TRUYỆN NGẮN

Sương gió cõi người

Sương gió cõi người

Những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, nằm trên chiếc giường đã nằm quá nửa đời người kê gọn vào một góc của chái nhà, bà chỉ mong cái chết đến với mình, càng nhanh càng tốt.

Thuốc giảm đau dạng viên đắng nghét trôi từ vòm miệng xuống cuống họng, mắc kẹt ở một chỗ nào đó trên đường xuống dạ dày. Bà cố sức nuốt nước bọt, nhưng nước bọt làm sao có thể làm thuốc trôi xuống được. Bà lại lồm cồm nhổm dậy, sát mép giường có sẵn một lưng cốc nước với cái ống hút. Bà ngậm ống hút, hút từng ngụm nước nhỏ, cố ngậm trong miệng nhưng vẫn vãi ra ngoài không ít. Một lúc lâu sau mới đủ nước để nuốt trôi viên thuốc.

Mà cơn đau tối ngày hành hạ bà vẫn không hề giảm. Và cổ họng lúc nào cũng có cảm giác vương vướng như viên thuốc vẫn còn mắc lại ở đâu đó.

Cả cuộc đời bà tất tả ngược xuôi, nuôi em, nuôi con, rồi chăm cháu, đến tuổi lẽ ra phải con cháu vui vầy, bà chưa từng nghĩ rằng mình lại phải sống trong đớn đau như thế.

Bà được sinh ra vào đâu đó những năm bốn mươi của thế kỉ trước, cái thời kì mà ngoài đường ma đói nhiều hơn người còn sống. Bố của bà bỏ nhà bỏ cửa, bỏ vợ con côi cút, bỏ đi biệt tích. May sao, bà cụ mẹ của bà, dặt dẹo chắt bóp, cũng đủ nuôi hai miệng ăn một lớn một bé. Tuy rằng cô bé con của năm ấy cứ ốm lên ốm xuống, mấy lần tưởng không cứu nổi.

Giống như cây cỏ dại, bà sống sót qua nạn đói khốc liệt nhất của lịch sử nước nhà, sống sót qua tuổi thơ cơ cực. Sống tới khi mẹ bà bế con gái trên tay, cầm theo một cái nón mê, sang thêm một lần đò.

Bà cụ ở với người chồng thứ hai, tằng tằng sinh thêm ba cậu con trai nữa. Rồi bố dượng mất, bà vừa phải tất tả bán buôn với mẹ, vừa phải lo cho ba thằng em trai cùng mẹ khác cha, thằng chưa dứt sữa, thằng tới tuổi đến trường. Mà đời bà nào có biết cái mùi đến trường như thế nào đâu, lớp bình dân học vụ chỉ dạy cho bà viết được ba chữ cái ghép lại thành tên mình. Nhưng em bà muốn đi học, cả nhà bà cắn răng vét gạo vét ngô cho em đi học.

Khi bà lên mười lăm mười sáu tuổi, một cơn bệnh nặng suýt nữa lấy mạng bà. Nhưng bà không chết, bà chỉ què một chân, hỏng một mắt. Người ta bảo vía của bà cứng lắm, đến nạn đói còn chẳng làm bà mất mạng thì mấy cái cơn bệnh xoàng xĩnh còn khuya mới làm bà “đi” được.

Bà cũng tin như thế. Bệnh vừa khỏi, bà lại chân thấp chân cao gánh hàng vào làng đổi gạo, gánh gạo từ trong làng ra ngoài bán. Ngày nào cũng như ngày nào, bà dậy từ khi trời còn chưa sáng, quảy quang gánh đã sắp sẵn từ tối hôm trước lên vai, chân đất lội qua mấy chục cây số đường rừng. Không biết bao nhiêu lần đá núi và gai nhọn cào xước xát chân tay, cũng không ai đếm nổi bao nhiêu giọt mồ hôi đã đổ xuống trên con đường mòn ít người qua lại.

Cứ thế qua mười mấy năm ròng. Em trai bà học xong mười năm phổ thông thì nhất quyết đòi ra khỏi lũy tre làng. Quang gánh oằn trên vai người mẹ và người chị, cả nhà đành ngậm ngùi ăn sắn ăn khoai để cho cậu cả ăn học nên người.

Rồi một ngày kia, trời vừa xâm xẩm tối, bà đặt quang gánh xuống hè, còn chưa kịp nghỉ ngơi, đã thấy mấy chị em trong xóm đi qua đầu ngõ gọi với vào: “Sắp được ăn kẹo rồi, sướng nhá!” Thì ra, bà cụ già vẫn chưa quên con lớn nhà mình là con gái, mà con gái thì sớm muộn cũng phải gả cho người.

Năm ba mươi tuổi, bà về làm vợ một người đàn ông hiền lành chịu khó, phải cái hay ốm vặt. Nghe đâu quê ông ở tuốt Hà Tây, một mình nên vùng núi khai hoang, anh em họ hàng đều đã mất cả. Những năm loạn lạc, đói kém, thiếu gì nhà tan cửa nát. Bà tin ông, tin người đàn ông duy nhất không chê bà vừa què vừa chột mà đến nhà hỏi cưới.

Hai ông bà ở với nhau, sinh được một cô con gái. Những tưởng cuộc sống từ đây yên ấm, thì ông lại bỏ bà mà đi sang thế giới bên kia. Vội vàng, gấp gáp, và chóng vánh, như ngày ông đến hỏi cưới bà. Đứa con còn đỏ hỏn, cuối cùng chỉ một tay bà nuôi nấng.

Mười lăm mười sáu tuổi, con gái bà đương độ xuân thì mơn mởn đòi đi lấy chồng. Mà anh chồng đâu giàu có gì cho cam. Cũng bố mất sớm, nhà nghèo nhất nhì vùng, còn đèo bòng thêm mấy đứa em đang ăn học. Bà phản đối, nhưng tiếng phản đối của bà lại quá yếu ớt so với tình yêu bồng bột thời trẻ dại của đứa con. Lâu dần, thấy anh con rể tương lai thật thà, chăm chỉ, bà cũng xuôi xuôi, gật đầu cho cưới.

Có lẽ cái số nhà bà không được vượng phu. Bố dượng của bà chết trẻ, chồng bà chết trẻ, rồi con rể bà cũng thế. Qua sáu bảy chục năm cuộc đời, nếp nhăn hằn trên khóe mắt, bà ngoảnh đầu nhìn lại, cuối cùng nhà chỉ rặt đàn bà con gái với nhau.

Ông trời không cho ai tất cả, được cái này thì mất cái kia. Nhưng hình như lúc ông trời tạo ra số kiếp của bà, lại chỉ cho toàn là dãi dầu sương gió. Sức khỏe của bà càng ngày càng yếu, bệnh nặng bệnh nhẹ liên miên, cứ trái gió trở trời là toàn thân đau nhức. Nhưng bà sợ đi bệnh viện, vừa sợ tốn tiền vừa sợ biết mình có bệnh, giống như là cứ cắn răng nhịn đau ở nhà thì bà sẽ vĩnh viễn không có bệnh tật gì.

Nên cơn bệnh nặng cuối cùng quật ngã cây cỏ dại đã kiên cường bám trên đá núi hơn bảy mươi năm ròng, mới nghiệt ngã và đớn đau như thế. Toàn thân bà không còn sức lực, chỉ có da bọc xương, cả ngày đau đáu nhìn ra cái cửa sáng lóa của chái nhà. Bà chờ con bà đi làm về, hoặc là chồng bà cưỡi gió đạp mây đến đón.

Sương gió trút xuống đời bà dừng lại vào một ngày nắng đẹp. Cõi người không còn dung chứa, bà đến với cuộc đời bằng đôi chân trần với hai bàn tay trắng, ra đi cũng chẳng để lại chút gì.

Tiếng thở dài tan vào thinh không trầm lặng, lại một cuộc đời vùi xuống đất sâu.

 

Tác giả Nguyên

Xem thêm truyện ngắn hay cùng tác giả

Sương gió cõi người - Truyện ngắn hay Văn học trẻ Sương gió cõi người
Sương gió cõi người – Truyện ngắn hay Văn học trẻ

Lời bàn của BTV về truyện ngắn “Sương gió cõi người”

Cái tên “Sương gió cõi người” cũng đã đủ gợi lên trong ta về một cuộc đời đầy sương gió, truân chuyên trong cõi trần. Câu chuyện mà tác giả Nguyên gửi tới là về một người đàn bà số khổ, không được nhắc tới tên cũng chẳng hề có cuộc hội thoại nào ở đây cả. Một câu chuyện- một đời người. Từ lúc sinh ra đúng vào năm đói, tới khi theo mẹ lấy chồng, dượng mất, chồng mất, con rể đều mất sớm cứ như một lời nguyền với ba đời mẹ con người đàn bà ấy. Người phụ nữ ấy, giống mẹ của bà, và có lẽ cả người con gái cũng sẽ như vậy, đều kiên cường như cây cỏ dại mà vượt qua cả một đời. Để rồi cuối đời, nằm trên giường bệnh chỉ mong một ngày sớm “đi”.

Nguyên thường có giọng văn rất tỉnh, bạn đọc sẽ không bị kéo theo những cảm xúc mà tác giả dẫn dắt, chỉ còn một câu chuyện ở đó để tự bạn đọc ngẫm nghĩ, phán xét tốt xấu, phán xét những sự việc xảy ra để rồi thở dài, thương xót hoặc ngẫm nghĩ. Người đàn bà trong truyện cũng vậy, cuộc đời bà có vẻ buồn từ đầu tới cuối, xong chúng ta lại không rơi giọt nước mắt nào, chỉ là đọc tới kết thúc, một nỗi não nề, thương cảm xâm chiếm lấy tâm hồn bạn. Người đàn bà ấy, cuộc đời sương gió ấy, biết đâu đã có những hạnh phúc ngắn ngủi. Dù toàn những điều tồi tệ xảy ra, nhưng người đàn bà ấy đã cố sức vươn lên, quật cường và mạnh mẽ. Bạn cho rằng cuộc đời đó là một cuộc đời đáng buồn, không đáng sống hay là một cuộc đời đáng ngẫm, đáng nể? Tất cả là tùy bạn đọc.

Sương gió cõi người” – bạn nghĩ sao về truyện ngắn này, hãy cho Văn học trẻ được biết ở dưới phần bình luận nhé

Tags
Show More

Related Articles

1 thought on “Sương gió cõi người”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close