng từ xa nhìn lại, hình bóng con người như cảng thu nhỏ lại, sự sống con người thư­a thớt hơn. Hình ảnh con người và cuộc sống con người ít ỏi, bé nhỏ như chìm đi trong sự hùng vĩ của thiên nhiên. BPNT đảo ngữ: đưa 2 vị ngữ “lom khom, lác đác” lên đầu câu nhấn mạnh thêm sự bé nhỏ, ít ỏi, thưa thớt của con người trong bối cảnh thiên nhiên hoang vắng, hùng vĩ. Hơn nữa phép đối (câu 3-4) không chỉ tạo sự cân đối hài hòa cho câu thơ đường mà còn diễn tả sự buồn vắng của ĐN, dù là ở vị trí nào. Như vậy, tất cả các BPNT này đã cộng hưởng với nhau làm cho cảnh vật ĐN đã quạnh hiu càng thêm hiu quạnh. Bức tranh toàn cảnh ĐN đã hội tụ đủ các yếu tố: sơn, thủy, hữu, tình. Nhưng những yếu tố ấy hợp lại chỉ càng gợi ra hình ảnh một vùng đèo heo hút mà thôi.

  • Hai câu luận: Vừa tả cảnh non nước ĐN, vừa bộc lộ rõ hơn tâm trạng của nhà thơ

Nhớ nước …………… cái gia gia

– Nhà thơ đã sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình để nói về nỗi nhớ của thi sĩ. (Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình là bút pháp nghệ thuật mượn cảnh để nói tình, nõi lên nỗi tâm sự, tình cảm ẩn chứa trong tim mình một cách kín đáo nhưng thật sâu sắc và xúc động. Vì vậy, tả cảnh ngụ tình là một thi pháp được sử dụng rất nhiều trong các bài thơ thuộc thời kỳ trung đại, không chỉ trong nền văn học Việt Nam mà còn bắt gặp nhiều trong văn học Ấn Độ, Trung Quốc).

– Cảnh thực được cảm nhận bằng thính giác và bằng cả nỗi lòng đồng điệu của Bà HTQ.  Bức tranh phong cảnh ĐN đã được điểm thêm bằng âm thanh: Tiếng chim quốc, tiếng chim đa đa vang lên khắc khoải, da diết trong buổi hoàng hôn tạo nên khúc nhạc rừng gợi nỗi nhớ nước, thương nhà trong lòng người lữ khách và càng làm cho cảnh ĐN trở nên buồn bã hơn. Thi pháp lấy động để tả tĩnh càng làm nổi bật cái vắng lặng đến im lìm trên đỉnh ĐN. Các BPNT chơi chữ: đồng âm, gần âm, vừa Hán Việt, vừa nôm này vừa ghi âm được tiếng kêu của chim quốc, chim đa đa vừa gợi được trong lòng người huyền thoại buồn thương về Thục Đế vừa bộc lộ tâm trạng nhớ nước thương nhà của bà HTQ. Bà HTQ đã nghe tiếng chim quốc, chi đa đa bằng cả nỗi lòng nhớ nước, thương nhà của mình cho nên mới có thể cảm nhận được niềm đau xót buồn bã, uể oải trong tiếng chim kêu ở ĐN. Tâm trạng nhớ nước, thương nhà của nhà thơ lúc này cũng rất dễ hiểu: trong cảnh lữ thứ, buổi hoàng hôn trên một vùng hoang vu thì da diết nhớ tổ ấm là lẽ dĩ nhiên. Bà lại là cựu thần của nhà Lê, thời điểm này, bà đang đứng ở ranh giới giữa ĐT và ĐN thì trái tim của kẻ sĩ tất yếu sẽ nhói lên niềm nhớ thương về nước, về triều đại cũ. Nhịp thơ 2/2/3 tựa như những tiếng nấc âm thầm trong cõi lòng đau xót vì nhớ thương của nữ sĩ.

  • Hai câu kết:

Dừng chân đứng lại …………. với ta

Bốn chữ “dừng chân đứng lại” thể hiện một trạng thái tĩnh lặng hần như tuyệt đối của nhà thơ diễn tả niềm xúc động tới bồi hồi. Phải chăng sự níu giữ 2 bàn chân không muốn bước ấy là sự cộng hưởng của nhiều cảm xúc tràn trề? Toàn cảnh ĐN đã hiện lên trong cảm nhận bằng thị giác của nhà thơ là một không gian rộng lớn, mênh mang, tĩnh vắng với trời, non, nước. “Trời, non, nước” – ba từ được ngăn cách bởi những dấu phẩy, chỉ ba từ ấy thôi mà gợi ra cả không gian rộng lớn, xa xăm, mênh mông, cao vút và khoáng đạt. Thủ pháp liệt kê đã gợi tả không gian bao la, vô hạn của vũ trụ nơi đây. Nghệ thuật đối lập, t­ương phản: vũ trụ mênh mang vô cùng với một con người bé nhỏ đơn chiếc đã nhấn mạnh sự nhỏ bé, cô đơn của người lữ khách. Cụm từ ta với ta đã cực tả cái cảm giác cô đơn của người lữ khách, thành một nỗi cô đơn đến tuyệt đối, nỗi cô đơn ấy đã tạc vào non nước ĐN. Vũ trụ mênh mang như mỗi lúc mở ra bao la bát ngát hơn. Bầu trời cao vời vợi, nước sâu thăm thẳm, núi non điệp điệp trùng trùng còn tâm trạng con người mỗi lúc một khép lại với nỗi niềm riêng tư, chỉ mình mình biết, mình mình hay. “Mảnh tình riêng” có thể là niềm thương nỗi nhớ cựu triều (nhà Lê giờ đây đã thành dĩ vãng), cũng có thể là nỗi niềm của một con người ý thức được về cá nhân mình và thời thế. Đây cũng là cái hay, cái bí ẩn hấp dẫn của bài thơ. Đây là câu thơ nói về nỗi cô đơn hay nhất trong văn học thời trung đại. Câu thơ đã làm nên cái hay cho bài thơ và tên tuổi BHTQ gắn liền với non nước ĐN.

c. Tổng kết, mở rộng: Bài thơ Qua Đèo Ngang là bài thơ thất ngôn bát cú tuyệt bút. Đọc bài thơ người đọc cảm nhận được vẻ đẹp hoang sơ nhưng hùng vĩ của đệ nhất kỳ quan trên đất nước ta. Vẻ đẹp ấy được tô điểm bởi bàn tay tài hoa của người nữ sĩ bà HTQ qua những vần thơ trang nhã mà điêu luyện thăng hoa từ cái cảm hứng thiên nhiên trữ tình trang nhã hòa với tình yêu quê hương, đất nước đậm đà. Bài thơ là tiếng nói của một người mà đã trở thành khúc tâm tình của muôn triệu người, là bài thơ của một thời mà mãi mãi hôm nay và mai sau.

 

Chủ đề 4: Tình bạn

Văn bản BẠN ĐẾN CHƠI NHÀ – Nguyễn Khuyễn 

  1. Tác giả: Nguyễn Khuyến (1835-1909). Lúc nhỏ tên là Thắng, quê thôn Vị Hạ, xã Yên Đổ, nay thuộc Trung Lương, Bình Lục, Hà Nam. Thuở nhỏ nhà nghèo, thông minh, học giỏi, sau đó thi đỗ cả ba kỳ thi Hương, Hội, Đình, do đó có tên gọi là Tam Nguyên Yên Đổ. Nguyễn Khuyến làm quan được 10 năm nhưng đến khi thực dân Pháp đánh chiếm xong Bắc Bộ, ông cáo quan về quê ở ẩn.

– NK là một nhà thơ lớn của dân tộc. Thơ ca của ông chủ yếu được sáng tác sau ngày ông cáo quan về quê ở ẩn.

  1. Tác phẩm: Cảm hứng nhân đạo trong văn học trung đại VN gồm các đặc điểm:

– Những truyền thống, nguyên tắc, đạo lý làm người, những cách đối xử trong các mối quan hệ trong cuộc sống.

– Khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc.

– Tấm lòng thương cảm với con người, đặc biệt là người phụ nữ và trẻ em.

  1. Nội dung bài thơ:

Bằng những từ ngữ thuần Việt, tạo dựng tình huống đặc biệt khi bạn đến chơi nhà rồi hạ chốt bằng một câu thơ, tác giả đã đề cao tình bạn đậm đà thắm thiết.

Luận điểm 1: Cảm xúc khi bạn đến chơi nhà. Bạn hiền gặp nhau ải chẳng vui và hạnh phúc, niềm vui ấy đã được gửi gắm qua một lời chào thân mật.

Đã bấy lâu nay bác tới nhà

–  Câu thơ như một lời chào hồ hởi thân mật vừa bộc lộ nỗi vui bất ngờ vừa tỏ ý trân trọng, quý mến bạn. Đã bấy lâu nay có nghĩa là một thời gian dài, một thời gian nhà thơ không gặp bạn, giờ đây có dịp gặp nhau làm sao mà không xúc động, không vui mừng cho được. Từ lúc cáo quan về vui sống với cảnh điền viên, ông chỉ biết lấy thiên nhiên làm bạn. Trái tim ông gửi trọn cho đất nước quê hương, nên tâm hồn luôn khắc khoải u hoài. Trong những giây phút ấy mà không ai không muốn có một người bạn để tâm sự, để an ủi. Cách xưng hô của tác giả với người bạn rất đặc biệt: “bác”. Cách gọi thân mật này khiến người đọc cảm tưởng như đây là lời đối thoại của nhà thơ với người bạn của mình. Tình nghĩa quý báu, nồng hậu toát lên trong từng câu chữ. Người bạn đó đã đến với ông – Còn nỗi vui mừng nào hơn. Chính nỗi vui mừng, bất chợt mà Nguyễn Khuyên đã thốt ra lời bông đùa với bạn một cách dí dỏm cho thoả lòng trông đợi.

Luận điểm 2: Hoàn cảnh tiếp đãi bạn

Trong buổi gặp gỡ “ngàn năm có một đó”, đôi bạn già là gặp phải hoàn cảnh hết sức éo le, khó xử. Nhà thơ muốn thết đãi người bạn một bữa thật thịnh soạn nhưng hoàn cảnh lại không cho phép.

Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,

– Tác giả đã xây dựng tình huống một cách rất hóm hỉnh, tươi vui và hoàn cảnh của mình: Nhà có rất nhiều thứ để thiết đãi bạn, thế nhưng “trẻ thời đi vắng”, người trẻ trong nhà không có ai để nhờ đi chợ; “chợ thời xa”, chợ quá xa nên không muốn để bạn ở nhà một mình. Không đi chợ được, tác giả bắt đầu tìm kiếm những món “cây nhà lá vườn” thì lại “không chài cá” vì ao sâu, nước lớn, “khó đuổi gà”, không thể bắt gà đãi bạn vì “vườn rộng rào thưa”. Đến ngay cả thực vật cũng là “cải chửa ra cây, cà mấy nụ/ Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa”, những món rau đạm bạc hàng ngày thì lại chưa thể thu hoạch vì mới chỉ gieo trồng cách đây không lâu. Thậm chí, khi tác giả muốn tiếp đãi ông bạn già bằng một miếng trầu, lấy “miếng trầu là đầu câu chuyện” nhưng cũng chẳng có. Người đọc có thể dễ dàng hình dung được hoàn cảnh thiếu thốn cũng như tình huống khó xử của nhà thơ. Bạn lâu ngày mới ghé thăm, bản thân rõ ràng có ý tốt muốn mời bạn ở lại dùng bữa, nhưng hoàn cảnh dường như không cho phép khi mọi thứ có thể chế biến được lại không có sẵn trong nhà. Tình huống vừa trớ trêu vừa hài hước, dở khóc dở cười được tác giả xây dựng khôi hài và hết sức tự nhiên.

Luận điểm 3: Tình bạn chân thành, cao cả.

Cái lúng túng, ngượng nghịu của tác giả lại trở thành sự chân thật, và trong hoàn cảnh khó xử đó, tình bạn chân thành, không vụ lợi được minh chứng một cách rõ nét.

Bác đến chơi đây, ta với ta

– Bao nhiêu nghèo thiếu, tũng quẫn, bao khó xử bỗng tan biến đi đâu hết để nhường chỗ cho tình bạn thân thiết, nồng ấm. Câu thơ như một lời mời, một lời trân trọng đáng quý bật thốt ra từ tận đáy lòng. Sau bao nhiêu danh vọng, chức quyền nơi triều đình xô bồ, hai người bạn từng cùng nhau trải qua biết bao gian nan lại có thể ngồi hàn huyên, tâm sự. Sơn hào hải vị, quyền cao chức trọng liệu có quý giá bằng hai tấm lòng chân thành, không toan tính này không? Nếu như cụm từ “ta với ta” trong “Qua đèo Ngang” của bà Huyện Thanh Quan thể hiện sự cô tịch, quạnh hiu thì “ta với ta” ở đây lại là sự tâm đầu ý hợp giữa hai người bạn. Không màng vật chất của cải, không cần đến cả miếng trầu cau nhỏ bé, tình cố nhân này mãi vẹn nguyên và trong sạch. Nhà thơ như tìm được tri âm, tri kỉ của mình, một người thấu hiểu tấm lòng, không màng vật chất, không nặng miếng ăn, không vì hoàn cảnh thiếu thốn của bạn mà ngượng ngùng, xa cách. Tác giả khéo léo lồng ghép bài học triết lý sâu sắc về tình người, tình đồng chí, tình bạn nồng thắm giữa hai cuộc đời dạn dày sương gió. Chỉ khi ta thiếu thốn nhất, khó khăn nhất mới có thể khẳng định, ai mới là bạn ta, ở cạnh động viên và an ủi ta trong cảnh khốn cùng.

– Đặc sắc nghệ thuật trước hết nằm ở thể thơ thất ngôn bát cú, lược bỏ những luật lệ hà khắc của thể thơ này, mang lại cảm giác hóm hỉnh, gần gũi. Viết về nông thôn, tác giả lựa chọn những từ ngữ cùng lối viết hết sức giản dị, những từ mang đậm màu sắc địa phương như “thời”, “chửa” đem lại sự thoải mái, mang tính chất khẩu ngữ. Hàng loạt những hình ảnh được liệt kê như “vườn rộng rào thưa”, “ao sâu nước cả”,… vừa có tác dụng trình bày những thiếu thốn vật chất, vừa mở ra trước mắt người đọc khung cảnh làng quê thanh bình, yên tĩnh, thích hợp cho những cuộc tâm tình chơi cờ thưởng trà ngắm trăng. Lời thơ giống như lời đối thoại trực tiếp hàng ngày tạo cho người đọc cảm giác như mình là người bạn của Nguyễn Khuyến, lắng nghe ông bạn già trình bày mà lòng vừa cười vừa thương, khơi gợi trong lòng độc giả sự suy nghĩ sâu cay về tình bạn chân thật, tình bạn đẹp là tình bạn không gì có thể đong đếm nổi.

  1. Tổng kết: Tác phẩm “Bạn đến chơi nhà” với nội dung khác lạ, mới mẻ, xây dựng tình huống vừa vui vẻ vừa triết lý cùng bút lực thần kì của nhà thơ đã khắc họa một bức tranh sinh động về một khoảng sân quê yên ả, một buổi chiều quê nhẹ nhàng, đằm thắm. Nơi đó có hai người bạn tuổi đã xế chiều, cay đắng sóng gió đã nếm đủ cả, giờ lại có thể gặp nhau tại mảnh đất quê hương bạn mình. Nguyễn Khuyến đã một lần nữa để lại cho kho tang văn học Việt một kiệt tác thơ cổ, nêu bật triết lý sống không toan tính, vụ lợi với bạn bè, sống bằng tấm lòng chân thật và trái tim biết yêu thương.

 

>>> Chuyên đề thơ trung đại giúp các em học sinh hiểu và cảm nhận được những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của một số bài thơ trung  đại Việt Nam: Nam quốc sơn hà, Tụng giá hoàn kinh sư, Bánh trôi nước, Qua đèo Ngang, Bạn đến chơi nhà. Nhận biết mối quan hệ giữa tình và cảnh: một vài đặc điểm thể loại của các bài thơ trữ tình trung đại.

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close