Cây viết mớiTác giả
Tác giả Kì Phong
Tác giả Kì Phong
Xuất hiện và khiến mọi người nhớ kĩ tên của mình trên Diễn đàn Văn học trẻ qua tác phẩm “Cà phê ông Sửu – chút vấn vương giữa lòng cố đô” (ký), tác giả Kì Phong đã đem tới cho bạn đọc của Văn học trẻ rất nhiều tác phẩm hay. Ngòi bút nội lực, câu từ sắc sảo, “cơn gió lạ” mang lại nguồn năng lượng lớn trong những tác phẩm của mình. Kì Phong đem tới những câu chuyện về những mảnh đời, những tăm tối trong xã hội, tình yêu mỏng manh như cánh bướm, dù chỉ thoáng qua nhưng nhức nhối, khắc sâu. Tài năng, chỉ có 1% được trời ban, 99% còn lại là đến từ nỗ lực của mỗi người, Kì Phong – người có thái độ nghiêm túc với công việc, khi viết ra mỗi tác phẩm, anh đều dành 100% tâm huyết của mình để tạo ra một tác phẩm hoàn hào nhất của bản thân anh. Đó cũng là thứ khiến “đối thủ” của anh phải nể phục, khiến tất cả những cây bút khác phải e dè, đồng thời cũng cuốn theo nguồn năng lượng ấy để bừng lên sức chiến đấu, tạo nên nhóm sáng tác năng nổ hơn và quyết tâm tiến bộ.
Thành tích nổi bật của Kì Phong trên Văn học trẻ: Đạt giải nhất tuần 3 cuộc thi viết chủ đề “Nhà” – cuộc thi viết chủ đạo mùa thu trên Văn học trẻ (“Cà phê ông Sửu, chút vấn vương giữa lòng cố đô”), nhất tuần 5 với “Bóng ma”, tuần 7 với “Tăm cá”, tuần 8 với “Cánh bướm nhỏ” và xếp hạng 3 chung cuộc với tác phẩm “Cà phê ông Sửu, chút vấn vương giữa lòng cố đô”. Trong cuộc thách đấu tác giả viết truyện ngắn vì môi trường, Kì Phong đứng hạng nhất với “Tiếng gầm giữa rừng xanh“, tạm thời dẫn đầu bảng xếp hạng tác giả của Văn học trẻ
Các tác phẩm khác: Chồi biếc, Ở bên mẹ bão giông hóa nắng vàng…
Nếu chỉ nhìn qua bề ngoài và những thành tích của Kì Phong sẽ khiến bạn nghĩ ngay tới Twisted Fate với chiếc áo choàng dài, mũ cao bồi kéo thấp che nửa khuôn mặt nhưng nụ cười tự tin và hành động thoắt ẩn thoắt hiện. Có một sự trùng hợp về vũ khí trong tay Kì Phong, ngòi bút của anh và những lá bài của Twisted Fate, khi đã tung chiều đều chuẩn xác, có mục đích, gây “choáng” mục tiêu mà anh nhắm tới. Nhưng, bằng sự nghiêm túc trong công việc và cuộc sống, chắc chắn Kì Phong giành được cả ngưỡng mộ và đôi chút ghen tị của mọi người, một người đáng tin, hiểu biết rộng và luôn biết đích xác việc đang làm.
Những điều kể trên chắc chắn làm các bạn tò mò về tác giả này rất nhiều, Văn học trẻ đã có một buổi phỏng vấn offline để tất cả chúng ta được biết thêm về anh và những bí quyết khiến Kì Phong “mài giũa vũ khí” viết lách.
Phỏng vấn tác giả Kì Phong
PC: Kì Phong có thể giới thiệu với Văn học trẻ và các bạn đọc thông tin về mình không?
– Mình tên Phạm Văn Lương, 28 tuổi. Nghề nghiệp: giáo viên, viết lách tự do
PC: Tại sao bạn lại lấy bút danh là Kì Phong? Có điều gì đặc biệt sau bút danh này không?
– Bút danh Kì Phong của mình ra đời từ một mẩu chuyện khá bất ngờ. Lần đấy, khi đọc tiểu thuyết “Thiên Long Bát Bộ” của Kim Dung, mình quá ấn tượng với nhân vật Tiêu Phong. Dũng mãnh, kiêu hùng, khí chất của một đại trượng phu đích thực. Ấy thế là mình chọn chữ Phong (cơn gió). Chữ Kì liên quan đến sở thích của mình. Mình thích và thú vị với những điều mới lạ, kì ảo hay thậm chí quái dị. Kết hợp lại thành bút danh Kì Phong (tạm hiểu là “gió kì lạ”).
PC: Kì Phong bắt đầu viết từ lúc nào? Có sự tác động (người dẫn dắt/ tác giả ảnh hưởng/ tác phẩm ảnh hưởng) nào không?Tác giả bạn yêu thích nhất là ai? Bạn đã học hỏi được điều gì từ ông/cô ấy?
– Mình bắt đầu viết lách từ năm nhất sinh viên lúc còn ngồi trên ghế giảng đường. Có hai thứ ảnh hưởng đến việc mình chọn viết lách làm người bạn thân thiết.
+ Một là, mình mê thể thao và nhất là bóng đá. Mình không muốn mỗi trận bóng trôi qua mà không để lại điều gì. Vậy nên, mình rất hay viết về bóng đá – từ trận đấu, chiến thuật đến nhân vật.
+ Hai là, lúc còn sinh viên, giảng viên của mình (có thể gọi là sư phụ) từng nói một câu trong giờ học. Câu đó là “Làm văn, viết văn cũng như kiếm pháp. Hạ thủ bất hoàn, kiên định và dứt khoát. Văn chương có thể mềm mại như nước, cũng có thể bùng cháy như ngọn lửa. Duy chỉ có điều, đã đặt bút xuống viết thì không bao giờ hối hận”. Từ đó, câu nói ấy là tôn chỉ của mình trong sự viết cho đến bây giờ.
– Tác giả mình yêu thích nhất có lẽ là J.K.Rowling (tác giả Harry Potter) và Conan Doyle (tác giả Sherlock Holmes). Mình thích sự sáng tạo, óc tưởng tượng siêu hạng của Rowling và tư duy logic, suy luận bậc thầy của Conan Doyle. Và có lẽ, đó cũng là những điều mà mình mong muốn học hỏi từ họ.
PC: Tác phẩm bạn thích nhất ? Có kỉ niệm nào đáng nhớ về nó? Có thông điệp gì qua tác phẩm đó không?
– Tác phẩm mình thích và ấn tượng nhất, đến lúc này có lẽ là “Bố già” của Mario Puzo.
– Kỉ niệm với cuốn sách này bắt đầu từ lần đọc thứ nhất, thời còn sinh viên. Mình mượn của thư viện trường nhưng làm mất và phải đền lại bằng tiền. Nhưng mình không bao giờ hối tiếc về điều đó.
– “Bố già” có rất nhiều thông điệp. Nhưng một trong những ý mình tâm đắc nhất trong cuốn sách, đó là câu nói của nhân vật Michael “Thật nguy hiểm khi trở thành người trung thực”.
PC: Cách bạn luyện tập viết lách? Kì Phong có viết hàng ngày không?
– Mình trau dồi, rèn luyện viết lách bằng cách đọc và suy nghĩ về mọi thứ. Đôi khi nó không theo một trật tự gì, chỉ đơn thuẩn đọc và suy nghĩ những thứ trong tầm tay, tầm mắt.
– Mình không viết hàng ngày, nhưng cũng khá thường xuyên.
PC: Cầm bút, bạn có mục đích nào không? Như phục vụ nhân sinh, quốc gia, dân tộc… Hay chỉ vì mình thích và viết ra những suy nghĩ riêng tư, gửi gắm quan điểm cá nhân?
– Mục đích cầm bút hiện tại của mình là được viết và diễn giải những suy nghĩ, quan điểm cá nhân trong thời điểm hiện tại. Mình chưa nghĩ đến những mục đích xa hơn.
PC: Bạn có ấp ủ gì về một tác phẩm “tầm cỡ” trong tương lai không?
– Có thể lắm, môt tiểu thuyết chẳng hạn. (chà, vậy là sắp tới chúng ta chờ đón một cuốn tiểu thuyết của Kì Phong, mọi người đều rất sẵn sàng để đọc rồi ^^ )
PC: Khi bạn viết truyện, bạn có lấy nguyên mẫu, sự kiện ngoài đời thực không? Chúng chiếm bao nhiêu %?
– Khi viết truyện, mình kết hợp giữa nguyên mẫu đời thực và sự hư cấu theo tỉ lệ 60:40. Phần lớn chất liệu trong truyện đến từ những điều mình biết, mình thấy và nghe được. Phần còn lại là sự gia công và pha trộn.
PC: Theo bạn, điều quan trọng nhất ở một tác phẩm văn học là gì?
– Với mình, có ba yếu tố quan trọng ở một tác phẩm văn học. Đó là: thông điệp, nghệ thuật sáng tác và sự chỉn chu của người cầm bút. Trong đó, thông điệp là trái tim. Nghệ thuật là bộ xương và sự chỉn chu của người cầm bút là mạch máu.
PC: Bạn thấy công việc viết lách có điểm trừ là gì?
– Theo mình, điểm trừ của việc viết lách nằm ở mức độ vận động cơ thể. Nói cách khác, chúng ta hầu như dùng tới bộ não trong phần lớn công việc. Sự thiếu vận động lâu ngày sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
PC: Lí do gì khiến bạn muốn gắn bó với Văn học trẻ? Và điều bạn mong đợi ở VHT sẽ làm tốt hơn?
– Mình gắn bó với Văn học Trẻ vì đây là một môi trường năng động, thân thiện và tiềm năng để các cây bút có thể kết nối, cùng nhau sáng tạo. Điều mình mong VHT sẽ làm tốt hơn nữa đó là mảng truyền thông trên Internet.
PC: Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện này, bạn có muốn nhắn gửi gì tới độc giả của Văn học trẻ không?
– Mình không hi vọng sẽ có nhiều độc giả. Nhưng nếu có thể, mình khuyên các bạn hãy đọc và viết nhiều hơn, đi tìm và khai phá những góc cạnh khác của bản thân nhé.
Cám ơn Kì Phong và cuộc trò chuyện thú vị này, mong rằng sẽ sớm được nhìn thấy tên của bạn trên kệ sách, cũng chúc bạn nhiều sức khỏe, nhiều an lạc và cùng gắn bó, đồng hành với VHT trong thời gian tới. Các bạn nếu muốn gửi câu hỏi tới tác giả Kì Phong, hãy để lại lời nhắn bên dưới nhé, VHT sẽ luôn đọc bình luận mỗi ngày và sẽ gửi những lới nhắn của các bạn tới Kì Phong.
Thực hiện phỏng vấn tác giả Kì Phong
- Phong Cầm thực hiện
1 thought on “Tác giả Kì Phong”