TRUYỆN NGẮN

Lơ lửng

Lơ lửng

Mọi thứ dưới này đều lơ lửng…

Câu nói của thằng hề ma quái Pennywise cứ ám ảnh trong đầu nó suốt từ tối hôm qua đến giờ. Ngoại trừ một vài cảnh hù dọa mang hơi hướng kinh dị, “IT” chỉ là trò trẻ con so với những bộ phim mà nó từng xem. Nhưng rốt cuộc, dù nghe hơi vô lý, câu nói về sự lơ lửng đó lại là chi tiết thú vị nhất.

Bi thức dậy với cảm giác ong ong khó chịu bên trong đầu. Đêm qua nó không ngủ được. Dán mắt vào màn hình máy tính, trang web mở ra hàng loạt tựa phim đủ thể loại. Harry Potter bị bỏ qua. Bộ ấy nó xem đã không biết bao nhiêu lần. Một siêu phẩm hành động của James Bond – cũng bị lướt qua nốt. Lăn con trỏ chuột xuống bên dưới, nhấp vào mục phim kinh dị, cu Bi xem liền tù tì hơn hai giờ đồng hồ câu chuyện về lũ trẻ con chống lại Pennywise – một thực thể được tạo nên từ nỗi sợ hãi của con người. Và khi tắt đèn đi ngủ, bên tai nó vẫn còn văng vẳng tiếng cười của gã hề. Chẳng sợ hãi chút nào. Hơi kích thích trí tưởng tượng trong giây lát rồi lại hòa lẫn vào bóng tối mịt mùng trong tâm trí. Văng vẳng đâu đây tiếng khúc khích ra chiều thích thú, Bi thầm nghĩ, hẳn là cô nhân tình mà bố dẫn về. Đã gần nửa năm nay, nó quá quen với cảnh người phụ nữ lạ mặt kia dần trở thành một phần của gia đình. Tất nhiên, Bi không bao giờ chấp nhận. Nó chỉ im lặng và nghe theo lời bố. Hôm đầu tiên, khi đang làm bài tập trong phòng, bố gọi nó ra phòng khách giới thiệu về người tình mới. Ông bảo, từ nay cô ấy sẽ sống với chúng ta. Bi chẳng nhiều lời, chỉ vâng dạ rồi quay gót vào phòng. Từ bấy đến nay, Bi chưa bao giờ hé răng nói chuyện với cô ta dù chỉ một lời. Hỏi đến thì nó đáp, không thì thôi. Với nó, ả chỉ là cái bóng vật vờ sống dựa vào sự giàu có của bố. Giấc ngủ cuối cùng cũng tìm đến Bi, kéo nó chìm vào hằng hà sa số kí ức. Nơi ngày xưa, bàn tay ấm áp của người mẹ quá cố vẫn hay ủi an, vỗ về mỗi khi nó gặp chuyện buồn.

Sáng thứ bảy, nắng chiếu thẳng qua rèm cửa soi rõ sự bừa bộn trong căn bếp. Nồi niêu chỏng chơ dưới vòi nước, bát đĩa dính đầy dầu mỡ. Nó không bận tâm, bước ngang qua chiếc bàn nhỏ rồi mở tủ lạnh. Hai lát bánh mì và một hộp sữa nhỏ, thế là xong bữa sáng. Dù sao thì, với khả năng đảm đang có hạn, một thằng con trai học lớp tám chẳng thể nấu ăn cho ra hồn. Bi liếc thấy tờ ghi chú ghim trên lò vi sóng. Hôm nào cũng vậy, bố rời nhà từ sớm và để lại lời nhắn – nếu có – ở nơi này.

“B bn gp đi tác, ti mi v. nhà thích gì c đt shipper.”

Nó chán nản. Hôm nào cũng có lí do để đi đến khuya. Nhiều hôm, ông về nhà với mùi nước hoa, mùi son phấn trộn lẫn mùi rượu nồng nặc trên cơ thể. Điều hành một công ty chuyên thiết kế và xây dựng công trình nổi tiếng cuả thành phố, bố nó chẳng bao giờ thiếu những cuộc hẹn mỗi ngày. Tất nhiên, cùng hàng tá cô gái chân dài xung quanh. Xé vụn mẩu giấy vứt vào sọt rác, nó lặng lẽ ra phòng khách rồi buông mình nằm dài trên sô pha.

Hay là gọi điện cho mấy đứa bạn đến chơi? Thôi. Toàn tụi nhạt như nước ốc, chỉ toàn buôn chuyện tầm phào, chém gió tung trời. Đặt grab mang đồ ăn đến nhỉ? Cũng chẳng biết thích ăn gì. Trà sữa, gà rán, mì cay hay sushi… nó ăn phát ớn quá rồi. Tính mở máy lên làm vài trận game, chọn đại vị tướng nào đấy trong Liên Minh Huyền Thoại – trò chơi trực tuyến đang thịnh hành – rồi chiến với người chơi khác. Nhưng rồi, sự buồn tẻ khó hiểu từ đâu lại xâm chiếm lấy Bi khiến nó không muốn nhấc mình dậy. Đầu thì nghĩ ra đủ trò nhưng cơ thể như chống lại, không chịu thực hiện mệnh lệnh của bộ não.

Hờ hững nhìn quanh, căn nhà giờ lạnh lẽo quá. Trống rỗng, im lặng giữa không gian toàn đồ nội thất đắt tiền. Chiếc đồng hồ tích tắc chậm rãi, từng chút một kéo thời gian đi lên những con số vô hồn. Hai chiếc bình cổ bố nó mua từ Hà Nội về nằm bất động trước… Nó quay mặt đi, không nhìn về hướng ấy. Mẹ ở đó, vẫn ở đó nhưng không còn nữa. Di ảnh trên ban thờ khiến lòng nó quặn thắt mỗi khi nhìn đến. Vài năm trước đây, khi nó học lớp bốn và bố cũng chưa bận rộn như lúc này, cả gia đình thường quây quần bên nhau mỗi cuối tuần. Đi uống cà phê, vào siêu thị mua sắm rồi về nhà nấu ăn. Nó không bao giờ quên món trứng cuộn của mẹ. Hương vị ấy cứ phảng phất trong tâm hồn mỗi khi Bi vô tình nhớ lại khoảng thời gian đã cũ. Bây giờ, tất cả đã không còn. Thời gian cứ thế trôi qua, nỗi buồn của nó bị hòa lẫn trở thành sự chán nản, tẻ nhạt với mọi thứ. Học tập cho xong nhiệm vụ, vui chơi giết thời gian, ăn uống tùy tiện, Bi mất hết hứng thú đối với cuộc sống hằng ngày.

Nhiều lúc, nó tự hỏi, tại sao bố có thể sống ngày này qua ngày khác với chuỗi công việc lặp lại như thế? Tại sao ông đi suốt để chưa một lần lật vở ghi chép xem con trai mình học tập như thế nào? Tại sao ông có thể vui cười với những người phụ nữ khác và dễ dàng quên đi hình bóng người vợ quá cố của mình? Bi không hiểu và cũng không muốn hiểu. Thế giới của người lớn thực sự ở quá xa so với tầm nhận định của nó. Mà có hề chi, ở trên thế giới này, biết đâu cũng có những đứa con trai khác đang rơi vào hoàn cảnh như nó.

Bi định sẽ ngủ một lát. Như thể sau khi thức dậy, hứng thú sẽ quay trở lại với nó. Dù sao thì bây giờ nó chẳng muốn làm bất cứ thứ gì, chỉ thích nằm như vậy. Giá như mãi mãi ở trạng thái thế này cũng tốt. Bi nhắm mắt lại, cảm thấy cơ thể trôi đi, tách ra khỏi suy nghĩ của nó và dường như không còn chút trọng lượng nào.

Dù sao thì, mọi thứ đều lơ lửng…

 

Tác giả Kì Phong

Xem thêm truyện ngắn hay cùng tác giả:

Truyện ngắn Lơ lửng - Kì Phong - Văn học trẻ Lơ lửng
Truyện ngắn Lơ lửng – Kì Phong – Văn học trẻ
Lời bàn truyện ngắn “Lơ lửng

Có một vấn đề rằng ở xã hội ngày càng hiện đại, người trẻ càng cảm thấy bớt hạnh phúc, lạc lõng hơn. Do đó, dẫn tới nhiều hành vi cực đoan hoặc dại dột hơn. Điều đó đến từ những gia đình không hạnh phúc, bố mẹ li hôn hoặc điều tương tự. Cậu bé trong câu chuyện bước vào trạng thái “lơ lửng”, sống giữa những điều không vui cũng chẳng buồn, nhưng chắc chắn chẳng phải là điều tích cực. Đó là câu chuyện về một cậu bé sống giữa căn nhà của mình nhưng lại dường như xa lạ, đầy đủ nhưng lại thiếu thốn, khát khao nhưng vô vọng…

Cái tên ban đầu là tác giả định đặt là “Đừng ở nhà một mình”, tại sao ư? Vì khi ở nhà một mình, ta có quá thứ suy nghĩ tiêu cực được gợi lên, những nỗi buồn từ trong sâu thẳm về người mẹ quá cố lại dội về khiến cho thực tại càng đáng ghét. Khi có mẹ, món trứng cuộn, hơi ấm, gia đình hạnh phúc khiến cho cậu bé dường như chìm trong đó chẳng muốn thoát ra.

Kì Phong đã dùng thực tại lẫn quá khứ, giữa thực và hư để thực hóa một trạng thái tâm lí hoặc chính là một cuộc sống có tên “lơ lửng ấy”. Sống hay không sống, hành động hay không hành động, cũng chẳng có gì khác biệt, dù gì cậu bé ấy trôi về phía đối trọng của niềm vui hay nỗi buồn còn có ý nghĩa hơn là lơ lửng thế này.

Lơ lửng có nghĩa là gì? Bạn có câu trả lời cho riêng mình không? Hãy để lại bình luận cho Văn học trẻ và tác giả Kì Phong được biết nhé.

Tags

Related Articles

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close