Bài văn hay THPTNGỮ VĂN 10
Cảm nhận 12 câu đầu của đoạn trích Trao duyên
Bài cảm nhận của học sinh giỏi về 12 câu đầu đoạn trích Trao duyên độc quyền trên diễn đàn Văn học trẻ sẽ giúp bạn thấy được những ý tưởng mới từ những câu thơ đã cũ
Cảm nhận 12 câu đầu của đoạn trích Trao duyên
Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày”
(Kính gửi cụ Nguyễn Du- Tố Hữu )
Tiếng thơ của Nguyễn Du không chỉ “vang động đất trời” mà còn vượt qua cả giới hạn của không gian, thời gian. Từng sống vào nửa cuối thế kỉ XVIII- đầu thế kỉ XIX, Nguyễn Du thấu cảm được tâm người và lòng người trong cái xã hội phong kiến đầy rẫy sự bất công mà đồng tiền mang lại quyền lực vô song. Thấu được, hiểu được nên xót xa. Xót đến từng câu chữ. Vì thế thơ ông viết lên như được lồng trong tiếng than ai oán đến xé lòng của những thân phận nhỏ bé trong xã hội phong kiến, nhất là số phận của những người phụ nữ. Cái giá trị của sự đồng cảm, sự thống khổ được thể hiện tiêu biểu qua thiên truyện Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều) với 15 năm lưu lạc của Kiều. Trong 3254 câu Kiều thì có lẽ đoạn trích Trao duyên bắt đầu từ câu 723-756 mang đến cho người đọc nhiều đau đáu nhất. Bởi nó khắc họa nên bi kịch tình yêu dang dở của mối duyên Kim Kiều son sắc, khắc họa nên nỗi đau tột cùng của nàng Kiều tơ liễu phải đắm mình trong những cơn vôi dữ của đời, khắc họa cả tâm hồn Nguyễn Du – một nhà văn của lòng nhân đạo. Người đọc như được đắm mình trong con suối của văn chương, như được say, được đau trong từng giọt thơ của ông qua 12 câu Kiều:
“Cậy em em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.
Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.
Sự đâu sóng gió bất kì,
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai?
Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ thay lời nước non.
Chin dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.”
Hoàn cảnh trao duyên mở ra khi Thúy Kiều đã bán mình và mai đây nàng phải theo Mã Giám Sinh để ra đi . Đêm ấy Kiều đã nhớ thương cho Kim Trọng vì mình bội tín. Rồi “Thúy Vân chợt tỉnh giấc xuân/Dưới đèn ghé đến ân cần hỏi han”. Khi ấy, Kiều đã nảy ra ý định nhờ em nối tiếp mối duyên dang dở. Nhan đề Trao duyên nghe sao thật đơn giản. Mới đọc chắc người nghe sẽ liên tưởng đến hình ảnh người con trai nói với người con gái những lời tự tình mật ngọt. Nhưng không, đó là hình ảnh nàng Kiều phải trao đi cái duyên tình yêu của mình cho người em gái Thúy Vân. Nói cái từ trao cũng chỉ để khoả lấp đi nỗi niềm đau đớn vì phải gửi gắm đi mối tình đầu nồng thắm. Duyên là cái số kiếp yêu đương của mỗi người, vậy sao lại có thể trao đi được? Chắc có lẽ vì lòng hiếu đạo của Kiều mà đến cả chữ duyên, chữ phận cũng từ vô hình mà trở nên hữu hình, trao từ tay người này qua người khác. Có lẽ lúc trao đi sợi duyên ấy cũng là lúc chính nàng đã gảy lên phím đàn bạc mệnh để bắt nhịp cho bản nhã nhạc đau thương của số phận, chính là lúc nàng khơi lên những con sóng bạc đầu chất chồng lên nhau rồi dồi dập cho con tim nàng vỡ vụn.
Tham khảo: Phân tích Trao duyên hay nhất Chuyên đề Truyện Kiều – Nguyễn Du nâng cao Bài phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích cho học sinh giỏi
Mở đầu cho câu chuyện trao duyên của Kiều cho Vân, Kiều đã dùng lời khấn cầu tha thiết khẩn khoản của mình để thuyết phục em:
“Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lay rồi sẽ thưa”.
Ở câu thơ đầu tiên, Thúy Kiều đã “cậy” Thúy Vân. Đó không đơn giản chỉ là nhờ mà đó còn là sự trông cậy, tin tưởng, đặt hết niềm tin, hi vọng vào em gái của mình, lẫn đâu đó còn là sự ủy thác , phó mặc cho Vân trách nhiệm se tiếp mối duyên ấy. Từ “cậy” được đặt lên đầu câu để diễn tả nỗi đau chua xót và hoàn cảnh khó nói. Ở đây nó còn là thanh nặng mang sắc thái nặng nề như để diễn tả sự ngập ngừng, nghẹn ngào ở nàng Kiều . Sau từ “cậy” ta lại thấy ấn tượng với từ “chịu” để tả thái độ Vân phải nhận lời một cách miễn cưỡng, bởi vì Vân nhận nó còn kèm theo cả sự thiệt thòi, dù muốn hay không thì Vân cũng vì thương vì nể chị mà nhận lời khẩn cầu. “Chịu” vâng theo cái mối tơ duyên của chị để một đời xuân sắc phải đắm trong cái cảnh ái ân lạc lẽo. Có đại ý cho rằng: “làm thơ là cân một nghìn miligram quặng chữ”, quả là không ngoa khi Nguyễn Du đã dùng những từ rất đắc, rất tinh tế và khéo léo. Đến đây, chúng ta lại bắt gặp một hình ảnh phi lí khi Thúy Kiều phải “lạy rồi sẽ thưa” Thúy Vân . Chẳng phải đây là hành động của bậc bề dưới đối với bề trên sao? Nhưng sao ở đây chị lại phải lạy em của mình. Điều này sẽ trở nên hợp lí đối với sự sắc sảo trong từng hành động của Kiều hay còn là sự tài tình của Nguyễn Du. Vì Kiều thấy rằng lúc này đây mình là kẻ mang ơn, nên đã “lạy” trước bậc ân nhân đã ban ơn cho mình. Người sẽ giúp mình giữ thay cái nghĩa trăm năm. Và ở đây chúng ta cũng bắt gặp được sự thông minh của nàng Kiều khi biết rằng nếu muốn thuyết phục được Vân thì mình phải cầu khẩn một cách tử tế, nhưng lại thiết tha, chân thành và tạo tính hệ trọng cho điều mà Kiều sắp nói. Đó cũng chính hành động trân trọng, đề cao cái tình yêu trời ban ấy của mình. Càng đọc lên sao ta nghe như những vầng thơ đang vỡ vụn ra rồi cứa vào da thịt ta một niềm đau da diết. Chỉ qua hai câu đầu nhưng dưới ngòi bút của tác giả Nguyễn Du vô cùng sâu sắc nên từng câu từng chữ sao lại nhuốm màu chua chát, đắng cay quá đỗi.
Sau khi dùng những từ ngữ, hành động tinh tế, Kiều lại tiếp tục thuyết phục Vân nối mối duyên cùng chàng Kim:
“Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chấp mối tơ thừa mặc em”
Mối duyên trời se đang suôn sẻ nhưng rồi lại đứt gãy, chia lìa đôi lứa. Điều đó được thể hiện sâu sắc qua câu thành ngữ “giữa đường đứt gánh tương tư” để nói lên số mệnh của mối tình ấy đang đẹp đẽ tựa ngàn hoa nhưng rồi lại chia lì đôi ngã. Tất cả nỗi niềm, tất cả sự chua xót đều lắng đọng lại trong câu thành ngữ ấy một cách nặng nề, chắc nịch. Rồi kéo theo cái gánh tương tư – là sự nhớ nhung, bồn chồn, mật ngọt của hương vị yêu đương cũng đứt đi. Cái “gánh tương tư” ấy là cả tình xuân của chị, là chứa cả cái tình yêu đang độ xuân thì. Đẹp thế ấy, chị trân quý đến mức ngày đêm đều gửi hồn yêu mình vào ấy. Nhưng giờ đây khi chị đã “trao” nó cho em rồi thì với em đó chỉ là một “mối tơ thừa”. Chỉ đơn điệu là mảnh tình thừa thãi phải dùng điển tích “keo loan” nhờ máu chim loan mà chấp vá. “Mặc em” ở đây không phải là mặc kệ, không quan tâm nhưng nó là tự tin tưởng, vừa có ý ép buộc và vừa có ý mong muốn. Đại thi hào đã sử dụng đến điển cố, điển tích, thành ngữ và lối tu từ ẩn dụ sâu sắc. Tất cả cùng phối hợp ăn ý để khi người đọc chỉ đưa mắt qua một lần nhưng lại để lại ấn tượng khó phai.
Tiếp theo lời nhờ cậy thì đó là những lời trải lòng về những kỉ niệm của mình và chàng Kim với Vân. Nhưng sao không nghe ngọt ngào mà lại xót xa, nghẹn ngào đến ứa lệ:
“Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề”.
Kiều thổ lộ rằng, từ ngày gặp được chàng Kim lòng mình chẳng bao giờ mà không nhớ nhung, xao xuyến. Dè chừng như mối duyên tình sẽ đi mãi vào huyền thoại. Qua cách kể của Nguyễn Du, cách dùng điệp từ “khi” khéo léo đến ba lần để diễn tả sự đổ vỡ, nghe sao nức nở, nghẹn ngào quá, giá buốt cả hồn xuân. Bởi vì lúc này đây Kiều đang đứng trên chuyến đò quay về kí ức để thấy được những kỉ niệm đẹp đẽ của dạo đầu tình yêu. “Kể từ khi gặp chàng Kim”, nàng Kiều đã biết con tim mình đã mãi thuộc về chàng. “Khi ngày” thì trao quạt để thề ước trọn vẹn nghĩa phu thê. “Khi đêm” thì Nguyễn Du đã ban cho Kiều đặc ân, được quyền “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” để uống chén rượu thề nguyện, để giao ước mối tơ lòng thẫm đẫm vầng trăng. Nhưng sao giờ đây nghe đau thương quá. Cái trình tự ngày – đêm chỉ được Kiều kể lại vắn tắt, vì nàng không muốn mình mãi bi lụy, mãi luyến tình, cuồng si để rồi không dứt ra được, và trình tự ấy cũng được Nguyễn Du sử dụng rất đặc sắc để minh chứng cho tình yêu nàng Kiều luôn sắc son chung thủy,dù ngày hay đêm thì Kiều vẫn luôn hướng về Kim Trọng. Bên cạnh việc sử dụng điệp từ, từng tiếng thơ biểu cảm cất lên sao mặn đắng như xát muối vào tim người đọc. Khiến họ muốn đau giùm Kiều, muốn chia sẻ nỗi đau cho người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng cái tình duyên lận đận héo úa theo kiếp hoa tự bao giờ.
Những hình ảnh tình yêu đẹp đẽ đến thế ấy nhưng mối thiên duyên lại vỡ lỡ bởi tình thế truân chuyên của nàng Kiều lúc bấy giờ:
“Sự đâu sóng gió bất kì
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai”.
Cả Thúy Kiều và Kim Trọng vẫn còn say sưa trong men tình nồng say. Để cho “sự đâu” mà những khó khăn trắc trở đẩy đưa. Ở đây, Nguyễn Du đã sử dụng từ “sóng gió” để gợi đến sự việc gia đình Kiều bị thằng bán tơ vu oan nên nàng phải bán mình để chuộc cha và em. Nhưng cũng vì cái đạo làm con, vì Kiều đã được đọc qua những sách Nho giáo, nên nàng đành phải chọn bán mình để cứu cha và em vì cái “nghĩa tử là nghĩa tận”, vì mình là phận làm con nên phải khắc ghi “chín chữ cao sâu”. Thế nên đành nuốt lệ hồng nhan, ngàn lời lỗi hẹn nghĩa trăm năm với người mình yêu mà chua xót trao sợi chỉ hồng cho Thúy Vân để “hai bề vẹn hai”. Đó cũng là cái cớ để Kiều trao duyên cho Vân . Bằng giọng văn nghẹn ngào, Nguyễn Du đã rất thành công khi miêu tả tâm trạng nàng Kiều một cách chân thật, khiến người đọc cũng cảm nhận được cung sầu muôn điệu gảy lên khúc đau thương. Chắc bởi Nguyễn Du chính là người cảm nhận được sự chua chát, đắng cay ấy và cả sự khó xử khi lựa chọn giữa chữ hiếu và tình, nên mới dùng nét bút lời văn dệt nên một nàng Kiều đa sầu đa cảm đến như thế. Hành động trao duyên ấy khiến người đọc rất ngưỡng mộ nàng Kiều khi nàng đã vì chữ hiếu mà ngăn đi nhịp đập của con tim. Bên cạnh đó cũng là tinh thần nhân đạo của tác giả, ông như muốn đay nghiến và lên án cái xã hội phong kiến đầy rẫy những bất công khi cả “hiếu” và “tình” đều là những giá trị tinh thần không thể thiếu nhưng cái số kiếp lại muốn giễu cợt với người phụ nữ mà bắt họ phải đặt lên bàn cân để lựa chọn. Và cũng ca ngợi cái đức hi sinh cao cả, phù hợp với đạo làm người của Thúy Kiều.
Vì cái “sóng gió bất kì” thế ấy, vì cái nghịch cảnh éo le thế ấy nên Kiều lại tiếp tục ra sức thuyết phục Vân bằng cả lí lẫn tình bằng những câu từ tê đắng cả hồn xuân:
“Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.”
Từ “ngày xuân” được nhắc ở đầu câu để ẩn dụ cho thanh xuân, tuổi trẻ của Thúy Vân “còn dài” nên em hãy “xót tình máu mủ” để nói giùm lời thề non hẹn biển của chị với Kim Trọng. Tất cả sự đau đớn, chua chát của nàng Kiều lúc bấy giờ như thu hết vào từ “xót”. “Xót” bởi vì xét về tình, cả Kiều và Vân đều “xuân xanh xấp xỉ tới tuần cặp kê” thế nhưng sao Kiều chỉ nhắc đến tuổi xuân của Vân, còn cái xuân sắc của nàng phải chăng đã đắm mãi ngàn thu trong cái biển mênh mang của nỗi buồn. Và nếu Vân cũng vì chữ xót ấy, vì cái “máu chảy ruột mềm” mà khơi lên ở Vân cái lòng vị tha và đức hi sinh cao quý. Cả đoạn thơ đều sử dụng những từ ngữ , lời lẽ kín đáo , vẹn tình . Bằng sự khéo léo của mình Kiều đã thuyết phục Vân bằng những lí do hết sức thấu tình, đạt lí. Thứ nhất, cả hai chị em đều không hơn nhau về tuổi tác. Thứ hai, Kiều đã nhờ Vân một điều mà chẳng ai nhờ vả bao giờ. Thứ ba, đã khó nhờ, khó nhận thì chỉ có tình chị em mới dễ dàng thông cảm cho nhau. Sau khi thuyết phục em xong, Kiều đã vội nghĩ tới cái chết bằng những thành ngữ “thịt nát xương mòn”,”ngậm cười chín suối” để diễn tả sự mãn nguyện của mình- nếu em nhận lời để se tiếp mối duyên ấy cùng chàng Kim thì cho dù phải chết Kiều cũng cam lòng . Nói là mãn nguyện nhưng những thành ngữ ấy lại mang sắc thái đau thương nặng nề, như những cơn thác lũ oan nghiệt của số phận muốn cuốn trôi đi một phận hoa sắc của người con gái đầu lòng nhà họ Vương . Bằng những thành ngữ, hình ảnh ẩn dụ gợi hình sâu sắc và với giọng thơ trầm lắng , Nguyễn Du đã khiến người đọc nghe được, thấu được từng tiếng than khóc của số phận thốt lên từ những hồn thơ của tác giả. Cả đoạn thơ cùng nói lên sự đau đớn khôn nguôi của một nàng Kiều mang kiếp đa truân , bạc mệnh nhưng lại vô cùng thông minh , khéo léo.
Dưới ngòi bút của một thiên tài – của một Nguyễn Du với tinh thần nhân đạo cao cả, 12 câu thơ đầu cũng như cả đoạn trích “Trao duyên” nói riêng và cả Truyện Kiều nói chung đã thật sự là tiếng lòng thương cảm, xót xa cho nàng Kiều “xuân sắc đa truân”, “tài hoa bạc mệnh” cũng như những người phụ nữ trong xã hội phong kiến. “Nguyễn Du viết Truyện Kiều như có máu rỏ trên đầu ngọn bút, nước mắt thấm qua tờ giấy”, vì lẽ đó nên thơ ông là thực tại quyện đầy trong nước mắt. Qua đó, Nguyễn Du còn tố cáo cái xã hội phong kiến với đầy rẫy những bất công trói buộc những kiếp người nhỏ bé, là tiếng nói hiện thực và nhân đạo sâu sắc, góp phần lật đổ những lễ nghi của thành trì phong kiến. Bằng cách sử dụng thể thơ lục bát mềm mại, uyển chuyển, từ ngữ khéo léo, điển cố, cách ngắt nhịp biến thể,… đại thi hào dân tộc đã hoạ nên một nàng Kiều dù đang vùi mình trong những nỗi đau nhưng vẫn thấu hiểu, hi sinh vì người khác. Đó cũng chính là nét đẹp tài – đức của người phụ nữ Việt Nam.
Tóm lại, 12 câu thơ đầu và cả đoạn trích “Trao duyên” đã thật sự là tiếng lòng thống thiết, bi ai của nàng Kiều đang đắm mình trong bi kịch của tình yêu tan vỡ. Là tiếng lòng chung của những phận nhi nữ nhỏ bé. Lời thơ như những tiếng khóc, những tiếng thở dài, là âm thanh cô lẻ, đơn điệu của những giọt nước mắt của những kiếp người bất hạnh. Thế nên thơ của Nguyễn Du luôn là sức sống, là nhịp thở. Đó cũng chính là cách mà thơ của ông không bao giờ băng hoại theo thời gian. Thật đúng như Bê-lin-xki đã nói: “thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”. Và nếu như không có một thiên tài văn học Nguyễn Du thì liệu tiếng nói nhân đạo có đủ sức lật đổ những hủ tục phong kiến? Liệu đến giờ sẽ có bao nhiêu người phụ nữ còn sắc se trong nỗi buồn thiên thu?
Tác giả bài viết: Đặng Văn Hường – Lớp: 11A2 – Trường THPT Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận – CTV Văn học trẻ
Một số bài viết nổi bật của cùng tác giả Đặng Văn Hường:
Đặng Văn Hường dù còn ở tuổi rất trẻ nhưng rất có thiên phú trong văn học. Tác giả trẻ có nhiều bài tản văn, thơ đầy tình tự trước đó, bài Cảm nhận 12 câu đầu của đoạn trích Trao duyên là một bài viết cảm nhận văn học có nhiều cảm xúc chân thực, mới mẻ trên những vần thơ đã cũ của Hường.
Ok